Đọc & mách

Vắc-xin cho Covid-19: 18 tháng có đủ không?

18 tháng với ta là dài, nhưng với những người sản xuất vắc-xin, đó chỉ là một cái chớp mắt. 18 tháng là thời hạn mà Chính phủ Mỹ đặt ra phải có được vắc-xin cho đại dịch Covid-19. Một số cây đa cây đề trong lĩnh vực này cho rằng thế là quá nhanh và khá nguy hiểm.
Minh họa: LÊ TRÍ DŨNG
Minh họa: LÊ TRÍ DŨNG

Con số 18 ấy đã chạy rần rần nóng sốt trên các báo đài từ hồi tháng 3-2020, khi tại một cuộc họp với những người đứng đầu ngành dược, Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh “ba đến bốn tháng tới” vắc-xin phải đâu đó sẵn sàng rồi. Tại cuộc họp ấy, trước máy quay tua tủa, tiến sĩ Anthony Fauci, người đứng đầu Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia (NIAID), đã dội một gáo nước lạnh vào sự phỏng đoán của Tổng thống Trump: ông nói sẽ phải mất một năm đến một năm rưỡi may ra mới có.

Thế nhưng các chuyên gia về vắc-xin vẫn tỏ ra nghi ngại. “Tony Fauci bảo từ một năm tới 18 tháng, tôi cho rằng thế có hơi lạc quan,” tiến sĩ Peter Hotez của Đại học Y khoa Baylor nói; ông là chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm và điều chế vắc-xin.

Tiến sĩ Paul Offit, nhà đồng sáng chế vắc-xin rotavirus rất thành công ngày ấy, có thẳng thừng hơn: “Khi ông Fauci bảo 12 tới 18 tháng, tôi nghĩ lạc quan như thế thật nực cười. Mà tôi chắc là ông ấy cũng biết vậy.”

Vào ngày 16-3, hai tuần sau khi đưa ra mốc 18 tháng trên, cuộc thử nghiệm lâm sàng cho vắc-xin ngừa Covid-19 do chính phủ tài trợ đã được tiến hành ở Viện Kaiser Permanente Washington, Seattle. Chín ngày sau, một cuộc thử nghiệm với quy mô mở rộng đã diễn ra tại Đại học Emory, Atlanta. Tốc độ ấy, theo lời tiến sĩ Fauci, là “nhanh kỷ lục”.

Thường các thử nghiệm vắc-xin bắt đầu trên động vật trước rồi mới bước vào quy trình ba giai đoạn. Giai đoạn đầu là tiêm vắc-xin cho một nhóm nhỏ để xem độ an toàn và đáp ứng miễn dịch của họ. Giai đoạn hai đông người tham gia hơn, và nếu kết quả có hứa hẹn, thử nghiệm mới bước tiếp sang giai đoạn ba, với nhiều nghìn người tham gia, để kiểm tra hiệu quả và độ an toàn.

Nhưng với tình thế quá khẩn cấp như hiện nay, các thử nghiệm lâm sàng tại Seattle và Atlanta đành phải tiến hành song song trên thú và người, thay vì tuần tự.

NHỮNG LẦN THẤT BẠI

Một chuyên gia lo rằng việc rút ngắn thời gian như thế có thể lợi bất cập hại. “Hãy nhớ rằng, bạn rồi sẽ tiêm vắc-xin cho người khỏe mạnh, tức những người thường ra sẽ không chết vì nhiễm bệnh này. Nên bạn phải chắc chắn mình tuân thủ nguyên tắc cao nhất về an toàn”.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước lượng mỗi năm vắc-xin cứu sống hai đến ba triệu mạng người. Nhưng lịch sử vắc-xin cũng từng lốm đốm vài thất bại, đôi khi rất nặng.

Vào những năm 1960, một thử nghiệm vắc-xin phòng RSV bệnh hô hấp thất bại, khiến nhiều trẻ nhiễm bệnh và triệu chứng đâm nặng hơn bình thường, thậm chí có hai trẻ tử vong.

Hay như năm 1976, trước một chủng cúm mới bùng phát và bị cho là rất nguy hiểm, Tổng thống Mỹ Gerald Ford đã phớt lờ cảnh báo “nên chờ đã” của WHO, thề sẽ tiêm chủng cho “từng nam giới, phụ nữ, và trẻ con trên đất nước Hoa Kỳ.” Sau khi 45 triệu người được tiêm chủng mới phát hiện ra dịch cúm ấy chỉ nhẹ thôi, nhưng tệ nhất là có một tỷ lệ khá cao (450 người) về sau mắc chứng liệt Guillain-Barré. Ít nhất 30 người đã tử vong. Khi phát hiện ra, chương trình chủng ngừa này đã phải chấm dứt vào cuối năm 1976, kéo theo hàng loạt vụ kiện chính quyền liên bang.

Năm 2017, một chiến dịch vội vã do chính WHO bảo lãnh, định tiêm chủng gần một triệu trẻ em tại Philippines để phòng sốt xuất huyết, đã phải dừng lại vì không an toàn. Chính phủ Philippines đã truy tố 14 quan chức vì cho triển khai chương trình vội vã, dẫn tới cái chết của 10 em bé sau chủng ngừa vắc-xin này.

Giáo sư Keymanthri Moodley của Đại học Stellenbosch (Nam Phi), nói cố tăng tốc dễ đưa đến không thành công, và một vắc-xin thất bại sẽ làm ảnh hưởng tới các chương trình tiêm chủng khác đã có. Ông nói, “Nó sẽ làm cho phong trào chống tiêm chủng thêm mạnh, và khiến nhiều bố mẹ chùn bước không chịu cho con đi tiêm chủng các vắc-xin an toàn khác”.

THEO LỐI THƯỜNG PHẢI MẤT BAO LÂU?

Theo tiến sĩ Emily Erbelding của Viện Sức khỏe Quốc gia Mỹ, để làm ra một vắc-xin thường mất khoảng tám đến mười năm. Theo bà, cần một năm để theo dõi cẩn thận độ an toàn và đáp ứng miễn dịch sau đó ở các tình nguyện viên.

Năm 2006, vắc-xin ngừa rotavirus (gây tiêu chảy nặng ở trẻ sơ sinh) đã chặn được căn bệnh một cách ngoạn mục. Để làm ra được vắc-xin này, người ta phải mất 26 năm, riêng giai đoạn thử đã mất 16 năm.

Hồi những năm 1960, khi các luật lệ còn tương đối lỏng lẻo, vắc-xin sởi và quai bị cũng phải mất bốn năm mới được chấp thuận.

Lại có trường hợp một vắc-xin chậm ra mắt do quân chúng thiếu quan tâm. Như dịch SARS bùng phát năm 2003, nhưng mãi đến 2016 một vắc-xin mới được đưa vào thử nghiệm. “Nó tốt thật sự: an toàn, bảo vệ tốt, nhưng vấn đề là chúng tôi không xin được tiền,” Hotez, trưởng nhóm nghiên cứu nói với CNN.

MỘT KỸ THUẬT MỚI HOÀN TOÀN

Trước sự nôn nóng của nhiều người, tiến sĩ Mike Ryan của WHO giải thích, “Nhiều người hỏi, sao lại phải test vắc-xin? Sao không làm ra luôn rồi cho người ta dùng luôn?’ Vâng, thế giới đã học được nhiều bài học về việc dùng vắc-xin đại trà, và có một thứ còn nguy hiểm hơn virus xấu, đó là một vắc-xin xấu”, ông nói. “Chúng ta cần rất, rất, rất cẩn thận trong việc làm ra bất kỳ sản phẩm nào sẽ đem tiêm cho gần như toàn bộ dân số thế giới”.

Mặc dù ai cũng biết, trong một số trường hợp (tuy hiếm), quy trình thử nghiệm vắc-xin không đúng sẽ gây nguy hiểm, thậm chí chết người. Nhưng biết làm sao, Mark Feinberg, chủ tịch và CEO của một tổ chức có uy tín về vắc-xin, nói rằng ông biết hết các nguy cơ, nhưng tình thế khẩn cấp như lúc này khiến phải đốt cháy giai đoạn. “Khi bạn nghe người người đồn đoán cùng lắm một năm đến một năm rưỡi nữa là có vắc-xin thôi, thì chẳng còn cách nào khác để làm cho kịp mốc thời gian ấy ngoài cách thử các phương pháp mới,” ông nói.

Để làm ra vắc-xin cho virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) đang được thử ở Mỹ, người ta dùng một kỹ thuật mới chưa từng có, đầy tính “cách mạng”, nếu thành công sẽ rút ngắn được nhiều tháng.

Như ta đã biết, bề mặt SARS-CoV-2 tua tủa những gai - “công cụ” giúp chúng đâm thủng tế bào vật chủ mà chui vào. Virus chỉ sinh sôi được khi đột nhập thành công. Tại đó, thông tin di truyền của virus (cất trong một sợi RNA) sẽ “trà trộn” vào bộ máy sản xuất protein của tế bào, khiến tế bào sản xuất ra các protein cho... virus, giúp chúng nhân lên thành hàng nghìn con mới.

Vậy có một cách là ngăn ngay từ khâu chui vào tế bào. Vắc-xin mới sẽ huấn luyện cho cơ thể nhận ra những cái gai xâm nhập, để tới lúc có virus thực thụ vừa bám vào, các tế bào sẽ “bẻ gai” chúng.

Để chống lại một chủng virus lan nhanh chưa từng thấy như SARS-CoV-2, không thể theo lối cũ nuôi cấy virus rồi tách rồi lọc rất mất thời gian, vắc-xin này không dùng bất kỳ phần nào của virus sống. Thay vào đó, từ thông tin di truyền đã có của SARS-CoV-2, họ tổng hợp nên chính xác đoạn mRNA chứa mã di truyền của riêng phần gai thôi, rồi tiêm mRNA ấy vào cơ thể, khiến cho hệ thống miễn dịch nhận diện ra gai (giả) và có phản ứng, tạo sẵn kháng thể. Mọi việc thế là đã sẵn sàng, chỉ đợi virus thật thò gai thật tiến công.

“Đó là lý do vì sao họ có thể mang ra thử nghiệm lâm sàng nhanh đến thế. Để có một vắc-xin, họ không cần phải đánh vật với cả con virus nữa. Họ chỉ cần một đoạn gien của nó,” một chuyên gia nhận xét. Tuy nhiên, ông vẫn cho rằng quá trình sẽ phải mất hơn 18 tháng, do các vấn đề về sản xuất và thử trên lâm sàng.

CÚ CHẠY NƯỚC RÚT TRÊN TUYẾN ĐẦU

Trong có vài tuần, Covid-19 đã khiến nền kinh tế Mỹ tưởng là vững vàng nhất khựng lại, tước mất 3,3 triệu việc làm. Khi số lượng người chết tại Mỹ vì SARS-CoV-2 vượt quá con số 3.000, sợ hãi, lo âu sinh ra áp lực vô cùng lớn là phải tìm cho ra một vắc-xin.

Mặc dầu hiện mới có một vắc-xin do chính phủ tài trợ được đưa vào thử nghiệm lâm sàng, nhưng hàng chục cơ sở trên khắp thế giới đã bước vào cuộc chạy đua. Các nhà nghiên cứu miệt mài tăng tốc, làm ngày làm đêm, như tiến sĩ David Dowling của Viện Nhi Boston phải làm việc 17 tiếng mỗi ngày, vừa phụ vợ trông hai đứa con còn lẫm chẫm. Ông là thành viên của một chương trình vắc-xin dành cho chính xác một đối tượng dễ tổn thương nhất: người già.

Câu chuyện về việc chuyển hướng của phòng nghiên cứu này, đóng trong một tòa nhà của Khoa Y khoa Harvard, cho thấy độ khẩn cấp trong phản ứng của Chính phủ Mỹ: Trước khi có dịch Covid-19, nhóm này đang nghiên cứu làm ra một vắc-xin cúm chuyên để bảo vệ người cao tuổi bằng cách dùng một phân tử giúp hệ miễn dịch “khỏe” lên. Khi nghe tin Covid-19 bùng phát vào tháng giêng, Dowling kể, họ gửi một email tới Viện Quốc gia về Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm (NIAID) hỏi liệu có thể chuyển mục đích trong hợp đồng đã ký với chính phủ, từ cúm sang SARS-CoV-2 không.

“Họ email lại ngay trong vòng 30 giây”, Dowling kể. “Đại khái họ nói, vâng, làm thế giùm đi và càng nhanh càng tốt”.