Tư hữu hóa trường công - cuộc gạt bỏ người nghèo khỏi tri thức

Tháng 4-2019, sinh viên Pháp xuống đường biểu tình để chống lại luật tăng học phí cho sinh viên nước ngoài đến học tập tại Pháp dự kiến sẽ được áp dụng vào năm học 2019 - 2020.

Cộng đồng mạng Việt Nam vừa nổ ra cuộc tranh luận gay gắt chung quanh vấn đề “Có nên tư hữu hóa hệ thống trường chuyên?”.
Cộng đồng mạng Việt Nam vừa nổ ra cuộc tranh luận gay gắt chung quanh vấn đề “Có nên tư hữu hóa hệ thống trường chuyên?”.

Nguyên thủ tướng Pháp ông Edouard Phillippe khi đưa ra thảo luận về việc tăng học phí đã lập luận rằng: sinh viên đến từ các nước ngoài châu Âu không có cha mẹ đóng góp về thuế cho liên minh nên không thể được hưởng những ưu đãi về giáo dục như người Pháp hay sinh viên đến từ các nước trong liên minh châu Âu, như vậy là không thật sự công bằng với những người đã nộp thuế. Thêm vào đó, số tiền tăng học phí này sẽ được dùng để nâng cao chất lượng giáo dục và cấp học bổng cho những sinh viên học giỏi. Việc thay đổi học phí này là một phần của chiến dịch kêu gọi sinh viên ngoài liên minh châu Âu đến Pháp học tập, dù học phí tăng nhưng cơ hội nhận học bổng cũng lại tăng cho sinh viên giỏi.

Tuy logic này không có gì quá bất hợp lý và ngay cả số tiền học phí mà sinh viên ngoài khối châu Âu phải trả sau khi tăng cũng không phải bất nhẫn cho người đi học: 2.770 euro cho bằng cử nhân và 3.770 euro cho bằng thạc sĩ và tiến sĩ, sinh viên nước ngoài tại Pháp và sinh viên Pháp vẫn tiếp tục xuống đường.

Họ lý luận, từ trước đến nay nước Pháp là quốc gia bình đẳng và bác ái, học phí cho sinh viên đi học gần như bằng không: 172 euro/năm cho bằng cử nhân, 243 euro/năm cho bằng thạc sĩ và 385 euro/năm cho bằng tiến sĩ, nếu tăng học phí cho sinh viên ngoài liên minh châu Âu thì đồng nghĩa tạo ra sự phân biệt và tệ hơn nữa là cướp đi cơ hội tiếp cận tri thức của những học sinh nghèo - đến từ nước nghèo.

Đối với Pháp và nhiều nước khác trong châu Âu như Đức, Bỉ việc đi học và tiếp cận với trí thức nằm trong quyền của con người. Sinh viên Pháp và Đức ngoài việc đóng học phí gần như bằng không thì còn được nhận lại bảo hiểm y tế hầu như toàn phần và trợ cấp nhà cửa. Như vậy là việc một người mong muốn có tri thức, có cơ hội được trở thành người làm việc bằng trí óc được hệ thống xã hội hỗ trợ tối đa.

Để đạt được điều này, Pháp và Đức là một trong những quốc gia đóng thuế cao. Việc người có lương cao đóng góp xã hội nhiều, người có lương thấp được hỗ trợ trở thành một trong những ưu việt của xã hội và được chấp nhận từ nhiều phía. Ngoài ra, đây cũng là một phần để xã hội ổn định hơn. Dân trí cao, cơ hội để tiếp cận hiểu biết lớn, chắc chắn sẽ khiến khoảng cách giàu - nghèo, hiểu biết và u tối được thu ngắn.

Tôi đã từng nhiều lần lẫn trong dòng người biểu tình, tiếp cận với các bạn sinh viên, điều bất ngờ nhất là nhiều bạn đến từ các trường tư hàng đầu về kinh doanh của Pháp và châu Âu như HEC, ESSEC, ESCP, những vấn đề này hầu như không liên quan đến họ bởi trong hệ thống trường kinh doanh học phí thường cao và quy định tăng học phí không hề được áp dụng như với các trường đại học tổng hợp. Như vậy họ xuống đường vì điều gì? 

Florent, sinh viên HEC (một trường kinh doanh của Pháp - được xếp hạng đầu châu Âu) đã giải thích với tôi rằng, họ chống lại việc tạo ra sự khó khăn trong tiếp cận tri thức, cậu biết rằng việc cào bằng học phí giữa sinh viên ngoài châu Âu sẽ thiệt thòi cho nước Pháp, cho chính đồng thuế của cha mẹ cậu và cậu sau này nhưng việc tạo cơ hội cho người đến từ nước nghèo được học không là một nghĩa cử đáng tự hào ư?
 
Tôi tranh luận rằng đối với nhiều sinh viên đến từ nước nghèo như Việt Nam, thì học phí vài nghìn euro một năm vẫn không phải quá lớn, sinh viên du học ở Anh và Mỹ sẽ phải đóng tiền nhiều hơn gấp nhiều lần. Ngoài ra, ở những nước đó, đi vay để học cũng là một cách được khuyến khích. Đến đây thì tôi gặp phải một làn sóng phản đối từ nhiều bạn sinh viên có mặt, họ cho rằng việc học phí quá nặng sẽ cướp đi cơ hội của nhiều sinh viên con nhà nghèo, hoặc trở thành một con dao hai lưỡi. Mặt tốt là nó khiến người có món nợ để học hành sẽ bắt buộc phải năng động hơn sau khi ra trường, mặt dở là nó khiến người ta bị gánh nặng nợ nần thúc ép, việc kiếm tiền trả nợ là thứ tự ưu tiên hàng đầu, đối với một số ngành nghề thì việc trả nợ trở thành mục đích lớn hơn cả mong muốn được làm việc mình mơ ước.

“Tạo ra quyền được tiếp cận tri thức cho công dân là trách nhiệm của một xã hội nhân văn, chị có hiểu không?”. Tôi rất nhớ cuộc chuyện trò trên vỉa hè sau giờ biểu tình trước Panthéon (*) này.

Tư hữu hóa trường công - cụ thể là trường Amsterdam, chủ đề tranh luận gần đây trên mặt báo và trên mạng xã hội khiến tôi nhớ lại câu chuyện này. Ngạc nhiên tương tự như khi gặp nhóm bạn sinh viên trường HEC trong cuộc biểu tình. Không biết từ khi nào đã hình thành lối nghĩ: Nhà nước làm dở thì giao cho tư nhân trong tư duy của nhiều trí thức Việt Nam. Tôi cũng tìm kiếm mãi thông tin về học phí trường tư, chưa thấy trường nào học phí rẻ hơn học phí trường công. Như vậy là mặc định nếu có điều gì Nhà nước làm dở, thì không cần cố gắng thay đổi mà nên phá bỏ hoặc chuyển thành tư hữu hóa? Cũng mặc định thêm một việc nữa rằng cơ hội tiếp cận tri thức cao cấp hơn chỉ dành cho người có tiền?

Lối tư duy này, nếu được phổ cập từ nhiều năm trước một cách đại trà trong não trạng xã hội thì sẽ chẳng có Vũ Hà Văn, Ngô Bảo Châu, Phan Dương Hiệu... Thậm chí ngay cả nhiều đại gia Việt Nam, nếu chẳng được học không mất xu nào ở các nước khối xã hội chủ nghĩa cũ thì liệu có ngày hôm nay?

Không thể phủ nhận rằng sự xuất hiện của khối trường tư nhân đã thay đổi phần nào diện mạo của học sinh Việt Nam, nhưng có một thực tế rằng rất nhiều sinh viên được nhận vào các trường đại học lớn trên thế giới là cựu học sinh của các trường chuyên, trường công bình thường khác. Tại Pháp, nơi mà tôi biết rõ rằng du học sinh Việt Nam đỗ vào trường Politecnique (trường kỹ sư hàng đầu của Pháp và được xếp hạng ở châu Âu) hầu hết là học sinh đến từ trường công. Thậm chí ở các ngành nghệ thuật, nơi đề cao tính tự do sáng tạo, cũng không thấy có sự nổi trội khác biệt nào của những em đến từ trường quốc tế hay trường tư trong nước. Những em đang từng bước làm nên tên tuổi trong nghệ thuật như nghệ sĩ dương cầm Ngô Phương Vi, Nguyễn Đăng Quang đều là học sinh Nhạc viện Hà Nội và trường phổ thông trung học bình thường.

Có một thực tế rằng, người Việt Nam ngày hôm nay giàu có hơn, có khả năng xoay xở để kiếm tiền hơn và mong ước đầu tư cho con cái hơn. Chính vì mong ước này mà việc chấp nhận đầu tư giá cao cho con đã trở thành một việc gần như tất yếu trong mọi gia đình. Thậm chí là khoản chi cao nhất cho nhiều nhà. Tuy vậy, không xoay xở và sống lương thiện bằng đồng lương cũng là sự lựa chọn của nhiều gia đình, vậy con cái họ có cần và còn quyền được tiếp cận tri thức không? Mơ ước được tập trung học đàn, học múa, học vẽ, học toán, học văn, học vật lý, học hóa học, thậm chí là học thể dục từ lúc nào trở thành mơ ước xa xỉ và không được xã hội chăm sóc?

Tư hữu hóa hệ thống trường chuyên sẽ mang lại điều gì cho xã hội? Tại sao không là quản lý tốt hơn? Xóa bỏ những tệ nạn chạy trường (nếu có) và phấn đấu để giữ chất lượng truyền thống mà nó vốn có?

Người ta có thể đập đi một tượng đài khi thấy nó đi ngược lại giá trị của nhân loại, phản bội lại đức tín con người, nhưng tôi chưa thấy ai nhổ đi một cây cổ thụ trong công viên vì dưới chân nó có ổ chuột, hay rào nó lại và giao cho ai đấy đánh chuột rồi thu tiền người đến hưởng bóng mát.

Một xã hội hướng đến việc phục vụ cho người giàu, mà quên đi quyền được sống ngay ngắn của những người lương thiện mà không giàu khác là nó đã đi vào con đường dẫn đến sự phân hóa xã hội một cách khắc nghiệt, khởi đầu cho bạo lực trong suy nghĩ và hành xử. Những cuộc biểu tình kéo dài, những cuộc cướp bóc nhân đại dịch ở nhiều nước trong thời gian vừa qua là một thí dụ.

--------------------

(*) Panthéon là nơi ghi danh những tri thức và danh nhân ở nhiều lĩnh vực của nước Pháp - nằm gần Đại học Sorbone.