Thắc mắc tuổi trung niên trong ngày họp lớp

MINH HỌA: LÊ TRÍ DŨNG
MINH HỌA: LÊ TRÍ DŨNG

TỪ MỘT GIẤC NGỦ GIÁN ĐOẠN

Bước vào một buổi họp lớp cũ, gặp bạn toàn trung niên và ai nặng hay nhẹ cũng có vấn đề về sức khỏe. Người đau khớp, kẻ tăng huyết áp, đường máu cao. Nhưng phổ biến nhất, dai dẳng nhất chính là chuyện khó ngủ. Có người mất ngủ triền miên phải uống thuốc mới mong chợp mắt được một chút. Có người thất thường hôm nào cũng lo lắng không biết tối nay có ngủ được không. Lại có người đêm nào cũng ngủ được nhưng được hai, ba tiếng là bừng tỉnh, đành nằm tại chỗ đếm cừu đếm dê mong ngủ lại. Bác sĩ bảo những người này mắc chứng “rối loạn khó duy trì giấc ngủ”. Ước mong lớn nhất của những người này là được ngủ liền một mạch; dậy sớm cũng không sao miễn liền một mạch sáu tiếng, thí dụ vậy.

Thế nhưng theo The Conversation, giấc ngủ phân đoạn như vậy thực ra là bình thường. Trong y văn, trong biên bản các phiên tòa, trong nhật ký... từ rất lâu rồi người ta đã đọc được về giấc ngủ “thứ nhất”, “thứ hai”. Các nhà khảo cổ học còn tìm thấy bằng chứng ở châu Âu vào thời tiền công nghiệp, chủ yếu là làm nông, kiểu ngủ “hai thì” được coi là “đúng chuẩn”. Thời ấy, ngủ lúc nào không phải do đã đến giờ ngủ chưa mà là tùy theo việc đã xong chưa, vì người ta sống theo mùa màng. Điện không có và trời vừa chuyển tối, người nông dân tranh thủ chợp mắt một vài tiếng cho giấc ngủ “thứ nhất”, thức dậy tỉnh như sáo trong một hai tiếng, rồi ngủ tiếp một mạch giấc ngủ “thứ hai” đến tận tinh mơ. Trong thời gian thức dậy ấy, có người cầu nguyện, có người đi bổ củi, có người giở áo ra khâu, có người đọc sách, có người yêu đương... Họ không băn khoăn vì sao lại tỉnh giấc. Họ dùng thời gian ấy để làm những việc cần làm.

Nhưng khi tìm tài liệu để viết sách, nhà sử học A. Roger Ekirch nhận thấy đến cuối thế kỷ thứ 17, kiểu ngủ “hai thì” này bắt đầu biến mất, bắt đầu từ giới thượng lưu ở Bắc Âu, rồi lan dần đến các tầng lớp xã hội còn lại của phương Tây. Vì người thượng lưu thì có rượu ngon để uống nhiều vào bữa tối? Hay vì họ biết không phải bổ nốt chỗ củi, khâu nốt cái áo cho con? Hay do khi ấy họ đọc tiểu thuyết có hơi nhiều nên mệt mắt?...

Người ta không biết đích xác nguyên nhân, khi ấy chẳng ai tìm hiểu vì đó là một việc biến chuyển dần dần, chỉ biết là cho đến nay, sau 200 năm, ai mà ngủ “hai thì” như “xưa” sẽ bị coi là rối loạn giấc ngủ. Phù hợp nhất với mô hình hoạt động của xã hội hiện đại là ngủ một giấc đầy qua đêm, rồi thức cả ngày để còn làm việc, đến ngay cả một giấc ngủ trưa ngắn được coi là rất tốt nhiều khi cũng khó mà có được, nếu cần tỉnh táo thì đã có trà và cà-phê... Trong khi đó cơ thể con người là một cỗ máy sinh học, có nhu cầu làm một lúc lại nghỉ một lúc. Người ta cho rằng nguồn gốc của việc “nửa đêm thức giấc” là do ở một số người, cơ thể muốn quay về với nhịp điệu “ngủ gián đoạn” cổ xưa kia.

Phải làm sao?

Nếu cho rằng lập luận trên là đúng, việc đầu tiên ta không nên coi ngủ gián đoạn là một “bệnh” nữa. Hãy lấy thời gian ban ngày làm những việc quan trọng và cần kíp, lấy lúc thức dậy nửa đêm kia mà làm những việc nho nhỏ như viết nhật ký, ghi chi tiêu, đọc báo, vào mạng xã hội... Trong lúc làm mà thấy buồn ngủ thì ngủ tiếp luôn, đừng nấn ná đợi làm cho xong việc.

ĐẾN KIỂU NGỦ “LẮT NHẮT”

Trong lúc một số người than thở vì mất ngủ, ngủ gián đoạn, thì một số người khác lại than là ngủ quá nhiều trong ngày; từ sáng đến chiều có khi phải hai ba giấc ngắn. Tâm trạng chung là thấy mình vô tích sự, thoắt một ngày đã hết, thật không như hồi còn thanh xuân làm được bao nhiêu thứ trong hai mươi bốn tiếng đồng hồ.

Ôi, so với ngày trước mà làm gì. Tuổi thanh xuân, cơ thể ta dùng để chiều công ty; tuổi trung niên, đến lượt ta phải chiều cơ thể. Nếu ban ngày cơ thể đòi “ngủ lắt nhắt” thì tức là nhu cầu ấy có thật: có những cỗ máy dùng một lúc lại phải nghỉ một lúc mới bền.

Để đỡ lăn tăn, có lẽ nên bắt chước một số người làm việc tại nhà hoặc đã về hưu (mà không phải trông cháu), có thời gian linh động nên họ không cần chia rạch ròi ngày với đêm, chỉ là những khoảng thức/ngủ tùy ý, và tranh thủ tối đa những khi thức mà làm các việc quan trọng. Họ thậm chí còn chia một ngày căn bản ra làm hai “ngày nhỏ” 12 tiếng, miễn sao mỗi “ngày nhỏ” đều có lúc ngủ xen vào. 6 giờ sáng hay 2 giờ chiều cũng là bắt đầu một ngày mới. Nghĩ như thế thì mới đỡ sốt ruột và thấy “ngày” nào cũng đủ đầy: làm việc, ăn, và ngủ.

ĐẾN CHUYỆN CỦA THÓI QUEN

Thay đổi mô hình thức/ngủ và chia nhỏ ngày là một sự thay đổi “mạnh tay” về thói quen. Nghe thay đổi là nhiều người đã ngại. Nhưng bước vào tuổi trung niên thật ra là bước vào một cuộc đời mới, với những sự kiện quan trọng sẽ làm xoay trục hẳn đường đời: về hưu, có cháu, có bệnh... Rất nhiều thói quen đã đi cùng mấy chục năm mà rồi phải bỏ, đồng thời phải thâu nhận một số thói quen mới, dù ngại ngần.

Theo một bài viết trên ScienceAlert, để hình thành một thói quen ta cần có 21 ngày. Bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ Maxwell Maltz cũng nhận thấy, các bệnh nhân của ông mất chừng 21 ngày để quen với gương mặt mới của họ. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu vào năm 2009, để thói quen mới được bền vững, “làm mà không phải nghĩ”, người ta sẽ phải mất trung bình 66 ngày và thực hành liên tục, không gián đoạn. Biết thế ta sẽ lường được sự thất vọng nảy sinh vào những tuần lỡ cỡ, khi cái mới mẻ không còn mới mẻ nữa để mà hào hứng, và hiệu quả thì lại chưa rõ ràng.

Còn muốn bỏ một thói quen cũ? Các chuyên gia cho rằng việc bỏ thói quen cũ chỉ là “một trong hai mặt của một đồng xu”. Mặt kia là hình thành một thói quen khác thế chỗ vào. Thí dụ muốn bỏ thói quen rẽ ngôi lệch thì cần tập thói quen rẽ ngôi giữa, muốn bỏ thói quen nghĩ gì cũng tiêu cực thì cần tập thói quen luôn tìm ra mặt tích cực.

Một điều trớ trêu là thói quen xấu hình thành rất “tự nhiên, không phải cố”, nhưng khi muốn bỏ thì cực khó. Tự nhiên não ta mù mịt hẳn, không tìm ra được thói quen mới và tốt để lấp vào chỗ trống, khiến ta có cảm giác bơ vơ và lại quay về đường cũ để lấp đầy thời gian.

Phải làm sao?

Với thông tin đầy ắp trên mạng, chỉ cần gõ cụm từ “thói quen tốt” (bằng tiếng gì cũng được), ta có thể tìm ra cơ man là thói quen hay ho mà bản thân chưa từng thử qua. Nếu có một ý chí và coi quãng đời trung niên trở đi là tự do tuyệt đối, tha hồ thử nghiệm, ta có thể thử mỗi năm sống theo một mô hình khác nhau, thực hành toàn các thói quen tốt của những người đi trước, từ ăn uống tới thể dục, xử thế, du lịch, học hành... Đây thực sự là một việc rất vui để làm mỗi ngày: tự ta lấy ta ra làm “chuột bạch” để thử những điều sách báo vẫn nói xem có đúng không. Xét cho cùng, cơ hội làm người chỉ có một lần, dại gì không thử nhiều cách sống hay!

Nói thế chứ đây không phải là việc dễ, vì tuy là việc tự làm nhưng kẻ thù lớn nhất lại lù lù trong chính ta. Đó là lực cản, là sức ỳ, là coi trung niên tức bắt đầu xuống dốc, không nhìn ra cái gì vui để mà phấn đấu. Lại phải có một sự thay đổi thói quen trong suy nghĩ của bản thân.

“Thân ta cũng chính là một đứa con ta”, tự nhìn mình thôi ai cũng đã rút được bài học nhãn tiền về nuông chiều con. Đứa con đó, chừng nào còn tỉnh táo thì còn phải dạy “nó”, và dạy được “nó” mỗi ngày mỗi tốt lên, tích cực lên cũng đã là một sự nghiệp vui, đáng tự hào. Nhưng thôi, câu chuyện “đưa thân vào kỷ luật” này có lẽ xin hẹn một lần khác vậy.