Nhà báo Hà Đăng:

Phải có tri thức mới làm báo giỏi

Ở tuổi ngoài 90 nhà báo lão thành Hà Đăng, nguyên: Ủy viên T.Ư Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản (ảnh bên) vẫn ngày đêm theo dõi, trăn trở, sát cánh cùng đội ngũ những người làm báo hôm nay. Đúng dịp kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, ông đã có những chia sẻ cởi mở, chân tình cùng Nhân Dân hằng tháng.

Ảnh | Trần Thanh
Ảnh | Trần Thanh

Thưa nhà báo Hà Đăng, ông đã có cả một cuộc đời làm báo với nhiều thành tựu đáng ngưỡng mộ, là niềm mơ ước của lớp trẻ bây giờ. Cho đến thời điểm này ông vẫn tham gia vào các hoạt động báo chí như viết báo, là thành viên Hội đồng Chung khảo Giải Báo chí Quốc gia… Nhìn lại những năm tháng làm nghề của mình so với hiện nay, ông thấy dễ hay khó hơn?

Dễ hay khó là theo quan niệm và sự đánh giá của mỗi người. Có cái anh này cho là khó, anh kia cho là dễ và ngược lại. Trước đây người ta hay nói tri dị hành nan, biết thì dễ làm thì khó, nhưng sau này có chính khách lại nói tri nan hành dị, biết thì khó làm thì dễ. Lấy dẫn chứng trong một quyển sách mà tôi đọc từ bé, nay còn nhớ mãi: Có một anh thợ điện đến sửa mạch điện bị hỏng, sửa một tí thôi, mà đòi tiền công nhiều, người chủ thắc mắc sao anh làm có mấy phút mà tính đắt thế. Anh thợ điện nói, để có mấy phút này tôi phải học bao nhiêu năm trời đấy chứ. Phải có tri thức mới làm được. Chúng ta làm báo, viết một bài báo có khi ngoáy một lúc, một vài tiếng là xong nhưng để có thế viết được trong một vài tiếng đó là phải đọc rất nhiều, tiếp xúc rất nhiều, học hỏi rất nhiều… Làm báo hiện nay chừng như dễ hơn thời trước, nhưng trong cái dễ cũng có nhiều cái khó. Lấy tin tức, tư liệu trên mạng là dễ nhưng cái khó trước hết là phải đối mặt với tin giả, tin xấu, tin độc. Nhà báo mà bản lĩnh chính trị không vững vàng, nhận thức không tốt thì rất dễ bị tin giả, tin xấu thao túng, dẫn đến sai, có khi trở thành kẻ tiếp tay cho tội phạm truyền thông.

Đi nhiều, tiếp xúc nhiều, thực tế rất nhiều là kinh nghiệm mà những nhà báo thế hệ ông rất hay chia sẻ, thưa nhà báo Hà Đăng?

Thời trước chúng tôi đi lấy tài liệu, xuống nông thôn đi khắp đồng bằng Bắc Bộ, cả khu Tư. Có chỗ thì đi xe hơi đến nơi, rồi đạp xe đến các địa điểm ở vùng sâu, vùng xa. Bởi vậy cứ đi công tác xa là thường có cái xe đạp chất trên nóc ô-tô. Chỗ gần thì tự đi xe đạp, như là vào Hà Đông chẳng hạn. Với chiếc xe đạp tòng tọc chúng tôi đã tỏa khắp nơi. Đi cả tháng, bám cơ sở, gặp người này hỏi người kia, tới chỗ này chỗ nọ… mới ra được một bài phóng sự. Rồi trong khi viết muốn trích dẫn câu nói nào đó của các đồng chí lãnh đạo là phải đọc bao nhiêu sách để tìm. Muốn trích vài câu thơ, như thơ Tố Hữu chẳng hạn, cũng phải tìm sách đọc. Nay thì qua máy tính, chỉ cần đánh đúng từ khóa là có ngay tư liệu.

Xin ông cho biết thời của ông có chuyện tiêu cực trong những người làm báo không?

Tiêu cực trong làm báo cũng có đấy nhưng mà rất ít. Có câu chuyện này mà mỗi lần nghĩ tới tôi lại rất nhớ và rất thương. Nhớ thương một bạn đồng nghiệp. Anh ấy rất khỏe, là người làm báo từ trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Lúc khỏe, anh hay tự nguyện hiến máu, gọi là hiến máu nhưng cũng để có chút tiền bồi dưỡng. Anh ấy hiến nhiều lần quá nên dẫn đến yếu, rồi bệnh. Lúc đó, thấy anh hay đi chỗ này chỗ khác tìm người quen xin tiền để chữa bệnh, chúng tôi cũng quan liêu, nghĩ đó là việc làm tiêu cực. Khi anh ấy mất, mọi người kể ra thì chúng tôi mới biết, tôi ân hận mãi. Hồi đó lương ba cọc ba đồng, có gì đâu mà tiêu cực…

Một lúc nào ngồi kiểm điểm lại, ông có thấy liệu trong một bài viết nào đó của ông đã vô tình gây tổn hại cho cá nhân hay tập thể nào không?

Không, điểm lại tất cả các bài báo mình viết ra, thí dụ như trong cuốn sách Đi lên từ sản xuất nhỏ tập hợp những bài viết về nông thôn, tôi thấy không phải bài nào cũng hay nhưng không có bài nào sai sự thật. Hồi đó phong trào hợp tác hóa lên mạnh, có hai điển hình, Thái Bình và Thanh Hóa. Thái Bình bị coi là chậm trễ. Thanh Hóa lại là điển hình tiên tiến. Báo Nhân Dân cử một đoàn về Thái Bình làm điều tra. Trong đoàn có các anh Lê Điền, Phan Quang, Hữu Thọ, tôi, Nguyễn Địch Dũng, Văn Sơn, Minh Tân đều là những người chuyên viết về nông thôn… Chúng tôi hơn nửa tháng tìm hiểu kỹ lưỡng lắm. Sau, bằng những dẫn chứng cụ thể, chúng tôi viết loạt bài điều tra ba kỳ đăng trên Báo Nhân Dân tạo được dư luận tốt. Lúc đầu một số đồng chí lãnh đạo Thái Bình chưa đồng ý. Nhưng rồi Trung ương cũng có kết luận là Thái Bình làm chậm. Những loạt điều tra như thế góp phần giúp một số địa phương thay đổi tích cực hơn, nhưng không có ảnh hưởng gì tiêu cực. Hay trong chiến tranh, tôi chuyên viết về những bài chính luận, đồng thời đề cao những tấm gương tốt. Như bài Thần thoại mới trên sông Hương, viết về 10 cô gái du kích Huế đánh tan một tiểu đoàn biệt động Mỹ. Gọi là thần thoại, vì chiến công này của các cô cổ vũ tinh thần chiến đấu của quân và dân mình rất nhiều. Thực ra, bài báo có nói quá lên một tí, tôn vinh chiến công như một thần tượng, chứ đằng sau các cô du kích ấy còn có nhiều lực lượng khác của mình yểm trợ,...

Ông hẳn phải có rất nhiều kỷ niệm đẹp chung quanh các bài báo của mình, thưa nhà báo Hà Đăng?

Thời kỳ đầu đi làm, bám nông thôn, khi về Kiến An, tôi được biết có một tổ sản xuất đặt kế hoạch đưa năng suất lên gấp rưỡi. Nhiều người cho đây là “ngựa giấy” (kế hoạch trên giấy). Không ngờ, vụ mùa tốt năng suất gấp rưỡi thật. Tôi viết bài báo Ngựa giấy biến thành ngựa thật biểu dương cách làm ăn của tổ sản xuất. Bài báo ra, nhiều người rất thích. Một lần khác, tôi viết về phong trào sản xuất và chăn nuôi ở Vĩnh Phúc. Điển hình về chăn nuôi là Hợp tác xã Hòa Loan (xã Lũng Hòa, huyện Vĩnh Tường). Tôi viết bài Một kế hoạch nuôi lợn táo bạo mà vững chắc. Bài báo đăng lên, người ta đến thăm trại lợn rất nhiều; trại trở thành một điển hình tiên tiến. Chủ nhiệm Hợp tác xã được phong Chiến sĩ thi đua, đi dự đại hội ở Hà Nội có tới Báo Nhân Dân tìm tôi. Lúc đó tôi không có nhà, vì đang đi học ở Liên Xô. Vậy mà 20 năm sau, khoảng năm tám mươi mấy tôi về Vĩnh Phúc cùng đồng chí Chủ tịch tỉnh Lê Huy Ngọ thăm lại trại lợn, tới nhà ông chủ nhiệm, ông rất mừng. Ông ấy đem bài báo cắt trên Báo Nhân Dân mà gia đình đã giữ gìn bao lâu ra khoe…

Ông vẫn theo dõi cập nhật báo chí và đời sống báo chí hằng ngày. Vậy với bản lĩnh chính trị của mình, ông thấy cần làm gì để khắc phục tình hình tin tiêu cực đang được phản ánh nhiều trên báo chí?

Thời chúng tôi ở Báo Nhân Dân, có hai ông thầy ảnh hưởng rất sâu sắc đến lớp trẻ lúc ấy là nhà báo Hoàng Tùng và nhà báo Thép Mới. Hoàng Tùng nổi tiếng về những bài chính luận rất sắc sảo, rất hay. Thép Mới lại là cây bút tài năng về thể loại bút ký, phóng sự, điều tra… Phóng viên ngày ấy đã học tập nhiều ở hai ông, rộng hơn là học tập không ngừng, học ngay từ thực tế cuộc sống… Thực tế xã hội bây giờ có nhiều điểm khác xưa, cũng khiến các nhà báo gặp khó. Nhưng trách nhiệm của báo chí vẫn phải là bảo vệ chế độ, đưa được chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng vào cuộc sống, đi sâu vào cuộc sống, tìm mọi cách phản ánh cuộc sống để nói lên tiếng nói từ thực tế cuộc sống sinh động, xem đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước có được phát huy hay không. Khó nữa là năng lực về nghiệp vụ, cũng một câu chuyện mà có người viết hay, có người lại viết không được, đây cũng là điều cần quan tâm. Thí dụ bây giờ báo chí hay nói đạo đức suy thoái, Trung ương cũng đã có nhiều Nghị quyết liên quan đến nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đề cập vấn đề chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”… Báo chí có quyền phản ánh, phê bình cái sai, đề cập khuyết điểm nhưng phải trên tinh thần xây dựng; phê phán cái xấu cần đi liền với biểu dương cổ vũ cái tốt; nếu chỉ phê phán cái xấu, vẽ nên một bộ mặt xã hội lúc nào cũng đen tối thì không khách quan, không tốt, không đúng. Cần hiểu tại sao Bác Hồ lại coi trọng việc biểu dương người tốt việc tốt đến vậy, khích lệ, động viên các nhân tố mới, bởi như thế xã hội mới phát triển tích cực được…

Tuy nhiên ngoài chuyện phải đối diện với vấn nạn tin giả, tin xấu, đội ngũ những người làm báo hiện nay cũng đang gặp khó vì báo chí cũng chịu sức ép từ cơ chế thị trường?

Chúng ta đang thực hiện Đề án quy hoạch báo chí, sắp xếp lại các cơ quan báo chí cho tinh gọn. Như thế là phù hợp. Thực tế thì báo chí của ta đã mở ra quá nhiều ấn phẩm, kinh phí ít, hoạt động khó khăn, có thể chỗ này chỗ khác, người này người khác nảy sinh tiêu cực, thậm chí có cả hành vi đi tống tiền. Đúng là phải sắp xếp lại, bộ máy “quý hồ tinh bất quý hồ đa”. Tiêu cực nảy ra thường là những hành vi cá nhân. Nhưng nếu tiêu cực nảy sinh từ cơ chế thì mình phải xem xét lại cơ chế, tạo điều kiện cho báo chí phát triển đúng định hướng. Hàng chục năm trước, chúng ta phê phán “thương mại hóa” báo chí, phê phán quảng cáo kiếm tiền nhưng cuối cùng báo nào cũng vẫn phải làm kinh tế báo, phải có nguồn thu để tồn tại, vậy phải xây dựng cơ chế hợp lý cho báo chí trụ vững, đi lên vững mạnh…

Trân trọng cảm ơn nhà báo Hà Đăng!