Người kiên quyết chối từ túi nylon

Đầu tháng tư vừa qua, bắt đầu từ sáng kiến của một siêu thị ở thành phố Hồ Chí Minh, dùng lá chuối gói rau củ, hàng loạt các siêu thị trong nam ngoài bắc đã nhanh chóng hưởng ứng. Điều này thể hiện sự đồng tình của mọi người với lối sống xanh đang rất cần được cổ súy. Có một gương mặt nổi bật trong phong trào cổ động lối sống thân thiện với môi trường, hạn chế tối đa rác thải, và kiên quyết Nói không với túi nylon, chị Nguyễn Hoàng Thảo.

Chị Nguyễn Hoàng Thảo ở cửa hàng Go Eco Hanoi. Ảnh | QH
Chị Nguyễn Hoàng Thảo ở cửa hàng Go Eco Hanoi. Ảnh | QH

Từng là giảng viên Trường Kinh doanh Quốc tế ISB tại Tokyo và học thạc sĩ về Quản lý tại trường Meiji (Nhật Bản), chị Nguyễn Hoàng Thảo về nước và hiện là giảng viên Khoa tiếng Nhật, Đại học Hà Nội. Chị Thảo được nhiều người biết đến là người sáng lập trang fanpage Nói không với túi nylon. Sau gần ba năm hoạt động, đến nay trang web đã có gần 65 nghìn tài khoản theo dõi, nơi tập hợp những người quan tâm, yêu và hành động vì môi trường. Tại Diễn đàn Tiếng nói trẻ (Youth Speak Forum) 2018, bài phát biểu của chị Nguyễn Hoàng Thảo được đánh giá đã truyền cảm hứng và sức lan tỏa mạnh mẽ cho cộng đồng về lối sống xanh, thân thiện môi trường. Chị cũng trình bày chương trình hành động, những giải pháp thiết thực mà cộng đồng có thể thực hiện để giảm thiểu rác thải, gây hại cho sức khỏe con người và tác động xấu đến môi trường. Diễn đàn này được tổ chức bởi sinh viên đa quốc gia nhằm tạo sân chơi kết nối nhiều thế hệ trên nhiều lĩnh vực, chia sẻ kiến thức về những vấn đề của xã hội Việt Nam đương đại nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Người kiên quyết chối từ túi nylon ảnh 1

Ảnh | Thanh Huyền


Nói không với túi nylon được Nguyễn Hoàng Thảo phát động cùng cộng sự từ tháng 5 năm 2016 và thực hiện một cách bền bỉ. Nhiều hoạt động, các buổi trò chuyện, thảo luận để đưa ra các sáng kiến, những giải pháp thay thế túi ni-lon trong sinh hoạt đời sống hằng ngày. Các vướng mắc trong vận động tuyên truyền làm thay đổi nhận thức được trao đổi kỹ lưỡng để làm thế nào phát huy hiệu quả hơn trong việc đẩy lùi thói quen sử dụng túi nylon trong cộng đồng tưởng đơn giản mà cũng lắm gian nan. Những bất cập khi loại trừ túi nylon ra khỏi đời sống sinh hoạt cũng được người tiêu dùng bày tỏ trên trang web. Bên cạnh đó, là nhà giáo, chị luôn coi trọng công tác giáo dục thế hệ tiếp nối ý thức bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên. Xác định cộng đồng kinh doanh dịch vụ là đối tượng sử dụng túi nylon nhiều nhất, Thảo và các tình nguyện viên xây dựng kế hoạch tuyên truyền tới chính những người bán hàng, tập trung cùng với họ đưa ra giải pháp. Nhiều cách làm hay, nhiều mô hình dịch vụ có tính lan tỏa được đưa ra chia sẻ và nhận được sự cổ vũ tích cực. Có quán ở thành phố Hồ Chí Minh khuyến khích khách hàng mang chai đựng cá nhân theo khi mua đồ uống về nhà, nếu không có, khách hàng được mượn cốc, lọ thủy tinh mang về, sau đó khách tự giác mang đến trả. Từ ý tưởng mượn cốc lại nảy thêm sáng kiến kêu gọi, ai có cốc không dùng, mang đến ủng hộ... Chị Lê Ngọc Huyền (Hoàn Kiếm, Hà Nội) nhiều năm nay làm caramen và các sản phẩm thủ công bán online để kiếm thêm thu nhập. Với mỗi đơn hàng chị mất hai lần đi lại: giao hàng cho khách ăn và lượt về là để thu lại vỏ hộp. Chi phí đội lên, mất thêm nhiều công sức hơn, nhưng chị Huyền thấy vui vẻ, thoải mái vì mình góp phần nhỏ vào công cuộc hạn chế phát thải rác, hạn chế ô nhiễm môi trường sống. Một số cửa hàng bán thực phẩm sạch đã áp dụng bán rau củ không bao bì, không dùng màng bọc thực phẩm, giao cơm bằng hộp thủy tinh, hoặc hộp làm từ bã mía. Nếu khách đến ăn tại cửa hàng thì được phục vụ bằng khăn ăn thay cho giấy ăn. Đó là cách làm của một nhà hàng kinh doanh thực phẩm trên căn gác nhỏ ở 40 Đường Thành (Hà Nội). Kinh doanh có trách nhiệm với cộng đồng, sẽ vất vả hơn, nhiều tâm sức nhưng bù lại, niềm vui khách hàng mang đến mỗi ngày cũng thật ngọt ngào - chị Ngọc Huyền chia sẻ.

“Nhiều người vẫn cứ nghĩ rằng những mảnh nhựa được sử dụng đó cứ vứt đúng vào nơi quy định là được, vẫn cứ tin tưởng vào những dấu hiệu “tái chế” trên những chiếc cốc, chai nước họ dùng. Thật ra, công đoạn tái chế cũng mất nhiều chi phí và ảnh hưởng xấu đến môi trường, cho nên cái gốc của vấn đề là hạn chế sử dụng nó” - chị Thảo luôn cương quyết khi đề cập đến rác từ túi nylon.

Từng học tập, làm việc ở Nhật nhiều năm, Thảo thấm thía cách sống hài hòa, tiết giảm, tiết kiệm tài nguyên của con người đất nước mặt trời mọc. Sau nhiều nung nấu, Thảo mở cửa hàng Go Eco Hanoi tại phố Tăng Bạt Hổ, mô hình kinh doanh không thải rác (zero waste) đầu tiên của Hà Nội, nhằm cung cấp những sản phẩm thân thiện với môi trường với tiêu chí hạn chế tối đa phát thải rác. Thảo cho rằng các sản phẩm dùng một lần như màng bọc thực phẩm, túi nylon, bao bì sản phẩm từ nylon... không thể tiêu hủy. Người tiêu dùng cần thiết phải chuyển sang sử dụng các chất liệu thiên nhiên dễ phân hủy để bảo vệ sức khỏe và môi trường sống. Vạn sự khởi đầu nan, cửa hàng của Thảo giờ đã vận hành tốt, có lượng khách hàng quen thuộc nhất định và ngày càng nhiều người tìm đến sau hai năm đi vào hoạt động. Các sản phẩm dùng nhiều lần và thân thiện với môi trường bán chạy tại Go Eco Hanoi như bình nước cá nhân, ống hút inox, thủy tinh, tre, cỏ, cặp lồng, túi, làn đi chợ, bàn chải tre, tăm bông tre, xà-phòng bánh nguyên liệu tự nhiên kem đánh răng, túi vải, quai vải... được khách hàng quen dùng và yêu thích.

Thảo có niềm tin vào công việc mình đang làm và dù không thể thay đổi trong chốc lát, cô sẽ cố gắng để thay đổi suy nghĩ của người dân từng chút một.

Công tác chuyên môn bận rộn, các hoạt động xã hội ken kín thời gian biểu của cô gái trẻ ngoài 30 tuổi, nhưng Thảo vẫn cần mẫn dịch sách. Cuốn Thấu hiểu hệ thống: Nền tảng biến những điều phức tạp thành giản đơn Hoàng Thảo dịch đã xuất bản năm ngoái, xếp thứ hai trong các đầu sách bán chạy nhất. Chị cho biết hiện một cuốn nữa sắp xuất bản và vẫn còn những cuốn chị đang tiếp tục dịch. Những niềm vui nho nhỏ đó là nguồn cổ vũ mạnh mẽ tiếp thêm động lực cho cô gái trẻ. Sống hết mình với đam mê, nhưng trên hết cả, càng sống và cống hiến, người phụ nữ ấy càng vững tin rằng, hãy sống thiện lương, tử tế, chắc chắn rồi sẽ nhận được món quà kỳ diệu cuộc đời mang lại...