Người con của núi rừng Tây Nguyên

Mới sáng sớm, bác sĩ quân y, Đại úy Hoàng Ngọc Linh đang sửa soạn y cụ chuẩn bị thăm khám cho bệnh nhân bỗng nghe tiếng gọi thảng thốt. Phản xạ cứu người như cứu hỏa, anh nhanh chóng khoác túi cứu thương lên đường. Chị Trương Thị Oanh bị ngất xỉu trên rẫy mì được cấp cứu, chữa trị kịp thời đã nhanh chóng hồi phục, không bị các di chứng sau tai biến. Đó là chuyện thường gặp ở phòng khám quân dân y xã Ia Rvê (huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk). Dân làng gặp bất cứ vấn đề gì về sức khỏe cần trợ giúp đều đến nhờ cậy bác sĩ quân y. Thói quen đã trở thành phản xạ đó cho thấy, bác sĩ Linh, người trực tiếp phụ trách phòng khám được bà con buôn làng tin yêu đến nhường nào.
 

Đại úy, bác sĩ Hoàng Ngọc Linh điều trị cho bà Hom bằng phương pháp châm cứu.Ảnh | Ngọc Lân
Đại úy, bác sĩ Hoàng Ngọc Linh điều trị cho bà Hom bằng phương pháp châm cứu.Ảnh | Ngọc Lân

Tuy mới được điều chuyển về Phòng khám quân dân y Ia Rvê vỏn vẹn hai năm nhưng nhắc đến Đại úy Hoàng Ngọc Linh, bà con trong xã Ia Rvê đều biết tiếng và ca tụng hết lời chuyện cứu người của anh. Ia Rvê là một trong những xã biên giới đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 60%, đường sá giao thông, cơ sở hạ tầng nghèo nàn, thô sơ, cơ sở khám chữa bệnh cấp huyện cách xa hơn 50 km. Ngay cả trạm y tế xã cũng cách xa thôn cả chục cây số. Chính vì vậy, phòng khám quân dân y được xem là địa chỉ tin cậy mà gần bảy nghìn dân trong xã nương nhờ mỗi khi ốm đau bệnh tật.

Nhờ chú trọng kết hợp phương pháp Đông - Tây y, nhiều chứng bệnh khó chữa dứt điểm đã được người bác sĩ quân y chế ngự thành công như liệt mặt, bệnh thần kinh vai gáy, thần kinh tọa, gai cột sống... Các bệnh như đau lưng, liệt dây thần kinh số bảy, liệt bàn tay, liệt nửa người do di chứng tai biến qua bàn tay của bác sĩ giỏi nghề đều có chuyển biến tích cực, nhiều bệnh nhân đã nhanh hồi phục khi điều trị theo phác đồ của bác sĩ Linh.

Tiếng lành đồn xa, bà con các thôn trong xã tin tưởng vào tay nghề của bác sĩ trẻ. Năm ngoái, bà Lương Thị Hom gần 70 tuổi bị đau thần kinh tọa khăn gói hàng chục cây số xuống bệnh viện huyện chữa cả tháng trời về vẫn không đi lại được. Con cái làm ăn xa, ông lọc cọc đạp xe ba cây số chở bà đến chữa bệnh. Thấy hoàn cảnh khó khăn, hằng ngày bác sĩ Linh tranh thủ ngoài giờ làm việc đến tận nhà châm cứu cho bà. Sau nửa tháng tích cực chữa trị và uống thuốc nam vừa kết hợp với thủy châm, bệnh tình bà Hom đã thuyên giảm rõ rệt, đi lại dễ dàng. Đôi vợ chồng già từ bấy giờ thương yêu anh như con, có việc gì cũng hỏi ý kiến.

Đại úy Hoàng Ngọc Linh nhập ngũ năm 20 tuổi. Một năm sau, năm 2003 anh trúng tuyển vào Trường trung học Quân y 2. Sau ba năm đèn sách, anh được phân công công tác về các bệnh xá dọc biên giới vùng Tây Nguyên. Thời điểm đó đời sống bà con còn vô vàn khó khăn. Sốt xuất huyết, sốt rét hoành hành dữ dội. Bà con vẫn tồn tại hủ tục cúng ma rừng khi đau ốm. Chiến sĩ trẻ Hoàng Ngọc Linh lúc đó là y sĩ ở làng Bi (xã Ia O, Gia Lai) chưa tìm được cách thuyết phục bà con đến bệnh xá, anh tạm chấp nhận tham gia cầu cúng với bà con. Cuối buổi, anh nhét thuốc vào quả chuối thuyết phục bệnh nhân "ăn để thụ lộc"...

Vốn sinh ra ở vùng quê nghèo Quỳnh Phương (Hoàng Mai, Nghệ An), bố anh cũng từng mắc nhiều căn bệnh mãn tính khó chữa, Hoàng Ngọc Linh càng thấm thía tình cảnh ốm đau của người nghèo, cảnh nằm viện người nhà chăm nuôi, đi lại đường sá xa xôi khó khăn. Ông mất trong thời gian anh đang cùng đồng đội gian nan chống lại dịch sốt xuất huyết dọc vùng biên giới Gia Lai, về được đến nhà thì đã mồ yên mả đẹp. Trắc ẩn từ chuyện riêng của mình, Hoàng Ngọc Linh càng nung nấu quyết tâm theo ngành y để chữa bệnh cứu người.

Sau năm năm theo học ở Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh, Hoàng Ngọc Linh tốt nghiệp và được phân công về phòng khám quân dân y Ia Rvê, trở thành người con yêu quý của buôn làng. Nguồn tân dược nhận được không đáp ứng đủ nhu cầu chữa bệnh cho bà con, bác sĩ Linh nhiều năm nay đã phát huy thêm thế mạnh từ nguồn thuốc nam dồi dào. Thỉnh thoảng khi nguồn thuốc nam dự trữ cạn, anh cùng vài thanh niên trong thôn dành trọn một ngày vào Vườn Quốc gia Yok Đôn cách phòng khám hơn 7 km lấy cây thuốc. Từ thực tế điều trị, bác sĩ Linh cho biết, anh dùng thuốc nam kết hợp châm cứu, thủy châm đã cho được hiệu quả chữa trị tích cực. Có những loại cây thuốc, anh Linh học hỏi từ dân gian. Bà con ở đây vẫn gọi một thứ cây chữa gãy xương rất hiệu nghiệm là cây xương khỉ, hay cây bìm bịp. Nhiều năm nay, thay bằng bó bột, anh thường chọn cách điều trị bó lá, bệnh nhân phản hồi dễ chịu hơn, vừa không tốn tiền mà vẫn mang lại hiệu quả cao. Gout, hen, các chứng ho, gai cột sống... là những chứng bệnh khá phổ biến được Đại úy Hoàng Ngọc Linh sử dụng thuốc nam làm chủ đạo trong điều trị. Cuối năm ngoái, ông Y Bé KSơ bị tai biến mạch máu não, may mắn được cứu sống nhưng di chứng để lại là liệt nửa người và cấm khẩu, kiên trì theo đuổi chữa trị ở nhiều bệnh viện lớn nhưng kết quả vẫn không mấy khả quan. Từ cơ duyên có người mách bảo, gia đình tìm đến bác sĩ Linh, trông cậy vào kinh nghiệm điều trị các di chứng do tai biến. Quả nhiên chỉ sau năm ngày điều trị, bệnh nhân cử động, co duỗi được chân và khỏi bệnh sau hai liệu trình chữa trị...

Bác sĩ Linh cho biết, phương pháp điều trị châm cứu bằng kim dài (trường châm) tuy được học đến nhưng hầu như chỉ trên y văn. Anh đã học hỏi thêm trong chuyến về thăm quê vợ ở Trùng Khánh (Cao Bằng) từ một giáo sư y học cổ truyền người Trung Quốc. Trở về Ia Rvê, Đại úy Hoàng Ngọc Linh đặt mua loại kim này từ Hà Nội gửi vào, từ đó, việc điều trị bệnh cho bà con hiệu quả hơn.

Mặc dù gia đình nhỏ của anh đều ở Đắk Lắk nhưng do đặc thù công việc, một mình phụ trách phòng khám, Đại úy Hoàng Ngọc Linh phải túc trực ngày đêm cho nên trong điều kiện thuận lợi, mỗi tháng anh mới được về thăm nhà một lần. Mùa khô anh thường chạy xe máy đi tắt đường rừng khoảng 80 km là về đến nhà. Mùa mưa, con đường về nhà khó khăn thêm nhiều phần. Đường lầy lội trơn trượt, anh buộc phải bám đường chính qua thành phố rồi vòng về huyện Ea H’leo, tổng cộng quãng đường đi về tầm 250 km. Khó khăn bộn bề, nhưng Đại úy Hoàng Ngọc Linh luôn vượt lên hoàn cảnh, luôn đặt việc điều trị cho bệnh nhân lên hàng đầu. Trong đợt phòng, chống dịch Covid-19, Đại úy Linh đã lăn lộn cùng đồng chí, đồng nghiệp, công an và chính quyền thôn, xã trực tiếp đến từng hộ gia đình để tuyên truyền vận động các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Để tạo thói quen dùng khẩu trang y tế, dung dịch sát khuẩn cũng như phản xạ phòng dịch bệnh đối với người dân dọc tuyến biên giới Ia Rvê đòi hỏi sự kiên nhẫn, tận tụy bởi tuyên truyền bằng tờ rơi đơn thuần không thể phát huy tối đa hiệu quả. Nhớ lại những ngày ấy, Đại úy Linh chia sẻ: Cả nước căng mình chống dịch, vất vả đâu chỉ riêng ai. Bà con mình được bình an như thế này là tốt quá rồi...

Những nỗ lực cố gắng của Đại úy Hoàng Ngọc Linh đã được ghi nhận với hai lần được danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, Huy chương Chiến sĩ vẻ vang hạng nhì, hạng ba. Người bác sĩ xông xáo, nhiệt huyết ấy dù không sinh ra giữa đại ngàn Tây Nguyên nhưng vẫn luôn tận tâm, lặng lẽ cống hiến, chăm sóc sức khỏe cho đồng bào để tình quân dân thêm gắn bó, thắm thiết.