Lúc khó mới biết quý những gì xếp xó

Lúc còn bé, tôi nhớ rất rõ đã từng hỏi mẹ rằng có nên học may vá, học làm một số món truyền thống không. Sách vở hay nhắc đến mấy kỹ năng này, nhưng mẹ có vẻ chẳng quan tâm gì. Thực ra mẹ may đan rất khéo, nhưng mẹ chỉ thích tự làm cho mẹ, chẳng thích dạy tôi.

Tập làm trứng muối. Ảnh trong bài do tác giả cung cấp.
Tập làm trứng muối. Ảnh trong bài do tác giả cung cấp.

Mẹ bảo thời mẹ phải tự, thời con sau này ra ngoài mua, cái gì cũng có sẵn hết, hoặc trả tiền người khác làm nếu mình đủ giỏi để kiếm ra tiền, có thời giờ thì này piano, này vi tính, tiếng Anh... đi nhé.

Đến khi cả nước bùng phát dịch cúm gà H5N1, người người rục rịch đi trữ thực phẩm, tôi từ nước ngoài về thấy cả nhà thèm trứng mà không dám ăn, bố tôi mới gọi điện hỏi cô em gái - người duy nhất chịu học các món ăn của bà nội - rằng hồi xưa bà tự làm trứng muối như thế nào.

Bố bảo, muối diệt khuẩn tốt, trữ được lâu, và ít ra trứng muối “tự nhiên, tốt sức khỏe” hơn mì gói.

Hết chào cúm gà lại đón cúm heo, riết rồi cái món trứng muối ấy trở thành người quen trong bếp gia đình tôi. Thực tế là trứng muối làm sẵn vẫn đầy siêu thị, nhưng theo lập luận của một ông bố chưa muốn chết và hay lo xa thì lỡ đâu dịch bệnh phát triển đến mức không kiểm soát được, lúc ấy chẳng còn ai làm sẵn gì cho mình ăn, hoặc siêu thị không hoạt động nữa sẽ ra sao đây, nên giờ tự làm là vừa. Chứ ăn đồ hộp mãi cũng chết vì thiếu dinh dưỡng.

Người tính không bằng trời tính, ông bà tổ tiên của loài người luôn hiểu rằng tai họa có thể ập đến bất cứ lúc nào. Có tai họa do người gây nên, có tai họa chẳng do ai gây ra cả. Hôm nay cả nhà no đủ, đồng lúa trĩu bông, hôm sau chỉ cần một đàn châu chấu là xem như mất trắng.

Quốc gia nào cũng có những nỗi lo này, dịch bệnh như thời nay là mối lo chung, còn mỗi nước lại có cái lo “đặc sản” riêng, như Việt Nam lo lũ lụt, Nhật Bản lo động đất và sóng thần. Thời xưa, từ Tây, ta, đến Tàu, nhà nào cũng thủ sẵn các chiêu thức trữ thực phẩm. Thời ấy tủ lạnh không có, lại càng không thể tọt ra siêu thị.

Bảo xưa cho oai chứ cũng chả phải xưa lắm. Người trung niên vẫn còn nhớ rằng ông bà Việt Nam luôn chủ động làm giò chả, chà bông, thịt ngâm mắm, tôm ngâm chua, tương tỏi, trứng muối, xá bấu, rau củ muối... để trữ ăn dần và đề phòng “ngộ nhỡ”. Mấy kỹ năng này dưới quê còn tồn tại nhiều hơn thành phố, nhưng người biết làm cũng ngày một già đi và ít đi. Đặc biệt nếu nhà có đứa con học giỏi là thường để cho nó học, chả bắt nó làm gì.

Các bạn tầm bốn năm chục tuổi ở Tây cũng nói rằng hồi nhỏ vẫn thấy ông bà tự nuôi heo, xong tự làm xúc xích, salami, giăm-bông, pate, thịt muối, thịt hun khói, trứng ngâm giấm. Bạn tôi còn bảo ông bà tao đi tị nạn từ Italia sang miền quê nước Pháp để trốn phát-xít, có lúc đói cả nhà phải lục thùng rác ăn, nên mấy món dễ dự trữ như đồ khô, hay đồ muối mặn kiểu thịt nguội là ông bà tao biết làm hết. Đời bố tao, ông biết đi săn, biết vào rừng hái nấm. Đời chị em tao, chả ai biết gì trừ nấu ăn mấy món cơ bản.

Thời nay ít nhiều cũng đỡ hơn. Tuy nhiên theo lịch sử và khoa học thì dịch bệnh là thứ sẽ lặp lại, không thể tránh khỏi, khác chăng là cường độ với mật độ nó tới đâu. Đặc biệt nếu loài người tiếp tục sinh sôi, sống ngày càng nhiều trên cùng một diện tích chật hẹp, gây ô nhiễm mất vệ sinh, lấn chiếm hết cả rừng, chặt hết cả cây để làm nhà làm ruộng và khiến động vật hoang dã ngày càng ít chốn dung thân do phải cạnh tranh chỗ ở với mình là không dịch hạch hồi thế kỷ 14, cúm Tây Ban Nha thời thế kỷ 20, thì sẽ cúm gà, cúm heo, cúm corona thời nay. Nếu không chấn chỉnh, lúc thế hệ này thành một nhúm cỏ, chẳng biết thế hệ sau còn phải sống với bao nhiêu cái dịch nữa.

Bởi vậy truyền đạt mấy kỹ năng cơ bản của ông bà thay vì nghĩ cuộc sống hiện đại luôn bán món “làm sẵn” chắc không thừa. Tôi đã học nhà tôi cái món trứng muối kia, và lúc quay lại nước ngoài để đi học tiếp, tôi thuê nhà ở cùng với hai cô Trung Quốc. Thấy tôi làm trứng muối, hai cô trố mắt bảo mày biết làm à, nước tao cũng có, nhưng đa số là mua, chả tự làm bao giờ.

Khi kể cho gia đình nghe, nhà tôi bảo tiếp tục làm đi, dịch mà tệ hơn mày bán ngàn đô một quả. Tôi nghĩ bụng nếu tới mức đó thật chắc mình lấy trứng đi đổi với người biết may áo quần, hoặc người biết trồng rau, biết trồng gạo... đặng cùng sống với nhau, chứ tiền phỏng có ý nghĩa gì.

Giờ lại nhớ đến hai cô Trung Quốc ấy, lúc thấy tôi muối trứng, hai bạn nhìn ngó thế chứ cũng không hỏi công thức để làm theo. Chả biết học xong hai cô có về Trung Quốc không, và đang ăn gì.