Không tỉnh táo đừng lái xe

Điều khiển phương tiện khi cơ thể quá mệt mỏi, buồn ngủ cũng nguy hiểm không kém so với việc lái xe sau khi uống rượu, bia hay sử dụng ma túy.

Theo định hướng của Bộ GTVT, đến năm 2030 sẽ có khoảng 150 trạm dừng chân giúp cho người lái xe nghỉ giữa chặng.
Theo định hướng của Bộ GTVT, đến năm 2030 sẽ có khoảng 150 trạm dừng chân giúp cho người lái xe nghỉ giữa chặng.

Buồn ngủ trong khi lái xe là một trong những nguyên nhân làm cho tỷ lệ tai nạn giao thông (TNGT) tăng lên. Rất nhiều người rơi vào tình trạng lơ mơ, ngủ gà ngủ gật gây ra những tình huống nguy hiểm. Không chỉ tại Việt Nam mà trên thế giới, mỗi năm có hàng nghìn vụ tai nạn xảy ra chỉ vì lái xe bỗng dưng ngủ gật trên vô lăng. Tình trạng buồn ngủ khi lái xe có thể xảy đến với bất kỳ ai, nhất là khi người điều khiển phương tiện giao thông ở trong tình trạng mệt mỏi, thiếu ngủ hoặc lái xe đường trường vào ban đêm. Sau khi gây tai nạn rạng sáng 4-8 tại đường Nguyễn Văn Linh (Long Biên, Hà Nội) khiến chiếc xe con bẹp dúm, ba người tử vong và một người bị thương nặng, lái xe container Lê Thế Tuyển khai do buồn ngủ. Vụ tai nạn một lần nữa làm dấy lên lo ngại trong dư luận xã hội về vấn đề sức khỏe và sự tỉnh táo của các lái xe. Theo thống kê của Ủy ban ATGT quốc gia, số vụ tai nạn xảy ra từ 18 giờ tối đến 6 giờ sáng hôm sau thường lớn hơn gấp hai, ba lần so với ban ngày, chiếm tới 30% tổng các vụ TNGT trong một năm.

Ngoài nguyên nhân chủ quan do chạy tuyến liên tục với thời gian chạy xe thường vào ban đêm, có những lý do khách quan khiến nhiều người dễ rơi vào trạng thái buồn ngủ như vì thời tiết dịu mát, bật điều hòa trên xe hơi, hay chính vì sự rung động mà chiếc xe tạo ra khi nó di chuyển cũng khiến những người tỉnh táo nhất dễ cảm thấy buồn ngủ. Theo một nghiên cứu mới cho thấy, sự rung động này có thể mang lại cảm giác buồn ngủ chỉ sau 15 phút.

Nhiều chuyên gia khuyến cáo không nên lái xe liên tục trong bốn giờ, vì não bị quá tải và thiếu tập trung. Người lái xe chỉ nên chạy trong hai giờ và sau đó dừng lại một khoảng thời gian nhất định để lấy lại cảm giác thoải mái và tập trung. Chính vì vấn đề sức khỏe, an toàn cho tài xế và người chung quanh, nghề lái xe không chấp nhận bất cứ tích tắc sơ sểnh nào. Luật Giao thông đường bộ quy định thời gian làm việc của lái xe ô-tô không quá 10 giờ/ngày và không được lái xe liên tục quá bốn giờ để lường trước giới hạn tỉnh táo của người lái xe. Lái xe đường dài hay trong nội thành đều yêu cầu người điều khiển phương tiện phải thật tỉnh táo khi ngồi sau vô lăng.

Kiểm soát số giờ lái xe cầm lái thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Mỗi doanh nghiệp đều có tổ ATGT, nơi đây theo dõi cảnh báo từ thiết bị giám sát hành trình, nếu thấy có vấn đề cần thiết sẽ nhắc nhở lái xe. Để xe gây tai nạn, doanh nghiệp sẽ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Tiêu chuẩn về sức khỏe và việc khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ô-tô cũng được quy định tại Thông tư số 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT. Theo quy định, các đơn vị kinh doanh vận tải phải tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho lái xe mỗi năm một lần nhưng không ít doanh nghiệp "khoán trắng" việc khám sức khỏe cho lái xe, để lái xe tự đi khám sức khỏe, sau đó mang kết quả về lưu hồ sơ doanh nghiệp.

Trước thực trạng nhiều vụ TNGT nghiêm trọng liên tiếp xảy ra trong khoảng thời gian ban đêm, TS Trần Hữu Minh, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia cho rằng, cần siết chặt các quy định khi vận chuyển trong khoảng thời gian này, trong đó, quy định rõ lái xe phải được nghỉ ngơi đầy đủ và quy định cụ thể người chịu trách nhiệm giám sát. Bên cạnh đó, cần xây dựng quy định pháp luật nghiêm cấm gây sức ép về thời gian với lái xe, lái xe cần được cung cấp đầy đủ các phân tích về rủi ro trên lộ trình. Đồng thời, cần đưa thêm các kiến thức kỹ năng lái xe ban đêm trong đào tạo và sát hạch lái xe, đặc biệt với lái xe kinh doanh vận tải.

Khi cầm lái đồng nghĩa với việc lái xe nắm sinh mạng không chỉ của chính mình mà còn của hành khách, cộng đồng, tài sản... Người sử dụng lao động cũng không được chủ quan, cần quan tâm nhắc nhở, tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho các lái xe, chỉ giao phương tiện cho những người đủ sức khỏe, tỉnh táo, để tránh xảy ra tai nạn đáng tiếc.