Hợp pháp & hợp lý

Không có gì làm phiền lòng người dân hơn tình cảnh: Hành động hợp lý thì không hợp pháp, mà hợp pháp thì không hợp lý. Việc phạt 90 triệu đồng đối với anh Nguyễn Cà Rê vì hành vi đổi 100 USD lấy tiền Việt tại một cửa hàng vàng ở Cần Thơ có thể là hợp pháp (theo Nghị định 96/2014/NĐ-CP), nhưng rõ ràng là không hợp lý.

Một số bất cập quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ ngân hàng cần được sửa đổi cho phù hợp thực tiễn. Ảnh | Đức Anh
Một số bất cập quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ ngân hàng cần được sửa đổi cho phù hợp thực tiễn. Ảnh | Đức Anh

Nhắc nhở anh Rê và cho qua thì hợp lý, nhưng lại không hợp pháp. Như một giọt nước phản chiếu cả bầu trời, thí dụ cụ thể phản ánh những vấn đề rất lớn của quy trình lập pháp. Vấn đề liên quan trực tiếp ở đây chính là tính hợp lý đã không được quan tâm đầy đủ trong quá trình soạn thảo và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật.

Trong cuộc sống, cái hợp lý bao giờ cũng chiến thắng, nhưng nhiều khi - với những “khổ đau” không đáng có. Việc người dân bị đẩy vào tình cảnh đã nghèo còn bị phạt trắng tay; chi phí tuân thủ pháp luật tăng cao; cuộc sống khó khăn, tốn kém... là những “khổ đau” nhiều khi quả thật không đáng có. Khổ đâu không chỉ của một mình anh Rê, mà của nhiều người trong xã hội ta. Mặc dù... cái hợp lý thì vẫn chưa chiến thắng.

Khi cái hợp lý và cái hợp pháp xung đột với nhau, thì những “khổ đau” nói trên mới chỉ là phần nổi của tảng băng bất hạnh. Trong phần chìm của nó, tiềm ẩn những tai họa còn lớn hơn và nguy hiểm hơn rất nhiều. Dưới đây là một vài tai họa dễ dàng nhận biết:

Trước hết, đó là việc kỷ cương, phép nước khó được xác lập. Cuộc sống bao giờ cũng đòi hỏi phải hành động theo cái hợp lý. Nếu pháp luật không cho phép làm điều đó thì người dân buộc lòng phải tìm cách lách luật hoặc trốn tránh việc tuân thủ. Tệ hại hơn, một sự phản cảm đối với pháp luật và cơ quan thi hành pháp luật có thể hình thành trong xã hội. Và trong một bối cảnh tâm lý xã hội như vậy, bao giờ chúng ta mới xác lập được nhà nước pháp quyền?!

Hai là, nạn tham nhũng, tiêu cực có thể phát triển tràn lan. Thí dụ, nếu các quy định về kỹ thuật, về trọng tải và tốc độ đối với xe ô-tô là bất hợp lý thì lái xe khó lòng tuân thủ được. Trong bối cảnh này, cảnh sát giao thông có thể thổi còi bất kỳ lái xe nào. Đây là cơ hội chưa từng có để tham nhũng. Và nó đã được không ít người tận dụng. Ở nước ta, việc “làm luật” trên các xa lộ nổi tiếng đến mức ai ai cũng biết. Việc “làm luật” trên các xa lộ này nở rộ, có lẽ, vì tính hợp lý ít được xem xét trong quá trình làm luật trên các bàn giấy. Như vậy, nguyên nhân của tham nhũng nhiều khi nằm ngay trong chính các quy định bất hợp lý của pháp luật.

Ba là, đạo đức xã hội bị băng hoại. Trong một nhà nước pháp quyền, sự tôn trọng và tuân thủ pháp luật là phẩm chất đạo đức quan trọng nhất. Phẩm chất đạo đức này không thể hình thành nếu lách luật, trốn tránh việc tuân thủ pháp luật là một sự cần thiết khách quan. Ngoài ra, những vi phạm nặng nề khác về các quy chuẩn đạo đức cũng sẽ đồng hành, như việc đưa và nhận hối lộ, thái độ sách nhiễu, sự khúm núm trước mặt và khinh bỉ sau lưng, v.v.

Cái hợp lý thường tồn tại khách quan. Các cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật không thể thay đổi cái hợp lý của sự vật theo ý muốn chủ quan. Vấn đề là phải có công đoạn thẩm tra tính hợp lý trong quá trình lập pháp và lập quy. Hợp pháp thì đồng thời cũng phải hợp lý.