Họ thuộc về những đỉnh núi...

Đội ngũ porter Tây Bắc - những người bản địa sống nương tựa vào rừng núi bao đời nay, rừng đối với họ như máu thịt, nên họ luôn hết sức giữ gìn, bảo vệ.

Lù Thị Gôn (trái) chụp ảnh cùng du khách trong chuyến leo núi Lảo Thẩn. Ảnh: K.H
Lù Thị Gôn (trái) chụp ảnh cùng du khách trong chuyến leo núi Lảo Thẩn. Ảnh: K.H

Những người sống nhờ núi

Lù Thị Gôn, cô gái trẻ người dân tộc Dao sống ở bản Pho, xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường (Lai Châu) lấy chồng từ năm 17 tuổi. Vợ chồng họ sống ngay dưới chân núi Putaleng, ngọn núi cao 3.049 m, đứng thứ ba trong top những ngọn núi cao nhất Việt Nam (sau Fansipan 3.143 m, Pusilung 3.083 m). Dăm năm lại đây, khi môn leo núi trekking thành xu hướng, đặc biệt với giới trẻ, nghề khuân vác đồ, dẫn đường, nấu ăn (porter) cho khách theo đó cũng khiến cuộc sống người dân bản Pho thay da đổi thịt. Năm 2018, khi con trai Gôn được hai tuổi, cuộc sống khó khăn bí bách, người phụ nữ trẻ gửi con cho mẹ đẻ, theo chồng cùng các chú, bác trong bản đi gùi hàng! Bén duyên với nghề từ đó, giờ đây tháng nào Gôn cũng đi sáu, bảy chuyến. Ngày đầu mới đi gùi hàng, Gôn nói tiếng Việt chưa sõi, cho nên phải mất một thời gian, cô mới quen dần với trò chuyện trao đổi với khách. Bù lại Gôn nấu ăn ngon lại chu đáo nhiệt tình. Cô luôn mang sẵn hạt mắc khén, hạt dổi... để  làm gia vị cho các món nướng, chấm, khiến khách trầm trồ yêu thích. Năm ngoái, Gôn tự sắm cho mình chiếc điện thoại thông minh đầu tiên trong đời. Từ đó, cô porter xinh đẹp kiêm luôn nhiệm vụ của nhiếp ảnh gia. Những góc chụp đẹp, những khoảnh khắc đáng nhớ dọc đường đi luôn được cô chú ý nâng niu cho khách. Vốn ham học hỏi, đến nay Gôn đã thông thuộc đặc điểm từng ngọn núi: mùa nào săn mây đẹp, mùa nào hoa đỗ quyên, mùa nào cung đường nào lá phong chuyển mầu; những vách đá kỳ thú, những cánh rừng cổ thụ dây leo chằng chịt ma mị, những khuôn hình sống ảo vi diệu... Nhờ có internet phủ đến tận các bản làng xa xôi, vợ chồng họ biết thêm nhiều vùng đất mới, những mối quan hệ, giao lưu học thêm nhiều điều từ không gian mạng. Họ tham gia các trang mạng xã hội, các diễn đàn để trao đổi, tư vấn cho khách lựa chọn hợp lý. Được cộng đồng leo núi đánh giá cao, vợ chồng Lù Thị Gôn giờ đây luôn trong tình trạng kín lịch. Mỗi ngày công 300 - 500 nghìn đồng tùy theo độ khó của cung đường, công việc tuy vất vả nặng nhọc nhưng vợ chồng họ luôn vui vẻ yêu đời.

Tráng A Khứ, chàng trai người Mông sinh năm 1996 đến với nghề bài bản hơn. Anh là một trong những porter chuyên nghiệp ở bản Sàng Ma Sáo (Bát Xát, Lào Cai) khi được Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Bát Xát cấp Chứng nhận hoàn thành chương trình Đào tạo kỹ năng du lịch cộng đồng từ năm 2018.

Tháng 11 năm ngoái, anh Phan Thanh Nhiên, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Everest Việt, một trong ba người Việt Nam đầu tiên đặt chân lên mốc 8.849 m của nóc nhà thế giới Everest vào năm 2008, trong phút bất chợt đã có một quyết định ngẫu hứng: thử thách bản thân với việc chinh phục sáu trong top 15 đỉnh núi cao nhất Việt Nam. Kết quả anh cùng porter Tráng A Khứ đã xác lập kỷ lục trong ba ngày và sáu tiếng đặt chân lên sáu chóp núi là Fansipan, Ngũ Chỉ Sơn, Ky Quan San, Lảo Thẩn, Nhìu Cồ San (Lào Cai); Putaleng (Lai Châu)! Họ lên đỉnh cuối cùng của hành trình là Lảo Thẩn khi trời đã tối, lúc này chàng porter kiên cường Tráng A Khứ cũng quá mệt, vật vã với cơn buồn ngủ không thể cưỡng, đòi ngủ lại trên đỉnh. Tình thế lúc đó nhiều bất lợi, trời vẫn mưa như trút, quần áo, mũ giày ướt nhoẹt, gió rít ào ào, nhưng bằng sự trải nghiệm bản thân, Nhiên yêu cầu dứt khoát cả hai cần nhanh chóng xuống núi. Đêm đó anh em họ về đến trung tâm Mường Hum muộn, với đôi chân sưng vù nhăn nheo tóe máu. A Khứ bị cảm lạnh ho mãi không ngớt nhưng lòng ngập tràn men hạnh phúc vì lớn lên ở núi nhưng đây là lần đầu tiên anh thử sức với một hành trình có cường độ lớn đến vậy...

“Rừng không cần rác”

Là một trong những hashtag mà thành viên tích cực Linh Phan đã gắn trong Hội Đam mê leo núi để nhắc nhở cảnh báo các thành viên ý thức bảo vệ môi trường khi tham gia leo núi. Cùng với lời nhắc nhở là những hình ảnh không đẹp mắt mà anh chụp lại trong chuyến leo núi Pusilung một ngày đầu tháng 12. Đó là đỉnh núi có địa hình heo hút, hiểm trở vào bậc nhất của núi rừng Tây Bắc, mặc dù nhiều tháng nay không có bóng khách leo núi vì lực lượng chức năng không cấp phép nhưng hiện trường một bãi cắm trại của một nhóm du khách vẫn còn để lại nguyên xi trên đường đi. Vỏ bình gas mini, bao nilon, áo mưa, chai nước, bạt che, decal, giấy gói nhựa... vứt chỏng chơ dọc lối đi. Bằng những hình ảnh đưa lên, các thành viên trên diễn đàn đã nhanh chóng truy tìm thông tin, kết nối và một chút ngẫu nhiên, họ đã tìm ra người vi phạm để nhắc nhở.

Cung đường nào cũng đều có những du khách vô ý thức xả rác bừa bãi, mặc dù việc tuyên truyền vận động nâng cao ý thức bảo vệ rừng luôn được bền bỉ nhắc nhở trên các chuyến đi thực tế cũng như trên các diễn đàn. Hiện chưa có đơn vị nào có chức năng đứng ra tuyên truyền và xử lý vi phạm về vệ sinh, môi trường rừng.

Tẩn Chỉn Khệ, người dân tộc Dao đỏ sống ở bản Nà Đoong, xã Bản Lang (Phong Thổ, Lai Châu) là porter được đánh giá có trách nhiệm và lòng tận tụy đầy đủ phẩm chất của một porter chuyên nghiệp. Trong các chuyến leo núi, anh luôn là người ở lại sau cùng thu dọn vệ sinh sạch sẽ. Rác nào có thể đốt được thì đốt, đợi cháy hết, dập lửa an toàn trước khi rời đi. Anh cũng như phần lớn đội ngũ porter Tây Bắc, là người bản địa sống nương tựa vào rừng núi bao đời nay, rừng đối với họ như máu thịt, nên họ luôn có ý thức giữ gìn, bảo vệ để cảnh quan sạch đẹp. Người cũ nhắc nhở người mới, nhắc nhở khách nếu có ai đó sao nhãng bỏ rác lung tung. Nhặt rác trở thành ý thức thường trực của đội ngũ porter dọc núi rừng Tây Bắc. Slogan “Hãy đừng để lại gì trong rừng ngoài những dấu chân” chưa từng xuất hiện ở đây nhưng luôn có trong ý thức người dân. Ông Giàng A Sà - Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ bảo vệ rừng thôn Ý Lình Hồ 1, một trong những thôn khó khăn nhất của xã Hoàng Liên (huyện Sa Pa, Lào Cai) cho biết: “Thôn nhiều năm nay vẫn tổ chức lễ ăn thề bảo vệ rừng, thường xuyên nhắc nhở nhau ý thức phòng, chống cháy rừng vào mùa khô...”.

Hướng đến sự chuyên nghiệp

Đầu tháng 8 vừa qua, lần đầu tiên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Tổng cục Thể dục thể thao ủy nhiệm cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lạng Sơn tổ chức lớp tập huấn chuyên môn cho người hướng dẫn tập luyện và nhân viên cứu hộ môn Leo núi thể thao toàn quốc năm 2020. Anh Phan Thanh Nhiên được mời làm giảng viên cho khóa học này cho hay: Hiện tại bộ môn thể thao này gần như chưa có trong chương trình giảng dạy ở các trường. Đội ngũ hướng dẫn viên, porter cho đến nay hoạt động gần như tự phát, tự học hỏi, truyền nghề lẫn nhau. Tháng 10-2020, Lù Thị Gôn chứng kiến một trường hợp khách nữ khi leo núi Lảo Thẩn bị đau ruột thừa, phải thuê hai porter khỏe thay nhau cõng chị xuống núi trong đêm. Anh Phan Thanh Nhiên chia sẻ, trong quá trình leo Everest, những sherpa bản địa đã cứu hộ người bị nạn bằng chiếc gùi ngồi ngược đeo sau lưng rất hiệu quả. Các công ty du lịch lữ hành có thể áp dụng cách làm này thay cho phương pháp duy nhất hiện nay là cõng. Với tư cách chuyên gia leo núi, anh Nhiên luôn sẵn lòng hỗ trợ chia sẻ cho đội ngũ hướng dẫn viên, porter địa phương các kỹ năng cần thiết như chia sẻ cách đi như thế nào để phù hợp với thể tạng mỗi người, kỹ năng xử lý các tình huống hay gặp phải trong quá trình trek như bị tụt can-xi, chuột rút, co cơ, cảm lạnh...

Vùng Tây Bắc, đặc biệt là Lào Cai, Lai Châu sở hữu hệ núi quá đẹp, quá hấp dẫn, quyến rũ khiến du khách đi rồi muốn đi lại. Mỗi lần leo lại có một trải nghiệm mới. Theo quan sát của tôi, ba năm gần đây, du khách chọn đi hướng Tây Bắc tăng đột biến. Trong tương lai môn trekking núi có thể sẽ lấn át du lịch truyền thống - Anh Phan Thanh Nhiên chia sẻ. Nhu cầu của người dân bản địa được tham gia những buổi nói chuyện, tập huấn, trao đổi, giao lưu với chuyên gia leo núi, các nhà chuyên môn, kiến thức về dinh dưỡng cho người leo núi thế nào cho phù hợp... cần được bổ sung sớm.

Dịp Noel 2020, lần đầu tiên trong đời Lù Thị Gôn được về Thủ đô Hà Nội. Cô bày tỏ niềm sung sướng hạnh phúc vô bờ khi thực hiện được ước mơ lớn nhất cuộc đời: vào Lăng viếng Bác. Đón cô gái trẻ Lù Thị Gôn ở Hà Nội là đôi vợ chồng từng được cô dẫn đường leo một số đỉnh. Hai ngày ở Hà Nội, cô được vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, thăm Chùa Một Cột, ngắm Tháp Rùa Hồ Gươm. Gôn cảm động rưng rưng: “Cuộc sống của em, của bố mẹ, dân làng em trước đây nghèo đói, không làm gì ra tiền ngoài săn bắn, thậm chí chặt trộm gỗ rừng bán. Nay dân bản đi làm porter, có công việc để làm, có tiền, chúng em vui lắm, càng có động lực bảo vệ rừng sạch đẹp”. Chia tay cô gái đáng yêu của núi rừng Tây Bắc, khách chủ bùi ngùi hẹn hò nhau ngày gặp lại, tháng 3 mùa đỗ quyên nở rộ...

4_1-1612413162516.jpg