Hành trình tiếp sức ngư dân vươn khơi

Đó là hành trình để chia sẻ, tiếp sức những ngư dân đang ngày đêm giữ biển, đối mặt nhiều nguy hiểm. Hành trình này có nhiều nụ cười và cả những giọt nước mắt. 50 tấn gạo đã được trao cho nhiều ngư dân tỉnh Quảng Ngãi, nhưng vượt lên trên các con số là tấm lòng...

Được tiếp sức, nhiều con thuyền nằm bờ ở huyện Bình Sơn chuẩn bị ra khơi.
Được tiếp sức, nhiều con thuyền nằm bờ ở huyện Bình Sơn chuẩn bị ra khơi.

“Một miếng khi đói bằng một gói khi no”

Tình hình Biển Đông căng thẳng, ngư dân miền trung ra khơi gặp nhiều trở ngại lại thêm đại dịch Covid-19 khiến hải sản khó tiêu thụ, rớt giá. Khó khăn kép đã đẩy nhiều ngư dân vào tình cảnh gieo neo. Đón nhận những thông tin không vui ấy, ông Nguyễn Văn Tưởng, chủ tịch công ty Trầm Hương Khánh Hòa có sự thôi thúc tự nhiên trong lòng muốn chia sẻ với bà con ngư dân, giúp họ vươn khơi bám biển.

Ông Tưởng viết trên Facebook về ý tưởng muốn mua cả nghìn tấn gạo tặng ngư dân dọc dải biển miền trung. Ý tưởng đó được báo Tiền Phong- một cơ quan truyền thông thường xuyên tổ chức các hoạt động xã hội - đón nhận. Báo Tiền Phong đã kết nối với UBND tỉnh Quảng Ngãi để cùng Trầm Hương Khánh Hòa thực hiện chương trình “Tiếp sức ngư dân giữ biển”. Tỉnh Quảng Ngãi trở thành nơi diễn ra hành trình “Tiếp sức ngư dân giữ biển”.

Nhiều con tàu thôn An Kỳ, xã Tịnh Kỳ, thành phố Quảng Ngãi nằm bờ suốt cả tháng tư vừa qua. Ngư dân gặp khó khi ra khơi bị tàu lạ quấy phá, trong khi hải sản đánh bắt khó tiêu thụ, giá rớt. Với nghề biển, ráo mồ hôi là hết tiền, nên tàu nằm bờ đã đẩy không ít ngư dân lâm vào cảnh “chạy ăn từng bữa”.

Đúng lúc ấy, thôn nghèo An Kỳ nhận được tin vui khi Chương trình: “Tiếp sức ngư dân giữ biển” tặng gạo tới bà con. Sáng 20-5 rất đông người dân của xã Tịnh Kỳ đã có mặt ở trụ sở UBND xã để nhận quà. Mỗi ngư dân được nhận 10 kg gạo tiêu chuẩn xuất khẩu được đóng gói đẹp và tiện dụng.

Bà Lê Tố Nữ rưng rưng: “Một miếng khi đói bằng một gói khi no, đây là sự hỗ trợ rất đúng lúc với ngư dân chúng tôi để tiếp tục ra khơi”.

Xã Bình Châu, huyện Bình Sơn có gần 500 tàu cá và khoảng 9.000 lao động nghề biển. Đang mùa ruốc và cá cơm nhưng giá ruốc lại xuống đến mức 5-7 nghìn đồng/kg, không đủ chi phí mua dầu cho tàu. Ngư dân lâm vào thế “tiến thoái lưỡng nan, đi về lận đận”.

Hơn 1.000 ngư dân của xã giáp biển Bình Tân Phú cũng rơi vào tình cảnh như vậy. Những con tàu không còn đủ sức vươn khơi, đành đánh bắt quẩn quanh gần bờ, đón luồng cá cơm đang vào vụ. Nhưng giá cá cơm lại giảm mạnh, có thời điểm chỉ còn 10 nghìn đồng/kg, ngay cả lấy công làm lãi cũng khó. Lại thêm khó khi địa hình của xã là bãi ngang, không có chỗ neo đậu tàu thuyền. Tàu nhỏ, ngư cụ lại thiếu.

Cụ bà Nguyễn Thị Hòe vừa bán mấy cân cá cơm mà con trai đánh lưới về. Chừng ấy chỉ đủ tiền rau cháo qua ngày. Ở tuổi tám mươi, cụ mệt nhọc xách túi gạo được biếu, gương mặt nhăn nheo nở nụ cười rạng rỡ: “Tui đã có đủ lương thực cho con trai đi biển”.

Ngày mai con trai cụ Hòe và những con tàu của ngư dân huyện Bình Sơn lại rẽ sóng ra khơi, trong hành trang mang theo có những cân gạo nghĩa tình mà họ được chia sẻ hôm nay.

Hành trình tiếp sức ngư dân vươn khơi -0
Ông Nguyễn Văn Tưởng tặng gạo bà con ngư dân ở đảo Lý Sơn.

Những cột mốc chủ quyền trên biển

Lý Sơn ở ngoài khơi tỉnh Quảng Ngãi có những cảnh sắc đẹp đến nao lòng của một hòn đảo được hình thành từ năm miệng núi lửa, nhưng tiềm năng vẫn còn như “nàng công chúa ngủ trong rừng”.

Sáng 21-5, 500 suất quà đã được trao cho ngư dân Lý Sơn, trong đó có nhiều người sắp sửa ra khơi sau đại dịch Covid-19. Biển Đông nổi sóng, hải sản khó tiêu thụ đã trở thành thử thách đối với ngư dân. Nhưng họ vẫn ra khơi như một lẽ sống.

Ngư dân Đặng Ngọc Lễ, thôn Tây đã chứng kiến cái chết của cha mình khi tàu cá của gia đình bị chìm ở ngư trường Hoàng Sa. Mất cha và mất tàu cá trị giá ba tỷ đồng, nhưng anh vẫn đang gom góp tiền để mua tàu. “Tôi vẫn quyết ra khơi, bởi Hoàng Sa là ngư trường của cha ông. Hằng năm, trong dịp lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, đứng trước tiên linh, mỗi ngư dân đất đảo đã nguyện với lòng mình sẽ giữ biển, đảo quê hương đến cùng”, anh Lễ nói, nhìn xa xăm ra biển.

Thanh trầm hương mà ông Nguyễn Văn Tưởng mang từ đất liền được dâng lên tượng đài “Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải” ở đảo Lý Sơn vào sáng tháng năm đầy nắng. Mùi trầm hương thơm dịu lan tỏa không gian và dường như lay động cả những bức tượng đá tạc hình hùng binh Hoàng Sa thuở trước. Lễ dâng trầm trước tượng đài Hải đội Hoàng Sa ấy càng khiến cảm xúc thăng hoa khi nghe những câu chuyện về cha ông giữ biển. Ngày ấy các trai tráng được lựa chọn từ cư dân vùng biển Trung Bộ, chủ yếu là vùng Lý Sơn, Quảng Ngãi để điều ra Hoàng Sa, Trường Sa đánh bắt và thu lượm sản vật, đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ, cắm mốc chủ quyền. Hải đội hầu như không có người trở về nhưng mỗi năm đều có hải đội ra khơi. Xác định một đi không trở lại nên trước khi xuất phát, mỗi người đều chuẩn bị sẵn một đôi chiếu, nẹp tre, dây mây, thẻ tre. Nếu gặp chuyện bất trắc, chiếu dùng bó xác, nẹp tre dùng để nẹp dây mây quấn lại, thẻ tre dùng để ghi phiên hiệu, quê quán rồi kẹp cùng xác và được đồng đội của họ thả xuống biển. Dân Lý Sơn vẫn lưu truyền những câu ca: “Hoàng Sa đi có về không/ Lệnh vua sai phải quyết lòng ra đi”; “Trường Sa trời biển mênh mông/ Người đi thì có mà không thấy về”.

Khí phách ấy của những đội hùng binh Hoàng Sa giờ vẫn đang cuộn chảy trong huyết quản người dân đảo Lý Sơn. Ông Nguyễn Viết Vy, Bí thư huyện đảo Lý Sơn cho hay toàn huyện có hơn 3.100 lao động, hầu hết đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Tình hình Biển Đông phức tạp, việc đánh bắt xa bờ, gần bờ gặp nhiều khó khăn nhưng người dân vẫn ngoan cường bám trụ ngư trường. Họ chính là những cột mốc chủ quyền trên biển.

Ông Nguyễn Văn Tưởng tâm sự: “Tôi nghĩ mỗi người Việt Nam đều có tình cảm thiêng liêng với biển đảo, mỗi khi Biển Đông dậy sóng thì triệu con tim người Việt lại hướng về. Yêu biển đảo Tổ quốc, chúng ta cần tập trung phát triển kinh tế biển mà Nghị quyết 36 của Đảng về chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã vạch ra. Phát triển kinh tế biển, lực lượng doanh nhân đóng vai trò quan trọng. Cần dồn tâm sức và nhiều nguồn lực cho kinh tế biển, thay vì chỉ quanh quẩn ở bờ. Hãy hiện diện trên biển và đánh thức tiềm năng to lớn của biển đảo. Chừng nào công cuộc vươn khơi, bám biển chỉ nằm trên vai những người ngư dân và người lính hải quân thì chúng ta chưa thật sự góp sức mình cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo”.

Hành trình tiếp sức ngư dân tiếp diễn ở các huyện Tư Nghĩa, Bình Sơn, Mộ Đức, thị xã Đức Phổ... Đoàn đã tặng ngư dân tỉnh Quảng Ngãi 50 tấn gạo. Ông Nguyễn Cao Phúc, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi đánh giá: “Đây là việc làm đầy trách nhiệm xã hội, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo bằng cách chia sẻ gánh nặng với bà con ngư dân. Vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tôi biết ai cũng gặp khó, nhưng món quà lúc khó khăn của những người đang khó khăn dành cho đồng bào khó khăn hơn thật sự rất ý nghĩa”.

Rời Quảng Ngãi, đoàn tới Khánh Hòa, kết hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hòa trao 50 tấn gạo tiếp sức ngư dân huyện Vạn Ninh, ngư dân xã Cam Hải Đông (TP Cam Ranh), ngư dân phường Vĩnh Trường, xã Phước Đồng (TP Nha Trang), ngư dân xã Ninh Lộc, Ninh Phú (thị xã Ninh Hòa). Và tiếp theo sẽ là những địa danh khác của dằng dặc dải biển miền trung, để nghìn tấn gạo sẽ đến được với bà con ngư dân đang gặp nhiều khó khăn...