Giữ lửa Lò Rèn

Phố Lò Rèn (quận Hoàn Kiếm), từng gắn bó với biết bao thế hệ người dân Thủ đô với những bếp lò đỏ lửa, với tiếng đe, tiếng búa. Theo thời gian, những ngọn lửa trên phố dần nguội lạnh, để đến nay, chỉ còn ông Nguyễn Phương Hùng, người thợ rèn cuối cùng, trong xưởng rèn chỉ vài mét vuông của mình vẫn miệt mài với công việc giữ lại lửa nghề cho con phố.

Ông Nguyễn Phương Hùng gắn bó với nghề rèn thủ công hơn 20 năm qua.
Ông Nguyễn Phương Hùng gắn bó với nghề rèn thủ công hơn 20 năm qua.

Nghiệp đe búa

Hàng chục năm ông Hùng chỉ quanh quẩn trong vài mét vuông ở góc phố Lò Rèn, tưởng buồn nhưng hóa ra cũng rất thú vị. Là lò rèn cuối cùng trên phố, chung quanh là những xưởng cơ khí, nhôm sắt hoành tráng cho nên cái cơ ngơi nhỏ bé của ông vì thế mà nổi bật. Khách vào, ra, hỏi han thường xuyên, chẳng bao giờ ông thấy cô đơn cả. Có người hỏi thăm là quý, ấy thế mà dù bận rộn nhưng chẳng bao giờ ông thiếu thời gian cho khách. Chưa kể, cái nghề trông nóng nực, bức bối, lấm lem vậy thôi, nhưng luôn tạo cho ông sự say mê, sảng khoái. Chả trách mấy vị khách đang ngồi đợi hàng cũng góp vui vào câu chuyện: “Hiếm khi thấy anh Hùng không cười”.

Hỏi chuyện đời, chuyện nghề ông Hùng cười xòa: “Nghề của tớ cũng như bao nghề khác, cứ chăm chỉ, tâm huyết, yêu nghề, làm việc có trách nhiệm thì kiểu gì cũng có của ăn, của để ”. Nói rồi ông chỉ vào gian hàng nhỏ treo la liệt những mũi đinh, mũi đục, dao, búa và nói: “Cậu có tin không, tớ nuôi vợ con, làm được nhà to nhờ vào mấy mét vuông này đấy!”. Ông là thế hệ thứ ba trong gia đình làm nghề rèn. Ngày xưa, ông nội là thợ rèn nức tiếng của con phố chuyên nghề lò bễ này. Hồi đó, con phố chỉ độ vài trăm mét mà có hàng chục lò rèn thủ công, cả phố làm nghề. Phố Lò Rèn sống trong thời kỳ hoàng kim, quanh năm suốt tháng đỏ lửa cùng tiếng búa, tiếng đe chan chát rộn ràng. Đến đời bố ông Hùng, nghề vẫn đang phát triển, mặc dù đâu đó, có gia đình đã buông búa, bỏ đe. Có gia đình đầu tư hẳn máy khoan cắt nhôm kính, máy làm i-nốc... Con phố vơi dần những lò rèn thủ công. Khi ông Hùng nối nghiệp thì những lò rèn trên phố nghề dần nguội lửa.

Nhớ lại những ngày mới bước vào nghề, ông chỉ gói gọn:“đó là duyên nợ”. Từ bé, là con thợ rèn, bảy anh em ông đã quen với những việc lặt vặt bên lò bễ. Đến khi trưởng thành, thấy công việc vất vả quá, chẳng ai mặn mà muốn nối nghiệp cha. Ông học hết phổ thông, theo học sửa chữa ô-tô rồi công tác tại một xưởng cơ khí. Khi bố ông Hùng tuổi đã cao, không còn đủ sức khỏe để tiếp tục làm, đã gọi ông đến bày tỏ tâm nguyện muốn có một người con tiếp nối nghiệp gia truyền. Năm 1996, ông bắt đầu công việc cùng lò bễ, đe, búa với câu dặn dò của bố làm kim chỉ nam: “Mình có tâm với nghề thì nghề sẽ nuôi sống mình”.

Thấm thoắt cũng đã hơn hai thập kỷ gắn bó với nghề, ông Hùng bảo, ban đầu, còn có chút lăn tăn, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, ông đã bị nghề rèn cuốn hút. Càng làm, ông càng say mê. Một phần do có kỹ thuật căn bản, lại có trong mình “dòng máu” của một thợ rèn chính hiệu cho nên chẳng mấy chốc ông thạo nghề, được nhiều khách hàng biết đến. Theo ông Hùng, thoạt đầu trông thấy, cứ ngỡ nghề rèn vốn chỉ đòi hỏi sức khỏe, tinh thần thép, ấy vậy mà đó cũng là cả một nghệ thuật. Người thợ phải mất nhiều công sức, rèn luyện sự khéo léo, tỉ mỉ để từng động tác phải thật sự thanh thoát và có độ chính xác cao. Chưa kể, mỗi loại sắt thép có tính chất khác nhau, lại phải tùy vào thời tiết, nhiệt độ không khí để xác định thời gian tôi trong bễ trong bao lâu để ra sản phẩm chất lượng nhất. Những điều đó không phải chỉ ngày một, ngày hai mà học được. Nói rồi, ông chỉ cho tôi xem một mũi khoan ông vừa mới hoàn thiện và cho biết, để ra được mũi khoan này, thợ rèn phải biết tính toán chuẩn xác thời điểm cho phôi vào lò. Rèn xong ngâm phôi vào dầu bao lâu là đủ. Rồi các nhát búa nện vào mũi khoan phải thật chuẩn xác để tạo góc cạnh để đạt độ sắc nhọn cần thiết...

Vẫn chưa có người truyền nghề

Đến nay, đã là một người thợ lành nghề, điều ông Hùng tự hào nhất là những sản phẩm của ông đều được ưa chuộng. Thậm chí trong thời kỳ máy móc phát triển, nhưng khách hàng ở nhiều địa phương xa xôi vẫn tìm đến ông khi muốn làm dao, liềm, đinh, ốc, mũi khoan,... Sự tín nhiệm của khách hàng là niềm động viên để người thợ rèn cuối cùng trên phố Lò Rèn làm nghề. “Đã trải qua bao mùa nóng như thế này, nhiều người ở trong nhà mà không có điều hòa còn không chịu nổi, nhưng tôi vẫn ngồi bên lò lửa rát da, rát thịt, với công việc nặng nhọc. Không thật sự yêu nghề thì không làm nổi nghề này đâu”, ông Hùng tâm sự.

Một ông lão, đang ngồi đợi để lấy chiếc móc quạt trần đặt ông Hùng làm, tâm sự, nhà ông cách đây vài con phố. Hơn 20 năm trước, mỗi sáng không chỉ con phố Lò Rèn, mà nhiều con phố lân cận đều bị đánh thức bởi tiếng đe, tiếng búa. Những vật dụng bằng sắt, thép trong gia đình, chỉ cần đi vài bước chân là thấy nhan nhản các lò rèn thủ công. Nhưng đến bây giờ, những âm thanh quen thuộc của các lò rèn đã chìm dần vào quá khứ, thay vào đó là tiếng đinh tai, nhức óc của máy công nghiệp. “Với những nghề cần đến khéo léo, tỉ mỉ này, chẳng máy nào có thể làm tốt bằng bàn tay con người được. Trên phố giờ chỉ còn anh Hùng làm nghề, mà bao năm nay chỉ làm một mình, chẳng truyền được cho ai. Nghề rèn thủ công ở con phố này sớm muộn gì rồi cũng biến mất”, ông cụ ái ngại.

Việc giữ những ánh lửa trên phố cũ cũng là nỗi trăn trở bấy lâu của ông Hùng. Ông sinh năm 1960, đến nay đã xấp xỉ lục tuần, nhưng nhìn ông vẫn rất trẻ trung, sung sức. Mặt không nếp nhăn. Mái tóc vàng sạm vì lò bễ không hề lẫn một sợi bạc. Ông tự hào vì trời cho sức khỏe tốt để có thể tiếp tục với nghề. Nhưng khi tôi hỏi: Rồi ai cũng phải già, phải yếu, lúc đó biết truyền nghề cho ai? Gương mặt người thợ rèn thấp thoáng nỗi buồn. Ông bảo, lớp trẻ bây giờ mấy ai chịu học cái nghề lấm lem bụi than, dầu mỡ thế này. Chưa kể, để có thể kiếm sống với lò, bễ, theo học sẽ rất vất vả. Vì thế, bao năm nay, rất hiếm người tìm đến ông để học nghề. Có học thì chỉ dăm bữa, nửa tháng rồi bỏ vì không chịu được sự khắc nghiệt. Con cái ông cũng đều tốt nghiệp đại học, đi làm nhà nước, chẳng đứa nào xác định bước tiếp con đường của cha ông.

Thấy ông Hùng vất vả, đã không biết bao lần vợ, con, người thân, bạn bè khuyên ông nên mua máy móc về làm thay sức lao động, vừa đỡ mệt mà thu nhập có khi lại cao hơn. Nhưng bỏ ngoài tai những lời khuyên, ông vẫn chung thủy với nghề rèn thủ công. Chẳng thể làm giàu, chỉ lấy công làm lãi, nhưng nếu kiên trì, chịu khó thì cuộc sống cũng sẽ dần khấm khá. “Còn sức thì còn làm, đến đâu hay đó. Nghề của cha ông, bỏ không đành. Nếu tôi may mắn tìm được học trò, Lò Rèn vẫn còn hy vọng đỏ lửa. Nếu không, có lẽ, nghề rèn trên phố này chẳng bao lâu nữa cũng đi hết sứ mệnh của nó. Đành chịu!”, ông Hùng tâm sự.

Chia tay ông Hùng khi trời đã tắt nắng, nhưng cái nóng từ mặt đường bốc lên vẫn vô cùng ngột ngạt. Ông lại trở lại với công việc của mình, khi dăm ba vị khách vẫn kiên nhẫn ngồi đợi. Lửa bùng lên, đỏ rực một góc phố. Người thợ cần mẫn, chăm chú cầm từng thanh sắt nung đỏ. Chợt nghĩ, có lẽ đó không chỉ là một lò rèn thủ công, mà là một dấu ấn của nét văn hóa Kinh kỳ. Quả thật đáng tiếc nếu một ngày nào đó ngọn lửa cuối cùng chìm dần vào xa vãng, Lò Rèn chỉ còn là tên của một con phố...