Giải bài toán kích cầu

Kích cầu là một trong những giải pháp quan trọng nhất để ngăn chặn suy giảm và duy trì nền kinh tế, khi chúng ta đã khống chế được đại dịch Covid-19. Đây cũng là giải pháp đang giành được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ.

Du khách trên đường tham quan danh thắng Yên Tử. Ảnh: Trọng Thanh
Du khách trên đường tham quan danh thắng Yên Tử. Ảnh: Trọng Thanh

Tại sao kích cầu lại quan trọng như vậy?

Trước hết, nền kinh tế của nước ta là một nền kinh tế mở. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu lớn, gấp trên dưới 200% GDP. Nghĩa là thu nhập của chúng ta phụ thuộc rất lớn vào thị trường thế giới. Trong lúc đó, do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, thị trường thế giới đang bị suy giảm rất nghiêm trọng. Trong nhiều lĩnh vực, cầu của thị trường thế giới đã suy giảm đến trên dưới 50%. Sự suy giảm này có vẻ sẽ còn kéo dài. Lý do là vì đại dịch vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp ở nhiều nước trên thế giới. Không có cầu, các nước sẽ không mua hàng hóa, dịch vụ của ta. Nhiều doanh nghiệp của ta cho dù có đủ năng lực, thì vẫn lâm vào tình trạng hết sức khó khăn vì không thể tiếp tục sản xuất, kinh doanh. Lấy ngành hàng không làm thí dụ, 50% doanh thu của các hãng hàng không nước ta là từ các chuyến bay quốc tế. Thế nhưng, các nước đóng cửa biên giới để chống dịch, thì chẳng ai có thể bay đi/đến Việt Nam được nữa. Cầu về các chuyến bay quốc tế bằng không, thì doanh thu từ các chuyến bay quốc tế cũng bằng không.

Thứ hai, nếu cầu của thị trường nước ngoài bị suy giảm, thì sản xuất, kinh doanh chỉ có thể duy trì được ở một mức độ nào đó nếu cầu của thị trường trong nước có thể tăng được lên để bù đắp. Như vậy, làm thế nào để cầu trong nước có thể tăng lên là giải pháp chính sách quan trọng nhất để chống suy giảm và duy trì nền kinh tế. Để phục hồi và thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng cao hơn chắc chắn chúng ta vẫn phải chờ sự phục hồi của thị trường thế giới.

Vấn đề đặt ra là chúng ta có thể kích cầu thị trường trong nước như thế nào? Tổng cầu của thị trường trong nước là một đại lượng xác định. Bạn ăn nhiều dưa hấu lên thì sẽ ăn ít thanh long hoặc bưởi đi thôi. Như vậy, cầu chỉ có thể tăng trong những trường hợp: Trước đây bạn đi du lịch nước ngoài, bây giờ đi du lịch trong nước; Trước đây khám sức khỏe và chữa bệnh ở nước ngoài, bây giờ khám sức khỏe và chữa bệnh trong nước; Trước đây gửi con đi học nước ngoài, bây giờ cho con học trong nước; Trước đây mua sắm hàng hóa của nước ngoài, bây giờ mua sắm hàng hóa của trong nước.

Quả thật, việc tăng cầu như trên vẫn chỉ là một khả năng, chứ không phải là một thực tế. Bạn vẫn có thể không đi du lịch trong nước mà chờ nước ngoài mở cửa để đi du lịch nước ngoài. Điều tương tự có thể xảy ra với cả chuyện khám sức khỏe, chuyện cho con đi học và chuyện mua sắm hàng hóa. Có hai yếu tố sẽ tác động mạnh mẽ lên hành vi của bạn ở đây: Tinh thần yêu nước; Hàng hóa dịch vụ trong nước chất lượng bảo đảm, mà giá cả sẽ rẻ hơn. Kích cầu quan trọng là kích vào hai yếu tố này.

Tuy nhiên, tổng cầu tăng lên nhờ những yếu tố nói trên có vẻ vẫn sẽ không đủ lớn. Quan trọng nhất thì vẫn là: tăng được đầu tư thì tăng được tổng cầu.

Tăng cường đầu tư thì có tăng cường đầu tư công và tăng cường đầu tư tư. Tăng cường đầu tư công đang phải đối mặt với hai vướng mắc rất lớn: trần nợ công, thủ tục đầu tư công.

Tăng cường đầu tư tư phải đối mặt với ít vướng mắc hơn, nhưng khó khăn về thủ tục vẫn không phải là nhỏ.

Giải pháp chính sách ở đây là phải nâng trần nợ công và cắt giảm thủ tục. Chính sách này chắc chắn sẽ đụng chạm đến các quy định của pháp luật hiện hành. Để hiện thực hóa, cần phải có được một giải pháp lập pháp ở đây. Cụ thể, Chính phủ cần đưa ra sáng kiến pháp luật về việc nâng trần nợ công và cắt giảm thủ tục trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 10 vào tháng 10 năm nay (hoặc theo đề nghị của Chính phủ, Quốc hội có thể tổ chức một phiên họp bất thường sớm để thông qua dự luật). Đây sẽ là dự luật đặc biệt, áp dụng cho hoàn cảnh đặc biệt. Trong dự luật sẽ có điều khoản "mặt trời lặn" quy định khi nền kinh tế phục hồi thì đạo luật sẽ chấm dứt hiệu lực.