Dẹp nạn vẫy khách

Từ nhiều năm nay, cảnh "vẫy khách" đã quá quen thuộc trên các tuyến phố ăn uống, các quán nhậu... trong nội đô. Hình ảnh đó cũng không xa lạ gì trên các tuyến quốc lộ suốt dọc dài đất nước. Vì lợi nhuận, chủ quán sẵn sàng đẩy nhân viên ra đường, gây nhiều nguy cơ mất an toàn đối với phương tiện lưu thông cũng như chính bản thân những người làm nghề này.

Nhân viên một số nhà hàng ở thị xã Bỉm Sơn (Thanh Hóa) tràn ra đường quốc lộ vẫy khách.
Nhân viên một số nhà hàng ở thị xã Bỉm Sơn (Thanh Hóa) tràn ra đường quốc lộ vẫy khách.

Tại các đô thị lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và các điểm du lịch trên cả nước, các hàng ăn, quán nhậu trên cùng tuyến phố cạnh tranh nhau bằng cách "vẫy khách". Chủ quán thường sử dụng những nam thanh niên, đôi khi là cả những trẻ em chưa đến tuổi lao động tham gia hoạt động này. Chính vì vậy, nhiều con phố dịch vụ ăn uống được đổi tên thành phố "vẫy". Mỗi khi có xe máy, ô-tô tới gần, những "trai vẫy" liền lao ra, "lùa" người đi đường vào quán.

Nhiều người đi đường cảm thấy khó chịu, có người còn tưởng mình bị cướp vì những nhân viên này "nhiệt tình" lôi kéo, ngang nhiên chặn đầu xe ô-tô, tự ý tắt xe, rút chìa khóa xe máy hòng buộc người đi đường phải vào quán của mình. Họ đứng giữa lòng đường vẫy tay mời khách, chèo kéo khách gây cản trở cho những người tham gia giao thông. Hình ảnh các nam thanh niên dàn hàng chặn xe vẫy khách gây mất mỹ quan đô thị, gây phiền hà, nghiêm trọng hơn là ảnh hưởng đến sự an toàn của người điều khiển phương tiện khi lưu thông qua những khu vực này. Không ít vụ người tham gia giao thông phải né tránh những cánh tay mời gọi của nhóm nhân viên dẫn tới việc va quệt vào xe khác cùng lưu thông trên đường. Còn đối với nhân viên vẫy khách đã có người thiệt mạng vì lao ra đường cản xe như trường hợp Trần Văn H. (17 tuổi, quê ở Thái Nguyên) bị hai xe tải kẹp dẫn đến tử vong tại chỗ khi đang đứng trên đường đón khách vào quán cơm dọc quốc lộ 1 ở Gia Lâm (Hà Nội).

Không chỉ "vẫy khách", những hàng quán này còn tận dụng luôn lòng, lề đường cho khách đỗ xe tràn lan, gây cản trở, ùn tắc giao thông. Trong thành phố còn đỡ vì các phương tiện lưu thông với tốc độ thấp, nhưng trên đường quốc lộ nguy hiểm hơn nhiều. Ban ngày đã vậy, khi trời tối, các "trai vẫy" còn được chủ quán trang bị thêm đèn pin để gây chú ý bằng cách rọi thẳng vào mặt người đi đường. Từ xa người đi đường lầm tưởng mình vi phạm, tới gần mới biết bị nhân viên quán ăn "bắt khách" chứ không phải cảnh sát giao thông.

Tình trạng này đã xuất hiện cả chục năm nay và vẫn đang diễn ra hằng ngày. Việc xử lý thuộc trách nhiệm của các phường nơi có hàng ăn, quán nhậu đóng trên địa bàn. Nhưng nhiều nơi cho rằng khó có thể giải quyết triệt để vấn đề này. Khi phát hiện nhân viên quán xuống đường níu kéo khách, gây cản trở giao thông, công an phường mời nhân viên đó và chủ quán về trụ sở làm việc nhưng chủ quán lại không nhận nhân viên là người làm của quán, còn nhân viên lại nói là ra đường để vẫy taxi chứ không chèo kéo người đi đường! Do vậy rất khó xử phạt.

Thực tế lòng, lề đường ở các thành phố hiện nay còn nhiều bất ổn về an ninh trật tự, mỹ quan đô thị. Các địa phương đã nỗ lực lập lại trật tự nhưng cũng chỉ như "ném đá ao bèo". Khi nào có chiến dịch, các nơi ra quân thì tình trạng lấn chiếm tạm lắng, sau đó thì đâu lại vào đấy. Người kinh doanh lấn chiếm lòng, lề đường thì cố tình vi phạm, phản ứng khi cơ quan chức năng xử lý.

Từ việc vẫn tiếp diễn nạn lấn chiếm vỉa hè, tràn xuống lòng đường vẫy khách ở một số nơi hiện nay, cùng với việc tuần tra, kiểm soát, xử lý không quyết liệt khiến dư luận đặt vấn đề có hay không tình trạng bao che, bảo kê của lực lượng chức năng đối với các nhà hàng?