PGS, TS Đinh Xuân Thảo, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Lập pháp

“Chất lượng đại biểu Quốc hội khóa XV phải là ưu tiên hàng đầu”

Trước thềm cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, PGS,TS Đinh Xuân Thảo (ảnh bên), nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, ĐBQH khóa XII, XIII trao đổi chung quanh vấn đề: Làm thế nào để nâng cao chất lượng ĐBQH, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. PGS,TS Đinh Xuân Thảo chia sẻ:

“Chất lượng đại biểu Quốc hội khóa XV phải là ưu tiên hàng đầu”

Chất lượng hoạt động của Quốc hội (QH) phụ thuộc vào ĐBQH. Từ QH khóa XIV, theo tinh thần của Luật Tổ chức QH 2014, coi ĐBQH là trung tâm. Từ đó nâng cao chất lượng đại biểu (ĐB), về số lượng, ưu tiên ĐB chuyên trách. Số ĐB chuyên trách của QH khóa XIV tăng lên so với khóa XIII, giúp cho hoạt động của QH tập trung, chuyên tâm vào các hoạt động như xây dựng pháp luật, giám sát... Đây là một hướng đúng và chuẩn bị cho bầu cử ĐBQH khóa XV, đang triển khai vòng hiệp thương cũng đã xác định rõ: giảm bớt số ĐB bên các cơ quan hành pháp, tăng các ĐB chuyên trách. Các Ủy ban của ĐBQH sẽ tăng số lượng ĐB chuyên trách để họ có 100% thời gian thực hiện công việc của QH.

Đặc biệt là khâu kết nối với cử tri, ĐB cần sâu sát với thực tế, đẩy mạnh thông tin hai chiều. Có đến 2/3 ĐB là ở địa phương nên nhiều lúc chỉ nắm được tình hình trong phạm vi địa phương mình. 1/3 ĐB ở trung ương lại nắm được cái chung nhưng cái riêng, cái sâu của từng vùng miền lại không rành rẽ. Bây giờ làm thế nào để hoạt động của ĐB phải kết hợp chặt chẽ giữa ĐB trung ương và địa phương để vào một kỳ họp của QH, các ý kiến phải có chất lượng, vừa thể hiện nắm chắc được cái chung của cả nước, vừa thể hiện nắm chắc đặc thù của từng địa phương. Nhìn chung tôi nhận thấy công tác chuẩn bị cho bầu cử ĐBQH khóa XV có những đổi mới, ngoài việc tăng số ĐB chuyên trách thì tỷ lệ nữ được nâng lên, số ĐB ngoài Đảng tăng lên và đến nay đã có hơn 50 người tự ứng cử.

Nếu lựa chọn được người xứng đáng, những ứng viên tự ứng cử ĐBQH cũng là nhân tố làm tăng chất lượng ĐBQH. Nhưng làm sao để những người tự ứng cử thật sự có cơ hội?

Điều này liên quan tới vòng hiệp thương tới đây, phải lựa chọn được những người tiêu biểu, xứng đáng. Về luật thì không có điều gì cản trở người tự ứng cử nhưng khâu triển khai thực hiện phải làm sao để chọn đúng và trúng những người tự ứng cử tự do chưa nằm trong quy hoạch. Phía tổ chức hiệp thương phải nắm chắc nhân thân của những người tự ứng cử. Phải lắng nghe tôn trọng ý kiến của người dân vì người dân biết rất rõ về những người tự ứng cử ở địa phương mình. Làm sao để thành phần tham gia hội nghị cử tri phải ở diện rộng, họ phải thật sự khách quan, trung thực và hiểu biết về các ứng cử viên. Có lẽ trong tuyên truyền về bầu cử, để thật sự thể hiện tính dân chủ, nên coi trọng những người tự ứng cử. Thực tế cho thấy nếu QH có những ĐB tự ứng cử tâm huyết, trách nhiệm thì sẽ đóng góp được rất nhiều. Điều quan trọng là không nên để cử tri hiểu rằng phải là những người được Đảng, tổ chức giới thiệu mới đáng tin cậy, còn những người tự ứng cử là “quân xanh”, “quân đỏ” thôi. Làm sao phá vỡ được suy nghĩ đấy. Và trong thể hiện trên bảng thông báo cũng nên ghi các đại biểu như nhau, không nên có hình thức phân biệt người tự ứng cử với đề cử. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng viết: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức, để gánh vác công việc nước nhà”.

Thưa ông, thực tế cho thấy có những ĐBQH cả nhiệm kỳ hầu như không phát biểu gì, do đó sự đóng góp của họ rất hạn chế. Theo ông có nên luật hóa việc đã là ĐBQH thì cần phát biểu trên nghị trường, phản ánh ý chí nguyện vọng của những người đã bầu họ?

Có những ĐB đã hoạt động một nhiệm kỳ nhưng cả nhiệm kỳ không một lần phát biểu hoặc phát biểu không có chất lượng. Nếu anh vào Quốc hội mà không có năng lực, chỉ ngồi nghe và không nói được gì thì chẳng có tác dụng. Thà rằng suất đó để lại cho người khác có năng lực sẽ tốt hơn cho cái chung.

Trước đây, khi bầu QH khóa XII, đã có ý kiến nêu vấn đề khi các ĐB tái cử: nếu người nào trong nhiệm kỳ trước không phát biểu một lần nào thì nên nghỉ. Sau đó, QH khóa XII, ĐB nào cũng phát biểu. Nhưng tiếc là trong nhiệm kỳ QH khóa XIII, XIV có một số ĐB hầu như không phát biểu. Tôi nghĩ cũng không nên quy định cứng đã là ĐBQH thì phải phát biểu, trong một số văn bản hiện nay chỉ mới dừng ở mức ĐBQH phải tích cực tham gia các hoạt động chứ chưa bắt buộc phải phát biểu. Có một số ĐB không phát biểu, nhưng cũng có những ĐB phát biểu quá nhiều. Điều này cũng cần sự điều tiết trong từng đoàn ĐBQH.

Tôi cho rằng đối với ĐBQH, muốn phát biểu có chất lượng, điều quan trọng nhất là thông tin và sàng lọc được thông tin. Muốn vậy, ĐB phải có bộ phận giúp việc. Nhưng hiện nay, ngay cả Chủ nhiệm các ủy ban của QH cũng chưa có thư ký riêng, phải dựa vào chuyên viên các vụ. Chuyên viên của vụ chỉ giúp được trong vấn đề xây dựng pháp luật, giám sát, còn mảng nghiên cứu để phục vụ cho các ĐB thì chưa có. Tôi nghĩ nhiệm kỳ tới phải coi trọng bộ máy giúp việc của các ĐB. Chủ trương của Đảng là tinh gọn bộ máy là đúng nhưng cái gì thật sự cần thì vẫn phải bố trí nhân sự để hoạt động của ĐBQH sẽ thực chất hơn. Khối lượng công việc của ĐBQH rất lớn, tất cả mọi lĩnh vực đều phải nắm vững và có thể tham gia ý kiến, do đó để họ làm tốt nhiệm vụ cần người giúp việc. Thí dụ, giờ muốn tìm hiểu vấn đề lũ lụt, sạt lở đất liên quan đến thủy điện nhỏ và tình trạng chặt phá rừng thì ĐBQH rất cần thông tin, cần ý kiến chuyên gia.

Thưa ông, không chỉ cần thông tin, phải chăng phát biểu của ĐBQH trên nghị trường muốn thật sự sâu sắc, thuyết phục cũng cần hội đủ tâm, tầm và bản lĩnh?

Đúng vậy, trước rất nhiều vấn đề trọng đại của đất nước, ĐBQH cần có tâm, có tầm, có bản lĩnh để phân tích, bày tỏ quan điểm. Chúng ta đã chứng kiến các ĐBQH bày tỏ quan điểm về nhiều vấn đề trọng đại như dự án đường sắt Bắc - Nam, vấn đề xây nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận, vấn đề thông qua Luật đặc khu. 

Hồi tôi là ĐBQH khóa XII, XIII, rất nhiều ĐBQH đã có ý kiến phản đối đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Cuối cùng dự án đó không được triển khai. Lúc ấy, Bộ Giao thông vận tải đã mời một số ĐBQH ra nước ngoài tham quan đường sắt cao tốc, khi về họ đều phát biểu ca ngợi đường sắt cao tốc. Viện Nghiên cứu lập pháp nơi tôi làm Viện trưởng cũng được mời hai suất, nhưng tôi từ chối và không cho ai trong Viện đi. Tôi nghĩ, đi về thì phát biểu trước QH cũng khó. Và ý kiến của tôi về đường sắt cao tốc rất rõ ràng: phải nghiên cứu kỹ, nếu thấy hợp lý thì 2, 3 nhiệm kỳ sau làm cũng chưa muộn.

Có nhiều vấn đề quan trọng luôn cần ý kiến phát biểu thẳng thắn, tâm huyết của ĐBQH. Ngay cả tình trạng Chính phủ “nợ” QH rất nhiều văn bản hướng dẫn thi hành luật, rồi vấn đề thông qua dự toán ngân sách, các ĐBQH cũng nên có ý kiến rõ ràng, cần phản biện nếu thấy chưa ổn.

Một trong những yếu tố để nâng cao chất lượng ĐBQH là ngay khi còn là ứng cử viên ĐBQH, cử tri phải có thông tin đầy đủ, rõ ràng về ứng cử viên (ƯCV) đó. Theo ông, hoạt động ứng cử cần đổi mới thế nào để nâng cao chất lượng ĐBQH?

Cử tri muốn xem ƯCV sau này trở thành ĐBQH có làm tốt vai trò của mình không thì họ phải xem các ƯCV tranh cử ở địa phương mình thể hiện thế nào. Muốn vậy, các ƯCV cần trình bày chương trình hành động và quan điểm của mình trước cử tri. Hơn ai hết người dân sẽ có cách kiểm tra và lựa chọn đại biểu đại diện cho mình chính xác và công tâm nhất. Tôi ứng cử ĐBQH khóa XII ở Kiên Giang, lúc ấy có nữ phó giám đốc một sở phụ trách lĩnh vực thủy sản cũng ứng cử. Người dân hỏi vị phó giám đốc nọ: Cô là lãnh đạo ngành thủy sản, mà Kiên Giang là tỉnh có nhiều biển, không thua kém gì Cà Mau, thế mà Cà Mau lại phát triển rất mạnh so với Kiên Giang về nuôi trồng thủy sản. Thử hỏi cô thấy mình có xứng đáng để trở thành ĐBQH không? Nhưng câu hỏi thẳng thắn như vậy sẽ khiến các ƯCV phải bộc lộ rõ năng lực và tâm huyết của mình để cử tri lựa chọn.

Một hạn chế các ƯCV phát biểu trong hội nghị cử tri như hiện nay thì người dân tham dự chưa đông, không đại diện cho tất cả các gia đình. Theo tôi nên để các ƯCV vận động tranh cử trên truyền hình địa phương. Họ lên đó trình bày chương trình hành động. Cho một vài ƯCV một buổi để họ phát biểu. Thậm chí vận động trên mạng xã hội. Khi tôi ứng cử ở Kiên Giang, cử tri hỏi: Ông ở Hà Nội, chúng tôi ở Kiên Giang làm thế nào để gắn bó mật thiết với cử tri? Tôi trả lời: Bây giờ có mạng xã hội, bất cứ lúc nào tôi cũng có thể tương tác với bà con. Thực tế thì tôi đã tương tác với bà con trên Facebook rất nhiều, lắng nghe họ, trả lời họ.

QH của chúng ta không chuyên trách 100% thì vẫn phải cơ cấu, nhưng chất lượng ĐB là ưu tiên hàng đầu, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn. Theo tôi làm sao tỷ lệ cơ cấu nên giảm đi bởi thực tế vì cơ cấu mà một người phải gánh quá nhiều vai. Thí dụ: ở một tỉnh miền núi, một cô giáo trẻ, người dân tộc, ngoài Đảng được chọn để bảo đảm cơ cấu, nhưng có khi cô ấy lại không hội đủ tiêu chuẩn để trở thành ĐBQH vì đang quá trẻ, chưa có kinh nghiệm. QH khóa XII và XIII, có một nữ thành viên Ủy ban Pháp luật, 21 tuổi mới tốt nghiệp đại học, có khi làm chuyên viên soạn thảo công văn còn chưa thạo thì làm sao có năng lực xây dựng pháp luật. Cho nên, tăng số ĐB chuyên trách lên là cần thiết, họ phải chuyên tâm, chuyên sâu để làm công tác lập pháp.

Xin cảm ơn ông!