Căng mình nơi tuyến đầu chặn dịch

Với Trung tá Ngô Minh Đức, Đội Kiểm soát hành chính, Đồn Biên phòng Bản Lầu (Mường Khương, Lào Cai), cái Tết cổ truyền năm Canh Tý vụt trôi qua dường như không đọng lại gì trong ký ức, bởi là những ngày cao điểm tổ công tác do anh làm tổ trưởng, cũng như toàn đơn vị còn trằn mình với công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Lều dã chiến tại chốt 112, Đồn biên phòng Bản Lầu (Lào Cai).
Lều dã chiến tại chốt 112, Đồn biên phòng Bản Lầu (Lào Cai).

"Đồn là nhà, biên giới là quê hương" - Câu khẩu hiệu ngay lối vào đồn, thật đúng với cuộc sống những chiến sĩ biên phòng đang cắm chốt, bảo vệ bình yên cho bà con miền biên viễn của Tổ quốc.

Ngày đêm bám chốt

Với vai trò tổ trưởng, Trung tá Ngô Minh Đức hơn hai tháng nay gần như trên từng cây số dọc tuyến đường biên giới địa phận hai xã Bản Lầu và Lùng Vai (Mường Khương, Lào Cai). Anh luôn bao quát công việc chu đáo và đầy trách nhiệm. Tổ gồm sáu cán bộ, chiến sĩ chia ba ca luân phiên trực chốt, đi tuần tra, bảo đảm giám sát địa bàn 24/24. Cốc Lầy vốn là vùng trồng chuối của bà con xưa nay. Trong căn lều dã chiến hơn 10 m2 dựng tạm, trời nắng ráo còn đỡ, thời gian đầu mưa phùn tầm tã, sáu anh em dường như lúc nào cũng ẩm ướt. Thượng úy Triệu Tiến Ngân vốn là chiến sĩ đội trinh sát, trẻ khỏe nhất trong tổ, mỗi lần nhận tin báo có sự cố lập tức đeo khẩu trang, xách bình xịt sát khuẩn, lao xuống địa bàn đầu tiên. Sáu anh em ngày đêm canh gác, không một phút lơ là.

Với tinh thần "Chống dịch như chống giặc", ngay sau khi nhận được lệnh từ cấp trên, Trung tá Ngô Minh Đức cùng năm cán bộ, chiến sĩ, trong đó có hai công an viên được chính quyền điều sang, đến Cốc Lầy, là điểm giáp ranh giữa hai xã Bản Lầu và Lùng Vai, khảo sát và nhanh chóng lập lều dã chiến, sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Sau khi cử chiến sĩ xuống bản nói chuyện với bà con mượn đất lập chốt, nhận được sự đồng lòng nhất trí, tổ lập tức san nền, dựng lều dã chiến, phân công nhau túc trực bám sát địa bàn.

Nhớ lại những ngày mưa phùn gió bấc đầu tiên ấy, mới cách đây hơn hai tháng trước, khi tin tức về dịch bệnh từ Trung Quốc dồn dập, căng thẳng, các anh nhận nhiệm vụ với bộn bề lo toan, làm sao để cuộc sống dân bản bình an trong bối cảnh dịch dã đe dọa rình rập. Điều kiện sống tạm bợ, điện nước không, thậm chí sóng điện thoại nhiều nơi còn chưa phủ sóng hoặc chập chờn, mọi sinh hoạt đều hết sức khó khăn, anh Đức luôn động viên anh em khắc phục để hoàn thành nhiệm vụ.

Đồn Biên phòng Bản Lầu có nhiệm vụ quản lý hơn 17 km đường biên giới giáp tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), được đánh giá có địa bàn phức tạp với nhiều đường mòn, lối mở; lằn ranh phân định lãnh thổ hai nước nhiều đoạn chỉ cách có vài bước chân qua con suối cạn đáy, tình trạng người dân xuất nhập cảnh trái phép vẫn diễn ra khá phổ biến. Nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ càng nặng nề hơn, trong thời điểm dịch bệnh căng thẳng đó. Từ những ngày thành lập cho đến nay, các tổ, chốt của Đồn đã phát hiện bảy vụ việc với hàng chục đối tượng công dân Việt Nam nhập cảnh trái phép qua biên giới. Sau khi thực hiện các thủ tục pháp lý, kiểm tra y tế ban đầu, các đối tượng đều được bàn giao cho cơ quan chức năng thực hiện cách ly, theo dõi sức khỏe theo quy định. Tác phong người lính Bộ đội cụ Hồ, không có việc gì khó. Giờ đây, sau hơn hai tháng cắm chốt, vạt cải gieo bên lán dã chiến đã xuất hiện trên mâm cơm của sáu anh em. "Thực phẩm hằng ngày chủ yếu mua ở dưới khu dân cư, ngoài ra anh em cũng hái thêm rau rừng, hoa chuối rừng để cải thiện bữa ăn, tăng cường chất xơ và vitamin. Nguồn nước sinh hoạt thì xin ở những hộ gia đình gần đây.

Dân là tai mắt của bộ đội biên phòng

Ngay từ những ngày cuối tháng giêng, khi nhận được chỉ thị của cấp trên, Đồn Biên phòng Bản Lầu đã khẩn trương triển khai các biện pháp nghiệp vụ phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, nhiệm vụ ngăn chặn hoạt động xuất nhập cảnh qua biên giới được ưu tiên hàng đầu. Trên cơ sở đó, Đồn đã thành lập bốn tổ kiểm soát cơ động, hai tổ địa bàn và hai chốt chặn với nhiệm vụ bảo vệ an toàn 17 km đường biên giới đơn vị quản lý.

Dân là tai mắt của bộ đội, có bất kỳ khả nghi nào trong các thôn bản, trên nương rẫy, người dân đều báo ngay với bộ đội. Đại úy Phạm Thiện Hãnh, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Bản Lầu sau hơn hai tháng lăn lộn với công tác phòng, chống dịch vẫn tâm niệm rằng, tinh thần trách nhiệm thực thi nhiệm vụ của người chiến sĩ biên phòng là bảo vệ tuyến đầu của Tổ quốc. Trong thời điểm cả nước căng mình chống dịch, chiến sĩ biên phòng nơi đây với nhiệm vụ canh gác tiền tiêu của Tổ quốc tự nhủ nỗ lực cố gắng hơn nữa, quyết không để tình trạng xuất nhập cảnh trái phép diễn ra trên địa bàn, đồng thời ý thức rõ, cần phối hợp tốt với chính quyền địa phương nỗ lực tuyên truyền, đưa những kiến thức, thông tin cần thiết về phòng ngừa dịch Covid-19 phổ biến xuống tận thôn bản, từng nhà. Bà con được trang bị khẩu trang, xà-phòng rửa tay, tăng cường ý thức phòng ngừa, cảnh giác với dịch bệnh.

Căng mình nơi tuyến đầu chặn dịch ảnh 1

Tổ công tác chuẩn bị cơm chiều.

Là tuyến đầu chống dịch, cán bộ, chiến sĩ biên phòng luôn xác định rõ muốn hoàn thành nhiệm vụ, trong mọi tình huống, cần phải dựa vào dân. Trung tá Dương Trọng Nghĩa, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Bản Lầu, cho biết: Bảy năm trước, sáng kiến kết nghĩa cụm dân cư biên giới bản với bản được đề xuất và bà con hồ hởi tham gia. Sau khi kết nghĩa, người dân thôn Cốc Phương (xã Bản Lầu, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai, Việt Nam) và tổ Tam Bình Bá (thôn Long Bảo, thị trấn Nam Khê, huyện Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) thường xuyên qua lại thăm hỏi, động viên nhau tự giác chấp hành các quy định về biên giới. Tuy nhiên trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành, với sự thống nhất giữa lực lượng chức năng hai nước, bà con hạn chế tối đa việc đi lại.

Người dân thông suốt, chấp hành nghiêm chỉnh, vì thế cho đến nay, khi nhiều nơi dịch bệnh diễn biến phức tạp, thì ngay rẻo đất miền biên giới này, tình hình vẫn luôn được kiểm soát tốt. Bà con nghe bộ đội tuyên truyền, ra đường đã đeo khẩu trang, rửa tay xà-phòng, hạn chế tiếp xúc với người lạ. Ở các thôn bản, gia đình nào có người đi xa về, hoặc có khách từ nơi khác đến, đều khai báo với cơ quan chức năng. Trong các thôn bản, gia đình nào có người ốm đau, biểu hiện sức khỏe khác thường, có dấu hiệu sốt, ho đều được nhân viên y tế theo dõi giám sát. Trung tá Ngô Minh Đức thường trực tiếp xuống thôn bản để theo dõi nắm bắt tình hình thực tế, phổ biến cho bà con nâng cao ý thức tự bảo vệ bản thân và gia đình trong bối cảnh dịch bệnh đe dọa.

Ông Thào Hà, Bí thư Chi bộ thôn Cốc Phương hồ hởi: "Nhờ được tuyên truyền kịp thời, bà con không chỉ luôn đề cao ý thức cảnh giác phòng ngừa mà còn tích cực hỗ trợ cho bộ đội trong việc kiểm soát dịch bệnh. Người từ bên kia biên giới trở về đã chủ động đến trình báo, phối hợp với cơ quan y tế để được cách ly theo dõi sức khỏe. Mỗi người dân ở đây đang thật sự là một chiến sĩ trong công tác phòng, chống dịch bệnh". Khối đoàn kết quân dân tạo nên vành đai mềm vững chãi cho cuộc sống bình yên nơi địa đầu Tổ quốc...