Biến nhận thức thành hành động

Rác thải nhựa đã trở thành một trong những vấn nạn ở Việt Nam, gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường thiên nhiên, ảnh hưởng xấu đến sinh hoạt, sức khỏe của con người. Các nhà quản lý chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức chính trị - xã hội và doanh nghiệp cùng bàn bạc để tìm ra giải pháp thiết thực nhằm hạn chế rác thải nhựa, góp phần thực hiện Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Niềm vui khi rác trên bờ biển đã được thu dọn sạch sẽ. Ảnh | NGUYỄN VIỆT HÙNG
Niềm vui khi rác trên bờ biển đã được thu dọn sạch sẽ. Ảnh | NGUYỄN VIỆT HÙNG

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy: Phân loại rác tại nguồn giúp xử lý, tái chế rác hiệu quả.

Hiện nay, đã có nhiều công nghệ xử lý rác của nước ngoài và Việt Nam nghiên cứu, nhưng chưa phát huy hiệu quả do chúng ta chưa phân làm tốt việc loại rác tại nguồn. Các công nghệ trên thế giới phần lớn hoặc tập trung xử lý rác sinh học (như rau, cơm...) hoặc rác vô cơ trong khi rác của chúng ra lẫn cả rác sinh học với bao bì, ni-lông, thủy tinh... Vì vậy, nếu không phân loại rác thải tại nguồn thì khó có công nghệ nào giải quyết triệt để bài toán rác hiện nay. Phân loại rác là vấn đề lớn, liên quan đến ý thức người dân và hạ tầng thu gom rác. Hiện có một số tỉnh, thành phố đã bắt đầu ứng dụng tiến bộ của công nghệ số, công nghệ thông tin để khuyến khích, thúc đẩy phân loại rác, phát hiện các điểm đổ rác gây ô nhiễm môi trường và có biện pháp xử lý ngay. Thí dụ, TP Huế có hệ thống thông tin, bất cứ điểm nào xả rác là người dân thông báo trên hệ thống đó để cơ quan chức năng xử lý. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã chỉ đạo cơ quan liên quan trong quá trình xây dựng Hệ tri thức Việt số phải xây dựng một phân hệ để tuyên truyền về phân loại rác, đưa thông tin các điểm ô nhiễm rác.

Thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã quan tâm các công nghệ xử lý, tái chế rác, sản xuất bao bì thân thiện môi trường. Bộ đã hỗ trợ triển khai các nghiên cứu xử lý rác, hỗ trợ các nhà sáng chế đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích liên quan các công nghệ xử lý rác. Tuy nhiên, các đề xuất của doanh nghiệp về lĩnh vực này còn rất ít. Sắp tới, bộ sẽ tập trung nhiệm vụ nghiên cứu bao bì có khả năng phân hủy cao, an toàn cho môi trường.

Đồng chí Ngô Văn Cương, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban thanh niên nông thôn, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh: Truyền thông rộng rãi để thay đổi nhận thức, bắt đầu từ thế hệ trẻ.

Để nhận biết về tác hại của rác thải nhựa, theo chúng tôi cần truyền thông để thay đổi nhận thức từ nhà sản xuất tới người dân. Hãy sử dụng mạng xã hội như Facebook, Zalo để tuyên truyền những câu chuyện về tác hại sử dụng túi ni-lông trong cộng đồng, bắt đầu từ giới trẻ. Kêu gọi sự tham gia của những người có tầm ảnh hưởng, sức hút như các ca sĩ, nhạc sĩ, cầu thủ bóng đá đồng hành cùng chương trình. Đưa hoạt động “Nói không với túi ni-lông” thành Chiến dịch, góp phần thay đổi nhận thức cho các doanh nghiệp (chuỗi bán lẻ, siêu thị, các khu chợ) trong đóng gói và sử dụng sản phẩm bao bì, túi ni-lông tiến tới việc cam kết hạn chế tối đa việc cung cấp túi ni-lông, các sản phẩm nhựa dùng một lần như cốc, chai nhựa... Từ góc độ Đoàn Thanh niên, ngày càng nâng cao chất lượng hoạt động các đội hình tình nguyện thông qua hoạt động bồi dưỡng, tập huấn, đổi mới hình thức hoạt động phù hợp với tình hình thực tiễn. Đồng thời, động viên, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc, tạo hiệu ứng lan tỏa, nhân rộng. Khuyến khích hoạt động nghiên cứu khoa học sinh viên, đặc biệt trong nghiên cứu công nghệ vật liệu mới, túi sinh học thân thiện môi trường; hỗ trợ các ý tưởng, mô hình khởi nghiệp, lập nghiệp của thanh niên trong lĩnh vực bảo vệ môi trường...

Trên thực tế những năm gần đây, Đoàn Thanh niên đã có nhiều sáng kiến, hoạt động khá hiệu quả nhằm khắc phục ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường và điều kiện sống của người dân như: Hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân xây lò đốt rác thải; thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác thu gom xử lý rác thải; thành lập hơn 14 nghìn câu lạc bộ, tổ, đội, nhóm thanh niên bảo vệ môi trường... Riêng đối với rác thải nhựa, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương và địa phương tổ chức các chiến dịch, chương trình “Không sử dụng túi ni-lông”, “Hạn chế sử dụng túi ni-lông vì môi trường” tại các địa bàn dân cư, các trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc, tạo hiệu ứng tích cực cho toàn xã hội. Tuyên truyền thông qua các hoạt động cụ thể như: phát và thu đổi túi ni-lông tại các lễ hội, tại các chợ ướt, các khu dân cư; xây dựng các bể chứa chai lọ thuốc trừ sâu trên các cánh đồng; biến khu rác thải tạm thành vườn hoa, thiết lập hệ thống thùng rác tại các bãi biển, khu du lịch...

Tất nhiên, việc hạn chế túi ni-lông rác thải nhựa không thể chỉ dừng lại ở tuyên truyền mà cần được triển khai đồng bộ bằng nhiều biện pháp. Chừng nào túi ni-lông, các sản phẩm nhựa dùng một lần vẫn được cung cấp tràn lan, miễn phí thì người dân khó có thể thay đổi được thói quen sử dụng.

PSG, TS Nguyễn Thế Chinh - Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường: Lấy động lực kinh tế là chìa khóa.

Từ góc độ kinh tế có thể thấy túi ni-lông và các sản phẩm nhựa dùng một lần quá tiện và quá rẻ, đến mức người tiêu dùng gần như không phải bỏ ra bất cứ chi phí nào, do vậy nó đã trở thành thói quen. Thêm vào đó về cơ chế, chính sách cũng chưa tập trung nhiều về vấn đề này (rác thải nhựa) cộng với trách nhiệm xã hội, nhận thức từ doanh nghiệp đến người dân cũng chưa cao. Bỏ đi một thói quen không dễ dàng, nhất là khi câu chuyện về hệ lụy môi trường đối với người dân nói chung còn xa xôi, chừng nào nó chưa trực tiếp tác động đến cuộc sống hằng ngày. Vì thế, đầu tiên phải đưa ra những thông điệp rất cụ thể tác động vào nhận thức của mọi người. Chẳng hạn rác thải nhựa đổ bỏ ra đại dương, cá bị ô nhiễm nhựa thì khi chúng ta ăn cá vào, chúng ta cũng bị ô nhiễm nhựa. Hoặc đựng thức ăn nhất là đồ ăn nóng trong hộp xốp, túi ni-lông thì thức ăn có nguy cơ ô nhiễm gây bệnh. Từ nhận thức đó, nên đưa ra những biện pháp đánh vào kinh tế, vào lợi ích. Đối với người tiêu dùng, ra siêu thị muốn dùng túi ni-lông là phải mua, với người sản xuất thì phải đánh thuế bảo vệ môi trường thật cao để người ta không còn thu được nhiều lợi nhuận. Cùng với đó là những chính sách khuyến khích doanh nghiệp sản xuất túi tự hủy hay người tiêu dùng sử dụng bao bì thân thiện môi trường. Tôi muốn nhấn mạnh là phải hình thành văn hóa sử dụng và tiêu dùng, muốn vậy vừa tác động vào ý thức con người vừa tác động vào túi tiền. Đồng thời cũng phải hoàn thiện các quy định pháp lý về quản lý, kiểm soát chất thải nhựa và túi ni-lông (hiện ta chưa có luật riêng về rác thải nhựa mà chất thải nói chung). Công cụ pháp luật phải bảo đảm phù hợp với thực tiễn. Thuế bảo vệ môi trường hiện đã có nhưng chưa đủ mạnh. Còn mạnh như thế nào, muốn trả lời được câu hỏi này cần phải có những nghiên cứu, những điều tra xã hội học cụ thể, trên cơ sở đó mới đề ra biện pháp cụ thể. Nhà nước cũng cần mở ra những hướng đi để tạo ra những ngành dùng nguyên liệu từ rác thải nhựa để sản xuất. Nhiều cơ sở tái chế nhựa hiện tại gây ô nhiễm do chưa áp dụng công nghệ phù hợp nhưng nó chứng tỏ nhu cầu, tiềm năng về lĩnh vực này còn rất lớn.

GS, TS Đặng Thị Kim Chi - Chủ tịch Hội đồng Khoa học Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam: Áp dụng công nghệ kỹ thuật phù hợp để thay thế và tái chế hiệu quả.

Trước thảm họa do chất thải nhựa gây ra, chúng ta cần có những biện pháp đồng bộ cả về mặt cơ chế chính sách, quản lý và công nghệ. Đặc biệt cần giảm thiểu việc sử dụng nhựa để giảm rác thải, đẩy mạnh việc thực hiện giải pháp 3R (reduce, reuse, recycle - giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế) để bảo đảm lượng nhựa thải bỏ ra môi trường là ít nhất.

Một trong những biện pháp hết sức quan trọng là sử dụng công nghệ kỹ thuật trong việc thay thế bao bì nhựa sử dụng một lần bằng các sản phẩm dễ phân hủy trong điều kiện tự nhiên và tái chế rác thải nhựa. Hiện nay ở Việt Nam một số siêu thị lớn đã khuyến khích sử dụng các bao bì túi vải, giấy thay thế bao bì nhựa, thay thế các loại chai lọ, bình nhựa đựng chất lỏng, kể cả đựng nước uống bằng các chai thủy tinh, gốm sứ, có thể tái sử dụng nhiều lần; hay sử dụng những sản phẩm từ thiên nhiên như lá chuối lá dong gói rau, để xây dựng ý thức cho người tiêu dùng và khuyến khích việc sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường. Nhưng về lâu dài chúng ta vẫn cần có những nghiên cứu tập trung vào sử dụng các sản phẩm nhựa có thể phân hủy sinh học. Trong nhựa phân hủy sinh học cũng có nhiều loại, có loại chỉ phân rã thành những mảnh nhựa nhỏ hơn. Hiện đã có những ý kiến khoa học cho rằng như vậy vẫn nguy hại đối với môi trường. Tốt nhất vẫn nên dùng các loại nhựa có thể phân hủy sinh học hoàn toàn thành CO2 và nước. Hiện trong nước đã có những nghiên cứu thành công về vấn đề này nhưng việc áp dụng tới đâu còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Có công nghệ phù hợp cũng sẽ giúp cho việc tái chế rác thải nhựa hiệu quả và kiểm soát được nguy cơ ô nhiễm môi trường. Quản lý rác thải nhựa, túi ni-lông tốt không những bảo vệ được môi trường cho thế hệ sau, mà còn là bài học quý để tới đây chúng ta sẽ phải đối mặt với nguy cơ mới: rác thải điện tử.

Bà Nguyễn Thị Hồng - Phó Chủ tịch Trách nhiệm xã hội và Phát triển bền vững - Central Group Việt Nam: Bảo vệ môi trường giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.

Từ năm 2013, Big C & GO! (thuộc Central Group Việt Nam) đã triển khai thay thế toàn bộ túi ni-lông thông thường bằng túi tự hủy làm bao bì đựng hàng hóa cho khách hàng. Loại túi tự hủy này được Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy chứng nhận thân thiện với môi trường, độ bền, dai đáp ứng được nhu cầu đựng hàng hóa trong thực tế và giá thành hợp lý. Ngoài ra sản phẩm túi LOHAS sử dụng nhiều lần được bán rộng rãi tại tất cả các siêu thị trong hệ thống trên toàn quốc với mức giá ưu đãi. Thu ngân khuyến khích khách hàng sử dụng túi LOHAS hoặc đóng thùng carton để đựng hàng hóa trong trường hợp khách hàng mua nhiều. Tháng 4 vừa qua, Big C & GO! tiếp tục phối hợp với Tập đoàn An Phát Holding triển khai thí điểm túi ni-lông phân hủy sinh học hoàn toàn làm từ bột khoai tây và ngô trên toàn quốc. Đặc biệt, nhằm tạo điều kiện để người tiêu dùng có thêm lựa chọn mua sắm sản phẩm thân thiện môi trường, các loại rau, rau thơm như bán tại siêu thị như cần tây, măng tây xanh, rau thơm, rau húng... đã được bao gói bằng lá chuối, lá dong. Siêu thị cũng sử dụng bát melamine thay thế cho bát nhựa tại khu ẩm thực; ống hút nhựa được thay thế bằng ống hút giấy tại quầy cà-phê tại Trung tâm Hỗ trợ cửa hàng Central Group Việt Nam và sẽ sớm triển khai tại các quầy thực phẩm trong siêu thị Big C & GO! trên toàn quốc.

Từ tháng 10-2018, Trung tâm Hỗ trợ cửa hàng Central Group Việt Nam cũng thực hiện việc phân loại rác. Các thùng rác được chia thành hai ngăn rác thải nhựa và rác thải khác, được đặt tại căng tin và phòng ăn, giúp việc thu gom, xử lý rác dễ dàng hơn. Bảo vệ môi trường là một trong những chiến lược phát triển bền vững của Big C & GO! nhằm “cam kết đóng góp vào sự thịnh vượng của Việt Nam và nâng cao chất lượng cuộc sống của người Việt”.

Phòng thí nghiệm Trọng điểm vật liệu Polyme và Compozit (Đại học Bách khoa Hà Nội) trong 15 năm trở lại đây đã có các công trình nghiên cứu chế tạo polyme tự phân hủy thu được kết quả khả quan. Tiến sĩ Vũ Minh Đức, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết: Nguyên liệu chính để làm ra túi ni-lông tự hủy là bột sắn, kết hợp với các hạt vi nhựa (chiếm khoảng 40 - 50%) và các thành phần khác như chất phụ gia phân hủy. Ưu điểm nổi trội của sản phẩm này so với túi ni-lông thông thường là nó có thể phân hủy hoàn toàn ra môi trường thành chất hữu cơ, CO2 và nước. Tiến sĩ Vũ Minh Đức xác định, xuất khẩu là mục tiêu trước mắt họ hướng đến. Giá thành cao là lực cản lớn khiến cho sản phẩm này chưa thể tiếp cận được với thị trường tiêu dùng trong nước. Các nhà khoa học mong muốn được Nhà nước quan tâm hỗ trợ để công trình của họ đến tay người tiêu dùng Việt Nam.

UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vào trung tuần tháng 5-2019 ban hành quy định không sử dụng túi ni-lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần. Theo quy định do Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, ông Phan Ngọc Thọ đã ký thì từ nay, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh khi tổ chức hội họp sẽ không được dùng nước đóng chai nhựa sử dụng một lần. Lãnh đạo tỉnh cũng yêu cầu không sử dụng túi ni-lông, khăn lau sử dụng một lần trong hoạt động của các cơ quan, công sở. Sở Tài chính tỉnh được chỉ đạo không thanh, quyết toán các khoản chi của các đơn vị nhà nước dùng để mua nước đóng chai nhựa, túi ni-lông sử dụng một lần.

Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã viết thư kêu gọi người dân địa phương cùng nói không với chai nhựa, túi ni-lông sử dụng một lần. Sau lời kêu gọi của lãnh đạo tỉnh, nhiều cơ quan đơn vị trong tỉnh đã hưởng ứng bằng các việc làm cụ thể. Trong hội nghị giữa lãnh đạo tỉnh với doanh nghiệp vừa tổ chức, người ta không còn nhìn thấy những chai nước nhựa sử dụng một lần trên bàn quan khách. Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã đặt chai thủy tinh chứa nước uống tiếp khách thay cho chai nhựa. Bên cạnh đó họ cũng đã đặt may hàng loạt túi vải và in lời kêu gọi không sử dụng túi ni-lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần, để sử dụng cho công việc hằng ngày.

Theo ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, “để phong trào nói không với túi ni-lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần được lan tỏa đến mọi tầng lớp nhân dân, cộng đồng và xã hội thì mỗi cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh phải cùng chung tay hành động, thay đổi thói quen, tư duy và nhận thức, phải là những người đi tiên phong trong việc nói không với túi ni-lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần”.

DƯƠNG QUANG TIẾN