Nhà báo Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin & Truyền thông

Báo chí cảnh tỉnh chính mình, thay vì đổ lỗi cho mạng xã hội

“Một cơ quan báo chí bị phạt hàng chục triệu đồng chưa chắc đã có tác dụng răn đe, nhưng nếu một cơ quan báo chí, một nhà báo bị kết luận là đã vi phạm đạo đức nghề nghiệp, sẽ có giá trị răn đe mạnh hơn một quyết định xử phạt hành chính”, nhà báo Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử đã chia sẻ quan điểm và những suy tư của mình quanh câu chuyện trách nhiệm định hướng thông tin của nhà báo, cơ quan báo chí trước áp lực từ mạng xã hội (MXH) cùng Nhân Dân hằng tháng, nhân dịp kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21-6:

Ảnh | D.Ngọc
Ảnh | D.Ngọc

Báo chí cảnh tỉnh chính mình, thay vì đổ lỗi cho mạng xã hội ảnh 1Cái gì cũng phải có giới hạn của nó

Thống kê của Bộ Thông tin & Truyền thông cho biết, Việt Nam hiện có khoảng 57% số dân sử dụng MXH, như: Facebook, Zalo, Youtube… Nhiều nhà báo cũng thường xuyên sử dụng MXH. Tuy nhiên, việc đưa thông tin, chia sẻ thông tin trên MXH nhiều khi thiếu kiểm soát, ngay cả đối với những người hoạt động trong lĩnh vực báo chí truyền thông. Theo ông, mục đích của việc đưa thông tin này là gì?

Trước hết, phải khẳng định MXH là một thành tựu, một bước tiến của khoa học kỹ thuật trong việc kết nối mọi người với nhau. Tuy nhiên, những người sử dụng MXH nói chung và nhà báo nói riêng chỉ thiên về nhìn nhận mặt tốt, mặt tích cực mà chưa dành nhiều thời gian để ghi nhận và phân tích kỹ những mặt trái của MXH. Chia sẻ thông tin trên MXH hiện nay quá dễ. Nếu đó là thông tin tiêu cực, thông tin giả thì hậu quả rất lớn bởi tính lan truyền nhanh, mạnh, đôi khi có thể gây ra những hệ lụy xấu cho chính người “chơi mạng”. Nhiều nhà báo sử dụng mạng, đăng bài trên trang cá nhân chẳng cần qua khâu kiểm soát nào. Để tránh hiểu nhầm, ở đây chúng ta không nên đặt vấn đề hành vi đưa thông tin lên mạng là nên hay không nên, mà phải trả lời câu hỏi ai đưa thông tin gì, mục đích gì, động cơ gì? Có những người đưa thông tin với mục đích, động cơ không trong sáng nhằm gây sức ép, đặt dư luận xã hội trước “việc đã rồi”, hòng tạo thuận lợi cho việc của mình, hoặc kéo dư luận xã hội theo một hướng nào đó do họ kiểm soát. Hành vi này nên xem xét lại, và trong một số trường hợp là đáng lên án.

Trong khi đó, có thực tế là các cơ quan quản lý đôi khi bị ảnh hưởng bởi thái độ của MXH trong quá trình ra quyết định quản lý của mình?

Xu hướng dân túy trong quá trình ra quyết định của các cơ quan quản lý, chỉ đạo là xu hướng có thật. Mỗi khi có họp hành, như họp Quốc hội hay những thời điểm có yếu tố nhạy cảm trong đời sống chính trị, xã hội thì có rất nhiều vụ việc đã được làm nóng lên từ các cơ quan truyền thông, từ MXH. Cuối cùng, chúng ta không biết ai đang định hướng ai. Cơ quan quản lý thường có nhiều thông tin, họ nghe nhiều tai, họ cũng cảm thấy nhiều vụ việc phức tạp quá mức cần thiết. Điều đó khiến những người có trách nhiệm bị rối, dẫn đến ra quyết định theo hướng dân túy. Hiện nay, đang có một thách thức rất lớn được đặt ra, đó là làm thế nào để cân bằng các luồng ý kiến hay nói theo cách của các cơ quan báo chí là định hướng dư luận xã hội.

Chúng ta đang trong giai đoạn phải chung sống với rất nhiều thái cực, rất nhiều ý kiến mà ý kiến nào nghe cũng có lý, nhưng thực ra đối lập nhau. Vì vậy, bản thân cộng đồng mạng và những người tham gia vào quá trình thúc đẩy tự do ngôn luận sẽ cần một thời gian để hiểu rằng, cái gì cũng đều phải có giới hạn, và phải có mục tiêu là hướng thiện, hướng đến việc giải quyết được vấn đề. Nếu như chỉ làm nóng vấn đề mà không đưa ra được giải pháp hoặc có giải pháp nhưng giải pháp đó chỉ là suy nghĩ nhất thời bị cảm xúc chi phối hoặc chưa đủ cơ sở thì sẽ không giúp được gì cho sự phát triển của xã hội.

Vậy công cụ nào hiệu quả để hạn chế tiêu cực của hành vi đưa và chia sẻ thông tin lên MXH, kể cả đối với nhà báo?

Chúng ta không thiếu những biện pháp để kiểm soát nhưng cái thiếu là ý thức và quyết tâm tự kiểm soát của các cơ quan báo chí và các phóng viên, biên tập viên, nhà báo. Với MXH, với một “tệp người” đông như vậy trong thời buổi thông tin đa chiều thì cơ chế tự kiểm ở cấp độ các cơ quan báo chí, các phòng, ban, các phóng viên với nhau quan trọng hơn việc để cơ quan chức năng phát hiện sai phạm và xử lý. Có đủ công cụ để xử lý, như: luật pháp của Nhà nước đã có quy định; Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, ban hành Quy tắc sử dụng MXH của người làm báo Việt Nam để cụ thể hóa Điều 5 trong 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam. Xử lý không khó. Tuy nhiên, để hiểu về động cơ của những phát ngôn, hành vi trên MXH, chúng ta cần hiểu sâu xa các lý do khác. MXH không còn là nơi phát ngôn đơn thuần nữa, mà là nơi kiếm tiền, và rất nhiều vấn đề khác đằng sau. Nếu chúng ta không phân tích căn nguyên các vấn đề này thì rất khó xử lý. Lấy thí dụ, báo chí sống bằng quảng cáo, bằng lượng người truy cập, nếu không có MXH để chia sẻ, thì sẽ giảm hiệu ứng rất nhiều. Đấy là mặt tích cực của MXH. Nhà báo cũng có nhu cầu chia sẻ đường link trên trang cá nhân để tăng view cho bài viết của mình. Cũng có một bộ phận nhà báo sử dụng MXH để làm những việc mà không bao giờ được làm trên báo. Trên mạng họ phát ngôn phóng túng hơn. Sẽ gây nên những tác hại khi một nhà báo có hai nhân cách, có hai con người, hai quan điểm, một bên là khi viết báo và một bên là khi tham gia MXH. Người đọc không biết tin ai, tin nhà báo khi viết bài đăng báo hay tin nhà báo khi viết bài đăng trên MXH. Còn hiện tượng nhà báo viết bài trên MXH để gây sức ép cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, thì chúng ta có thể ngầm đoán được vì mục đích gì.

Tuy nhiên, gốc rễ vấn đề là sự tự giác. Thành công hay không thành công của một xã hội phải là mỗi người tự giác kiểm soát hành vi để không làm sai những gì thuộc về vi phạm đạo đức, pháp luật. Có những việc nói đúng hay sai thì khó kết luận, nhưng nói vi phạm đạo đức hay không thì kết luận được ngay. Một cơ quan báo chí bị phạt hàng chục triệu đồng chưa chắc đã có tác dụng răn đe, nhưng nếu một cơ quan báo chí, một nhà báo bị kết luận là đã vi phạm đạo đức nghề nghiệp, sẽ có giá trị răn đe mạnh hơn một quyết định xử phạt hành chính.

Không có gì là “ảo” cả

Chắc ông cũng thấy, nhiều năm qua, đã có những cá nhân, tổ chức và nhất là doanh nghiệp chịu thiệt hại nặng nề về tinh thần và vật chất khi trở thành nạn nhân của tin giả (fake news), lan truyền tin giả, tin bịa đặt với tốc độ chóng mặt trên MXH?

Tin giả là vấn nạn toàn cầu, nhiều nước đã ban hành luật chống tin giả, không chỉ phạt tiền, thậm chí phạt tù những người đưa tin giả. Những công ty MXH mà cho phát tán tin giả cũng bị phạt rất nặng. Facebook, Youtube đã bị phạt rất nặng. Liên minh châu Âu, Singapore, Australia có luật. Việt Nam đã có hệ thống luật pháp cho phép xử lý các hành vi tương tự và đang nghiên cứu, học tập các mô hình, cách làm hay của quốc tế. Không phải ai cũng đủ tỉnh táo để tự bảo vệ mình trên MXH, chứ chưa nói đến bảo vệ người khác. Để có kết quả trong việc đấu tranh chống tin giả, vẫn cần cách làm mạnh dạn hơn, vận dụng trên cơ sở pháp luật Việt Nam và tiếp thu những tiến bộ của thế giới.

Thưa ông, chủ sở hữu các nền tảng MXH của nước ngoài có phải chịu trách nhiệm nếu để người sử dụng ở Việt Nam phát tán thông tin bịa đặt?

Các nền tảng MXH xuyên biên giới, các công ty sở hữu MXH ở nước ngoài như Facebook, Youtube rồi cũng sẽ phải chấp nhận ở mỗi quốc gia đều có luật pháp. Khi xem xét xử lý một vấn đề, một nội dung được coi là vi phạm trên MXH, sẽ phải xem xét ở nhiều góc độ, trong đó đặt mối ưu tiên xử lý khi nội dung đó, vấn đề đó vi phạm luật pháp của nước sở tại, chứ không phải chỉ dựa vào cái gọi là “tiêu chuẩn cộng đồng” của họ (mà thực chất là tiêu chuẩn do họ đặt ra, và gọi đó là của “cộng đồng”). Gần đây, cho dù còn một số khác biệt, nhưng giữa các công ty sở hữu MXH nước ngoài và các cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam đã đạt được nhận thức chung đó rồi. Pháp luật của chúng ta đã đủ mạnh để buộc họ phải tuân thủ. Họ thừa hiểu là một quốc gia có chủ quyền, một chính phủ, sẽ có đầy đủ biện pháp để xử lý và buộc họ phải tuân thủ.

Khi Nhà nước ban hành một quy định nào đó, nhiều người cho là Nhà nước đang kiểm soát nhưng thật ra luật pháp là để bảo vệ người dân và khuyến khích người dân biết tự bảo vệ mình. Không thể nghĩ rằng, tôi chỉ biết lên mạng đọc, xem, viết, chia sẻ, còn lại là việc của Nhà nước. Nếu ngày mai bị lừa, hoặc trở thành nạn nhân của hành vi nói xấu bôi nhọ, vu khống, pháp luật sẽ là công cụ để bảo vệ người bị xâm phạm đó.

Trong bối cảnh MXH còn nhiều phức tạp như nêu trên, vậy vai trò định hướng của báo chí và trách nhiệm sử dụng MXH của nhà báo cần nêu cao như thế nào?

Nguồn thu quảng cáo của báo chí đang giảm đi, và được cho là chạy sang MXH. Đây cũng là vấn đề của cả thế giới. Báo chí lại phụ thuộc vào môi trường mạng để lan tỏa thông tin của mình, giữa đôi bên có sự gắn bó hữu cơ. Trong cuộc đua giữa báo chí và MXH, một số cơ quan báo chí, một số nhà báo cho rằng ưu thế đã thuộc về MXH, tương lai là của MXH. Nói như thế là quên đi mất một điều, MXH là công cụ ai cũng có thể sở hữu. Vấn đề là sử dụng nó vào việc gì. Vậy lúc này cần vai trò định hướng, phân biệt thật, giả, xác tín nguồn tin của báo chí. Tuy nhiên, một bộ phận báo chí không làm được điều này. Có những nhà báo lên mạng lấy chủ đề để viết, lấy vấn đề để nêu, lấy nguyên status (dòng trạng thái) của người nọ người kia đưa vào bài của mình biến nó thành bài báo, đấy là cách làm báo dễ dãi, lười biếng, cẩu thả, và bằng cách như vậy, trong nhiều trường hợp vô hình trung báo chí đã tự trao quyền định hướng dẫn dắt vào tay MXH. Người sử dụng mạng có quyền đặt ra câu hỏi, đó là cơ quan báo chí, nhà báo làm gì để giúp chúng tôi phân định đúng sai, thật giả? Nhà báo là người vừa tiếp xúc với cơ quan quản lý, xã hội, vừa tham gia MXH để bày tỏ chính kiến, có lúc là ý kiến của cơ quan báo chí. Nhà báo khi lên MXH vẫn được nhìn nhận là nhà báo, có điều là ở một diễn đàn khác và trong rất nhiều trường hợp nhà báo đó không nghĩ rằng mình có một vai trò trách nhiệm với xã hội, nhiều khi đã để trào lưu nhất thời chi phối, định hướng chủ đề để viết, viết theo xu hướng (trend). Có vẻ như đối với một số tờ báo, tôn chỉ mục đích không quan trọng bằng chỉ mỗi một từ: View (lượng người xem). Rất nhiều trường hợp báo chí hụt hơi, đuối sức trong cuộc đua tranh giành ảnh hưởng, giành view với MXH. Trong hàng ngũ những người làm báo sử dụng MXH có một từ phổ biến là chơi mạng. Do đó, việc nhà báo lên mạng được coi là việc cá nhân. Hầu như ít cơ quan báo chí có quy định với phóng viên về việc tham gia MXH như thế nào, hoặc phải coi việc lên MXH như phương thức hỗ trợ tờ báo phát triển. Kêu gọi trách nhiệm xã hội của người làm báo khi lên MXH dường như là việc rất khó. Tuy nhiên ai cũng phải chịu trách nhiệm về phát ngôn và hành động của mình. Không có gì là “ảo” cả. Trong thời đại internet, mọi thứ đều để lại dấu vết. Mỗi một người lên MXH luôn phải cảnh tỉnh mình về điều đó.

Trân trọng cảm ơn ông!