Tranh Việt và hành trình thật - giả

Việc tranh Việt Nam bị làm giả, mạo danh tác giả trên sàn đấu giá nước ngoài không còn là câu chuyện mới, đã xảy ra từ cả chục năm nay. Câu hỏi đặt ra là: Tại sao tình trạng này không được giải quyết mà thậm chí còn diễn ra ngày càng phổ biến và trắng trợn hơn?

Bức sơn mài Les Marchandes de Fleurs , nguồn: www.lyndatrouve.com.
Bức sơn mài Les Marchandes de Fleurs , nguồn: www.lyndatrouve.com.

Kỳ 1: Mập mờ “đánh lận con đen”?

Cuối tháng 3 vừa qua, trên truyền thông trong nước rộ lên thông tin họa sĩ Nguyễn Thụ (sinh năm 1930), một họa sĩ nổi tiếng với những bức tranh lụa mềm mại, đằm thắm về phong cảnh và con người miền núi, kêu cứu vì cho rằng, tên tuổi của ông được gán cho tác giả của một số bức sơn mài mang đậm chất mỹ nghệ, chất liệu mà ông chưa bao giờ sử dụng để sáng tác nghệ thuật. Điều đáng nói, những bức sơn mài này được một số nhà đấu giá ở Pháp đưa lên sàn đấu rải rác từ năm 2018 đến nay. Từ những phiên đấu giá ở nước ngoài Trong phiên đấu giá trực tuyến tiêu đề Peintres d’Asie (Các họa sĩ châu Á), diễn ra vào ngày 12-3-2020, của nhà đấu giá Aguttes (www.online.aguttes.com), bức sơn mài Jonques au clair de lune (Thuyền buồm dưới trăng, mục đấu số 36/ lot No. 36) được ghi chú về tác giả chỉ bao gồm nguyên văn “Nguyen Thu (né en1930)”. Thông thường, với việc người nước ngoài viết tên riêng của người Việt không có hoặc không đầy đủ dấu, kèm thông tin về năm sinh 1930 lại dưới tiêu đề của phiên đấu giá như trên, hẳn là có lý khi suy luận: tác giả là họa sĩ Nguyễn Thụ bởi cho đến hiện giờ, giới mỹ thuật Việt Nam có duy nhất họa sĩ tên là Nguyễn Thụ, sinh năm 1930 và ông chỉ duy nhất vẽ tranh trên chất liệu lụa truyền thống. Ông hiện sinh sống ở Hà Nội. Trên website chính thức, Aguttes tự giới thiệu là “nhà đấu giá lớn thứ tư của Pháp, ra đời năm 1974” và là “nhà đấu giá đầu tiên vận hành theo hình thức độc lập chứ không bao gồm các cổ đông khác”; ông chủ sáng lập là Claude Aguttes và hiện tại, hoạt động của cơ sở này do hai con gái ông điều hành.

Tranh Việt và hành trình thật - giả ảnh 1

Bức sơn mài Jonques au clair de lune.

Chữ ký nguyên văn “ngthu” và triện trên bức sơn mài nói trên khá chân phương, cùng vị trí góc dưới bên phải và rất giống với chữ ký kèm triện trên bức sơn mài khác, tiêu đề nguyên văn Les Marchandes de Fleurs (Gánh hàng hoa), tại phiên đấu giá có chủ đề bằng hai ngôn ngữ, tiếng Việt là Nghệ thuật của Đông Dương 1860 - 1960: Chương 4.1, tiếng Pháp là La Petite Indochine: Mythes et Realités 1860 - 1960: Chapitre 4.1, của nhà đấu giá Lynda Trouvé, diễn ra ngày 21-6-2018. Bức Les Marchandes de Fleurs thuộc mục đấu số 216 (lot No. 216). Tuy nhiên, ghi chú về tác giả của bức Les Marchandes de Fleurs còn sơ sài hơn, chỉ có duy nhất tên nguyên văn “Nguyen Thu”. Giải thích về điều này, trong một email gửi đến cho người viết bài, ngày 8-4-2020, bà Lynda Trouvé, chủ nhân của nhà đấu giá, khẳng định: “Chữ ký là Nguyen Thu, nhưng chúng tôi không biết gì hơn về người làm bức vẽ này. Vì thế, chúng tôi đã không thêm bất kỳ một chi tiết nào khác, kể cả về thời gian. Bức vẽ không phải được làm giả, chỉ là của một ai đó mà chúng tôi không biết cụ thể là ai...”. Trong email, bà L. Trouvé cũng khẳng định sự nghiêm túc của nhà đấu giá này về nguồn gốc và tính xác thực của các bức tranh mà họ bán ra và “các nhà sưu tập người Việt Nam biết rất rõ điều đó khi làm việc với chúng tôi”. Thông tin này đồng thời cho thấy Lynda Trouvé là địa chỉ quen thuộc của người Việt trong nước tham gia đấu giá tranh Việt ở nước ngoài, cho dù nhà đấu giá này mới thành lập tháng 4 - 2018.

Tra cứu thêm về tên “Nguyen Thu” trên website của nhà đấu giá Lynda Trouvé, chúng tôi thấy còn bức tranh lụa tiêu đề Le petit pont à Hanoi (Cây cầu nhỏ ở Hà Nội), vẽ năm 1987, ghi chú về tác giả có thêm năm sinh, nguyên văn: “Nguyen Thu (1930)”. Bức này được bán trong phiên đấu giá tiêu đề bằng hai ngôn ngữ, tiếng Việt là Nghệ thuật Đông Dương 1800 - 1960: Chương 6, tiếng Pháp là La Petite Indochine: Mythes et Realités 1800 - 1960: Chapitre 6, diễn ra ngày 2-4-2019. Tuy nhiên, trong một trao đổi với chúng tôi vào ngày 25-4-2020 vừa qua, chị Nguyễn Thị Vy, con gái của họa sĩ Nguyễn Thụ, đã cung cấp cho chúng tôi một bức lụa có bố cục tương tự như bức của nhà đấu giá nói trên, song được tác giả vẽ năm 2012. Căn cứ trên cách đóng triện và chữ ký của họa sĩ cùng các thói quen sáng tác của ông bao năm qua, chị khẳng định bức Le petit pont à Hanoi không phải tranh do chính bố chị vẽ.

Hành xử giản đơn?

Nhân câu chuyện về các bức tranh lụa và sơn mài được cho là của Nguyễn Thụ, chị Nguyễn Thị Vy cũng chia sẻ với chúng tôi về một bức tranh lụa khác, tạm gọi là bức A, được một người Việt mua tại một phiên đấu giá ở Pháp năm 2019, và sau đó có thông tin với gia đình. Nhưng chị khẳng định, bức tranh tương tự do chính họa sĩ Nguyễn Thụ vẽ đã được bán từ trước đó khá lâu: bức tranh có tên Trên nhà sàn, vẽ năm 1993, từng được in trong cuốn sách tranh Nguyễn Thụ, do Cục Mỹ thuật xuất bản năm 2008. Theo chia sẻ của chị Vy, họa sĩ Nguyễn Thụ luôn chụp lại ảnh tác phẩm sau khi hoàn thành, nên gia đình dễ dàng có căn cứ để so sánh.

Không khó để tìm ra phiên đấu giá có bán bức tranh A: là phiên có tên nguyên văn Arts Asiatiques (Nghệ thuật châu Á), của nhà đấu giá Leclère, Pháp, diễn ra ngày 14-6-2019. Bức tranh thuộc mục đấu 319 (lot No.319), có tên nguyên văn Village des Minorités (Làng của tộc người thiểu số), sáng tác năm 1984, kèm thông tin về tác giả, nguyên văn: “Nguyễn Thu (1930)”. Phiên này có 340 mục đấu, hầu hết là đồ cổ, chỉ có 46 bức tranh, tất cả theo ghi chú đều là của họa sĩ Việt Nam hiện đại. Mặc dù vậy, khi xem lại thông tin về các bức tranh này, một số người trong giới mỹ thuật đều thừa nhận với chúng tôi là họ rất nghi ngờ có tranh giả, thí dụ như hai bức tranh có ghi chú đầy đủ tên tác giả theo tiếng Việt: “Tạ Tỵ (1920 - 2004)” (mục đấu 296 và 297). Leclère là nhà đấu giá tự nhận là “ở thứ hạng trung bình” trong số các nhà đấu giá của Pháp, thành lập từ năm 2006 ở Marseille, chủ nhân là ông Damien Leclère.

Liên đới đến câu chuyện dài chưa có hồi kết này, ông Laurent Colin, một người bạn của nhiều họa sĩ Việt Nam, một người yêu hội họa Việt Nam và gắn bó với lĩnh vực này từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước đến nay cho biết, ông đã từng liên lạc với nhà đấu giá Bonhams, nhân triển lãm do họ tổ chức ở Hồng Công (Trung Quốc), tiêu đề Next Wave - Modern Vietnamese Art (Làn sóng kế tiếp - nghệ thuật Việt Nam hiện đại), từ ngày 29-11-2019 đến 24-1-2020 mà trong đó, có một số bức tranh sơn mài được cho là của Nguyễn Sáng, nhưng theo ông, chỉ là “những bản sao chép vụng về”. Bên cạnh đó, riêng trong năm 2019, ông cũng liên lạc với một số nhà đấu giá ở Pháp và châu Á, bày tỏ phản ứng cá nhân của một người yêu hội họa Việt Nam trước tình trạng lẫn lộn thật - giả của hội họa Việt Nam trong các phiên đấu giá của họ. “Song, không một ai hồi âm cho tôi - ông chia sẻ - mặc dù tôi trao đổi với họ trên tinh thần hợp tác, hoàn toàn không quy trách nhiệm gì cho họ một cách công khai, chỉ nói rằng họ nên kiểm tra kỹ lưỡng hơn từ nhiều phía thông tin bởi những điểm yếu lộ ra trên một số bức sao chép là rất rõ ràng...”. Bonhams là nhà đấu giá được thành lập từ năm 1793 ở Luân Đôn (Anh), tự nhận là “một trong những nhà đấu giá lớn nhất và danh tiếng nhất về mỹ thuật, đồ cổ, xe hơi và đá quý”.

Gần đây, sau khi Laurent Colin trao đổi với đại diện một nhà đấu giá ở Pháp về nghi ngờ một số bức tranh được cho là của họa sĩ Bùi Xuân Phái, trong một phiên đấu giá của họ ở Paris, vị chuyên gia của nhà đấu giá đó đã đơn giản phản hồi ông thế này: “Đấy chỉ là ý kiến của anh, chúng tôi có các ý kiến khác, về Phái, luôn có những câu chuyện như vậy, chẳng ai biết hoặc đồng ý, chúng tôi không biết, anh cũng không biết, vậy cứ làm thôi”. “Không một ai sẽ hành xử như vậy với một danh họa người Pháp” - ông Laurent Colin khẳng định.

Kỳ 2: Bao giờ xóa "điểm mù" thẩm định?