Tìm giải pháp giữ gìn vốn cổ

Liên quan đến việc tu bổ, thay mới quá nhiều cấu kiện kiến trúc gỗ khiến Di tích quốc gia đình Đồng Kỵ (phường Đồng Kỵ, Từ Sơn, Bắc Ninh) mất đi nhiều giá trị kiến trúc - nghệ thuật cổ, mới đây, Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - vhttdl) đã có buổi làm việc nhằm đánh giá, phân loại để tính toán phương án tái sử dụng những cấu kiện gỗ giá trị vào di tích. Đây sẽ là một kinh nghiệm cho những trường hợp khác, khi mà tình trạng làm mới di tích đang diễn ra ngày một phổ biến ở nhiều địa phương.

Tình trạng từng cấu kiện gỗ có chạm khắc được đánh giá, phân loại cẩn thận.
Tình trạng từng cấu kiện gỗ có chạm khắc được đánh giá, phân loại cẩn thận.

Giải pháp tái sử dụng

Việc thi công tu bổ đình Đồng Kỵ đang tạm dừng để chờ ý kiến các cơ quan chuyên môn. Theo ghi nhận, toàn bộ cấu kiện, các bộ phận cũ của công trình được bảo vệ cẩn thận, nguyên vẹn trong khuôn viên di tích. Bên cạnh đó, tòa Đại bái hiện đã được lắp gần xong bộ khung gỗ, với nhiều cấu kiện gỗ thay mới. Lý do của việc thay mới này, theo cộng đồng địa phương là do nhiều cấu kiện được làm bằng vật liệu gỗ xoan, có tuổi thọ đã 300 năm, cho nên bị mục ải, xuống cấp, không còn khả năng tái sử dụng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, mặc dù ghi nhận tình trạng xuống cấp của các cấu kiện gỗ cũ nhưng không thể vì thế mà bỏ đi không sử dụng lại. Vấn đề hiện nay đặt ra là phải tính toán phương án tái sử dụng, đặc biệt với những cấu kiện gỗ có chạm khắc cổ. Tại buổi đánh giá đối với các cấu kiện gỗ đã được hạ giải, các chuyên gia đã cẩn trọng nhận định, phân tích hiện trạng, tình trạng và mức độ xuống cấp của từng cấu kiện gỗ. Theo đó, một số cấu kiện vẫn giữ được khá nguyên vẹn những đường nét chạm khắc tinh xảo, một số đã bị xuống cấp, mục vỡ... Ước khoảng 20% cấu kiện gỗ có chạm khắc được nhận định có thể tái sử dụng, trong đó có nhiều cấu kiện có những mảng chạm rất giá trị.

Nếu không cố gắng tìm giải pháp tái sử dụng nhiều nhất có thể những cấu kiện gỗ này vào di tích, nhất là những cấu kiện có chạm khắc hoa văn thì đồng nghĩa với việc di sản này sẽ mất đi những dấu ấn vật chất quan trọng, minh chứng cho lịch sử làng nghề mộc Đồng Kỵ. Vì vậy, để có thể giữ lại những giá trị lịch sử văn hóa nghệ thuật mà ông cha đã để lại trên thực thể Di tích quốc gia đình Đồng Kỵ, cần có sự tham gia tích cực của nhiều cơ quan, đơn vị chức năng và chính quyền địa phương, cộng đồng dân cư. Căn cứ vào kết quả đánh giá thực tế, chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, thiết kế, giám sát và Ban quản lý di tích, Sở VHTTDL tỉnh Bắc Ninh cần tiếp tục thống nhất để đưa ra các phương án kế tiếp.

Tìm sự đồng thuận từ cộng đồng

Theo các chuyên gia, trước tình trạng xuống cấp như hiện nay của các cấu kiện gỗ, khi các phương án thay cốt, ốp mang không thể sử dụng thì cần tính đến phương án thay thế với sự hỗ trợ của hóa chất nhằm tăng tuổi thọ của gỗ. Công nghệ nano có tác dụng nối vá, cứng hóa và tăng tuổi thọ của cấu kiện gỗ được đưa ra như một giải pháp gợi ý có tính khả thi. Đây cũng là công nghệ đã được kiểm nghiệm và sử dụng trong công tác tu bổ tại một số di tích. Việc sử dụng công nghệ này sẽ tạo độ bền cho cấu kiện gỗ, khi vệ sinh cũng sẽ hạn chế bụi bám. Theo Cục Di sản văn hóa, phương án sử dụng hóa chất nano sẽ là phương án khả thi, phù hợp với hiện trạng ở đình Đồng Kỵ. Công nghệ này có nhiều ưu điểm, quan trọng nhất là gia tăng tuổi thọ cho gỗ.

Tuy nhiên, trước khi có thể tính toán triển khai phương án kỹ thuật này, Cục Di sản văn hóa cũng lưu ý việc cần thiết có sự tham gia, đồng thuận của cộng đồng. Chính quyền địa phương, Ban quản lý di tích đình Đồng Kỵ là gần dân nhất, cần tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân làng Đồng Kỵ cùng thấu hiểu, đồng hành để giữ lại được hồn cốt 300 năm qua ở di tích này. Trường hợp của di tích đình Đồng Kỵ cũng có thể xem như một điển hình trong công tác bảo tồn, trùng tu di tích mà các di tích trong cả nước cần nhìn vào để rút kinh nghiệm, nỗ lực để bảo tồn và lưu giữ lại tối đa những di sản mà cha ông đã để lại.

Sau buổi đánh giá thực tế, Giám đốc Ban quản lý di tích tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hữu Mạo cho biết, trên cơ sở nhận định của các chuyên gia, Sở VHTTDL tỉnh Bắc Ninh, Ban quản lý di tích tỉnh, chính quyền địa phương và chủ đầu tư, Ban quản lý di tích đình Đồng Kỵ sẽ bàn bạc thống nhất về việc tái sử dụng các cấu kiện gỗ có chạm khắc tại di tích, những cấu kiện không đủ điều kiện tái sử dụng sẽ có thể giữ lại để trưng bày.

Trước đó, nắm thông tin về việc trùng tu tại di tích đình Đồng Kỵ, nhiều cấu kiện gỗ cũ bị thay mới, làm mất đi giá trị kiến trúc - nghệ thuật của công trình, Cục Di sản Văn hóa đã có công văn gửi Sở VHTTDL tỉnh Bắc Ninh yêu cầu địa phương và Sở VHTTDL tỉnh Bắc Ninh thực hiện ngay việc bảo vệ nguyên trạng, an toàn toàn bộ cấu kiện kiến trúc gỗ cũ của di tích đang được lưu giữ tại công trường, chờ biện pháp xử lý tiếp theo. Nhanh chóng tổ chức đánh giá, phân loại hệ thống các cấu kiện gỗ cũ để có biện pháp tái sử dụng vào di tích.

Hy vọng, với những nội dung được Cục Di sản văn hóa yêu cầu cũng như trực tiếp hỗ trợ địa phương khẩn trương thực hiện để khắc phục, đình Đồng Kỵ sẽ sớm được trả lại nhiều nhất có thể những giá trị kiến trúc nghệ thuật đặc sắc vốn có từ xa xưa trên từng mảng chạm, đường nét của di tích.