Tuyển sinh đào tạo năng khiếu nghệ thuật

Tiến thoái lưỡng nan

Luật Giáo dục nghề nghiệp được ban hành và có hiệu lực thi hành đã tạo hành lang pháp lý cho hoạt động đào tạo nghề phát triển đúng hướng. Tuy nhiên, qua 5 năm triển khai, vẫn tồn tại một số nội dung chưa được quy định, hướng dẫn một cách cụ thể. Điều này đã gây nên những khó khăn, vướng mắc, làm các cơ sở đào tạo năng khiếu nghệ thuật rơi vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”.

Đào tạo diễn viên múa phải được bắt đầu từ rất sớm.
Đào tạo diễn viên múa phải được bắt đầu từ rất sớm.

Dừng, hay không dừng?

Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã gửi công văn đề nghị Học viện Múa Việt Nam dừng tuyển sinh năm 2020 đối với hai ngành, nghề đào tạo trình độ trung cấp bởi theo các quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Học viện không có chức năng đào tạo trình độ trung cấp. Trao đổi với chúng tôi, Quyền Giám đốc Học viện Múa Việt Nam Trần Văn Hải vô cùng lo lắng: “Trường cao đẳng Múa Việt Nam mới chính thức trở thành Học viện Múa Việt Nam từ năm 2019. Hơn 60 năm qua trường chủ yếu đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng, vậy mà bây giờ không được phép đào tạo trình độ trung cấp nữa, anh em rất hoang mang. Trên thực tế hiện nay gần 100 cán bộ, giảng viên, người lao động trong biên chế và các giảng viên trẻ được đầu tư đào tạo từ nước ngoài trở về vẫn đang tập trung cho công tác đào tạo mũi nhọn và điển hình của Học viện trong đó chủ yếu là bậc trung cấp diễn viên múa với các hệ đào tạo: 03 năm; 04 năm; 05 năm và 06 năm”.

Quy trình đào tạo diễn viên múa phải bắt đầu từ khi cơ thể của người diễn viên còn non nớt, cần được uốn nắn rèn luyện ngay từ nhỏ để đáp ứng các tiêu chí, tiêu chuẩn khắt khe của nghề nghiệp như: độ mềm, độ dẻo, độ mở của xương hông... để rèn giũa những kỹ năng, kỹ thuật múa và những yêu cầu khắt khe khác của ngành. Vì vậy, biểu diễn nghệ thuật múa bắt buộc phải tuân thủ tiêu chí tuyển chọn, đào tạo từ nhỏ, ở bậc trung cấp.

Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam cũng đang trong tình thế tương tự. Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam cho biết: “64 năm nay hệ trung cấp vẫn tồn tại trong Học viện, giờ có quy định mới chúng tôi như đứng giữa hai làn, chưa biết đi đường nào. Tiếp tục đào tạo trung cấp, cao đẳng thì là làm chui. Nhưng không thể dừng lại vì đặc thù của đào tạo tài năng nghệ thuật là phải dạy từ nhỏ. Quá trình đào tạo năng khiếu nghệ thuật vô cùng gian khổ và chấp nhận cả sự đào thải rất cao. Hệ trung cấp tùy theo từng loại hình âm nhạc nhưng cũng phải từ sáu năm đến chín năm. Chỉ cần nhìn vào 5 năm trở lại đây, số lượng giải thưởng âm nhạc mà học sinh hệ trung cấp của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam đạt được lên tới 200 giải thưởng ở tầm khu vực và thế giới đã chứng minh việc đào tạo hệ trung cấp là phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế hiện nay”. Được biết Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam cũng đang thực hiện Đề án đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hóa  - nghệ thuật giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó, đào tạo học sinh hệ trung cấp cũng là một nội dung. Việc tổ chức tuyển sinh, đào tạo và phải được sự công nhận của Nhà nước là điều đương nhiên đối với các đối tượng thuộc đề án này. 

Cần có quy định đặc thù cho đào tạo nghệ thuật

Đại diện các cơ sở đào tạo thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã nhiều lần nêu những vấn đề trong quá trình thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp thời gian qua và đề nghị xây dựng cơ chế đặc thù trong đào tạo năng khiếu, nghệ thuật, thể thao như giao các trường chủ động xây dựng thời gian đào tạo; xây dựng chính sách cho đội ngũ cán bộ, giáo viên trong lĩnh vực nghệ thuật; chính sách cho từng lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể thao… Tại buổi làm việc giữa Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội với Bộ VHTTDL về việc xây dựng chính sách pháp luật giáo dục nghề nghiệp đối với lĩnh vực đặc thù, TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến đã nhận định: “Nếu thực hiện theo quy định cứng là không cho đào tạo sơ cấp, trung cấp thì chẳng khác nào “giết chết” nghệ thuật. Những bất cập đối với các cơ sở đào tạo năng khiếu là lỗi từ văn bản. Những kiến nghị của các cơ sở đào tạo năng khiếu cho thấy cần phải có sự thống nhất trong điều hành quản lý. Cái khổ nhất hiện nay đối với các cơ sở đào tạo nghệ thuật đó là việc áp dụng rạch ròi giống như các cơ sở đào tạo ở lĩnh vực khác. Việc quy định chi tiết đào tạo năng khiếu nghệ thuật, thể thao... phải do Bộ VHTTDL đề ra”.

Trao đổi về vấn đề này, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho biết, Bộ VHTTDL đã có nhiều cuộc làm việc và trao đổi bằng văn bản với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - LĐ-TB&XH), Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) để cùng bàn bạc, tháo gỡ những bất cập trong công tác đào tạo năng khiếu nghệ thuật cũng như những vấn đề mang tính đặc thù của lĩnh vực này. Trong thời gian sớm nhất, Bộ VHTTDL sẽ có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị cho phép các trường đào tạo VHNT được tiếp tục tuyển sinh hệ trung cấp, cao đẳng và duy trì mô hình đào tạo từ sơ cấp lên đến đại học, sau đại học như đã và đang thực hiện. 

Đây không phải lần đầu, lĩnh vực đào tạo năng khiếu nghệ thuật đứng trước những bất cập bởi sự chồng chéo trong quản lý giữa các bộ: Bộ VHTTDL, Bộ LĐ-TB&XH và Bộ GD-ĐT cũng như sự “bỏ quên” của các nhà làm luật không tính tới đào tạo năng khiếu nghệ thuật phải mang tính đặc thù. Đã tới lúc cần có những quy định cụ thể mang tính đặc thù cho các cơ sở đào tạo năng khiếu nghệ thuật để có được cơ sở pháp lý quan trọng tạo sự ổn định trong phát triển nguồn đào tạo nhân lực cho nghệ thuật.