“Tái tạo đô thị” bằng sáng tạo

Có một giải pháp để “tái tạo” những không gian đô thị nơi các công trình cũ được di dời, thay vì dựng nên những khu nhà cao tầng tạo thêm gánh nặng cho hạ tầng vốn đã rất chật chội, quá tải. Đó là nghệ thuật và những sáng tạo. 

Dự án không gian nghệ thuật ở phường Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là mô hình có thể nhân rộng.
Dự án không gian nghệ thuật ở phường Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là mô hình có thể nhân rộng.

Nhận thức mới về di sản công nghiệp

Hà Nội là một thí dụ. Tiến sĩ Trương Ngọc Lân (Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường đại học Xây dựng) cho biết: “Những nhà máy cũ của Hà Nội là những di sản đại diện cho sự phát triển của xã hội và đô thị trong một giai đoạn lịch sử; đánh dấu những mốc quan trọng trong lịch sử hiện đại hóa, đô thị hóa, công nghiệp hóa ở Việt Nam và Hà Nội. Một số nhà máy còn đóng vai trò khai sinh cho một ngành công nghiệp, là những công trình kiến trúc hiện đại, đẹp nhất ở Hà Nội và miền bắc trong thời điểm được xây dựng như Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, Nhà máy Bia Hà Nội. Không ít nhà máy đã trở thành những dấu ấn về ký ức và hình ảnh đô thị Hà Nội một thời như khu Cao - Xà - Lá, Nhà máy Giày vải Thượng Đình, Nhà máy Bánh kẹo Hải Hà...”.

Theo quy hoạch, những nhà máy này phải dời khỏi nội đô. Thành phố thường định hướng biến những khu đất này thành không gian công cộng. Việc chuyển một phần hoặc hoàn toàn nhà máy thành không gian công cộng như công viên, vườn cảnh, quảng trường… đòi hỏi đầu tư lớn, ít có yếu tố xã hội hóa, và xuất hiện phần lớn ở các nước phát triển.Trong khi đó, việc chuyển thành không gian lưu trú (hiện nay chủ yếu là xây cao ốc) sẽ gây bất cập đối với hạ tầng, môi trường - tiếc rằng, đây là xu hướng chủ đạo đang diễn ra. Song, vẫn còn một giải pháp có thể hài hòa giữa mục tiêu kinh tế và văn hóa mà chưa nhiều người nghĩ đến. Giám đốc Sáng tạo của Heritage Space (một không gian sáng tạo tại Hà Nội) Nguyễn Anh Tuấn cho biết: “Các nhà máy có vị thế nhất định trong cấu trúc quy hoạch đô thị hiện đại, và chỉ cần thay đổi về công năng, chúng vẫn đóng góp cho sự phát triển và giá trị vật chất - đời sống tinh thần của đô thị theo một cách khác”.

Theo nhà báo Trương Uyên Ly, chuyên gia nghiên cứu về không gian sáng tạo, trên thế giới đã có rất nhiều quốc gia thành công trong chuyển đổi những sân bay bỏ hoang, nhà máy, nhà ga cũ không còn công năng sử dụng... trở thành những không gian sáng tạo. Một số bài học có thể tham khảo như mô hình Treasure Hill và C-LAB của Đài Loan (Trung Quốc), mô hình 789 Art Zone của Bắc Kinh (Trung Quốc), mô hình High Line Art của New York (Mỹ)…

Từ di sản công nghiệp đến công nghiệp sáng tạo

Tiến sĩ Nguyễn Quang, đại diện UN-HABITAT (Chương trình Định cư Con người của Liên hợp quốc) tại Việt Nam nhấn mạnh, những không gian sáng tạo có chức năng quan trọng là “tái tạo đô thị”. Những nhà máy, xí nghiệp hay những khu nhà cũ, có thể được tái tạo dưới diện mạo mới đầy tính nghệ thuật; đồng thời, vẫn là nơi tạo ra công ăn, việc làm cho nhiều người. Hà Nội hiện có 90 cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp quy hoạch phải di dời ra khỏi khu vực nội thành. Giám đốc Sáng tạo của Heritage Space Nguyễn Anh Tuấn kiến nghị: “Thành phố có thể giữ lại nhà máy ở một số phần kết cấu hạ tầng, quy hoạch và tổ chức lại không gian - khuôn viên xây dựng, sau đó mời cộng đồng sáng tạo vào đó biến thành một khu văn hóa - giải trí - sáng tạo liên hợp. Nhà máy trở thành một địa chỉ văn hóa mới của đô thị, và đem lại nguồn lợi nhiều mặt: tạo lợi ích kinh tế, nuôi trồng khởi nghiệp trong sáng tạo, quảng bá hình ảnh, du lịch, nuôi dưỡng và biểu dương giá trị văn hóa mới, công nghiệp sạch, đáp ứng nhu cầu giải trí sinh hoạt cộng đồng… Cách làm này xuất hiện phổ biến trên thế giới”. 

Kiến trúc sư Lê Thành Vinh, nguyên Viện trưởng Bảo tồn Di tích cũng đồng thuận với quan điểm này: “Việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm thực tế là di dời nguồn gây ô nhiễm môi trường, tiếng ồn, áp lực giao thông và dây chuyền sản xuất ra khỏi khu vực nội đô, còn lại phần “vỏ” của nhà máy có thể bảo tồn một phần với những công trình mang tính biểu tượng để giữ lại những dấu ấn, giá trị về lịch sử, văn hóa. Đó chính là giá trị phi vật thể của di sản công nghiệp để tạo ra những không gian sáng tạo có giá trị”.

Tại Hà Nội, mặc dù không gian sáng tạo Zone 9 đã đóng cửa từ lâu vì lý do mất an toàn, song, nó vẫn được nhắc đến như một hình mẫu về cải tạo, biến đổi công năng của một di sản công nghiệp (khu nhà cũ của Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương 2, số 9 phố Trần Thánh Tông, Hà Nội) thành một tổ hợp công nghiệp sáng tạo, công nghiệp văn hóa. Tại đây có hàng loạt các cơ sở kinh doanh các lĩnh vực văn hóa như: thiết kế, thời trang, mỹ thuật, nhiếp ảnh... và cả ẩm thực. Thất bại của Zone 9 là do chưa có sự phối hợp trong quản lý giữa chính quyền với cộng đồng sáng tạo, chưa có đội ngũ quản trị chuyên nghiệp riêng hoạt động dưới dạng quản lý không gian văn hóa, chưa rõ ràng về tổ chức và đường hướng phát triển, tự phát về việc mở rộng và thiếu kiểm soát. Song, nó là kinh nghiệm cho việc chuyển đổi công năng của các nhà máy, xí nghiệp cũ thành trung tâm công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo. Ngoài những khu nhà máy cũ, một số khu vực vốn là bãi rác, hay những khu vực vốn là nơi nảy sinh tệ nạn xã hội cũng có thể được “tái tạo” bằng nghệ thuật và sáng tạo. Điển hình như không gian sáng tạo ở phường Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Đó là bài học có thể nhân rộng.