Sống chậm mùa lễ hội


 Mùa xuân là mùa lễ hội, mùa trở về với cội nguồn văn hóa dân tộc. Nhưng xuân Tân Sửu này đã là năm thứ hai lễ hội “mất mùa”. Những lễ hội thuộc hàng lớn nhất cả nước như Yên Tử (Quảng Ninh), chùa Hương, đền Sóc (Hà Nội) hay lễ khai ấn đền Trần (Nam Định)... trong dịp đầu năm đều yên ả, vắng lặng. Sẽ còn nhiều nuối tiếc. Song, cùng với sự vắng lặng bất thường ấy, người dân không còn phải thấy những cảnh chướng tai, gai mắt như lạm dụng vàng mã, tranh cướp lộc, rải tiền lẻ, tranh nhau cầu cúng... Đó cũng là dịp chúng ta “sống chậm”, để hiểu thêm về văn hóa dân tộc.

Lễ khai hội tâm linh Xuân Yên Tử 2021 diễn ra tại chùa Hoa Yên, vườn tháp Huệ Quang, tuân thủ nghiêm quy định phòng, chống dịch của Bộ Y tế. Ảnh: CTV
Lễ khai hội tâm linh Xuân Yên Tử 2021 diễn ra tại chùa Hoa Yên, vườn tháp Huệ Quang, tuân thủ nghiêm quy định phòng, chống dịch của Bộ Y tế. Ảnh: CTV

Mùa lễ hội “yên bình”
 
 Thời điểm này của những năm trước đang là cao điểm của lễ hội, còn các chùa chiền, dịp Rằm tháng Giêng cũng là khi nhà chùa tổ chức các lễ cầu an, dâng sao giải hạn cho các tín đồ. Nhưng năm nay, không khí vắng vẻ bao trùm khắp các di tích. Tại Hà Nội, chùa Hương, một trong những di tích có lễ hội kéo dài nhất, thu hút đông đảo lượng khách hành hương nhất cả nước đã sớm thông báo dừng tất cả hoạt động lễ hội. Vẫn có những vị khách muốn “đột nhập” vào chùa. Kết quả là UBND huyện Mỹ Đức, Ban Quản lý di tích danh thắng Hương Sơn phải lập tới chín chốt túc trực 24/24 giờ tại các đường vào. Trong ngày cao điểm, có tới hơn 10 thuyền đò buộc phải quay ra không được cập bến. Mồng 10 tháng Giêng là ngày khai hội chùa Yên Tử (Quảng Ninh). Nhưng cũng tương tự như chùa Hương, những người muốn đến non thiêng Yên Tử phải chờ ít nhất đến khi có “lệnh” mới đón khách. Các lễ hội lớn khác như: Hội đền Sóc, hội đền Hai Bà Trưng (Hà Nội), lễ khai ấn đền Trần, lễ hội chợ Viềng (Nam Định), lễ hội chùa Đọi (Hà Nam), hội Lim (Bắc Ninh)... đều đã phải hủy toàn bộ, hoặc dừng phần hội, chỉ thực hiện một số nghi thức phần lễ.
 
 Khoảng từ mồng 10 âm lịch đến Rằm tháng Giêng, tại nhiều đền, chùa, phủ, dù không có lễ hội, nhưng là khoảng thời gian hoạt động tâm linh diễn ra sôi nổi, nhất là lễ cầu an, dâng sao giải hạn. Chùa Phúc Khánh (quận Đống Đa, Hà Nội) mọi năm là địa điểm có lễ dâng sao giải hạn thuộc hàng lớn nhất cả nước, với hàng chục nghìn người tham gia, lực lượng chức năng thường phải hoạt động hết sức vất vả để tổ chức giao thông. Năm nay cảnh tượng ấy không tái diễn. Nhiều chùa chiền lớn khác cũng không tổ chức lễ như thường lệ. Từ trước Tết Nguyên đán, Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ban hành hướng dẫn về tổ chức các nghi lễ tâm linh bảo đảm công tác phòng dịch. Để đáp ứng nhu cầu tâm linh của nhân dân, nhiều chùa tổ chức cầu an, dâng sao giải hạn theo hình thức trực tuyến. Nhà chùa công bố thời gian tiến hành, các kênh thông tin của nhà chùa trên YouTube, Facebook để Phật tử theo dõi và thực hành nghi lễ tại nhà.
 
 Khác biệt, thế nhưng, với nhiều người, đây không hẳn là điều thiếu tích cực. Không còn cảnh dòng người ùn ùn đổ đến các di tích. Không còn cảnh những đồng tiền lẻ rải khắp ban thờ, giắt vào tay tượng Phật, thánh, hay những “núi” vàng mã cháy ngùn ngụt. Cũng không còn những màn đua chen để cướp lộc đến toác đầu chảy máu và nhiều hình thức “buôn thần bán thánh”, trục lợi từ di tích, lễ hội khác. Di tích được “tạm” trả lại sự thanh bình, thay cho sự bát nháo mùa lễ hội bấy lâu.
 
 Cơ hội để hiểu sâu hơn về văn hóa truyền thống
 
 Phó Giáo sư Trần Lâm Biền bảo rằng, việc chúng ta có một mùa lễ hội “an bình” là câu chuyện trước mắt, do yêu cầu bắt buộc của việc phòng dịch Covid-19. Tuy nhiên, những “vấn nạn” trong lễ hội, trong hoạt động tâm linh là câu chuyện lâu dài, do nhận thức sai lầm của một bộ phận không nhỏ người dân. Phần lớn các lễ hội phải dừng lại, nhưng không có nghĩa người dân không quan tâm đến lễ hội, đến các hoạt động tâm linh. Đây là cơ hội để thực hiện các hoạt động truyền thông về văn hóa truyền thống, nhằm nắn chỉnh những lệch lạc trong hoạt động tín ngưỡng, tâm linh. “Lễ hội của chúng ta trước đây không như những gì ta thấy. Chúng ta phải “giải mã” và tuyên truyền. Tôi lấy thí dụ như việc đốt vàng mã. Bây giờ phải giải thích rõ cho người dân thấy vì sao vàng mã ra đời, lý do nó tồn tại, nó liên quan đến hoàn cảnh, nhận thức lạc hậu của thời xưa. Bây giờ chúng ta tuyên truyền nâng cao nhận thức, để mọi người hiểu rõ bản chất của hoạt động đốt vàng mã thì mọi người sẽ dần dần từ bỏ chứ không phải cấm đoán”, nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền nhấn mạnh.
 
 Lễ hội và các nghi thức tâm linh những năm qua thường mang tính “sự kiện”. Nhiều người chạy theo các “sự kiện”. Các địa phương cũng nhân dịp này để phát triển kinh tế, khiến lễ hội ít nhiều mang tính hình thức, thương mại hóa. Việc không được tổ chức theo hình thức sự kiện, khiến mùa lễ hội không còn “hướng ngoại”. Cùng với những hoạt động “online”, một số hoạt động tâm linh vẫn được tổ chức, nhưng buộc người tham gia phải tuân thủ các quy định phòng dịch, nhờ đó, hoạt động ở các di tích đầu năm trật tự hơn. Điều đó khiến những người tham gia có một trải nghiệm khác, nghiêng nhiều về phía nội tâm, nhận thức, hay nói cách khác là “sống chậm” hơn trong mùa lễ hội. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, kết hợp với truyền thông về ý nghĩa của lễ hội, ý nghĩa của các hoạt động tâm linh, thì đây có thể là tiền đề cho những đổi mới trong tương lai, để có mùa lễ hội thật sự đậm sắc màu văn hóa dân tộc.