Ranh giới của tự do

Trong thời đại bùng nổ của các mạng xã hội toàn cầu, mọi đất nước đều phải cố gắng tìm cách uốn nắn các hành vi ứng xử trên mạng theo những chuẩn mực văn hóa phổ quát. Cho dù, một mô hình hoàn hảo vẫn là điều đang tìm kiếm.

Hana Kimura - bức ảnh được lưu truyền trên mạng xã hội Nhật Bản với dòng chữ: “Bắt nạt người khác trên mạng dẫn đến cái chết phải bị xem là hành vi giết người”.
Hana Kimura - bức ảnh được lưu truyền trên mạng xã hội Nhật Bản với dòng chữ: “Bắt nạt người khác trên mạng dẫn đến cái chết phải bị xem là hành vi giết người”.

Một trong những biểu hiện dễ nắm bắt và nhận diện nhất về các hành vi phản văn hóa trên các mạng xã hội quốc tế, không gì khác, là nạn “bắt nạt trực tuyến”. Thuật ngữ đó, từ lâu, đã hiện hữu đường hoàng trong từ điển tiếng Anh hiện đại: cyberbullying.

Có vô vàn hành vi cyberbullying diễn ra hằng ngày, và cũng có vô vàn trong số đó đã để lại những hậu quả cực kỳ đau đớn. Mới đây thôi, ngày 23-5-2020, ngôi sao truyền hình kiêm nữ đô vật chuyên nghiệp Nhật Bản 22 tuổi Hana Kimura đã tự kết liễu đời mình, sau khi đăng tải hàng loạt bài viết bộc bạch nỗi khổ tâm của mình. Chỉ bởi cãi vã với một nam đồng nghiệp, Hana Kimura “phải nhận hàng trăm tin nhắn chửi rủa mỗi ngày”, và bởi vậy, cô “cảm thấy như đã chết rồi”, đồng thời “không còn muốn làm người nữa”.

Tình trạng này đã từng là nan đề ở rất nhiều quốc gia phát triển khác. Tuy vậy, sau rất nhiều những trải nghiệm đáng tiếc, không ít miền đất đã nhìn nhận lại một mệnh đề pháp lý kinh điển: “Tự do của cá nhân này kết thúc ở nơi mà tự do của cá nhân khác bắt đầu”, để hành động.

Theo một số liệu được đưa ra tháng 9-2018 từ Trung tâm nghiên cứu xã hội Pew, có tới 59% số trẻ vị thành niên ở Mỹ bị bắt nạt trực tuyến, với nhiều hình thức. Trước đó, tháng 1-2018, hai học sinh 12 tuổi đã bị bắt do hành vi bắt nạt dẫn đến cái chết của một nữ sinh cùng trường, ở Panama City Beach (bang Florida). Pháp luật được lựa chọn như công cụ đầu tiên và hữu hiệu nhất, nhằm đẩy mạnh tính răn đe đối với các hành vi ứng xử tồi tệ trên mạng. Kể từ đó, chỉ cần hiểu biết đủ về pháp luật, bất cứ công dân Mỹ nào cũng có thể kiện người khác về những hành vi như thế đối với mình. Thậm chí, luật bang California còn quy định rõ: “Một học sinh chỉ cần bắt nạt học sinh khác, kể cả trong trường học hay trên mạng, sẽ phải đối diện với các hình thức trừng phạt phi hình sự (non-criminal)”. Còn nếu hành vi đó dẫn đến những hậu quả nặng nề, câu chuyện sẽ hoàn toàn khác.

Chế tài luật pháp cũng là cách mà Vương quốc Anh lựa chọn, với những điều luật được quy định khá chi tiết từ năm 2003. Theo đó, những hành vi quấy rối, công kích, tung tin giả nhằm bôi nhọ cá nhân khác… đều có thể bị xem là vi phạm pháp luật.

Có điều, như các nhà tư tưởng đúc kết: “Pháp luật là đạo đức tối thiểu, đạo đức là pháp luật tối đa”, gốc rễ của việc bài trừ các hành vi phản văn hóa trong ứng xử trên mạng xã hội đã và đang được xác nhận là các giá trị nhân văn cơ bản. Giáo dục, bởi vậy, đóng vai trò quyết định. Ở Nhật Bản, từ lâu, hướng dẫn giáo dục về ứng xử trên mạng cũng đã được đưa vào các trường học, bên cạnh nội quy riêng của không ít các hội nhóm. Cũng không phải ngẫu nhiên, Facebook đưa ra cơ chế “báo cáo xấu” (report) với các quy phạm cụ thể, như phương tiện để mỗi người sử dụng Facebook có thể bước đầu tự bảo vệ mình, đồng thời ngăn chặn và đẩy lùi cái xấu.

Và, thí dụ như câu chuyện của Hana Kimura, khi những người hâm mộ của cô đau đớn truyền đi thông điệp: “Ai có thể sống yên bình khi cứ bị chửi rủa hằng ngày bởi những người mà họ thậm chí chẳng hề quen biết?”, đạo đức đã lên tiếng một cách hùng hồn nhất.

Có ai muốn chính mình bị đối xử như vậy đâu?!