Họa sĩ Trần Đại Thắng:

Người trẻ trưng sách là điều đáng mừng

Xu hướng xuất bản những ấn phẩm đặc biệt bên cạnh ấn bản phổ thông trở nên khá thịnh hành mấy năm gần đây, trong bối cảnh thị trường xuất bản ngày càng cạnh tranh ở Việt Nam. Điều đó cho thấy thực tế phát triển sinh động của thị trường sách, sự phong phú của nhu cầu bạn đọc và nỗ lực dẫn hướng người đọc tới những khám phá, tiến bộ trong việc làm giàu tri thức và thẩm mỹ của riêng việc đọc sách. Chung quanh chủ đề này, bên thềm xuân mới, chúng tôi có cuộc trò chuyện với họa sĩ TRẦN ĐẠI THẮNG, Giám đốc Công ty cổ phần văn hóa Đông A, người được biết đến trong giới xuất bản Việt Nam từ khi còn là một họa sĩ thiết kế bìa sách từ những năm 90 của thế kỷ trước.

Họa sĩ Trần Đại Thắng tốt nghiệp Khoa Thiết kế đồ họa, Trường đại học Mỹ thuật công nghiệp và sớm trở thành một họa sĩ thiết kế bìa sách được chú ý trong giới xuất bản. Anh là tác giả của khoảng 5.000 bìa sách xuất bản trong nước.
Họa sĩ Trần Đại Thắng tốt nghiệp Khoa Thiết kế đồ họa, Trường đại học Mỹ thuật công nghiệp và sớm trở thành một họa sĩ thiết kế bìa sách được chú ý trong giới xuất bản. Anh là tác giả của khoảng 5.000 bìa sách xuất bản trong nước.

Thử thách với xu hướng xuất bản mới
 
 - Chú trọng đầu tư cho việc xuất bản các ấn phẩm đặc biệt như một cách đi riêng trong thị trường, ban đầu là ấn bản có chữ ký của các tác giả (Văn mới năm năm đầu thế kỷ, Văn mới 2005 - 2006, NXB Hội Nhà văn, 2005, 2006), gần đây là việc làm thủ công các bản sách đặc biệt, bìa da, giá cao, rất chăm chút về hình thức, cách bán cũng gây hiệu ứng xã hội đặc biệt (đấu giá). Anh có thể cho biết cơ duyên nào khiến Đông A quyết định chọn hướng đầu tư này trong lĩnh vực xuất bản?
 
 - Ấn bản đặc biệt trên thế giới đúng là đã có từ lâu. Ở Việt Nam, như cá nhân tôi biết, chuyện này cũng không phải là mới. Theo nhà sưu tầm Nguyễn Ngọc Hoài Nam, từ năm 1929 đã xuất hiện ấn bản đặc biệt với tập ký sự Ngồi tù khám lớn của cụ Phan Văn Hùm, sau đó là Nho giáo của Trần Trọng Kim, rồi các tác phẩm của Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Tuân, Hàn Mặc Tử… được thực hiện trên các chất liệu đặc biệt, gồm cả giấy nhiễu, lụa, dó với cách trình bày và minh họa giàu tính thẩm mỹ, riêng biệt, rất Việt Nam. Tại miền nam, sau năm 1954, cũng nở rộ việc xuất bản các đầu sách đặc biệt với nội dung và hình thức đa dạng. Sau ngày đất nước giải phóng do điều kiện khó khăn, ấn bản đặc biệt cũng xuất hiện một, hai cuốn với nhiệm vụ đi dự triển lãm quốc tế ở Đông Âu rồi vắng bóng. Như vậy, việc thực hiện các ấn bản đặc biệt là một truyền thống đẹp, thể hiện sự trân quý đối với sách vở của dân tộc ta.

Người trẻ trưng sách là điều đáng mừng -0
 Khách hàng chọn giấy hoa cương tại Hội chợ sách Bookbinders, CHLB Đức năm 2019.

 Từ khi thành lập, năm 2004, Đông A đã theo đuổi việc xuất bản các dòng sách mang tính mỹ thuật cao và nội dung giá trị. Do đó, việc đến với các ấn bản đặc biệt như bạn nói là một cơ duyên, một hành trình, chứ không phải là lựa chọn.
 
 - Anh có thể chia sẻ chi tiết hơn về tiêu chí chọn nội dung cho dòng sách có ấn bản đặc biệt là gì? Thách thức lớn nhất của hướng đầu tư này, theo anh là gì?
 
 - Về tiêu chí, đó là các tác phẩm văn chương kinh điển của thế giới và Việt Nam, đã được khẳng định hoặc tạo dấu ấn trong lòng bạn đọc, với tỷ lệ 20% Việt Nam và 80% thế giới.
 
 Như đã nói, việc làm sách đặc biệt với tôi không phải là một kế hoạch hay một hướng đầu tư, mà đến một cách tự nhiên, là cơ duyên, nên tôi không tính toán nhiều đến lời lỗ. Thách thức lớn nhất đối với tôi là chính mình, chỉ sợ rằng, các ấn bản đặc biệt tiếp theo không vượt qua các ấn bản trước mà thôi.
 
 - Được biết, có những đầu sách đặc biệt của công ty vừa mới giới thiệu trực tuyến đã được bán hết. Điều đó cho thấy sức hấp dẫn của việc sưu tập sách bản đặc biệt. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng Đông A khéo đánh vào tâm lý thích thể hiện đẳng cấp của một bộ phận người có thu nhập cao, giàu mới, trong xã hội. Bình luận của anh về ý kiến này? Cá nhân anh có tin là người mua sách đặc biệt không chỉ để trưng bày?
 
 - Đông A đã phát hành được 11 cuốn sách có ấn bản S100, các cuốn sau thường lập kỷ lục mới về thời gian phát hành. Đầu năm 2020, 100 bản Robinson Crusoe đã được đặt mua hết trong một vài giây ngay sau khi chính thức phát hành qua fanpage của Đông A. Nếu điều đó cho thấy tâm lý thích thể hiện đẳng cấp của những người có thu nhập cao, giàu mới trong xã hội, thì tôi thấy cũng là tín hiệu đáng mừng, bởi thay vì chỉ khoe ô-tô, hay điện thoại siêu sang, thì họ đã biết mua sách, mua tranh, dù có thể là để trưng bày.
 
 Thực tế, theo thống kê riêng của chúng tôi, hơn 70% số người sưu tập dòng ấn bản S100 dưới 40 tuổi, tức là họ đang trong thời gian học tập, làm việc và tích lũy, chưa phải là những người giàu hoặc có điều kiện kinh tế cao. Họ làm đủ các ngành nghề, từ kiến trúc sư, luật sư, kỹ sư, bác sĩ, công chức, cho đến nhà giáo, nhân viên, sinh viên thậm chí có cả học sinh. Họ đều đã có ấn bản phổ thông để đọc, còn ấn bản đặc biệt dành để trưng bày hoặc thậm chí là cất tủ với nguyên xi bọc xốp, như một vật phẩm lưu niệm. Tôi thật sự rất cảm động và trân trọng trước những tình cảm này. Họ sưu tập sách không phải để thể hiện bản thân với người khác vì sở thích này có rất ít người chia sẻ, và bạn không thể cầm một cuốn sách đặc biệt ra đường hay khoe với khách đến nhà được (cười).
 
 Người trẻ và những giá trị không bao giờ cũ
 
 - Tôi đoán là để có được những bản sách gia công đặc biệt đẹp, công ty anh cũng phải mất công tìm người/nhóm người để thực hiện. Anh có thể chia sẻ trải nghiệm thú vị trong việc tìm kiếm cộng sự phù hợp cho công việc này?
 
 - Thời kỳ đầu làm ấn bản S100, sau khi làm hoàn tất các khâu in ấn nội dung, chỉ riêng phần bọc bìa, chúng tôi phải gửi tới nghệ nhân Nguyễn Đức Khuynh ở Nha Trang để ông thực hiện. Như vậy, phần nào bạn có thể hình dung mức độ kỳ công trong việc thực hiện một ấn bản như thế. Đầu năm 2020, ông Dư Thanh Khiêm, một chuyên gia về làm sách thủ công tại Bỉ, về nước mở lớp hướng dẫn, có 17 học viên, riêng Đông A có năm người, gồm cả tôi, theo học, để phần nào chủ động hơn với công việc này. Một số học viên khác rất trẻ, hiện cũng là cộng sự của chúng tôi. Hay như về giấy in sách, riêng loại giấy hoa cương, chúng tôi tìm tới đặt hàng “bác sĩ giấy” Bùi Tiến Phúc, một chuyên gia phục chế sách cổ và có lẽ là người duy nhất làm việc độc lập trong lĩnh vực này ở Việt Nam, rất trẻ, mới ngoài 30 tuổi.
 
 - Anh nhắc nhiều đến người trẻ, khiến tôi liên tưởng, anh cũng đã sớm được biết đến như một họa sĩ thiết kế bìa sách rất đáng chú ý. Và bây giờ anh cũng luôn hào hứng hợp tác với người trẻ. Đây là chủ ý lựa chọn của anh?
 
 - Như đã nói ở trên, việc làm các ấn bản đặc biệt này không phải là một ý tưởng tức thời hay một việc làm ăn may, mà là một quá trình tôi đã theo đuổi từ lâu. Từ khi bước chân vào làm sách, đúng là khi ấy tôi trẻ thật (cười), tôi đã sang châu Âu và Mỹ liên tục, lần nào trong hành lý về nhà của tôi, nhiều nhất vẫn là ấn bản sách quý hiếm và sách mỹ thuật. Tôi cũng đã tìm đến các triển lãm về sách hiếm, các hội sách chuyên về sách thủ công ở nhiều thành phố từ Pháp, Bỉ, Đức đến Hungary… Mỗi lần đi là mỗi lần thêm mở mang và thích thú. Do vậy, tôi tin rằng, mọi hợp tác là điều xảy ra hoàn toàn tự nhiên, và tất yếu, diễn ra giữa những người cùng sở thích, bởi quá trình này là lâu dài, không thể tính toán trước được.
 
 - Nhìn lại quãng thời gian thực hiện các ấn bản đặc biệt của Đông A, suy ngẫm thường trực trong anh về công việc này là gì?
 
 - Thú chơi sách này là một giá trị. Khi xã hội phát triển, con người ngày càng đòi hỏi được thưởng thức những sản phẩm văn hóa chất lượng, việc làm sách thủ công và thú chơi sách sẽ ngày càng hấp dẫn và có giá trị hơn, không phải “sớm nở, tối tàn”.
 
 Hiện tại, trình độ đóng sách của Đông A so với thế giới hẳn đang chỉ như một cậu bé học lớp 1 bên cạnh các cử nhân, thạc sĩ, chúng tôi phải cố gắng trau dồi kiến thức, nâng cao kỹ năng, không ngừng kết hợp và sáng tạo để lên được lớp 2, lớp 3… và cao nữa.
 
 - Chân thành cảm ơn anh!