Loay hoay “vượt khó”

Trong những cái khó về công tác tổ chức triển lãm thì vấn đề địa điểm vẫn đang tiếp tục đặt ra những thách thức lớn, đặc biệt đối với các cuộc triển lãm nghệ thuật quy mô toàn quốc, có đặc thù như mỹ thuật, nhiếp ảnh.

 Thiếu không gian trưng bày phù hợp làm hạn chế khả năng thưởng thức các tác phẩm mỹ thuật.
Thiếu không gian trưng bày phù hợp làm hạn chế khả năng thưởng thức các tác phẩm mỹ thuật.

Trường kỳ... kêu khó

Ông Hoàng Minh Đức, Trưởng phòng Mỹ thuật (Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2020 là kỳ triển lãm cuối được tổ chức theo định kỳ 5 năm/lần. Nằm trong chuỗi các chương trình triển lãm lớn trong năm 2020, Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc sẽ diễn ra vào cuối tháng 11 đầu tháng 12 năm nay.

Theo họa sĩ Vi Kiến Thành, nguyên Cục trưởng Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, hiện trên địa bàn Thủ đô chỉ duy nhất Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật (VHNT) Việt Nam đủ rộng về diện tích cho việc tổ chức triển lãm mỹ thuật quy mô toàn quốc. Thế nhưng nơi này lại thiếu tính chuyên nghiệp, không đủ các điều kiện cần thiết để trưng bày và đáp ứng nhu cầu thưởng thức các tác phẩm mỹ thuật xuất sắc, đánh dấu một chặng đường sáng tạo của giới nghề.

“Lâu nay giới nghề đều mong mỏi có được một không gian triển lãm rộng rãi, chuyên nghiệp, đủ độ lùi để người xem có thể thưởng lãm các giá trị nghệ thuật được các họa sĩ, nhà điêu khắc thể hiện trên từng tác phẩm. Tuy nhiên, khi đời sống ngày càng phát triển, khuynh hướng sáng tác tranh, tượng với kích cỡ lớn ngày càng phổ biến thì những địa điểm dành để tổ chức các kỳ cuộc triển lãm này vẫn... như cũ”, theo ông Vi Kiến Thành.

Hầu hết những kỳ triển lãm mỹ thuật toàn quốc trước đây, giới nghề hầu như đều khó hài lòng với chất lượng không gian trưng bày. Tranh, tượng bày san sát, không có khoảng không để nổi bật. Chưa kể, Trung tâm Triển lãm VHNT Việt Nam lại là nơi được thiết kế cho nhiều công năng, bao gồm cả việc tổ chức tiệc tùng, đám cưới, sinh nhật, hội chợ... nên bao quanh toàn là tường kính. Điều này theo các chuyên gia mỹ thuật là tối kỵ vì độ tương phản của kính lên tác phẩm sẽ tạo độ lóa. Bên cạnh đó còn có sự xuất hiện của những cột trụ chia cắt khiến không gian trưng bày trở nên vụn vặt.

Nắm bắt tâm lý không hài lòng với phương án tổ chức tại địa điểm quen thuộc này, tại buổi họp báo thông tin về Triển lãm, BTC cho biết đã tính đến cả phương án tổ chức Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 2020 ở nhiều địa điểm như Trung tâm Nghệ thuật đương đại VCCI, Trung tâm Triển lãm Mỹ thuật, nhiếp ảnh 29 Hàng Bài, Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Hà Nội… Tuy nhiên, phương án thứ hai lại đặt ra vấn đề khó khăn trong di chuyển của công chúng cũng như các nghệ sĩ để có thể trọn vẹn thưởng thức các tác phẩm tham gia triển lãm.

Chạy đua với thời gian và kinh phí

Năm 2020 là năm đầu tiên Đề án Tổ chức các cuộc thi, triển lãm, liên hoan tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh phục vụ nhiệm vụ chính trị giai đoạn năm 2020 - 2030 được triển khai. Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam cũng có nhiều điểm mới bởi từ năm này, định kỳ tổ chức sẽ giảm từ 5 năm xuống 3 năm/lần. Đối tượng gửi tác phẩm tham gia triển lãm cũng lần đầu sẽ có các nghệ sĩ Việt kiều, hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật tạo hình, từ 18 tuổi trở lên được mời tham dự.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng với giới nghề, Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2020 vẫn được kỳ vọng sẽ là hoạt động chuyên ngành có sức khuấy động, thúc đẩy sự phát triển về chất lượng cũng như sự sôi động của thị trường mỹ thuật. Theo họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, trong bối cảnh khó khăn về địa điểm tổ chức, nếu BTC lựa chọn Trung tâm Triển lãm VHNT Việt Nam thì có lẽ cũng là một sự cân nhắc kỹ lưỡng. Vấn đề là phải lựa chọn giải pháp nào để khắc phục những bất cập về điều kiện trưng bày tranh, tượng và các tác phẩm thuộc loại hình nghệ thuật đương đại. Tuy nhiên, nếu kỳ vọng ở Trung tâm Triển lãm VHNT Việt Nam sẽ được thiết kế thành một không gian chuyên nghiệp, đủ khả năng tôn vinh, làm nổi bật chất lượng nghệ thuật của các tranh, tượng dường như vẫn là điều quá xa xỉ.

Ông Hoàng Minh Đức cho biết, sau khi “chốt” phương án tổ chức tại Trung tâm Triển lãm VHNT Việt Nam thì công tác chuẩn bị cho triển lãm sẽ phải khẩn trương thực hiện. Thách thức lớn nhất đòi hỏi BTC sẽ phải chạy đua với thời gian là việc triển khai giải pháp khắc phục bất lợi về mặt bằng không gian trưng bày. Để khắc phục vấn đề tường kính, BTC các triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh trước đây thường phải thuê thợ lắp các bức tường giả để chắn sáng, ngăn tình trạng khi xem tranh, ảnh sẽ bị ngược sáng. Ông Đức cho biết thêm, chắc chắn sẽ phải thi công tường giả để bày tranh cho phù hợp. Nhưng tường bằng chất liệu nào để vừa bảo đảm chất lượng trưng bày, vừa đáp ứng vấn đề kinh phí eo hẹp, thật sự sẽ rất khó.

Nhiều tác giả trẻ cũng bày tỏ băn khoăn về không gian bài trí dành cho các tác phẩm tốn nhiều diện tích trưng bày như tượng, phù điêu và các tác phẩm thuộc loại hình nghệ thuật đương đại như: sắp đặt, trình diễn, video art... Đây là những loại hình nghệ thuật khó tính, đòi hỏi không gian rộng cùng các hiệu ứng phụ trợ. Vấn đề này, vì thế cũng là một thách thức đặt ra đối với nhà tổ chức.