Làm sống động những bài học lịch sử

Tăng sức hút cho hệ thống di tích cách mạng, kháng chiến luôn là mối quan tâm của nhiều người làm văn hóa và giáo dục. Chính vì vậy, những phương thức, cách làm mới tại một số di tích của TP Hà Nội đang rất được chú ý, với nhiều hoạt động để biến những địa danh này trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục lịch sử, truyền lửa tinh thần Cách mạng đến thế hệ trẻ.

Giới thiệu với các bạn trẻ Thủ đô về tấm gương các chiến sĩ cách mạng ở Nhà tù Hỏa Lò.
Giới thiệu với các bạn trẻ Thủ đô về tấm gương các chiến sĩ cách mạng ở Nhà tù Hỏa Lò.

Thay đổi một quan niệm

Bé Nguyễn Hà Anh bắt đầu giới thiệu về di tích Nhà tù Hỏa Lò. Những câu chuyện lịch sử về nhà tù thuộc loại kiên cố, khắc nghiệt nhất Đông Dương tưởng chừng “khô như ngói”, nhưng dưới sự dẫn dắt của Hà Anh bỗng trở nên sinh động và thú vị. Cô bé say mê kể về những câu chuyện đấu tranh cách mạng của các chiến sĩ bị địch bắt và tù đày tại Nhà tù Hỏa Lò trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Nhưng cô bé Đào Bích Diệp còn gây ấn tượng mạnh hơn bằng phong thái tự tin, chững chạc khi kể về hình thức “tắm khô” của những tù chính trị tại Nhà tù Hỏa Lò, một câu chuyện nhỏ nhưng cũng đủ cho thấy sự tàn khốc của nhà tù thực dân. Sự say mê khiến những câu chuyện trở nên truyền cảm. Đây chính là hoạt động của các em thiếu nhi trong chương trình “Em học làm thuyết minh” - một chương trình giúp các bạn nhỏ có dịp thử sức trong vai trò làm thuyết minh, tiếp cận với lịch sử do Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) tổ chức. Đây là năm thứ ba Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò thực hiện chương trình này. Từ hơn 100 em tham gia “tuyển sinh”, 35 bạn nhỏ từ 9 đến 15 tuổi đã được lựa chọn để tham dự các lớp học. Sau tám buổi học về kiến thức, kỹ năng, các em sẽ tự đứng trước đám đông để thuyết minh, giới thiệu về một hiện vật, hay một câu chuyện lịch sử mà các em tâm đắc nhất.

Thực tế, lịch sử chưa phải là môn học hấp dẫn với nhiều bạn nhỏ. Nhưng cách thiết kế chương trình của Ban Quản lý Nhà tù Hỏa Lò đã làm thay đổi quan niệm của nhiều người. Những câu chuyện lịch sử diễn ra ở địa danh lịch sử đặc biệt này được gắn với những bài học, với cuộc sống đương đại. Đó là năm chủ đề mà Ban tổ chức đã xây dựng để giúp các em học tập: Giá trị của cuộc sống đầy đủ ngày nay; Bài học về tình mẫu tử; Bài học về tình đồng chí; Bài học về lòng dũng cảm và Giá trị của hòa bình hôm nay. Qua cách thiết kế chương trình, những câu chuyện về lịch sử trở nên gần gũi và có ý nghĩa với cuộc sống. Ngay khi chương trình kết thúc, đã có nhiều bậc phụ huynh tìm hiểu để chuẩn bị đăng ký cho con em mình tham gia chương trình… năm sau.

“Mềm hóa” hoạt động

Hoạt động “truyền lửa” cách mạng ở di tích Nhà tù Hỏa Lò chỉ là một thí dụ điển hình. Tại đây, Ban Quản lý thường xuyên tổ chức các cuộc tọa đàm, triển lãm, dâng hương…, phối hợp với các cơ quan tổ chức Lễ kết nạp đảng viên mới, đoàn viên mới để các bạn trẻ có dịp ôn lại truyền thống đấu tranh cách mạng.

Cùng với lập hồ sơ công nhận, gắn biển giá trị di tích, thành phố Hà Nội còn có nhiều biện pháp để các di tích sống động, thu hút khách tham quan, qua đó tuyên truyền, giáo dục lịch sử, tinh thần cách mạng, nhất là với thế hệ trẻ.

Một trong những di tích quan trọng nhất của Thủ đô là Khu di tích Hoàng thành Thăng Long - Di sản Văn hóa Thế giới. Tại đây, trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước, khi Mỹ leo thang bắn phá miền bắc, năm 1967, Trung ương đã quyết định cho xây dựng Nhà và hầm D67 là nơi làm việc của Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam. Đây là công trình kiến trúc giản dị, nhưng là nơi diễn ra nhiều cuộc họp quan trọng của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương nhằm vạch ra những đường đi nước bước, những chiến lược có tính quyết định đối với thắng lợi của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Những năm qua, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội thường xuyên tổ chức các hoạt động để cộng đồng hiểu thêm về giá trị những di tích này như các triển lãm: Từ Tổng hành dinh đến dinh Độc Lập, Ngày Thống nhất đất nước… và các hoạt động trải nghiệm, tìm hiểu. Nổi bật trong đó là Chương trình “Em tìm hiểu di sản Hoàng thành Thăng Long” dành cho học sinh cấp trung học cơ sở. Trong chương trình này các em học sinh được tham quan các điểm di tích tiêu biểu của Hoàng thành Thăng Long như Đoan Môn, nền điện Kính Thiên, Hậu Lâu, các nhà trưng bày hiện vật khảo cổ, các di tích Cách mạng Nhà và hầm D67, hầm Chỉ huy Cục tác chiến, qua đó, có cái nhìn xuyên suốt về lịch sử khu di tích, từ thời kỳ quân chủ đến thời kháng chiến. Đan xen giữa các hoạt động tìm hiểu di tích là các trò chơi dân gian, trả lời các câu hỏi, tự tay làm đồ lưu niệm. Việc “mềm hóa” những hoạt động tìm hiểu lịch sử khiến chương trình trở nên hấp dẫn. Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long Trần Việt Anh cho biết, Trung tâm đang chuẩn bị các điều kiện để mở hầm 59 và hầm 66 nhằm phục vụ khách tham quan có điều kiện hiểu rõ hơn về Tổng hành dinh của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ.

Các di tích như: Nhà lưu niệm Bác Hồ ở phường Vạn Phúc, Di tích nhà 48 Hàng Ngang… cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động triển lãm, tọa đàm, giao lưu. Dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn, Ban Quản lý di tích thường phối hợp các trường học trên địa bàn tổ chức tham quan, nói chuyện lịch sử với các em học sinh.

Với những biện pháp linh hoạt, đổi mới, nhiều di tích cách mạng, kháng chiến trên địa bàn Hà Nội thật sự trở thành “địa chỉ đỏ” để giáo dục lịch sử, giáo dục tinh thần cách mạng.