Khi sai phạm được... hợp thức hóa

Xâm phạm danh thắng, di sản thiên nhiên, hay di sản văn hóa vật thể (di tích) là vấn đề nóng xảy ra trong nhiều năm qua. Dù được dư luận rất quan tâm, nhưng tình trạng trên vẫn tái diễn. Nhiều vụ vi phạm công khai và nghiêm trọng hơn. Một trong những lý do khiến di sản tiếp tục bị xâm phạm là bởi sau khi xử lý, nhiều công trình lại được phép... tồn tại.

Cần kiên quyết xử lý những công trình sai phạm như Panorama ở Mã Pì Lèng để không tạo những “tiền lệ” mới. Ảnh: H. THANH
Cần kiên quyết xử lý những công trình sai phạm như Panorama ở Mã Pì Lèng để không tạo những “tiền lệ” mới. Ảnh: H. THANH

Những “tiền lệ” nối tiếp

Tòa nhà bảy tầng (với tên gọi Panorama) nằm vắt vẻo trên đèo Mã Pì Lèng (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) đã “làm nóng” dư luận từ tháng 10-2019. Công trình xây gần vùng bảo vệ của khu Danh thắng quốc gia Mã Pì Lèng nhưng khối bê-tông đồ sộ bảy tầng này không phù hợp cảnh quan, như cái gai đâm vào mắt bất cứ khách tham quan khi chiêm ngưỡng phong cảnh núi sông hùng vĩ của danh thắng này. Trong khi đó, Điều 36 Luật Di sản văn hóa quy định: “Khi phê duyệt dự án cải tạo, xây dựng các công trình nằm ngoài các khu vực bảo vệ di tích quy định tại Điều 32 của Luật này mà xét thấy có khả năng ảnh hưởng xấu đến cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của di tích thì phải có ý kiến thẩm định bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch”. Sau nhiều văn bản trao đi, trao lại giữa các bên, trước sức ép của dư luận, cuối cùng phương án được cơ quan chức năng địa phương đề xuất khiến dư luận hết sức ngỡ ngàng: Panorama được “giải cứu”. Chủ đầu tư được phép chỉnh sửa để tồn tại, miễn là việc cải tạo bảo đảm theo kiến trúc truyền thống văn hóa của đồng bào dân tộc trên cao nguyên đá Đồng Văn, bảo đảm an toàn và vệ sinh. Việc hợp thức hóa sai phạm còn gây ngạc nhiên hơn, nếu như chúng ta biết rằng, chủ đầu tư còn có hàng loạt sai phạm khác như: Công trình chưa có giấy chứng nhận đầu tư, dự án chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt; công trình được xây dựng trên đất trồng cây lâu năm; chưa có giấy phép xây dựng… Chưa kể sự tồn tại của công trình bị nhiều chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa, kiến trúc cũng như dư luận phản đối gay gắt.

Với những người theo dõi việc xử lý sai phạm xảy ra tại các khu di sản văn hóa vật thể (di tích), di sản thiên nhiên hay danh lam thắng cảnh, thì việc “giải cứu” tòa nhà Panorama lại không có gì đáng phải ngạc nhiên. Thậm chí, đó là “điệp khúc” đã trở nên quen thuộc. Năm 2016, dư luận “choáng váng” khi báo chí phát hiện ngay giữa quần thể di tích, danh thắng Hương Sơn, một công trình đồ sộ mang tên “Hương nghiêm pháp đường” mọc lên. Công trình gồm ba tầng, mỗi tầng rộng đến hơn 100 m2. Mang danh là “Hương nghiêm pháp đường”, nhưng công năng chính của hạng mục này là làm… nhà khách cho chùa. Công trình được xây dựng từ năm… 2011 và đưa vào sử dụng hai năm sau đó. Tức là sau khi sử dụng đến mấy năm, sai phạm mới bị phát hiện. Sau khi phát hiện, rất nhiều cuộc họp được Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp các bên bàn biện pháp xử lý. Kết quả của các cuộc bàn thảo là “Hương nghiêm pháp đường” được giữ gần như… y nguyên kiến trúc căn bản. Chỉ những phần trang trí lan can mang ảnh hưởng của Phật giáo Tây Tạng phải tháo dỡ mà thôi. Đến bây giờ, vãn cảnh chùa Hương, từ sân chùa nhìn sang phía trái, khu vực nhà khách ba tầng đó vẫn lấn át cả không gian chùa Thiên Trù - công trình quan trọng nhất của Di tích quốc gia đặc biệt danh thắng Hương Sơn.

Chùa Trăm Gian (xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, Di tích quốc gia đặc biệt) thậm chí còn hai lần xảy ra những sai phạm khác nhau. Năm 2012, gác khánh và nhà tổ được đập đi xây mới mà không cần biết đến cơ quan chức năng nào. Ngay khi bàn phương án khắc phục, đã có nhiều ý kiến đề xuất là nếu phá bỏ hết phần sai phạm thì sẽ gây “lãng phí tiền của”. Sau đó, việc khắc phục được thực hiện trên cơ sở… giữ lại khung gỗ của chính công trình sai phạm, chủ yếu chỉnh sửa về chi tiết. Việc xử lý này tạo “tiền đề” cho vi phạm lần thứ hai. Đó là năm 2014, “tranh thủ” việc một cây trám đổ làm hư hại ba mộ tháp, một hương án, khu nhà ni khang trang, hiện đại với hệ thống công trình phụ khép kín, khác hẳn kiến trúc ban đầu được “tiện thể” làm mới; đồng thời, cả một số mộ tháp và các hạng mục phụ trợ cũng được làm mới. Tất nhiên, lại có những cuộc họp bàn giải pháp khắc phục. Kết quả là không hạng mục vi phạm nào được hạ giải để dựng lại theo kiến trúc cũ mà tiếp tục được tồn tại. Đến năm 2019, Hà Nội lại xảy ra một vụ vi phạm nghiêm trọng khác tại chùa Bối Khê (xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai). Nhiều hạng mục “bỗng nhiên” được “tân trang”. Đặc biệt là hai chiếc cổng cổ không hề xuống cấp bị đập đi xây mới hoàn toàn, theo hướng… hoành tráng hơn. Đến nay, hai cổng mới này vẫn tồn tại, chưa cơ quan nào dám ra quyết định dỡ bỏ. Nguy cơ tồn tại vĩnh viễn công trình sai phạm là rõ ràng.

Tại Thanh Hóa, một vụ việc gây bức xúc dư luận không kém là việc tu bổ chùa Bạch Tượng (xã Nga Giáp, huyện Nga Sơn). Theo thiết kế, nhà tổ có kết cấu kiến trúc hình chữ “nhất” gồm ba gian bằng vật liệu bê-tông cốt thép, vì kèo cấu trúc “giá chiêng chồng rường con nhị”. Nhưng UBND xã Nga Giáp đã tự ý thay đổi cấu trúc theo kiểu chữ “nhị” gồm bảy gian tiền đường và năm gian hậu cung bằng bê-tông cốt thép. Trong khuôn viên chùa còn mọc lên hai ngôi nhà sàn lớn. Khi phát hiện sai phạm, thì nhiều cơ quan lại đứng ra xin… cho tồn tại. Hơn nửa năm trôi qua, mọi việc vẫn… án binh bất động. Sai phạm rõ ràng nhưng không ai muốn tháo dỡ. Bản thân huyện Nga Sơn cũng bày tỏ mong muốn “phê duyệt lại hồ sơ thiết kế để khỏi lãng phí tiền của của nhân dân”. Nói cách khác, là “gọt” lại thiết kế sao cho vừa…

Khi UBND tỉnh Hà Giang cho phép tồn tại tòa nhà Panorama, một số chuyên gia lo ngại điều này tạo nên tiền lệ xấu. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, đã có rất nhiều tiền lệ như thế.

Đã đến lúc tạo “tiền lệ” mới

Nếu tại các di tích, sai phạm chủ yếu xảy ra trong quá trình tu bổ, khi chủ đầu tư làm sai giấy phép; hoặc tự ý xây mới các hạng mục theo hướng “to đẹp” hơn thì tại các khu danh lam, thắng cảnh, hay di sản thiên nhiên, các công trình, hạng mục thường được xây dựng trái phép, hoặc sai phép nhằm phục vụ khai thác du lịch. Nhưng điểm chung là khi xây dựng xong, các cơ quan chức năng thường “kêu khó” khi xử lý. Những trường hợp kiên quyết tháo dỡ các công trình vi phạm chỉ là số ít. Ngay cả cây cầu bê-tông, cốt thép khủng xuyên lõi khu di sản thế giới Tràng An (huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình), vi phạm nghiêm trọng các quy định về bảo tồn, nếu không có sức ép từ phía UNESCO, chưa chắc cây cầu dài tới 1.100 m này đã bị tháo dỡ.

Có một chi tiết trong câu chuyện “đập đi xây mới” tại chùa Bối Khê mà không phải ai cũng biết, đó là sư thầy Thích Đàm Khoa trụ trì chùa Bối Khê, đồng thời cũng là người trụ trì… chùa Trăm Gian. Sư thầy Thích Đàm Khoa chính là tác giả của hai lần sai phạm trong việc “mới hóa” chùa Trăm Gian. Tất cả các cuộc họp kiểm điểm sai phạm, rút kinh nghiệm, bàn biện pháp xử lý tại chùa Trăm Gian, sư thầy Thích Đàm Khoa đều có mặt. Vì vậy, có thể thấy sai phạm không phải do hạn chế nhận thức. Nếu tại chùa Trăm Gian, các sai phạm được xử lý triệt để, thì có thể sẽ không xảy ra sai phạm tại chùa Bối Khê.

Hiện giờ, trước nhu cầu phát triển du lịch, rất nhiều danh thắng quốc gia đang bị xâm phạm ở mức độ khác nhau. Vùng lõi danh thắng quốc gia Kim Sơn (huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) đang mọc lên hàng loạt khu nhà sàn, nhà hàng để kinh doanh. Hồ Tuyền Lâm (TP Đà Lạt, Lâm Đồng) cũng bị “băm nát” bởi biệt thự nghỉ dưỡng… Đối với các di tích, việc làm mới diễn ra với muôn hình vạn trạng, từ xây mới hạng mục, làm mới những cấu kiện tốt, cho tới tự ý thay đổi kiến trúc… Ở Bắc Giang, đình Ngọ Xá (huyện Hiệp Hòa), dù được thiết kế tu bổ là đình hai mái, nhưng lãnh đạo địa phương tự ý chuyển thành… bốn mái, có đầu đao, khác hẳn di tích ban đầu. Hay mới đây, đình làng Đồng Kỵ (thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) cũng bị làm mới 100% cấu kiện gỗ, mặc dù rất nhiều cấu kiện gỗ cũ còn rất tốt.

Khi sai phạm được... hợp thức hóa ảnh 1

Cơ quan chức năng thẩm định, đánh giá các cấu kiện gỗ cũ tại di tích đình Đồng Kỵ vào sáng 6-3-2020.

Trong cuộc họp bàn về phương án xử lý tòa nhà bảy tầng trên đèo Mã Pì Lèng mới đây, một đại diện Hội Di sản Văn hóa Việt Nam nêu ý kiến rằng, nên cho phép tồn tại và biến công trình Panorama thành “công trình mẫu” để đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch của Hà Giang. Tuy nhiên, ý kiến này vấp phải không ít phản ứng. Nhiều ý kiến cho rằng, nên biến công trình này thành một mẫu mực trong xử lý sai phạm, với thái độ kiên quyết, triệt để, tạo một tiền lệ mới - đã sai phạm thì phải tháo dỡ, khắc phục, để tránh việc nhờn luật như hiện nay.