“Cú huých” cho sách online

Dù được kỳ vọng và vẫn đang diễn ra, nhưng chỉ sau hơn một tuần hoạt động (từ ngày 19-4 đến 20-5), Hội sách trực tuyến quốc gia 2020 với chủ đề “Đọc sách, nâng cao trí tuệ, vượt qua nỗi lo dịch bệnh” đã cho thấy nhiều bất cập, không đúng với mong muốn của cả những người trong ngành xuất bản lẫn độc giả.

Giao diện của Hội sách không bắt mắt, gây cảm giác rối.
Giao diện của Hội sách không bắt mắt, gây cảm giác rối.

Cần “cú huých” cho hướng phát triển mới

Dưới tác động của đại dịch Covid-19, nhiều hoạt động thúc đẩy văn hóa đọc và quảng bá xuất bản phẩm trong nước bị hoãn vô thời hạn, hàng loạt nhà sách truyền thống phải đóng cửa, hoặc hoạt động với khung giờ hạn chế; một số đơn vị buộc phải cắt giảm lương, giảm nhân viên. Trong tình thế đó, nhiều đơn vị xuất bản trong nước đã chủ động vượt khó bằng cách đẩy mạnh kênh bán online và doanh số có xu hướng tăng vượt trội. Điển hình như hệ thống Fahasa, doanh thu tháng 3 tăng trưởng 94% so cùng kỳ năm 2019 và tăng trưởng 20% so tháng 2-2020. Các nhóm hàng tăng trưởng mạnh như: thiếu nhi - tăng 130%, văn học - tăng 60%. Còn hệ thống nhà sách Phương Nam, doanh số bán sách online trong tháng 2 tăng 70% so cùng kỳ năm ngoái và so tháng 1 trước đó cũng tăng 30%. Một số đơn vị khác như Nhã Nam, NXB Trẻ, Thái Hà… cũng có doanh số từ online tăng.

Bà Đào Quế Anh - Giám đốc Công ty cổ phần Xuất bản và Dữ liệu ETS (Công ty cổ phần Sách Alpha) cho biết: “Đối tác lớn của Alpha trong lĩnh vực thương mại điện tử chính là Tiki và kênh online của Phương Nam. Nhưng, chính Alpha trong năm 2019 cũng đã thí điểm triển khai kênh online. Kết quả tổng kết năm 2019, kênh này đóng góp gần 10% doanh thu. Dù là kết quả bước đầu khá khiêm tốn, nhưng khi các kênh bán truyền thống đóng băng, thì Alpha đã có giải pháp sẵn sàng để đối phó với dịch bệnh. Đây chính là lý do giải thích cho việc doanh số quý I-2020 của Alpha vẫn tương đối ổn”.

Điều này cho thấy thói quen và nhu cầu mua sách từ kênh thương mại điện tử của độc giả trong nước đã có. Tuy nhiên, vẫn cần thêm một cú huých để hoạt động này trở nên phổ biến hơn; đồng thời, mở ra cơ hội mới cho các đơn vị xuất bản. Vậy nên, việc Hội sách quốc gia chào mừng Ngày sách Việt Nam được tổ chức theo phương thức trực tuyến hoàn toàn có thể xem như một động thái góp phần vào điều đó.

Chủ động đầu tư

Hội sách trực tuyến quốc gia 2020 diễn ra tại địa chỉ www.book365.vn do Cục Xuất bản, In & Phát hành - NXB Thông tin và Truyền thông tổ chức dưới sự chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông. Tại đây giới thiệu gần 20.000 sách in và sách điện tử của gần 50 đơn vị xuất bản trong nước. Khi mua sách, độc giả sẽ nhận được một số ưu đãi như: giảm 25% giá bìa, 20.000 đơn hàng đầu tiên sẽ được Bưu điện Việt Nam miễn phí 100% cước chuyển phát, các đơn hàng tiếp theo được giảm 30% mức cước. Ngoài những chương trình ưu đãi, hội sách còn tổ chức khoảng 50 chương trình giao lưu giữa độc giả với tác giả, người làm công tác quản lý, công tác xuất bản, những người nổi tiếng, để chia sẻ sự quan tâm của mình đến sách như các nhà thơ, nhà văn Trần Đăng Khoa, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Thị Thu Huệ, Hồ Anh Thái, Dương Thụy, Pha Lê, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư, nhà nghiên cứu văn hóa An Chi, PGS,TS Nguyễn Chu Hồi - chuyên gia nghiên cứu về biển đảo...

Tuy nhiên, dù được kỳ vọng sẽ trở thành “cột mốc mang tính bước ngoặt để ngành xuất bản và phát hành cả nước nhảy vào kinh tế số” như nhận định của ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Công ty Thái Hà Books, hội sách lần này lại chưa tạo được ấn tượng thật sự. Bất cập đầu tiên chính là giao diện của Book365 không bắt mắt, mang cảm giác không rõ ràng là một kênh thương mại điện tử hay một trang thông tin điện tử. Thêm vào đó, sách được chia thành nhiều nhóm khác nhau nhưng các đầu sách lại sắp xếp lẫn lộn giữa các thể loại.

Dù được quảng bá với gần 20.000 đầu sách in và sách điện tử nhưng số lượng sách mới tại Hội sách online 2020 không thật sự phong phú. Chưa kể, có nhiều đầu sách đã được xuất bản từ khá lâu. Với đời sống và nhu cầu hiện nay, sách xuất bản trước đó một năm đã bị xem là sách cũ, nhưng tại hội sách lần này, có thể bắt gặp không ít đầu sách được in từ năm 2016, 2017; thậm chí là 2010, 2012. Bên cạnh đó, mức giảm 25% cho các đầu sách thật sự không hấp dẫn so với mức chiết khấu mà một số kênh thương mại điện tử như Tiki, Fahasa, Vinabook, Shopee đang áp dụng. Ở các kênh này, thậm chí, nhiều đợt khuyến mãi, mức giảm có thể lên tới 50% hoặc hơn.

Mua sắm qua kênh thương mại điện tử đang là xu hướng hiện nay. Và doanh thu bán sách từ kênh này đang tăng đáng kể. Để có thể khuyến khích độc giả, và khai thác tiềm năng, lợi thế của phương thức kinh doanh phù hợp với xu thế phát triển của xã hội, có lẽ, những người làm xuất bản cần chủ động hơn trong việc đầu tư phát triển các giải pháp công nghệ hỗ trợ, nghiên cứu tâm lý, nhu cầu người đọc, cũng như tận dụng những thứ đã có sẵn, qua việc kết hợp với một kênh thương mại điện tử nào đó, để cùng làm.