Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ Nguyễn Thị Thắm:

Chúng tôi đang đi đúng hướng


 Đúng dịp kỷ niệm 35 năm thành lập, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ (PNNB) đã khánh thành phòng trưng bày ứng dụng công nghệ hiện đại, mang đến nhiều trải nghiệm cũng như tương tác cho khách tham quan. Đây được xem là mô hình bảo tàng thông minh lần đầu xuất hiện tại TP Hồ Chí Minh. Bà Nguyễn Thị Thắm (ảnh nhỏ) - Giám đốc Bảo tàng đã có cuộc trò chuyện với Nhân Dân Cuối tuần quanh câu chuyện ứng dụng công nghệ vào hoạt động trưng bày của bảo tàng hiện nay.

Du khách trải nghiệm cách trưng bày mới, hiện đại qua ứng dụng của máy Halogram tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ. Ảnh: bảo tàng phụ nữ nam bộ
Du khách trải nghiệm cách trưng bày mới, hiện đại qua ứng dụng của máy Halogram tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ. Ảnh: bảo tàng phụ nữ nam bộ

Mang đến sự chủ động cho khách tham quan
 
 - Là bảo tàng đầu tiên ở TP Hồ Chí Minh ứng dụng công nghệ vào hoạt động trưng bày, điểm khác biệt lớn nhất so với cách trưng bày trước đây là gì, thưa chị?
 
 - Bảo tàng PNNB may mắn là nơi được UBND TP Hồ Chí Minh lựa chọn thực hiện thí điểm ứng dụng công nghệ hiện đại trong trưng bày. Khác với cách trưng bày truyền thống, khách tham quan có quyền lựa chọn ngôn ngữ phù hợp trong ba ngôn ngữ: Việt, Anh, Pháp để nghe. Nhờ đó, khi không có thuyết minh viên, du khách cũng có thể tiếp cận với hiện vật. Điều này còn giúp cho bảo tàng cải thiện đáng kể chất lượng của đội ngũ thuyết minh trong khả năng sử dụng ngoại ngữ hiện nay.
 
 Bên cạnh đó, với các máy Halogram, người xem có thể xem hiện vật xoay 360 độ, có thể lật từng trang để xem thông qua công cụ, trang thiết bị đã được tích hợp từ trước, thay vì chỉ có thể chiêm ngưỡng hiện vật cùng với thông tin ít ỏi được ghi trên một trang giấy đính kèm như cách trưng bày truyền thống. Các ki-ốt thông tin được nối mạng, tích hợp ứng dụng QR code sẽ giúp du khách có thể tra cứu thông tin một cách đầy đủ và nhanh chóng, cung cấp cho khách tham quan những nội dung thiết yếu mà họ muốn tìm hiểu.
 
 - Hiện tại mới chỉ có 115 trong tổng số 4.000 hiện vật của Bảo tàng được đưa vào máy Halogram. Ngoài vấn đề kinh phí, quá trình này còn gặp phải những vấn đề gì?
 
 - Để quét một hiện vật phải tốn một khoản kinh phí không nhỏ. Mong muốn của chúng tôi là làm sao quét được hết 4.000 hiện vật để cập nhật, bổ sung vào máy Halogram; từ đó tạo điều kiện cho công chúng có thể xem được tất cả các hiện vật đang được bảo quản, lưu trữ tại Bảo tàng.
 
 Việc số hóa đối với các công ty, các đơn vị phần mềm rất dễ. Nhưng với cán bộ nhân viên của bảo tàng thì không đơn giản chút nào. Quá trình số hóa cho 115 hiện vật rất mất thời gian, đòi hỏi các phòng chuyên môn của bảo tàng phải phối hợp nhịp nhàng với nhau.
 
 Ngoài ra, tính nghiên cứu phải chính xác, khoa học, hạn chế thấp nhất sai sót có thể xảy ra. Đó là lý do vì sao phòng trưng bày của Bảo tàng mới chỉ thực hiện được 115 hiện vật. Mọi người chỉ thấy con số 115 trong tổng số 4.000 hiện vật, nhưng để làm được điều đó, chúng tôi phải mất hơn một năm đấy.
 
 - Sau khi triển khai ứng dụng công nghệ số, lượng khách đến Bảo tàng có sự thay đổi như thế nào?
 
 - Sau gần một tháng, chúng tôi đón 50 đoàn, với gần 3.000 khách, tăng hơn 50% so cùng kỳ năm trước. Đây là một tín hiệu vui và cũng trùng khớp với mục đích mà Bảo tàng PNNB đang hướng đến, đó là muốn biến phòng giáo dục truyền thống đấu tranh của phụ nữ miền nam trở thành nơi học tập bên ngoài trường học cho học sinh, sinh viên. Hiện tại, Bảo tàng PNNB đang là một trong ba đơn vị bảo tàng của TP Hồ Chí Minh không được phép bán vé, mà ưu tiên cho nhiệm vụ chính trị. Như vậy, việc sinh viên các trường đại học đến đây khá đông cho thấy chúng tôi đang đi đúng hướng, biến bảo tàng thành nơi giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa cùng với nhà trường.
 
 Giảm tải gánh nặng
 
 - Thực tế đang có không ít di sản, di tích đã mất tích hoặc đang chờ… mất tích. Hệ quả là thế hệ sau không còn biết đến sự tồn tại của những di sản, di tích đó. Theo chị, việc ứng dụng công nghệ trong công tác bảo tồn, bảo tàng có phải là “lối thoát” cho vấn đề này?
 
 - Việc ứng dụng công nghệ số trong bảo tàng với xu hướng phát triển của TP Hồ Chí Minh hiện nay là một hướng đi phù hợp. Bởi vì, với một thành phố công nghệ và số hóa thì bảo tàng cũng cần bắt kịp với thời đại. Tuy nhiên, nói gì thì nói, công nghệ số vẫn rất cần sự quản lý của con người. Bởi lẽ, công nghệ cũng sẽ có những mặt trái và chúng ta không thể hoàn toàn lệ thuộc vào nó. Chẳng hạn như phòng trưng bày hiện đại của chúng tôi hiện nay, khi mạng wifi đủ mạnh, khách tham quan sẽ truy cập rất dễ dàng với tốc độ nhanh. Tuy nhiên, nếu lượng người quá đông thì mạng sẽ bị quá tải; khi đó sẽ ảnh hưởng đến trải nghiệm của khách. Hoặc nếu mất điện, lúc đó công nghệ sẽ phải “bó tay” hoàn toàn. Nó có những hạn chế như vậy; cho nên, làm gì thì làm vẫn không thể thiếu vắng sự quản lý của con người.
 
 Theo tôi, điều quan trọng nhất vẫn là cách chúng ta, những người làm công tác bảo tàng, bảo tồn thể hiện nội dung như thế nào. Việc ứng dụng công nghệ giúp khách tham quan chủ động lựa chọn xem, có thêm một trải nghiệm mới mẻ, đồng thời giúp họ cảm thấy bắt mắt, cảm thấy không cũ; điều đó phụ thuộc rất nhiều vào nội dung của bảo tàng. Công nghệ chỉ là phương tiện mà thôi.
 
 - Không thể phủ nhận tính ưu việt của công nghệ; có điều, cảm giác được chiêm ngưỡng những hiện vật thật so với những hiện vật đã được số hóa vẫn có một khoảng cách nhất định. Chị nghĩ sao về ý kiến này?
 
 - Với máy Halogram, dù không thể chạm tay vào hiện vật nhưng khách tham quan, nói một cách nôm na, có thể xem “từ trong ruột cho đến nước sơn”, có thể xem một cách trực quan hiện vật đó. Nó có thể xoay 360 độ; thậm chí, các vết xước, vết nứt rất nhỏ khách cũng có thể nhìn thấy qua thấu kính. Nếu chỉ nhìn bằng mắt thường, khách chỉ thấy được một mặt của hiện vật đó thôi, nhưng qua máy Halogram, có thể thấy tất cả. Thậm chí đến ki-ốt thông tin, có những hiện vật khách có thể lật ngược, xem được dưới đáy thông tin về năm sản xuất của hiện vật đó.
 
 Mỗi người khi xem sẽ có những cảm nhận khác nhau, nhưng với cá nhân tôi là một người làm trong ngành bảo tàng, khi xem hiện vật qua lăng kính Halogram, tôi rất hứng thú, vì mầu sắc quá đẹp, nhìn hiện vật trong suốt và rất lung linh.
 
 - Việc ứng dụng công nghệ đã mang đến sự chủ động cho khách tham quan, không cần đến sự hướng dẫn của thuyết minh viên. Như vậy, vai trò của các nhân viên thuyết minh sẽ thay đổi?
 
 - Đúng là công nghệ đã hỗ trợ cho các thuyết minh viên của bảo tàng rất nhiều, tuy vậy, dù công nghệ có thể giảm tải số lượng thuyết minh nhưng cũng không thể thay thế hết. Ngoài ra, cần có đội ngũ thuyết minh đi theo để hướng dẫn khách sử dụng công nghệ, máy móc, cách truy cập.
 
 So với bảo tàng khác, đội ngũ thuyết minh của chúng tôi tương đối ít, trong khi nội dung lại quá nhiều. Thành ra bộ phận thuyết minh nhiều lúc cũng bị quá tải. Các em không chỉ thuyết minh mà còn phải nghiên cứu để viết những bài chuyên đề mới, nghiên cứu những tài liệu mới để bổ sung cho bài thuyết minh luôn mới. Nhân viên thuyết minh không đơn thuần chỉ học bài, thuộc bài mà còn phải dẫn dắt câu chuyện cho khách. Đó là cả một nghệ thuật. Điều tối kỵ trong lĩnh vực bảo tàng là thuyết minh mãi một câu chuyện từ năm này qua năm khác. Chính vì vậy, khi gánh nặng được giảm tải nhờ có công nghệ, thì đội ngũ thuyết minh viên sẽ có điều kiện để trau dồi, làm mới bài thuyết trình của mình.
 
 - Xin cảm ơn những chia sẻ của chị.
 
 Thành Vinh (thực hiện)