Tình đời sau trang viết

Tình đời sau trang viết

Tôi say sưa đọc cuốn hồi ký của nhà báo Nguyễn Xuân Lương vừa ra mắt bạn đọc giữa mùa toàn dân ta oằn lưng hợp sức chống đại dịch Covid-19, “Trang báo và cuộc đời”, Nxb Văn học, 2020, và thích hơn cả là những chương đầu, ông viết về quê hương Ngàn Phố, Ngàn Sâu. Cuốn sách xinh xắn, câu chữ và ấn loát chỉn chu như con người tác giả, gồm 7 chương, 20 đoạn, chương nào đoạn nào cũng gợi cảm, khiến người đọc vừa phấn khởi vừa bâng khuâng. Mỗi đề chương, đề đoạn là một vần thơ, mở đầu với “Xa em chiều Hương Sơn”, qua “Nỗi nhớ niềm thương”, “Những mùa hè đỏ lửa” - lửa đạn bom chiến trường Điện Biên và lửa nắng nóng làm ruộng đồng hậu phương nứt nẻ - để kết thúc với “Ngõ lính họ Vương”, nơi lão tướng ký giả tá túc (từ tác giả dùng) những năm tháng cuối đời trong ấm áp tình người cùng gia đình, xóm phố, bạn bè tại một ngõ ven đường phố mang tên danh tướng Vương Thừa Vũ, ngày xưa vốn thuộc địa phận làng Tam Khương đất Hà Thành. 

Người cao tuổi thường nghiêng về hoài niệm. Quá khứ càng lùi xa vào dĩ vãng càng đẹp lung linh như những vì sao trên trời, gần gũi và thân thương biết mấy dưới bóng đêm thu mà trên thực tế xa vời vô tận, còn xa hơn cả dải Thiên hà, chẳng bao giờ ta gặp được.

Cái tài của Nguyễn Xuân Lương là giỏi chắt lọc để gói gọn cuộc đời dài 85 năm, tính từ ngày cậu bé cất tiếng chào đời đến phút lão tướng hạ bút chấm hết thiên hồi ký trong 200 trang sách. Đặt cây bút xuống bàn, tác giả thủng thỉnh bước ra sân, ngồi vào bộ bàn ghế mộc nấp bóng cây khế trĩu những chùm quả ngọt được di thực từ đất Ngàn Sâu ra tận Hà Thành, thưởng thức chén trà quê.

Đẹp làm sao cảnh quê hương của Nguyễn Xuân Lương hơn 60 năm trước, chàng trai vừa mới lớn đang lúc giúp cha cưa những khúc gỗ nhỏ trong rừng làng, cha đẩy con kéo, cầm cưa chưa ấm tay bà hàng xóm đã chạy đến gọi: “Cháu về ngay để đi bộ đội. Mẹ cháu nhờ o ra nói với cháu rứa”. Mẹ nấu gấp niêu cơm cho con dùng vài miếng trước lúc ra đi nhưng chàng trai vội lên đường không kịp nuốt. Cùng người mẹ tiễn con ra tận đầu làng sáng hôm ấy có cô bạn gái tên là Hồng, ít lâu sau sẽ thành đôi lứa Lương - Hồng sum vầy từ bấy đến nay. Xế trưa chàng trai kịp trình diện Huyện đội huyện Hương Sơn, để chờ lúc chiều xuống cùng đồng đội cuốc bộ cả trăm km đường vô huyện miền xuôi Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, nơi đóng đơn vị tiếp nhận tân binh. Đồng đội thật ra chỉ có ba đội viên, hai chàng trai cùng một xã được gọi bổ sung quân số, và anh cán bộ dẫn quân.

Vậy là nhà báo khởi nghiệp với nghiệp binh, hành quân lên tận chiến trường Điện Biên, Người đi Châu Mộc chiều sương ấy/ Có thấy hồn lau nẻo bến bờ (thơ Quang Dũng). Đêm xuống lính tráng ngủ ở rừng rét thấu xương, bù lại được đơn vị cho xem hai tối xi-nê-ma (điện ảnh). 

Hòa bình trở lại, chàng trai rời nghiệp binh sang nghề báo.  Từng làm việc ở những cơ quan lớn như Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Bộ Thông tin vừa thành lập ngay sau những ngày đất nước đi vào đổi mới, trước khi chuyển sang Hội Nhà báo Việt Nam, “Từ 58 phố Quán Sứ về 59 phố Lý Thái Tổ” - đầu đề đoạn 13 - và đấy là “tội” của kẻ viết mấy dòng này. Bù lại, nhà báo có nhiều dịp vi vu, từ Xin-ga-po sang đất Thục viếng mộ ba anh em kết nghĩa Lưu Bị, Quan Vân Trường, Trương Phi nổi tiếng thời Tam quốc nay thuộc tỉnh Tứ Xuyên bất chấp “Thục đạo nan” (Đường vào đất Thục gian nan lắm - thơ Lý Bạch); rời Thái-lan đất nước nụ cười sang Hàn Quốc xứ sở món kim chi; từ bờ sông Hồng bay đến thành Pa-ri hoa lệ, để bắt chước nhà thơ ngày nào đứng trên con cầu bắc ngang qua sông Xen mà nhìn dòng nước sông Xen trôi, trôi về biển cả như mối tình đôi ta...

Ô hay, chẳng nhẽ tôi mải mê lặp lại những điều Nguyễn Xuân Lương đã hồi và ký thành văn, quá khứ và hiện đại đan xen, văn giao thoa cùng báo, thi thoảng điểm những vần thơ của chính tác giả hay thơ của người khác, kim cổ đông tây đều có. Trên thực tế, do cuộc sống an bài, Nguyễn Xuân Lương không có điều kiện và thời gian vật chất để viết báo, ra sách nhiều. Ngoài hai cuốn xuất bản năm 1959 và 1967, còn lại các tác phẩm chính của ông mới ra đời từ cuối thập niên 90 của thế kỷ trước đến nay, gần chục tập, và những sách ông viết càng về sau càng hấp dẫn. Đằng sau trang sách thấp thoáng tình đời, và hình như tác giả muốn kín đáo nhắn gửi bạn đọc gần xa một đôi điều gì đó, tôi gọi “thông điệp” cho thời thượng dù có chút ngại ngần  ông già này là kẻ huênh hoang. Ông cha ta nói: Văn ôn võ luyện, dao có mài mới sắc là thế. Nghề cầm bút phải lao động miệt mài, không ngưng nghỉ thì những tác phẩm viết ra mới đi vào lòng người đọc. Nghề báo nghiệp văn của tác giả Nguyễn Xuân Lương không nằm ngoài quy luật. Ông càng viết khỏe càng lên tay. Nhìn chung tác phẩm sau để lại nhiều ấn tượng hơn tác phẩm trước. Và đạt được như vậy đã đủ để ta coi đó là phần thưởng cao quý trời ban cho một cuộc đời cần mẫn cày cuốc báo, văn.

Tôi tin cuốn hồi ký “Trang báo và Cuộc đời” chưa phải là tác phẩm cuối của cụ Nguyễn Xuân Lương năm nay vào tuổi 85, và chắc chắn nó có sức cuốn hút người đọc. Vâng, còn có hạnh phúc nào lớn hơn thế cho những cây bút già về tuổi đời, trong đó có nhà báo Nguyễn Xuân Lương và kẻ viết mấy dòng “Đọc sách” này? Tự dưng tôi trở nên lạc quan hơn những cảm nghĩ ban đầu vừa diễn đạt ở trên, khi mang máng hiện lên trong ký ức mấy vần thơ của nhà thơ Pháp nổi tiếng thế kỷ 20, Jacques Prévert (1900-1977) tôi đọc từ những ngày chưa lên lão, nhan đề “Cuộc đời không có tuổi”. Mấy vần cuối bài thơ ấy đại ý như sau:

Cuộc sống đẹp thì tấm gương soi hình nó mãi không mờ

Người cao tuổi lội ngược dòng về tuổi

ấu thơ

Cho con tim xao xuyến

Ở chốn này đâu có chuyện ngày xưa.

Tháng 8-2020