Sự nhắc nhớ, sự khỏa lấp linh thiêng

Cứ mỗi khi có nhà thơ nào ra mắt trường ca là tôi lại thấy thật đáng nể. Bởi lẽ, ngần ấy trang sách thơ, ngần ấy cảm xúc dồn nén được dịp bung tỏa dằng dặc. Chắc chắn có một điều then chốt là nhà thơ không thể không viết ra, không thể chỉ vài trang câu chữ cảm xúc thơ phú, không nói bâng quơ chung chung. Nhất định, chôn giấu trong lòng nhà thơ là những điều lớn lắm, ngấm ngầm len lỏi theo tháng năm. Và rồi đến lúc, mạch nguồn được tuôn ra như không thể kìm nén.

Sự nhắc nhớ, sự khỏa lấp linh thiêng

Và với tâm thế ấy, tôi đón đọc tập trường ca “Những đám mây ký ức” (140 trang, NXB Văn học, quý III - 2019) của nhà thơ Lê Mạnh Tuấn.

Tôi gặp những mạch thơ này ở những trang cuối (có lẽ thói quen dạo quanh một vòng thơ, mà bắt gặp ở bản trường ca sự kết nối, sự khơi nguồn được giấu phía sau và đầy cảm xúc này chăng?):

Muốn khỏa lấp đi tưởng khỏa lấp được chăng nỗi đau vô bờ vô bến ấy

Không muốn nhớ một khắc một giây mà không thể phai nhòa

Sừng sững những cánh rừng sừng sững tấm áo bạc mưa nắng trời xa thấm mặn mồ hôi máu lửa…

Những chương được sắp xếp như một cuốn tiểu thuyết bằng thơ. Bảy chương là bảy mắt xích thơ nối nhau bằng sợi dây ký ức, sợi dây tưởng niệm, sợi dây đớn đau và sợi dây hạnh phúc.

Ánh mắt Ăng-co/ Nắng chốt/ Bẫy rừng/ Lời chim/ Tháp hoa/ Tưởng niệm/ Ban mai. Thoạt nhìn tiêu đề các chương, người đọc biết rằng nhà thơ đã viết một trường ca máu, lửa, đớn đau và sự hồi sinh.

Mở đầu, Chương I - ÁNH MẮT ĂNG-CO, nhà thơ không vòng vo:

Ta từng cố quên đi những ký ức đau thương

Cái ký ức mang tên Khmer Đỏ

Cái ký ức mang tên diệt chủng

Ám ảnh lưỡi rìu Pôn Pốt áo đen

Một phần tư dân tộc văn minh bỗng vơi đi trong ngàn ngàn hố chôn tập thể

Ngỡ những thảm rêu xanh trên ngọn Tháp Ăng-co cũng phải chịu hành hình

Đỏ và đen là hai mầu xuyên suốt chặng dài trường ca. Thêm mầu xanh của rêu, của dáng cây thốt nốt, của lá rừng. Mầu xanh của áo lính và mầu thịt da của những chàng trai đất Việt mà “Những ký ức không chịu là ký ức/ Cứ hiển hiện trong mỗi tế bào trong từng cơn ác mộng”. Một mầu vàng hoàng cung da diết: Mấy trăm năm một nét vàng/ Hoàng cung là chốn thiên đàng của ai… Và Ăng-co “Tàn tro lửa cháy/ Lem nhem những gương mặt đọa đầy”. Người đọc đã hình dung ra một đất nước Cam-pu-chia với đền đài và “Nắng Bay-on sáng khung trời rom-vông”. Và hình dung ra những người lính Việt, sau chiến thắng 30 tháng 4, đã lại lên đường thực hiện nghĩa vụ quốc tế, cứu người dân Cam-pu-chia khỏi nạn diệt chủng.

Chương II - NẮNG CHỐT. Lê Mạnh Tuấn bắt đầu kể những câu chuyện của mình và đồng đội. Họ, “Những Ái những Nam những Tuệ những Hùng/ Nhiều lắm những trẻ trai dở dang trường lớp”. Nhắc đến họ, nhà thơ thốt lên câu “Ban mai ơi, rừng ơi!”. Họ đã là ban mai, đã là rừng xanh nơi xa ấy. Dòng thơ của Lê Mạnh Tuấn chảy xa xót khi nhắc đến những đồng đội của mình. Anh kể lại một cuộc sống như mới đâu đây, mà lại xa vời, kể một cách dung dị và đời nhất. Người hát hay, người chơi đàn giỏi. Người giỏi thuốc nam và yêu thơ. Những chàng trai dang dở đại học, dang dở những mối tình, xa nhà, xa Tổ quốc…

Lối dùng hình ảnh ẩn dụ của Lê Mạnh Tuấn khá chắt lọc và gợi cả những thanh âm của những đoàn quân đi len lỏi trong rừng, khi đọc những câu thơ này: Mắt lá rừng sáng trưng/ Chân lá rừng bước thẳng. Chỉ có mắt lá để nhìn thấy cả một cánh rừng sáng trưng. Bước chân đoàn quân đi qua hình ảnh “chân lá rừng bước thẳng”. Nhà thơ đặt cảnh huống đoàn quân “Trường sinh bất tử” “Vịn vào đâu - vịn vào máu tim mình vượt qua sừng sững (vách đèo đá đứng của rừng sâu Cam-pu-chia)/ Vịn vào đâu - vịn vào Tổ quốc Phía - Xa - kia”.

Sự chuyển dịch thay đổi kết cấu khổ thơ ở Chương III - BẪY RỪNG cũng là sự chuyển dịch cốt lõi câu chuyện ở trường ca này. Và đây, là nút thắt câu chuyện: “Cây nhỏ nhất cũng đầy mình thương tích/ Vỏ đạn vương cùng trơ trụi lá cành… Tôi đứng lặng giữa Đèo Gà xơ xác/ Giọt mồ hôi nhỏ xuống ráng trời chiều/ Ngỡ không phải mồ hôi, mà máu/ Bao bạn bè lỡ hẹn với mai sau…”. Không thể không nghẹn lòng khi đọc đến những đoạn nói về sự hy sinh của đồng đội.

Thôi hãy tạm nằm lại đây, Trung nhé

Xong trận này

Bọn mình đưa Trung về với mẹ

… Những năm tháng Trung mang câu quan họ

Khúc người ơi thương nhớ ran rừng…

Trường ca là thể loại kén người đọc. Bởi sự dằng dặc của câu chữ. Bởi rất dễ sa vào lối mòn phô bày những sáo ngữ, những triết luận vụn vặt. Lê Mạnh Tuấn, may thay, với tập trường ca Những đám mây ký ức này, anh đặt mình vào chủ thể “tôi” can dự vào những tình huống truyện, để kể lại, để xúc cảm hồi ức được dịp bung tỏa. Những hồi ức như những bóng mây trên khoảnh rừng xưa, như giọt nước mưa cho cơn khô khát, mà cơn khô khát này anh cùng đồng đội đã khát suốt mấy chục năm ròng; những giọng nói, lời ca; những ảnh hình, mùi cỏ cây xanh rừng hay cháy khét… Tất thảy đều được sống dậy từ những câu thơ chắt lọc từ trái tim người thơ.

Một Chương VI - TƯỞNG NIỆM, với “Những vồng cây thốt nốt rũ xuống/ Loang lổ bóng đen/ Trát lên nham nhở những tàn ác dã man”. Cả một trường đoạn gần như là sự bật phá dòng chảy thơ, dường như tâm linh của một dân tộc được hồi sinh tiếp thêm sự huyền ảo của những câu từ:

Hoang liêu tiếng quạ ngợp trời

Không nhánh không mầm…

Cứ thế em trôi

Không dám mộng đắm say hạnh phúc…

Bỗng con tim vọng về tiếng hát

Ngày bắt đầu một dân tộc hồi sinh

Có ba trang 116, 117, 118 của Chương VI được tác giả trình bày như một thể thơ tân hình thức.

Và sau những khúc thanh âm dồn nén bung tỏa ấy, là vẻ đẹp của ban mai, mà tác giả chắt lọc và chứa đựng trong chương cuối cùng: Chương VII - BAN MAI. Tác giả nhớ lại, nhắc lại bao đồng đội, bao câu chuyện nhỏ, bao hy sinh mất mát, nỗi nhớ Mẹ, nhớ nhà. Và dựng lại những niềm vui, nỗi buồn qua tháng năm.

Thành công của trường ca không phải là kể đủ trọn những câu chuyện bằng thơ. Thành công của trường ca là nuôi giữ được mạch thơ đi giữa những triết luận và chân lý cuộc hành trình một cách dung dị nhất, đời nhất mà vẫn đậm chất thi ca. Thơ Lê Mạnh Tuấn không ồn ào, gây sốc, nhưng như một dòng suối nhỏ len lỏi giữa rừng thơ, đến một khúc đột ngột đổ như thác, và rồi lại lặng lẽ trôi như dải bạc giữa đất trời.

Tôi muốn mượn những câu thơ ở chương cuối của tác giả để kết thúc bài viết này như một minh chứng cho những dòng thơ hiện đại của bản trường ca:

Có phải chăng số phận trên cao như muốn dốc cạn cả niềm vui nỗi buồn đang dâng lên trong chiếc ly sành thấm đẫm Ăng-co cơn khát mười năm cơn khát bốn mươi năm ngàn sau đôi mắt ấy

Thềm Đất Mẹ tin yêu trao quyển sách

Ta gối đầu giường ta trăn trở bao nay!