Mỗi sớm mai là một lên đường

(Ðọc trường ca Phồn sinh của Nguyễn Linh Khiếu - NXB Hội Nhà văn, 2018)

Có thể nói Phồn sinh là cuốn trường ca đặc biệt. Ðặc biệt vì nó dài tới 710 trang với 150 đoạn thơ, không có phần một, phần hai, chương một, chương hai… như các trường ca truyền thống. Ðặc biệt vì có những câu thơ thật dài, gọi là “câu” cũng chỉ là ước lệ, có những đoạn thơ trùng trùng điệp điệp, từ đầu đến cuối trường ca dày như một cuốn tiểu thuyết ấy không hề có một dấu phẩy và chỉ có một dấu chấm câu ở đoạn kết. Ðặc biệt vì có những đoạn thơ, câu thơ được nhắc đi nhắc lại nhiều lần mà lại thấy không trùng lặp, lại không hẳn là điệp khúc như dụng ý tác giả trong các trường ca từ trước tới nay. Về bố cục, kết cấu trường ca thì hoàn toàn thuộc về sáng tạo của nhà thơ, điều quan trọng nhất là làm sao nó chuyển tải một cách tốt nhất nội dung. Còn về ngữ pháp, dấu câu, chúng tôi mong có những nhận xét khoa học, xác đáng của các nhà ngôn ngữ, bởi có những điều “đặc biệt” hấp dẫn bạn đọc, tạo nên một tư tưởng, một phong cách, một sáng tạo, nhưng cũng có thể gây tranh cãi, khen chê… để cùng tìm tiếng nói chung trong việc đổi mới thơ nói chung, đổi mới thể loại trường ca nói riêng.

Bẵng đi một thời gian khá dài không thấy Nguyễn Linh Khiếu in sách. Hỏi, anh chỉ cười, rằng công việc ở tạp chí của Ðảng bận quá, không chỉ lo xuất bản, còn bao nhiêu thứ việc không tên như hội nghị, hội thảo, đi thực tế học tập, nghiên cứu. Nhưng cũng thật may mắn, chính nhờ cái việc đi thực tế ở nước ngoài mà anh có được “đại trường ca” Phồn sinh. Trong chuyến công du Malaysia và Singapore, nơi có “những ngọn gió hổn hển rượt đuổi nhau rối rít dưới chân mình”, tác giả bất ngờ được xứ sở giàu sắc thái văn hóa Islam trao tặng một gương mặt phụ nữ Muslim đẹp thánh thiện, dáng người nhỏ nhắn, nước da nâu, đôi mắt mở to. Từ cái “chợt” ban đầu ấy đã lay động trái tim thi sĩ. Anh khởi viết bài thơ Khuôn mặt Muslim. Thế rồi bài thơ lúc đầu định viết chừng vài chục câu cứ dài ra mãi. Câu gọi câu, ý gọi ý. Khuôn mặt nàng cứ lấp lánh, thánh thiện hiện lên cả khi anh đã dừng bút. Và rồi phía sau khuôn mặt ấy xao động biết bao điều. Phía sau khuôn mặt ấy bỗng hiện lên châu thổ sông Hồng quê Việt. Và tiếp nối những xóm những làng, bờ tre mái rạ, những kiếp người lưu lạc, quần tụ, truyền giống, sinh sôi. Vẫn biết người làm thơ luôn chủ động không để bị “thơ làm”, nhưng trong trường hợp Phồn sinh, tôi nghĩ, có lẽ thơ, đúng hơn là cảm xúc thơ đã dắt tay người thơ trong trường cảm xúc vô cùng tận đến với những bến bờ mà từ tấm bé đến khi trưởng thành anh luôn sống, ngẫm ngợi và ký thác vào đó bao suy tưởng, đến giờ chợt bùng lên, cuộn trào như thác lũ. Nhưng nhà thơ không bị “thơ làm” bởi anh biết tiết chế cảm xúc, cảm xúc chỉ giúp anh nâng cánh cho những tư tưởng, những tri thức đã kết đọng trong tầng tầng lớp lớp ngôn từ đa thanh, đa sắc, đa nghĩa. Khi bơi thật xa, thật xa ra đại đương, chàng thi sĩ lại trở về đích thực “Ta là con trai của châu thổ sông Hồng”. Mà châu thổ theo cách nói của Nguyễn Linh Khiếu là “Châu thổ cái nôi của dồi dào chộn rộn xôn xao tưng bừng thống thiết”.

Nhà thơ, “đứa con của nhiệt đới gió mùa” đã dẫn dụ ta về nguồn cội Trái đất, loài người, sự sống với những lớp thơ trầm hùng, vang vọng. Ði từ ánh sáng mỡ màu đến sinh sôi, bước đi từ lẫm chẫm đến uy nghi trong nhịp điệu truyền thống, vươn tới chân trời khát vọng tự do”: Tự do cho tình yêu tím ngát/ tự do cho lửa cháy rực trời/ tự do cho hạt nảy mầm cho cành nảy lộc/ tự do cho đất tươi nâu cho trời xanh biếc (trang 67). Nhưng không có thứ tự do vô hạn độ. Tự do chỉ thật sự là tự do khi nó gắn với dân chủ, với sự thật.

Đang chìm đắm mải mê trong tư duy thơ, tư duy triết học, người đọc bỗng cảm thấy nhẹ như được đặt chân lên triền cát ấm bờ đê sông Hồng một chiều hoàng hôn vừa buông. Nghệ thuật là đây chăng? Là cái chiếu nghỉ giữa những bộn bề nhịp sống thời đại. Soi vào khuôn mặt thiếu nữ Muslim trong veo bắt gặp khuôn mặt thiếu nữ miền châu thổ quê ta, “khuôn mặt thiếu nữ ở đâu cũng rực rỡ sắc màu tinh khiết pha lê”. Thế rồi nhớ về những người con gái quê ta, một làng nhỏ ven biển, quanh những rặng tre rợp bóng miền đất cổ Thái Bình giữa lòng châu thổ: Nàng gặp ta thông điệp của phồn sinh/ cha có nguồn gốc Rồng/ mẹ có nguồn gốc Tiên/ gặp gỡ và sinh ra một chủng tộc quật cường/ một dân tộc kiêu hãnh (tr.187).

Trong trường ca Phồn sinh có nhiều chương đoạn viết về những con đường đưa dân tộc vượt qua giặc giã, đói nghèo đi đến văn minh. Tuy tác giả không đặt tên cho từng “chương” nhưng có thể “đọc” thấy rất rõ những “Biểu tượng sinh sôi”, trong “Mưa nhiệt đới”, “Biển cả tinh khôi”, “Con mắt Trung Ðông”… Ðất nước mình trải qua bao năm giặc giã. Chiến tranh qua rồi nhưng vẫn còn “chiến tranh sau chiến tranh”. Vẫn biết chiến tranh không bao giờ là con đường sống. Chiến tranh bao giờ cũng là chết chóc và hủy diệt. Nhưng ở không ít quốc gia vẫn phải chuẩn bị cao nhất cho chiến tranh, chống bạo loạn lật đổ, xung đột sắc tộc, tôn giáo. Kẻ thù rình rập ngoài Biển Ðông, ngoài biên cương Tổ quốc. Kẻ thù là cái đói nghèo, tụt hậu. Kẻ thù là con mắt nhìn hẹp hòi, đố kỵ. Kẻ thù ngay ở trong lòng nếu con người không có tâm trong. Phồn sinh day dứt một câu hỏi lớn: “Con đường nào đưa dân tộc đến văn minh?”. Ðể trả lời câu hỏi lớn là rất nhiều câu hỏi không nhỏ: Con đường nào đưa một dân tộc trở thành anh hùng vinh quang trận mạc/ con đường nào đưa một dân tộc được sống trong bình yên hạnh phúc/ con đường nào đưa một dân tộc trở thành giàu có thịnh vượng?... (tr.413).

Ấy là nói đến những điều hệ trọng, lớn lao của một đất nước, một dân tộc. Nhưng trữ tình thơ có cách nói của mình. Nguyễn Linh Khiếu trong những trang cuối đã dành những trang thơ thật sâu đằm, tinh khiết về làng quê anh sinh sống từ tấm bé, về những bờ tre, mái rạ, dặm dài sóng biếc, cánh buồm nâu chân trời, cho đến con chim biển, dế mèn, châu chấu… Ðó là anh trở về với châu thổ thân yêu sau bao năm tháng chu du đất xứ người. Từ khuôn mặt Muslim mà nghĩ về khuôn mặt người con gái Việt Nam. Từ “xứ khác” mà không là “xứ lạ” khi sống với xứ sở đã nuôi ta khôn lớn để làm con chim biển bay trên đại dương mông mênh. Trở về châu thổ sông Hồng/ đó là xứ sở phồn sinh/ đó là mảnh đất tổ tiên/ đó là cánh đồng Mẹ/ đó là bãi biển Cha… (tr.668). Và sứ mệnh của người con yêu Tổ quốc mình là hãy làm con chim biển bay lên, đừng trú nắng trên ngọn cây mà hót lời yêu nước. Nếu chim không bay thì làm gì có bầu trời. Nếu chim không cất cánh thì làm gì có chân trời, mặt đất, làm gì có thinh không?

Con chim thiêng đang bay. Con chim thiêng vẫn bay. Mỗi sớm mai là một lên đường. Bởi hành vi sống là hành vi sáng tạo. Phồn sinh là lắng đọng. Phồn sinh là sinh sôi, như nhà thơ viết: mỗi cuộc đời là một hành trình/ một khoảnh khắc là một khởi hành/ mỗi sớm mai là một lên đường (tr.706).

Gấp cuốn sách lại tôi cứ nghĩ còn phải dành nhiều thời gian để đọc tiếp, đọc lại, vì trường ca Phồn sinh đã dài nhưng vẫn là một trường ca mở.