Quyết liệt ngăn chặn tội phạm về ma túy

Thời gian gần đây, nhiều bạn đọc phản ánh, tại khu vực biên giới các tỉnh như Sơn La, Điện Biên, Quảng Bình..., tình trạng mua bán, vận chuyển và tàng trữ trái phép các chất ma túy đang gia tăng. Các đối tượng thường lợi dụng địa hình rừng núi hiểm trở, tuyến biên giới trải dài, thủ đoạn cất giấu tinh vi, nhằm thực hiện trót lọt hành vi phạm tội. Để ngăn chặn có hiệu quả loại tội phạm nguy hiểm này, Cục Phòng chống Ma túy và Tội phạm (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) đã phối hợp các cơ quan chức năng triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, tích cực...

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tả Gia Khâu (Mường Khương, Lào Cai) tuyên truyền, vận động người dân không mua bán, vận chuyển và tàng trữ trái phép ma túy. Ảnh: HƯNG MẠNH
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tả Gia Khâu (Mường Khương, Lào Cai) tuyên truyền, vận động người dân không mua bán, vận chuyển và tàng trữ trái phép ma túy. Ảnh: HƯNG MẠNH

Đấu tranh chuyên án ma túy xuyên biên giới

Vừa qua, các cán bộ, chiến sĩ Cục Phòng chống ma túy và Tội phạm (PCMT và TP) phối hợp với lực lượng Ty An ninh tỉnh Hủa Phăn (CHDCND Lào) đấu tranh thành công chuyên án triệt phá đường dây mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy từ Lào về Việt Nam. Cụ thể, tại bản Na Cay, huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn (CHDCND Lào), bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng chức năng hai nước đã bắt giữ ba đối tượng quốc tịch Lào, thu giữ 60 bánh hê - rô - in, một khẩu súng, bảy viên đạn, một xe ô-tô cùng các tang vật có liên quan. Trước đó, tại bản Cha Lo, xã Dân Hóa (huyện Minh Hóa, Quảng Bình), các cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Quảng Bình đã phối hợp Cục PCMT và TP, các lực lượng chức năng của tỉnh triệt phá thành công đường dây mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy từ Lào vào Việt Nam. Tại hiện trường, lực lượng chức năng đã bắt giữ hai đối tượng quốc tịch Lào, thu giữ 100 nghìn viên ma túy tổng hợp, hai điện thoại di động và một số tang vật có liên quan.

Chiến công nối tiếp chiến công, nhưng có lẽ phương pháp, tổ chức và việc áp dụng các biện pháp nghiệp vụ trong mỗi vụ án về ma túy cũng khác nhau. Ở Chuyên án 033A do các cán bộ, chiến sĩ Cục PCMT và TP chủ trì, phối hợp BĐBP tỉnh Thanh Hóa vừa triệt phá thành công là một điển hình. Bởi đối với chuyên án này, ngoài công tác trinh sát nắm tình hình, các cán bộ, chiến sĩ của Cục PCMT và TP đã áp dụng tổng hợp nhiều biện pháp nghiệp vụ để tổ chức truy bắt đối tượng. Kết quả, tại xã Hiền Kiệt (huyện Quan Sơn, Thanh Hóa), lực lượng chức năng đã bắt giữ thành công đối tượng Sùng Và Di, (SN 1964, trú tại bản Xía Noi, xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn); thu giữ 56 nghìn viên ma túy tổng hợp và bảy bánh hê-rô-in cùng nhiều tang vật liên quan.

Qua tìm hiểu, thủ đoạn của các đối tượng tội phạm về ma túy (TPMT) hiện nay rất tinh vi, thường cấu kết chặt chẽ giữa các đối tượng người Việt Nam với đối tượng người nước ngoài. Từ đó hình thành các đường dây vận chuyển ma túy từ “Tam giác vàng” qua Lào, Cam-pu-chia đưa về Việt Nam và tiếp tục vận chuyển sang các nước như Phi-li-pin, Ô-xtrây-li-a, Trung Quốc tiêu thụ. Để thực hiện trót lọt các hành vi trái pháp luật này, các đối tượng thường tập kết hàng gần khu vực biên giới các nước Lào, Cam-pu-chia giáp Việt Nam rồi thuê người vận chuyển ma túy vào Việt Nam. Ngoài ra, để che mắt lực lượng chức năng, các đối tượng thường chia nhỏ ma túy và giấu trong các gói chè, cà-phê, hạt dưa, block linh kiện điện tử, bỏ vào loa thùng rồi trà trộn trong hàng hóa, hành lý gửi trên xe khách liên tuyến đi qua cửa khẩu về Việt Nam. Tinh vi, xảo quyệt hơn, một số đối tượng còn ngụy trang lẫn vào hàng hóa trong xe công-ten-nơ... để làm thủ tục quá cảnh, tạm nhập - tái xuất vào Việt Nam rồi tiếp tục trung chuyển đi nước thứ ba. Bên cạnh đó, một số đối tượng người nước ngoài còn lợi dụng chính sách đầu tư thông thoáng của Nhà nước để móc nối với đối tượng Việt Nam tìm thuê địa điểm, thành lập công ty với danh nghĩa là kinh doanh thuốc trừ sâu để sản xuất, đóng gói ma túy ngay tại Việt Nam…

Nhiều giải pháp đồng bộ và hiệu quả

Mặc dù lực lượng BĐBP, công an các tỉnh, thành phố, lực lượng hải quan,... đã phối hợp triệt phá thành công nhiều chuyên án ma túy lớn, nhưng trong quá trình thực hiện gặp phải không ít khó khăn. Bởi các đối tượng là TPMT thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn và địa điểm hoạt động nhằm đối phó biện pháp trinh sát xâm nhập. Hoạt động khép kín, tổ chức chặt chẽ cho nên rất khó khăn trong công tác điều tra phát hiện. Bên cạnh đó, trong quá trình mua bán, vận chuyển ma túy trái phép, các đối tượng thường sử dụng các thiết bị công nghệ cao, phương tiện hiện đại trong khi đó lực lượng BĐBP còn rất hạn chế về các phương tiện, thiết bị...

Trao đổi ý kiến với Thiếu tướng Ngô Thái Dũng, Cục trưởng PCMT và TP (Bộ Tư lệnh BĐBP), chúng tôi được biết, thời gian tới khu vực “Tam giác vàng” vẫn là trung tâm sản xuất ma túy lớn ở khu vực Đông - Nam Á; đang và sẽ tiếp tục tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp mới gây áp lực lên các tuyến biên giới, nhất là tuyến biên giới Việt Nam - Lào và Việt Nam - Cam-pu-chia. Để đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả với TPMT trên biên giới, Cục PCMT và TP đã chủ động tham mưu cho Bộ Tư lệnh BĐBP đề ra nhiều giải pháp đồng bộ và báo cáo Bộ Quốc phòng đề xuất với Chính phủ chỉ đạo các cấp, các ngành gắn chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống tội phạm (PCTP) ở khu vực biên giới với các chương trình kinh tế, xã hội khác. Tăng cường đầu tư các dự án mở rộng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế, tạo việc làm, xóa nghèo bền vững cho nhân dân khu vực biên giới, nhất là những địa bàn phức tạp về an ninh - trật tự. Thường xuyên tổ chức các đợt tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân, tập trung vào địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh- trật tự. Xây dựng lực lượng PCMT và TP của BĐBP đủ theo biên chế; mua sắm bổ sung trang bị, phương tiện kỹ thuật hiện đại để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác PCTP về ma túy. Nghiên cứu nắm chắc tình hình, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm về ma túy tại khu vực biên giới nhằm kịp thời phát hiện, triệt phá các đường dây, tổ chức có nghi vấn. Phối hợp chặt chẽ các lực lượng chức năng địa phương nhằm tăng cường sự thống nhất và trách nhiệm trong đấu tranh PCTP ma túy. Đẩy mạnh hợp tác với lực lượng chức năng các nước trong khu vực và giữa các nước có chung đường biên giới để xác lập đấu tranh những chuyên án chung về TPMT. Thực hiện có hiệu quả các hiệp định, hiệp ước và các văn bản thỏa thuận đã được ký kết giữa Việt Nam và các nước láng giềng trong trao đổi thông tin, điều tra, bắt giữ, dẫn độ tội phạm. Nâng cao hiệu quả hợp tác giữa BĐBP Việt Nam với các lực lượng chức năng của Lào, Cam-pu-chia và Trung Quốc trong công tác PCTP để triệt xóa tận gốc những tụ điểm sản xuất ma túy...

Trong năm 2018 và 10 tháng năm 2019, các đơn vị BĐBP đã chủ trì, phối hợp phá 1.772 vụ, bắt giữ 2.372 đối tượng; thu giữ 2,75 tấn ma túy các loại; phá nhổ 4.119 cây thuốc phiện và 85 cây cần sa; 64 khẩu súng các loại; 2.623 viên đạn; 1.613 kg thuốc nổ; 3.990 kíp nổ và nhiều tang vật khác. Phối hợp xử lý 428 vụ, bắt giữ 834 đối tượng ma túy, thu giữ 1.958 kg ma túy các loại...

(Nguồn: Cục PCMT và TP, Bộ Tư lệnh BĐBP)

Để PCTP ma túy khu vực biên giới có hiệu quả cần đổi mới các phương pháp tuyên truyền, vận động dưới nhiều hình thức; phù hợp trình độ, nhận thức và phong tục tập quán của từng dân tộc, từng vùng, miền. Quan tâm đào tạo đội ngũ cán bộ địa phương và cán bộ BĐBP là người dân tộc thiểu số nhằm góp phần phát triển nguồn lực cho lực lượng PCTP ma túy. Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng về pháp luật, nghiệp vụ để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh PCTP về ma túy tại các đơn vị BĐBP…

Đại tá ĐỖ NGỌC CẢNH

Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Sơn La