Ngăn chặn tình trạng buôn lậu dịp cuối năm

Càng gần Tết Nguyên đán, tình hình vận chuyển, buôn bán hàng lậu, gian lận thương mại và hàng giả càng trở nên “nóng bỏng” khiến các lực lượng chức năng phải căng mình chống chọi nhưng cũng chỉ giảm bớt được bề nổi. Theo đơn thư của bạn đọc, các đầu nậu với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi, trắng trợn vận chuyển hàng lậu, hàng giả, gian lận nguồn gốc xuất xứ với số lượng lớn không chỉ ở khu vực biên giới mà còn được bày bán tràn lan trên thị trường trong nước.

Cán bộ Trạm kiểm soát Liên hợp Dốc Quýt (Lạng Sơn) kiểm tra xe qua trạm.
Cán bộ Trạm kiểm soát Liên hợp Dốc Quýt (Lạng Sơn) kiểm tra xe qua trạm.

Bài 1: Hàng lậu tràn qua biên giới

Mặc dù đã có nhiều biện pháp đấu tranh, ngăn chặn nhưng tình hình vận chuyển, buôn bán hàng lậu, gian lận thương mại, hàng giả khu vực biên giới và các cửa khẩu nói chung và tại tỉnh Lạng Sơn nói riêng đang diễn biến rất phức tạp, với nhiều hình thức, thủ đoạn. Trong tháng cao điểm giáp Tết này, các lực lượng chức năng chống buôn lậu, hàng giả tỉnh Lạng Sơn không một ngày ngơi nghỉ.

Muôn hình vạn trạng hình thức buôn lậu

Chúng tôi cùng đội tuần tra liên ngành Hải quan và Bộ đội Biên phòng cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn vượt qua con dốc dựng đứng lên cột mốc 1089 khu vực biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Đây được xác định là một trong những điểm nóng mà các đối tượng vận chuyển hàng lậu thường xuyên đi qua. Theo đồng chí Đào Thu Lan, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Thanh: Trước sự truy quét gắt gao của các lực lượng chức năng, như lập chốt kiểm soát tại đường biên, làm hàng rào tại các khu vực mà các đối tượng buôn lậu thường qua lại… từ đầu năm 2019 đến nay không còn cảnh hàng đoàn người cheo leo vách đá mang vác hàng lậu qua những “điểm nóng” tại khu vực biên giới như: Gốc Bưởi, Gốc Nhãn, Thác Ném, Đồi Keo, Rọ Bon... như những năm trước mà các đầu nậu lớn đã chuyển sang hình thức tinh vi và khó xử lý hơn rất nhiều, thậm chí còn tổ chức buôn lậu qua đường “chính ngạch”.

Đầu tháng 9-2019, Công an tỉnh Lạng Sơn phối hợp các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ một xe công-ten-nơ chở 15 tấn pháo nổ đựng trong 680 thùng hàng qua cửa khẩu Tân Thanh dưới dạng hàng hóa nhập khẩu. Đây là vụ buôn lậu pháo nổ lớn nhất từ trước đến nay xảy ra trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Các đối tượng đưa pháo vào công-ten-nơ được ngụy trang dưới dạng hàng hóa nhập khẩu để qua mắt các cơ quan chức năng. Công an tỉnh Lạng Sơn đang tiếp tục truy xét, bắt giữ những đối tượng liên quan, điều tra mở rộng vụ án.

Theo đồng chí Đặng Văn Ngọc, quyền Cục trưởng, Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn, Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả tỉnh Lạng Sơn (Ban Chỉ đạo 389): Với thủ đoạn tinh vi, hàng hóa sau khi đã thẩm lậu qua biên giới được các đầu nậu thu gom và hợp thức hóa bằng những hóa đơn mua bán với giá trị hàng hóa đã được khai giảm xuống hàng chục lần. Thời gian qua, cơ quan chức năng đã phát hiện hàng chục vụ gian lận thương mại thông qua hình thức khai giảm giá trị hàng hóa nhưng không xử lý được vì các chủ hàng đều có hóa đơn hợp lệ. Như đã thành quy ước chung, tất cả các hàng hóa may mặc đều có giá chung ghi trên hóa đơn trị giá 10 nghìn đồng/ sản phẩm. Điều này không đúng với giá trị thật của sản phẩm gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc xử lý vi phạm đối với sản phẩm ghi sai giá. Cũng với thủ đoạn hợp thức hóa bằng hóa đơn chứng từ, hàng lậu khi bị cơ quan chức năng phát hiện và xác định là hàng lậu sản xuất tại nước ngoài cũng không thể thu giữ mà chỉ có thể xử lý theo quy định về hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ với mức xử phạt bằng đúng giá trị số hàng hóa đó, trong khi giá trị hàng hóa đã bị khai giảm xuống hàng chục lần.

Thủ đoạn gian lận thương mại khác đang có chiều hướng gia tăng, là việc nhiều đối tượng khi nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam lại khai tăng giá trị hàng hóa lên đến hàng trăm lần nhằm hợp thức hóa giá trị hàng hóa đầu vào gây thất thu cho ngân sách nhà nước. Ngày 23-10-2019, Hải quan cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị khi làm thủ tục nhập khẩu phát hiện một lô hàng gồm linh kiện máy tính thông thường đựng trong thùng cát - tông nhưng chủ hàng khai giá trị lô hàng lên tới 43 nghìn USD. Đồng chí Nguyễn Tiến Bộ, Chi cục trưởng Hải quan cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị cho biết: Việc xử lý những lô hàng nêu trên gặp rất nhiều khó khăn, mất rất nhiều thời gian. Nếu không kiểm tra cho thông quan những lô hàng như vậy, ngân sách nhà nước có thể sẽ thất thu một khoản thuế rất lớn khi doanh nghiệp thực hiện hoàn thuế VAT hoặc thuế thu nhập doanh nghiệp.

Cùng với việc hợp thức hóa hàng lậu, hàng giả, việc vận chuyển hàng hóa vào sâu thị trường trong nước của các đầu nậu cũng được thực hiện bài bản, với tổ chức chặt chẽ, lắt léo khó lường, gây nhiều khó khăn cho các cơ quan chức năng. Trạm Kiểm soát liên hợp (KSLH) Dốc Quýt, tỉnh Lạng Sơn, được coi là chốt chặn quan trọng trong công tác phòng, chống buôn lậu từ khu vực biên giới vào trong nước. Tối 27-11, cùng đoàn công tác của Ban chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn, chúng tôi chứng kiến một đoàn gồm ba xe ô-tô chở khách 16 chỗ dán kính đen từ từ đi qua Trạm KSLH Dốc Quýt. Theo “thông lệ” nhiều năm, đây là những xe thường được các đối tượng ngụy trang để vận chuyển hàng lậu từ biên giới vào trong nước. Sau khi lực lượng cảnh sát giao thông của trạm ra tín hiệu dừng xe, đoàn xe này nhanh chóng đỗ vào lề đường để cơ quan chức năng kiểm tra, nhưng cả ba xe đều không có khách và không có hàng. Bằng kinh nghiệm dày dạn, các cán bộ của trạm đã kịp đón lõng chiếc xe ô-tô Suzuki chở đầy khách và chiếc xe công-ten-nơ đi ngay sau đoàn xe 16 chỗ. Qua kiểm tra phát hiện, trên xe Suzuki chất kín hàng lậu dưới các gầm ghế và một lượng lớn nội tạng động vật bên trong xe công-ten-nơ. Tất cả số hàng hóa nêu trên đều không có hóa đơn chứng từ hợp lệ. Đồng chí Bùi Văn Lợi, Trạm trưởng Trạm KSLH Dốc Quýt cho biết, do lượng xe ô-tô qua lại trạm rất lớn, lưu lượng mỗi ngày khoảng 600 lượt xe, trong khi lực lượng mỏng và mặt bằng chật hẹp cho nên việc kiểm tra, kiểm soát gặp nhiều khó khăn. Lợi dụng tình hình này, các đầu nậu thường tạo ra những tình huống gây khó khăn, cản trở cho việc kiểm soát, như cố tình chây ỳ không cho kiểm tra xe, gây ùn tắc khu vực trạm. Trong đó, một phương thức được nhiều đầu nậu sử dụng là cho xe “nghi binh” chạy chậm qua trạm nhằm thu hút sự chú ý của cơ quan chức năng, gây ùn tắc, tạo điều kiện cho các xe chở hàng lậu phía sau vượt qua trạm. Từ đầu năm 2019 đến nay, Trạm KSLH Dốc Quýt đã phát hiện xử lý gần 200 vụ vi phạm với số tiền hơn 1,8 tỷ đồng và buộc nộp vào ngân sách nhà nước số lợi bất hợp pháp gần 2,9 tỷ đồng.

Thắt chặt kiểm soát, tháo gỡ khó khăn về chính sách

Theo đồng chí Đặng Văn Ngọc, quyền Cục trưởng, Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn, việc phát hiện các dấu hiệu buôn lậu, gian lận thương mại không phải là quá khó, nhưng việc xử lý đang gặp rất nhiều khó khăn. Thực hiện Quyết định 52 về quản lý hoạt động thương mại biên giới với các nước có chung biên giới, các đầu nậu đã thuê người dân vận chuyển hàng qua cửa khẩu để hưởng chính sách miễn thuế. Tuy nhiên, các mặt hàng này đã được khai giảm giá trị tới hàng chục lần khiến cơ quan chức năng rất khó khăn trong việc xử lý. Qua kiểm tra phát hiện nhiều vụ người dân làm thủ tục nhập khẩu hàng trăm bộ quần áo hoặc các loại hàng hóa khác với giá trị ước tính lên đến hàng chục triệu đồng, nhưng giá trị khai thuế chỉ từ năm đến bảy nghìn đồng/ sản phẩm nên không thể áp thuế nhập khẩu. Theo thống kê sơ bộ, từ đầu năm đến nay, tại bốn cửa khẩu lớn của tỉnh Lạng Sơn, gồm: Tân Thanh, Hữu Nghị, Cốc Nam và Chi Ma đã làm thủ tục hải quan nhập khẩu hàng hóa cho hàng chục nghìn lượt cư dân biên giới khu vực tỉnh Lạng Sơn thông qua chính sách từ Quyết định 52. Bên cạnh đó, nhiều loại hàng hóa nhập khẩu bị phát hiện vi phạm về nhãn mác, vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng giả, nhất là các thương hiệu lớn trên thế giới, nhưng muốn xử lý những trường hợp này cơ quan chức năng phải gửi mẫu sản phẩm đến đơn vị sở hữu nhãn hiệu hàng hóa đó để xác nhận, nhưng các đơn vị đó không trả lời khiến cơ quan chức năng khó xử lý.

Cùng với những thủ đoạn nêu trên tình trạng gian lận nguồn gốc xuất xứ hàng hóa cũng đang là vấn đề nóng hiện nay. Nhiều lô hàng, nhà nhập khẩu trong nước thuê các doanh nghiệp nước ngoài sản xuất với những nhãn mác “dán tạm” ghi rõ là sản xuất tại nước ngoài. Tuy nhiên, sau khi thông quan, hàng hóa được đưa về các kho bãi trong nước và dán nhãn hàng hóa sản xuất tại Việt Nam hoặc nước thứ ba, sau đó đưa đi tiêu thụ. Hành vi gian lận nhãn mác hàng hóa nêu trên chỉ có thể bị xử lý khi các lực lượng chức năng bắt quả tang nhưng điều này rất khó khăn. Còn khi việc thay đổi nhãn mác đã hoàn thành, những lô hàng này được phù phép bằng những hóa đơn mua bán hàng hóa thông thường và đưa đi tiêu thụ thì các cơ quan chức năng rất khó xử lý.

Theo đồng chí Nguyễn Công Trưởng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn, với sự nỗ lực của các lực lượng chức năng, thời gian qua tình hình buôn lậu và gian lận thương mại khu vực biên giới, cửa khẩu đã từng bước được kiểm soát, nhưng vẫn diễn biến rất phức tạp. Từ nay đến Tết Nguyên đán, buôn lậu vẫn tiếp tục có chiều hướng gia tăng và có dấu hiệu bùng phát trở lại, UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn đã xây dựng kế hoạch và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị chức năng. Trong đó, bên cạnh việc tiếp tục huy động tối đa lực lượng, tăng cường tuần tra kiểm soát ngăn chặn hàng thẩm lậu qua khu vực biên giới đường mòn lối mở, các lực lượng sẽ tập trung kiểm tra xử lý đối với các hành vi gian lận thương mại, như hợp thức hóa hàng lậu bằng hóa đơn chứng từ, tình trạng sử dụng hóa đơn quay vòng, khai báo không đúng chủng loại xuất xứ... Lực lượng chức năng đã khởi tố một số vụ án liên quan đến lợi dụng viết hóa đơn để vận chuyển hàng lậu vào trong nước và sẽ đưa ra xét xử trong thời gian tới. Bên cạnh đó, tăng cường công tác nội vụ để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những vi phạm ngay trong đội ngũ làm công tác phòng, chống buôn lậu. Vừa qua, UBND tỉnh đã phát hiện một số vụ việc cán bộ làm công tác phòng, chống buôn lậu có biểu hiện lơ là, dung túng cho các đối tượng buôn lậu và đã ra quyết định đình chỉ, thuyên chuyển công tác, giáng chức đối với một số vị trí như đồn trưởng, chi cục trưởng, trạm trưởng trong lực lượng Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Quản lý thị trường.

Theo Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn, công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại cần sự phối hợp của nhiều cấp, nhiều ngành và nhiều địa phương mới có thể thực hiện hiệu quả. Bên cạnh đó, cần có sự điều chỉnh, cải tiến chính sách pháp luật nhằm phù hợp thực tế, trong đó có Quyết định 52 về quản lý hoạt động thương mại biên giới với các nước có chung biên giới cũng như các chính sách về thuế, hóa đơn.

(Còn nữa)

Từ đầu năm đến nay, các lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn đã xử lý 5.844 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, trong đó có tới 3.300 vụ gian lận thương mại, với tổng số tiền xử lý vi phạm hành chính hơn 118 tỷ đồng.

(Nguồn: Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn)