Ngăn chặn hành vi đưa thông tin sai về dịch bệnh

Theo bạn đọc phản ánh, hiện nay có nhiều người lợi dụng tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp để đăng tải những thông tin sai sự thật về số ca lây nhiễm; sự nguy hiểm của dịch bệnh,… Ðiều đó khiến nhiều người dân hoang mang, lo lắng. Ðể ngăn chặn các thông tin sai sự thật phát tán trên mạng, lực lượng công an, thanh tra ngành thông tin và truyền thông các địa phương đã đề ra nhiều giải pháp đồng bộ và tích cực.

 Công an TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai làm việc với những người tung tin sai sự thật trên mạng xã hội Facebook. Ảnh: QUỲNH TRANG
Công an TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai làm việc với những người tung tin sai sự thật trên mạng xã hội Facebook. Ảnh: QUỲNH TRANG

Vừa qua, Sở Thông tin và Truyền thông (TT và TT) TP Hải Phòng đã xử phạt 10 triệu đồng đối với Hoàng Anh (SN 1986), hiện trú tại phường Bạch Ðằng Giang (quận Ngô Quyền) về hành vi đăng tải thông tin sai sự thật trên trang facebook cá nhân. Nội dung mà Hoàng Anh đăng tải là "… Chuẩn bị cách ly cả Hải Phòng…", gây hoang mang, lo lắng cho rất nhiều người dân; đồng thời ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố. Trước đó, Công an TP Lào Cai (tỉnh Lào Cai) xử phạt hành chính bốn phụ nữ, mỗi người 10 triệu đồng gồm: Dương Hồng N, Lê Thu T, Hoàng Trà G và Vũ Thị H cùng sinh sống tại TP Lào Cai. Những người này đã đăng tải trên facebook thông tin sai sự thật về dịch Covid-19 như: "Sa Pa cho 9 người khách nước ngoài đi cùng chuyến bay với Nhung…"; "Hành khách cùng khoang bệnh nhân Nhung đang ở tổ 8, Mường Hoa, phường Bắc Cường, mọi người chú ý nâng cao cảnh giác". Tại buổi làm việc, cả bốn người đã thừa nhận hành vi vi phạm, cam kết không tái phạm và gỡ bỏ các thông tin nêu trên. Ðây chỉ là hai trong số rất nhiều vụ việc đăng tin giả, tin sai sự thật về dịch bệnh nguy hiểm đã được lực lượng chức năng các địa phương kịp thời xử lý.

Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, số lượng người nhiễm mới và tử vong tại các quốc gia đang tăng dần. Lợi dụng tình hình này, các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước phát tán trên không gian mạng nhiều thông tin sai sự thật, xuyên tạc về tình hình dịch Covid-19. Ðồng thời, một số "anh hùng bàn phím" cũng thu thập thông tin không chính thống, phỏng đoán, thiếu tính xác thực về tình hình dịch bệnh để chia sẻ trên các mạng xã hội Facebook, Zalo, Youtube… Ðể thu hút sự quan tâm của cư dân mạng, nhiều người còn bổ sung những thông tin giật gân, độc, lạ như: "Số lượng người chết do dịch Covid-19 tăng nhanh; sử dụng tinh dầu sả, uống rượu và hút thuốc lá nhiều có thể chống Covid-19,…". Phần lớn các cá nhân khi đăng tải những thông tin không chính thống này trên mạng xã hội chỉ nhằm câu view, câu like bán hàng; muốn nhiều người biết đến mình; hoặc muốn gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho nhiều người dân… Ngược lại, khi đăng tải những thông tin giả, không được kiểm chứng lên mạng, nhiều người đã không lường hết được những hậu quả đối với lĩnh vực kinh tế, an ninh - quốc phòng, giáo dục,… Bên cạnh đó, nó còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến các giá trị đạo đức tốt đẹp, thuần phong mỹ tục vốn có của người Việt Nam. Ðiều đáng nói, một số nghệ sĩ cũng có hành vi vi phạm này.

Đăng tải, chia sẻ trên mạng những thông tin không được kiểm chứng, sai sự thật và xuyên tạc về dịch Covid-19 là hành vi vi phạm pháp luật. Ðiều 8 của Luật An ninh mạng nghiêm cấm hành vi thông tin sai sự thật, gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác trên không gian mạng. Ðiểm a Khoản 3 Ðiều 64 Nghị định 174/2013/NÐ-CP ngày 13-11-2013 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện quy định người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng với hành vi "cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân". Ngoài ra, các cơ quan chức năng có thể căn cứ vào Ðiều 66 Nghị định 174/2013/NÐ-CP ngày 13-11-2013; Ðiều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017),… để xử lý hành vi này. Gần đây nhất, ngày 11-2-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg, về việc tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới. Trong đó nêu rõ: Xử lý nghiêm, kể cả xử lý theo pháp luật hình sự các trường hợp đưa tin không đúng sự thật, gây hoang mang dư luận, mất ổn định xã hội và các hành vi găm hàng, tăng giá gây bất ổn thị trường…

Người dân không nên đọc, chia sẻ những thông tin sai sự thật, xuyên tạc trên mạng xã hội về dịch Covid-19. Chỉ nên đọc, tiếp nhận những thông tin về dịch bệnh này tại các trang web của Bộ Y tế, Bộ Công an và các cơ quan báo chí chính thống. Bên cạnh đó, để ngăn chặn vấn nạn tin giả, tin có tính chất xuyên tạc gây hiểu nhầm về dịch Covid-19, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền; đồng thời xử lý nghiêm các hành vi đưa thông tin sai…

LÊ NGỌC HÂN

Giám đốc Sở TT và TT tỉnh Quảng Ninh

Ngoài các điều, khoản tại các nghị định, bộ luật…, nếu cơ quan chức năng xác định được chính xác người tung tin đồn thất thiệt, sai sự thật và có tính chất vu khống thì xử lý theo Ðiều 156, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Căn cứ Ðiều 156, người phạm tội vu khống có thể bị phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm tùy theo mức độ, hành vi vi phạm…

Luật sư LÃ THỊ ÁNH

(Ðoàn Luật sư TP Hà Nội)

Từ khi xuất hiện dịch Covid-19 đến nay, đã có gần 300 nghìn tin, bài đăng trên các trang thông tin điện tử, blog, diễn đàn; gần 600 nghìn tin, bài, vi-đê-ô clíp liên quan đến dịch bệnh đã đăng trên mạng xã hội. Trong đó, rất nhiều tin, bài có nội dung xuyên tạc, sai sự thật, thu hút hàng triệu lượt bình luận, chia sẻ… Công an các đơn vị, địa phương trong cả nước đến nay đã xác minh, làm việc với 654 trường hợp đưa tin sai sự thật; xử phạt vi phạm hành chính hơn 146 đối tượng…

(Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an)