Mua bán người, những hệ lụy khôn lường

Hiện nay, tình trạng mua bán người (MBN) ở nước ta diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng. Theo số liệu từ cơ quan chức năng, mỗi năm nước ta có khoảng một nghìn người là nạn nhân các vụ MBN. Hầu hết nạn nhân bị bán vào các ổ chứa mại dâm, kết hôn trái pháp luật, lao động bất hợp pháp, làm con nuôi… Ðiều nguy hiểm hơn là nhiều người sau khi được giải cứu hoặc lấy chồng ở nước ngoài đã tự biến mình thành đối tượng môi giới hoặc cầm đầu các đường dây MBN.

Bài 1: Bán trẻ sơ sinh, thai nhi qua biên giới

Tình trạng mua, bán, bắt cóc trẻ em đã và đang được hình thành tại Việt Nam, phát triển rất tinh vi, thậm ch&iac

Cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng Cửa khẩu Chi Ma (Lạng Sơn) chăm sóc trẻ sơ sinh vừa được giải cứu khỏi các đối tượng mua bán người qua biên giới. Ảnh: DUY CHIẾN
Cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng Cửa khẩu Chi Ma (Lạng Sơn) chăm sóc trẻ sơ sinh vừa được giải cứu khỏi các đối tượng mua bán người qua biên giới. Ảnh: DUY CHIẾN

Trẻ em sinh ra đã bị rao bán

Thời gian qua, lực lượng công an và bộ đội biên phòng các địa phương đã triệt phá thành công nhiều đường dây mang thai hộ vì mục đích thương mại. Một số vụ án được xét xử với hình phạt nghiêm minh.

Vừa qua các cán bộ, chiến sĩ Công an TP Hạ Long (Quảng Ninh) phát hiện những người đang sinh sống ở quán cà-phê Family, ở phường Hồng Hải (TP Hạ Long) có nhiều biểu hiện khác thường. Tại thời điểm kiểm tra nhân khẩu, có ba người đăng ký tạm trú với cơ quan chức năng gồm: Phạm Thị Huế (TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang); Trần Văn Khải (Thái Bình) và Phạm Thị Hồng Thanh (Ðồng Tháp). Cơ quan CSÐT Công an TP Hạ Long đã triệu tập Huế, Khải về trụ sở để làm việc, còn đối tượng Thanh vắng mặt. Bước đầu xác định đây là một đường dây tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại. Các đối tượng khai nhận, khoảng cuối năm 2017, Huế có quen với một người đàn ông họ Dương là giám đốc một bệnh viện ở Trung Quốc. Dương thỏa thuận với Huế, nếu tìm được người Việt Nam mang thai hộ thì được trả công từ 50 đến 60 triệu đồng/người; tiền công chăm sóc người mang thai hộ khoảng 3.400.000 đồng/người/tháng. Huế lập tức về Việt Nam và lên mạng, truy cập vào facebook có tên gọi "mang thai hộ và tìm người mang thai hộ". Tại đây, Huế tìm được bốn người đồng ý mang thai hộ gồm: Trần Thị Thanh Bình và Hồ Thị Hương (quê ở Nghệ An); Ðinh Thị Hồng (quê ở Yên Bái); Ninh Thị Hải Yến (ở quận Ba Ðình, Hà Nội). Trong những người này, sau khi kiểm tra sức khỏe chỉ có Yến là không đủ điều kiện mang thai. Sau đó chính Yến tiếp tục môi giới cho năm người khác đủ điều kiện sức khỏe để Huế đưa sang Trung Quốc cấy phôi thai. Từ tháng 3 đến 10-2018, Huế được người họ Dương thuê phiên dịch, chăm sóc 17 người, trong đó có 15 người mang thai hộ. Tính đến thời điểm bị bắt giữ, Huế đã thu được 260 triệu đồng từ việc giới thiệu và chăm sóc những người mang thai hộ… Hiện còn chín người Việt Nam đang mang thai hộ ở Trung Quốc. Khám xét tại nơi ở của Huế, Yến, Cơ quan CSÐT Công an TP Hạ Long thu nhiều giấy khám sức khỏe mang tên các thai phụ. Liên quan vụ việc này, Cơ quan CSÐT Công an TP Hạ Long (Quảng Ninh) đã khởi tố vụ án, khởi tố các bị can về tội tổ chức mang thai hộ nhằm mục đích thương mại theo Ðiều 187 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Vụ án được Cơ quan CSÐT Công an tỉnh Quảng Ninh tiếp tục điều tra, mở rộng.

Công an huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Moong Thị Chanh, ở xã Hữu Kiệm để điều tra về hành vi tổ chức cho người khác đi nước ngoài trái phép. Trước đó, Chanh dụ dỗ chị An đang mang thai sang Trung Quốc sinh con rồi bán. Nếu đứa trẻ sinh ra là con gái, An được nhận 70 triệu đồng, nếu là con trai thì nhận 60 triệu đồng. Khi qua biên giới, An được chị Phương, cũng ở huyện Kỳ Sơn đang sống cùng chồng tại Trung Quốc đưa về nhà chăm sóc. Sau khi An sinh hạ được một bé gái Phương đã bán lại cho một người đàn ông Trung Quốc với giá 60 nghìn nhân dân tệ (khoảng 180 triệu đồng). Giao dịch xong, Phương trả cho Chanh 96 triệu đồng, Chanh đưa lại cho An 70 triệu đồng như thỏa thuận…

Chị Hoan ở tỉnh Lào Cai phản ánh, do hiếm muộn cho nên được bạn bè tư vấn lên mạng xã hội và vào địa chỉ facebook "Hội những người cho và nhận con nuôi tìm người mang thai hộ". Tại trang facebook này, chị được đọc rất nhiều câu chuyện về những phụ nữ mang bầu nhưng không thể nuôi con; sẵn sàng mang thai hộ với giá cao. Qua những tin nhắn ban đầu làm quen, thăm hỏi về hoàn cảnh, chị được một chủ tài khoản tên Quang (ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: "Nếu muốn nhận con nuôi hoặc nhờ mang thai hộ thì mất khoảng 350 đến 400 triệu đồng. Ðưa trước 50%, số tiền còn lại thanh toán nốt sau khi nhận con. Tôi bảo đảm những đứa trẻ sinh ra đều khỏe mạnh, bụ bẫm...". Còn tại địa chỉ facebook "Hội nhóm cho và nhận con nuôi 3 miền", tài khoản Thùy Kim đăng tải thông tin: "Bé gái mới sinh ở quận Tân Phú, mẹ bé cho, xin bồi dưỡng 35 triệu đồng, đến bế bé thì mới đưa tiền…".

Phát sinh nhiều hệ lụy

Hiện nay, nước ta có năm bệnh viện được Bộ Y tế công nhận đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, gồm: Bệnh viện Phụ sản T.Ư (Hà Nội); Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Mỹ Ðức, Bệnh viện Hùng Vương (TP Hồ Chí Minh) và Bệnh viện đa khoa T.Ư Huế (Thừa Thiên - Huế). Ðể được chấp thuận là người mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, người mang thai hộ bắt buộc phải đáp ứng rất nhiều điều kiện về tình trạng gia đình, sức khỏe,…

Các đường dây đưa người sang nước ngoài mang thai hộ vì mục đích thương mại hầu hết thực hiện chui, trái phép nên tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Hơn nữa, các loại thuốc, dịch vụ y tế sử dụng trong quá trình mang thai ở bên kia biên giới khó kiểm soát.

Chia sẻ về tình trạng này, Trưởng ban Tuyên giáo Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương cho rằng: Những phụ nữ bán con vừa là nạn nhân, vừa là đồng phạm trong các vụ án. Họ vừa đáng trách, vừa đáng thương bởi họ chỉ nghĩ bán con để có thêm thu nhập và trang trải cuộc sống khó khăn của gia đình. Họ không nghĩ sâu xa rằng, việc mua bán này đi ngược lại các giá trị đạo đức dân tộc; làm hoen ố tình mẫu tử thiêng liêng;… Các phụ nữ được thuê mang thai bên kia biên giới không lường hết được những hậu quả, nguy hiểm rình rập. Bởi việc mang thai hộ trái phép khiến họ phải sống lén lút, không được chăm sóc sức khỏe chu đáo và gần như mất quyền công dân. Thạc sĩ, Bác sĩ Dương Thị Thu Hiền, Phó Trưởng khoa Khám bệnh (Bệnh viện Phụ sản T.Ư), cho biết: "Trong giai đoạn mang thai và sau khi sinh con, nếu người phụ nữ không được chăm sóc sức khỏe chu đáo thì đứa trẻ sẽ bị suy dinh dưỡng từ trong bào thai. Bà mẹ có nguy cơ bị mắc các bệnh đái tháo đường thai nghén, tiền sản giật, băng huyết sau sinh, cao huyết áp mãn tính, tắc sữa, suy giảm chức năng gan, thận,… ảnh hưởng nghiêm trọng đến các lần sinh nở tiếp theo. Nếu người mẹ sinh nhiều, sinh dày mà sức khỏe không bảo đảm có thể vỡ tử cung, gây nguy hiểm tính mạng...".

Trao đổi với các đồng chí lãnh đạo Cục Phòng, chống tội phạm ma túy (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng), Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) và các chuyên gia tư vấn về pháp luật, chúng tôi được biết, việc mua bán trẻ sơ sinh từ khi là thai nhi là một thủ đoạn mới, phức tạp gây khó khăn không nhỏ cho các cơ quan chức năng trong quá trình xử lý. Những người được thuê mang thai hộ và người tổ chức mang thai đều tự nguyện hợp tác vì mục đích kinh tế cho nên khó đấu tranh khai thác khi bị phát hiện, bắt giữ. Các văn bản quy phạm pháp luật nước ta hiện nay vẫn chưa quy định bào thai là một bộ phận cơ thể người hay một con người, cho nên chưa có chế tài xử phạt trong phạm vi MBN. Hơn nữa, do thiếu quy định pháp luật trong việc xử lý hành vi này cho nên rất khó xác định ai là người bị hại vào thời điểm phát hiện vụ việc (người mang thai, bào thai hay đứa trẻ đã ra đời…). Ðây cũng là kẽ hở của pháp luật để tội phạm MBN lợi dụng thực hiện trót lọt hành vi phạm tội, khiến số vụ việc ngày càng gia tăng.

Luật sư Nguyễn Thị Thúy Hà (Công ty Luật TNHH Thu Hà, Ðoàn Luật sư TP Hà Nội), cho biết: Một người phụ nữ mang thai cho người khác bằng việc áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản mà hướng đến mục đích để hưởng lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác thì sẽ bị coi là "mang thai hộ vì mục đích thương mại" (khoản 23 Ðiều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014). Người phụ nữ mang thai hộ sau khi sinh ra đứa trẻ mà chuyển giao đứa trẻ không vì mục đích nhân đạo có thể bị truy cứu về "tội mua bán người dưới 16 tuổi" - Ðiều 151 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Nếu người có hành vi tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại thì có thể bị truy cứu trách nhiệm theo Ðiều 187 Bộ luật Hình sự. Người nào có hành vi tổ chức đưa người mang thai ra nước ngoài để sinh con trái phép còn có thể bị truy cứu "Tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép" hay "tội mua bán người"…

Tuy nhiên, việc mang thai hộ mới được quy định trong các văn bản pháp luật cho nên việc làm rõ có mục đích thương mại hay không cũng rất khó khăn. "Hành vi mua bán trẻ sơ sinh được giao dịch, môi giới từ khi người mẹ mang thai ở Việt Nam cho đến khi đứa trẻ sinh ra ở nước ngoài vẫn còn mới. Do vậy, chế tài xử phạt chưa tương xứng khiến các đối tượng "nhờn luật". Cần tăng nặng hình phạt đối với các đối tượng cầm đầu, dụ dỗ, môi giới và tổ chức MBN dưới dạng thai nhi, trẻ sơ sinh" - Ðại tá Phan Thăng Long, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tội phạm ma túy (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) chia sẻ.

Cùng với các giải pháp, kiến nghị nêu trên, để ngăn chặn tình trạng này, các cơ quan, ban, ngành chức năng từ trung ương đến địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền; nâng cao nhận thức cho phụ nữ và người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thông qua các phiên chợ, các sự kiện văn hóa về các thủ đoạn mua bán trẻ sơ sinh, nhất là thai nhi trong bụng mẹ. Tăng cường rà soát địa bàn "nóng", sớm phát hiện đối tượng môi giới mua bán thai nhi từ các phụ nữ đang có bầu...

(Còn nữa)

"Trong giai đoạn mang thai, bà mẹ chưa sinh con cho nên nếu truy tố về tội MBN theo Ðiều 150 và tội MBN dưới 16 tuổi theo Ðiều 151 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì không phù hợp và chưa có văn bản nào hướng dẫn truy tố về hành vi này. Hiện tại, có thể xử lý về hành vi tổ chức cho người khác mang thai hộ vì mục đích thương mại theo Ðiều 187 của Bộ luật Hình sự năm 2015. Tuy không cùng tội danh nhưng hành vi này có những dấu hiệu tuyển mộ, vận chuyển, giao nhận người, trẻ sơ sinh tương tự hành vi MBN nên thuộc nhóm có liên quan tội phạm MBN…".

Ðại tá Phạm Mạnh Thường

Phó Cục trưởng Cục CSHS (Bộ Công an)