Gỡ khó trong quản lý các khu nhà tái định cư ở Hà Nội

Ngày 28-6-2019, Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TU về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, nâng cao năng lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước đối với việc quản lý, vận hành sử dụng nhà chung cư trên địa bàn. UBND thành phố cũng ban hành Kế hoạch 241/KH-UBND ngày 15-11-2019 triển khai thực hiện Nghị quyết số 26. Như vậy, sau hàng chục năm thực hiện nhiệm vụ an cư cho người dân, những bất cập trong xây dựng, quản lý, vận hành nhà chung cư tái định cư (TĐC) mới được cấp ủy đảng, chính quyền thành phố đi tìm giải pháp…

Khu nhà TĐC Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy) được quản lý, vận hành tốt, góp phần tạo cảnh quan sạch đẹp phía tây Thủ đô.
Khu nhà TĐC Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy) được quản lý, vận hành tốt, góp phần tạo cảnh quan sạch đẹp phía tây Thủ đô.

BÀI 2: Tìm giải pháp vận hành hiệu quả

Hậu quả từ buông lỏng quản lý

Là đơn vị được giao quản lý 167/174 tòa nhà chung cư TĐC trên địa bàn thành phố, Xí nghiệp Quản lý dịch vụ và khai thác khu đô thị (Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội) phải chịu trách nhiệm chính trong việc “tự ý cho thuê” 28 điểm kinh doanh dịch vụ. Vụ việc này kéo dài hàng chục năm cho đến khi UBND thành phố phải ban hành nhiều quyết định thu hồi, thậm chí cưỡng chế thu hồi. Cho dù sau này một số cán bộ của đơn vị đã phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng đến nay vẫn còn hai điểm chưa xử lý xong và có nguy cơ trở thành điểm nóng về an ninh trật tự. Không chỉ thế, việc một đơn vị quản lý được giao toàn quyền xử lý công việc của các tòa nhà làm nảy sinh những bất cập. Đó là cơ chế “xin-cho”, ưu ái hoặc thiếu quan tâm đối với từng tòa nhà; đó là tâm lý quan tâm đến đối tượng thuê diện tích kinh doanh mà bỏ qua người dân TĐC… Điều này cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều tòa nhà TĐC xuống cấp, mang bộ mặt nhếch nhác, bẩn thỉu, trở thành nỗi bất an cho người dân.

Những bất cập trong việc quản lý, sử dụng, sửa chữa và bảo trì đối với những tòa nhà TĐC hiện có trên địa bàn TP Hà Nội; sự xuống cấp, lãng phí và thất thoát nguồn thu không nhỏ do cơ cấu quản lý chưa hợp lý của hàng trăm tòa nhà TĐC cho thấy các cơ quan chức năng của thành phố cần nhìn nhận, đánh giá nghiêm túc. Đặc biệt là đối với việc sử dụng, cho thuê diện tích sàn cho mục đích kinh doanh dịch vụ vừa bảo đảm nguồn thu cho ngân sách, nhưng cũng tránh lãng phí, thiếu hiệu quả. Đơn cử như việc thu hồi diện tích sàn dùng cho kinh doanh dịch vụ tầng 1 nhà N1, N4 khu Đồng Tàu (quận Hoàng Mai), vì sao trước đó hàng chục năm các hộ dân vẫn nộp tiền thuê đầy đủ cho đơn vị cho thuê nhưng vẫn bị quy kết là sử dụng trái phép? Vì sao các hộ có thể tự ý sửa chữa, cải tạo để kinh doanh nếu không được sự cho phép của đơn vị quản lý? Vì sao không phải là kiểm tra hiện trạng và tiếp tục cho thuê như nguyện vọng của các hộ mà phải thu hồi giao cho đơn vị quản lý để lại tổ chức đấu giá cho thuê? Ai sẽ chịu trách nhiệm bồi thường cho các hộ đối với kinh phí sửa chữa, cải tạo và ảnh hưởng đến thu nhập do không được tiếp tục kinh doanh vì cái sai của đơn vị quản lý? 

Tất nhiên, cả UBND quận Hoàng Mai và UBND phường Thịnh Liệt, nơi trực tiếp thực hiện việc cưỡng chế thu hồi diện tích kinh doanh dịch vụ nhà N1, N4 khu Đồng Tàu không thể trả lời được các câu hỏi nêu trên. Chủ trương của UBND thành phố là phải thu hồi thì đương nhiên phải chấp hành. Theo Chủ tịch UBND phường Thịnh Liệt Nguyễn Văn Đức, phường đã có văn bản báo cáo UBND quận Hoàng Mai phương án thực hiện Quyết định 7266 về cưỡng chế thu hồi nhà N1, N4. UBND phường cũng tham mưu đề xuất cho 21 hộ dân có diện tích bị thu hồi được tiếp tục thuê các mặt sàn họ đang sử dụng. Tuy nhiên, có chấp thuận hay không vẫn phải chờ quyết định cuối cùng của thành phố.

Phó Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Sở Xây dựng TP Hà Nội) Phạm Hữu Tiến cho biết, hiện diện tích sàn dành cho kinh doanh dịch vụ ở các tòa nhà TĐC do thành phố quản lý là 83.446 m2, trong đó mới có khoảng 55.000 m2 được sử dụng. Tuy nhiên, diện tích sử dụng có thu tiền thuê chỉ chiếm khoảng 23.000 m2. Diện tích còn lại là các đơn vị công được giao hoặc mượn không thu tiền thuê.

Cần thay đổi cơ chế, chính sách 

Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP Hà Nội, giai đoạn 2018-2021, trên địa bàn thành phố cần đáp ứng khoảng 11 nghìn căn hộ TĐC. Đây là quỹ nhà dành cho việc di dân giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, phát triển đô thị. Đến thời điểm này, đã có 17 dự án với gần 10 nghìn căn hộ đã và đang được hoàn thiện từ nguồn ngân sách và ngoài ngân sách. Theo Trưởng phòng Phát triển đô thị (Sở Xây dựng) Bùi Tiến Thành, hiện có nhiều nhà đầu tư đăng ký đặt hàng với thành phố xây dựng nhà ở TĐC kết hợp nhà ở thương mại hoặc sử dụng dự án nhà ở thương mại dành cho quỹ nhà TĐC. Đây có thể là giải pháp khả thi vừa để giảm tải cho ngân sách vừa bảo đảm chất lượng nhà ở đạt quy chuẩn xây dựng. Theo kế hoạch của TP Hà Nội, đến hết năm 2020, toàn thành phố sẽ có gần 3.000 căn hộ được hoàn thiện gồm các dự án CT3 Nghĩa Đô (Cầu Giấy), X2 (Hoàng Mai)… Đây sẽ là quỹ nhà TĐC cho người dân từ các dự án mở rộng đường vành đai 1 và 2, tuyến đường sắt đô thị Nam Thăng Long…

Một điều không thể phủ nhận là chất lượng của các tòa nhà TĐC được đầu tư xây dựng từ ngân sách rất thấp và thiếu thẩm mỹ, lại không có vị trí thuận tiện. Hơn nữa, các thủ tục cấp quyền sử dụng nhà (sổ hồng) rất phức tạp khiến nhiều hộ dân không muốn đến ở nhà TĐC. Khắc phục bất cập này, từ năm 2017, TP Hà Nội đẩy mạnh cải cách hành chính trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà cho các hộ dân TĐC. Ngoài ra, một số dự án giao cho doanh nghiệp xây dựng TĐC kết hợp nhà ở thương mại có chất lượng tốt cũng đã thu hút người dân nhận nhà sớm hơn. Nhờ đó, tỷ lệ lấp đầy của các khu nhà TĐC mới tăng đáng kể. Với tốc độ đô thị hóa như hiện nay, mỗi năm TP Hà Nội cần khoảng 2.000 tỷ đồng để thực hiện các dự án xây dựng nhà TĐC mới. Tuy nhiên, ngân sách dành cho bảo trì, sửa chữa các khu nhà xuống cấp chưa đáp ứng được so với tình trạng thực tế. Việc giao nhà cho đơn vị quản lý, vận hành theo kiểu hành chính cho thấy nhiều hạn chế. Việc quản lý ngân sách từ nguồn thu cho thuê diện tích kinh doanh dịch vụ còn thiếu cơ chế linh hoạt, chưa thống nhất giữa các cơ quan chức năng khiến việc vận hành tòa nhà gặp nhiều khó khăn; việc tổ chức đấu giá quyền thuê diện tích kinh doanh mặc dù bảo đảm nguồn thu cho ngân sách nhưng việc định giá chưa thật sự chính xác, quy định thuê 5 năm trả tiền thuê một lần là chưa hợp lý…

Một nghịch lý nữa là hiện nay đã có nhiều khu nhà TĐC người dân đã ở kín nhưng không thể thành lập ban quản trị khiến công tác quản lý, vận hành gặp nhiều khó khăn. Đơn vị được thành phố giao quản lý vừa không thể bao quát vừa phải cân đối thu chi do quản lý quá nhiều tòa nhà. Việc sửa chữa, bảo trì, thay thế máy móc thường chậm do vướng các thủ tục hành chính. Công tác bảo đảm an ninh kém do phương tiện và con người đều thiếu và yếu. Đây là bất cập của các khu nhà TĐC cần được điều chỉnh bằng các chính sách phù hợp như đối với nhà ở thương mại. Người dân ở nhà TĐC cần được đối xử bình đẳng với các cơ chế quản lý, vận hành tòa nhà như cư dân ở các chung cư thương mại. Có như thế mới tạo được tâm lý yên tâm, gắn bó và trách nhiệm đối với ngôi nhà chung của cư dân. Và có thể cũng từ đó tìm ra được một giải pháp an cư phù hợp nhất cho người dân ở những ngôi nhà TĐC kiểu cũ đang ngày một xuống cấp, lạc lõng trong lòng Thủ đô.

(*) Xem Báo Nhân Dân số ra ngày 19-9-2020.