Cảnh báo mất an toàn giao thông đường thủy trên hồ thủy điện Sơn La

Tối 1-3-2019, tại khu vực lòng hồ thủy điện Sơn La thuộc bản Co Ðứa, xã Nậm Ét, ông Bạc Cầm Cương cùng cháu nội là Bạc Quỳnh Trang, đang ngồi trên thuyền máy của gia đình để sửa chữa vó lưới bắt cá thì gặp cơn gió lốc to làm lật thuyền và mất tích. Sau năm ngày tìm kiếm, người dân địa phương mới tìm thấy thi thể của hai nạn nhân. Cùng với hàng chục vụ va chạm, tai nạn giao thông đường thủy trên khu vực lòng hồ cho thấy cần gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng này.

Người dân khu vực bến phà Nậm Ét, huyện Quỳnh Nhai thường xuyên qua sông trên thuyền nhỏ.
Người dân khu vực bến phà Nậm Ét, huyện Quỳnh Nhai thường xuyên qua sông trên thuyền nhỏ.

Hồ thủy điện Sơn La rộng 20 nghìn héc-ta, thuộc địa bàn ba huyện Quỳnh Nhai, Mường La, Thuận Châu của tỉnh Sơn La. Vì thế, người dân tại những khu vực này sử dụng nhiều loại phương tiện đường thủy để lưu thông. Theo quy định, khi đi lại trên thuyền thì hành khách phải mặc áo phao để bảo đảm an toàn, nhưng hầu hết họ đều không tuân thủ. Do ý thức của người dân còn hạn chế, công tác kiểm tra, xử lý của lực lượng chức năng còn thiếu chặt chẽ đã dẫn đến nguy cơ mất an toàn giao thông đường thủy trên khu vực lòng hồ.

Khu vực bến phà Nậm Ét, huyện Quỳnh Nhai, từ sớm đã tấp nập người và phương tiện qua lại. Khoảng cách vùng ngập nước giữa hai bên bến phà vào mùa nước dâng là gần 1 km. Có hai cách để có thể đi lại từ bờ bên này sang bên kia, đó là đi trên chuyến phà lớn hoặc sử dụng những thuyền chở khách loại nhỏ. Theo quan sát, những chuyến phà tại đây chủ yếu phục vụ các loại xe ô-tô, phần lớn người đi xe máy khi qua lại khu vực bến phà trên những chiếc thuyền nhỏ. Tại đây, có thể dễ dàng nhận thấy gần 20 con thuyền dạng nhỏ neo đậu.

Mặc dù có phà lớn, đi lại an toàn hơn nhưng nhiều người dân lại lựa chọn đi bằng thuyền. Chị Quàng Thị Thương, người dân ở xã Nậm Ét, huyện Quỳnh Nhai cho biết, nếu chờ phà thì sẽ lâu hơn vì 20 đến 30 phút mới có một chuyến, còn đi thuyền nhanh hơn, không phải chờ đợi. Nhiều lúc do việc gấp cho nên mọi người thường chọn cách đi thuyền. Khi đi thuyền, người dân không được phát áo phao, chị Thương cho biết thêm: "Chắc chắn việc đi lại bằng phà sẽ an toàn hơn là đi thuyền".

Các chủ thuyền cho biết, chi phí để đóng một con thuyền nhỏ chở được 10 chiếc xe máy cùng người hết khoảng 60 triệu đồng, còn thuyền lớn hơn tới gần 100 triệu đồng. Ông Lò Văn Dương, một chủ thuyền có thời gian làm việc tại bến phà Nậm Ét gần 10 năm cho biết, tính trung bình mỗi ngày ông chở được từ ba đến bốn lượt khách, mỗi lượt nếu đông khách thì khoảng 10 xe. Việc thu phí đi lại được tính theo xe máy, mỗi lượt giá 10 nghìn đồng, còn người thì không tính. Thu nhập trung bình mỗi ngày dao động khoảng 100 nghìn đồng, ngày đông khách thì được 200 nghìn đồng.

Về vấn đề bảo đảm an toàn cho khách khi đi thuyền, ông Dương cho biết, một thuyền được trang bị năm áo phao cùng can nhựa và phao tròn treo trên thuyền để cho những người không có áo phao sử dụng khi cần thiết. Hiện nay, hầu hết các thuyền ở đây đều chưa đủ điều kiện để đăng ký làm thuyền chở khách. Người dân dùng phương tiện cá nhân tranh thủ kiếm thêm. Nếu đăng ký thành thuyền hoạt động dịch vụ chở khách thì mỗi năm phải đóng mức phí là hai triệu đồng. Ngoài ra, phải có giấy phép thuyền trưởng mới được điều khiển thuyền kinh doanh dịch vụ chở khách. Ông Dương và nhiều chủ thuyền mới chỉ có giấy phép lái thuyền chứ chưa có giấy phép thuyền trưởng.

Theo chính quyền địa phương, họ đã cung cấp áo phao và phao tròn cho các chủ thuyền để bảo đảm an toàn tính mạng cho khách khi đi thuyền. Nhưng có một số hộ gia đình còn chủ quan, không mang áo phao, thuyền bè không bảo đảm chất lượng. Vì thế, mới đây vào đầu tháng 3-2019, đã xảy ra sự việc gió lốc gây lật thuyền tại khu vực gần bến phà Nậm Ét khiến hai người chết.

Trên thực tế cho thấy, hầu hết người dân đều không mặc áo phao khi đi trên thuyền, nhất là các loại thuyền chở khách hằng ngày. Tuy nhiên, chính quyền địa phương vẫn cho rằng đây không phải là việc phổ biến. Ông Ngô Trí Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Quỳnh Nhai cho rằng, hầu hết người dân tham gia giao thông đường thủy vẫn mặc áo phao, chỉ một số người dân còn chủ quan khi đi sửa chữa lồng bè, vó bè. Họ nghĩ thời tiết an toàn, không có thời tiết bất thường cục bộ xảy ra.

Tìm hiểu thêm về các loại thuyền của người dân hoạt động trên vùng lòng hồ thủy điện Sơn La, chúng tôi được biết hầu hết các phương tiện này đều chưa đạt tiêu chuẩn để đăng kiểm, kiểm định. Nguyên nhân là người dân đóng thuyền theo kiểu truyền thống, không đủ điều kiện để các cơ quan chức năng kiểm định.

Thượng tá Ðinh Văn Ùy, Ðội trưởng Ðội Cảnh sát giao thông thủy - bộ, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Sơn La cho biết, hằng năm, vào mùa nước lên, khi giao thông thuận lợi, đơn vị đã huy động lực lượng phối hợp chính quyền địa phương thống kê các loại phương tiện. Do thực tế địa bàn rộng, thuộc ba huyện là Quỳnh Nhai, Thuận Châu, Mường La, lại có hai mùa nước lên xuống, cho nên việc đi lại rất khó khăn. Vì thế, đơn vị đã tập trung tuyên truyền vận động nhân dân tự giác chấp hành Luật Giao thông đường thủy, cho các chủ thuyền, chủ tàu ký cam kết trong việc chấp hành an toàn giao thông đường thủy. Trong công tác tuần tra, bảo đảm giao thông trên tuyến khó khăn nhất là khi cơ quan chức năng đi tuần tra, kiểm soát thì bà con giấu thuyền, nhưng vì nhu cầu phục vụ mưu sinh, làm nương cho nên khi lực lượng chức năng rút đi, họ lại mang ra hoạt động bình thường.

Có thể thấy, nhu cầu đi lại và sử dụng các phương tiện đường thủy của người dân hai bên khu vực lòng hồ thủy điện Sơn La ngày càng tăng lên. Vì thế, để bảo đảm an toàn, lực lượng chức năng tỉnh Sơn La cần có những biện pháp phù hợp để xử lý những vấn đề liên quan đến phương tiện giao thông đường thủy. Như vậy, mới tránh được những sự cố đáng tiếc có thể xảy ra.