Xét duyệt danh hiệu NSND, NSƯT: Thay đổi để phù hợp thực tiễn

NDO -

NDĐT – Sau những ồn ào từ các đợt xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT, Hội nghị góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 89/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, nhằm lấy ý kiến rộng rãi từ các nghệ sĩ, các nhà hát, những cá nhân, đơn vị liên quan để thay đổi để phù hợp với thực tế.

Hội nghị góp ý dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 89.
Hội nghị góp ý dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 89.

Cần thay đổi để phù hợp thực tiễn

Tính đến nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT theo chín đợt, trong đó từ năm 2015 đến nay là hai đợt vào các năm 2015 và 2018. Trong hai đợt xét tặng này, đã có 186 danh hiệu NSND và 686 danh hiệu NSƯT được Bộ trình đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, trình Chủ tịch nước phong tặng, truy tặng cho các nghệ sĩ. Hai đợt xét tặng của năm 2015 và 2018 theo Nghị định 89/2014/NĐ-CP có một số ưu điểm so với những quy định trước đây tại Thông tư số 06/2010/TT-BVHTTDL. Nghị định 89 quy định nhiều điều kiện thuận lợi hơn cho các nghệ sĩ như thời gian tham gia hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp của lĩnh vực múa ngắn hơn, quy định tiêu chuẩn xét danh hiệu NSƯT đã tính cả HCB, chính thức xem xét, quy đổi giải thưởng tác phẩm cho một số thành phần tham gia vở diễn, tác phẩm, không quy định sau khi được tặng NSƯT phải có thời gian tối thiểu năm năm mới được xét tiếp danh hiệu NSND, và các nghệ sĩ chỉ phải nộp duy nhất một bộ hồ sơ từ Hội đồng cấp cơ sở, giảm bớt phiền hà cho nghệ sĩ.

Tuy nhiên tại Nghị định 89/2014/NĐ-CP cũng có một số vướng mắc khiến cho hai đợt xét chọn của năm 2015 và 2018 đều rơi vào những ồn ào chung quanh việc nghệ sĩ được hay không được đưa vào danh sách xét chọn. Thí dụ như đối với một số loại hình nghệ thuật truyền thống, có không ít nghệ sĩ, diễn viên được truyền nghề theo lối truyền khẩu, từ các nghệ sĩ, nghệ nhân dân gian. Cũng như có nhiều nghệ sĩ tuổi đã cao, có đóng góp nhiều cho nghệ thuật truyền thống ở các địa phương, nhưng lại không có bằng cấp đào tạo chính thức ở trường lớp chuyên nghiệp. Nghệ sĩ Hoàng Trọng Cương, Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế cho biết, ở Nhà hát có nhiều nghệ sĩ, nhạc công được đào tạo qua các nhạc công cung đình, từ cái nôi truyền thống của gia đình hoặc học truyền khẩu, một số nhạc công trình độ lại có hạn cho nên khó trúng tuyển vào các trường nghệ thuật chuyên nghiệp. Những người này đều đáp ứng đủ điều kiện về huy chương và số năm tham gia hoạt động nghệ thuật, nhưng lại thiếu điều kiện về đào tạo, điều này khiến họ rất thiệt thòi khi được xét duyệt.

Tương tự như thế, có nhiều nghệ sĩ lão thành, nghệ sĩ người dân tộc, các nghệ sĩ là giảng viên các trường đào tạo văn hóa, nghệ thuật chuyên nghiệp…, có nhiều đóng góp cho nghệ thuật nước nhà, nhưng xét về tiêu chuẩn lại thiếu về chỉ tiêu huy chương, bằng cấp hoặc giải thưởng…

Một số nội dung của Nghị định 89 về mặt thủ tục cũng cần xem xét, sửa đổi như quy định số lượng thành viên Hội đồng xét tặng danh hiệu các cấp, cơ cấu thành phần Hội đồng, tỷ lệ phiếu bầu tại các Hội đồng, tỷ lệ số lượng thành viên Hội đồng có mặt tại cuộc họp Hội đồng.

Những nội dung chính dự kiến sửa đổi

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, Bộ đã thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập, nghiên cứu, soạn thảo, thảo luận nhiều nội dung của dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/2014/NĐ-CP, trên cơ sở thực tiễn hai đợt xét tặng năm 2015 và 218, cũng như rà soát kiến nghị của các tổ chức, chuyên gia chuyên ngành, các nghệ sĩ… Ban soạn thảo đã dự thảo một số nội dung sửa đổi, bổ sung như cách tính thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp, tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT, số lượng thành phần Hội đồng các cấp, tỷ lệ phiếu bầu đồng ý của tổng số thành viên các cấp Hội đồng, tỷ lệ số lượng thành viên có mặt tại cuộc họp Hội đồng, một số quy đổi cụ thể trong bảng quy đổi ở phụ lục kèm theo Nghị định.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, tính đến ngày 9-6, Bộ đã nhận được 102 văn bản góp ý của các cơ quan, đơn vị, trong đó có 63 văn bản đồng ý với dự thảo và 39 văn bản góp ý. Các ý kiến góp ý xoay quanh những quy định liên quan trực tiếp đến nghệ sĩ như thời gian hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật chuyên nghiệp, bởi vì có nhiều trường hợp tốt nghiệp trường nghệ thuật ra không làm nghệ thuật ngay, hoặc cũng lại có những trường hợp, như bà Vũ Diệu Hằng, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Nam Định cho biết, có nghệ sĩ hoạt động nghệ thuật từ rất sớm, sau khi vào Nhà hát một thời gian rồi mới đi học chuyên nghiệp, vì thế nếu tính thời gian hoạt động nghệ thuật từ sau khi tốt nghiệp là thiệt thòi cho nghệ sĩ.

Một số nội dung về quy định cụ thể các trường hợp đặc biệt hoặc tiêu chí cho trường hợp đặc biệt để Hội đồng các cấp xem xét, nội dung liên quan đến đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân, về tách riêng phần sửa đổi, bổ sung Phụ lục, không quy định trực tiếp tại nội dung của dự thảo… cũng được góp ý kiến.

Đặc biệt, có những ý kiến đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung quy định về việc thu hồi danh hiệu trong trường hợp sau khi được phong tặng mà nghệ sĩ có vi phạm, sai phạm phải xử lý hình sự hoặc có những việc làm, hành động gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng, xã hội… Đây cũng là điều mà cả công chúng và các nghệ sĩ quan tâm khi trong thực tế đã có những nghệ sĩ hành xử, phát ngôn không đúng mực sau khi được phong tặng danh hiệu.