Xây dựng thương hiệu quốc gia lĩnh vực nhiếp ảnh, mỹ thuật

NDO -

NDĐT - Ngày 13-9, tại Đà Nẵng, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hoá, thể thao và Du lịch) tổ chức Hội thảo đề án Xây dựng thương hiệu quốc gia lĩnh vực nhiếp ảnh, mỹ thuật.

Toàn cảnh Hội thảo.
Toàn cảnh Hội thảo.

Tại Hội thảo, các cơ quan quản lý, tổ chức nghề nghiệp, các tỉnh, thành phố, chuyên gia, nhà khoa học, nghệ sĩ… đã đóng góp ý kiến xây dựng hai Đề án “Thành phố Nhiếp ảnh Việt Nam” và “Nghệ thuật sơn mài Việt Nam”. Đây là hai lĩnh vực có ưu thế về lịch sử, văn hoá, thiên nhiên, xã hội và có truyền thống lâu đời.

Sự kiện “Thành phố Nhiếp ảnh Việt Nam” bước đầu khảo sát và trao đổi đã nhận được sự hưởng ứng của tỉnh Ninh Bình, TP Hội An (Quảng Nam), TP Đà Lạt (Lâm Đồng) và TP Đà Nẵng. Theo đó, sẽ có nhiều sự kiện được tổ chức như: Hội chợ Nhiếp ảnh để giới thiệu và bán các tác phẩm nhiếp ảnh; các sản phẩm, trang thiết bị phục vụ ngành Nhiếp ảnh; tổ chức cho các nhiếp ảnh gia quốc tế được mời đến Việt Nam đi sáng tác tại các địa điểm văn hoá, du lịch của địa phương, sau đó tổ chức triển lãm trưng bày mua bán tác phẩm; tổ chức các hội thảo, toạ đàm, giao lưu với các nhiếp ảnh gia Việt nam…

Đề án “Nghệ thuật sơn mài Việt Nam” với mục đích phục hồi lại vùng trồng cây sơn ta ở Phú Thọ, thúc đẩy sự phát triển của các sản phẩm thủ công mỹ nghệ sơn mài và tác phẩm hội hoạ sơn mài. Đưa ra những tiêu chí, quy chuẩn về nguyên liệu, chất liệu để làm sơn mài, quy trình chế tác sơn mài đạt tiêu chuẩn thương hiệu quốc gia, logo và nhãn hiệu công nhận sơn mài Việt Nam…

Đề án cũng xây dựng kế hoạch, nội dung để Việt Nam trở thành trung tâm của nghệ thuật sơn mài; Đăng cai tổ chức liên hoan nghệ thuật sơn mài Quốc tế hai năm một lần tại Việt Nam. Từ đó, thúc đẩy sự phát triển của sơn mài Việt Nam, kích thích thị trường tiêu thụ các sản phẩm thủ công mỹ nghệ sơn mài và tác phẩm hội hoạ sơn mài Việt Nam ở trong nước và quốc tế.

Đóng góp ý kiến tại Hội thảo, các đại biểu đến từ Đà Nẵng, Lâm Đồng, Thừa thiên Huế, Quảng Nam đều thống nhất với Đề án và ủng hộ việc triển khai thực hiện ở các địa phương. Tuy nhiên, các ý kiến cũng đề xuất về việc cần quan tâm đến tổ chức các chương trình hướng dẫn, nâng cao tay nghề cho lực lượng người đam mê nghệ thuật; có hình thức tôn vinh đối với những tác phẩm nổi trội; lộ trình triển khai thực hiện phù hợp và có sự phối hợp giữa người làm chuyên môn và lãnh đạo địa phương…

Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm Vi Kiến Thành cho biết: Công nghiệp văn hóa là vấn đề mới ở Việt Nam, thương hiệu quốc gia trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật còn rất mới và chúng ta chưa có mô hình cũng như kinh nghiệm gì. Miền trung có khá nhiều tỉnh, thành đáp ứng được yêu cầu, tiêu chí đề án đưa ra, vì vậy, những ý kiến và sự ủng hộ của các địa phương là một đóng góp quan trọng vào việc hoàn thiện hai Đề án lần này.