Về quê hương nhà thơ Tố Hữu

Quảng Ðiền (tỉnh Thừa Thiên Huế) là huyện nằm bên đầm phá Tam Giang thông với biển cả, một vùng đất giàu truyền thống lịch sử, cách mạng. Trong lịch sử, vùng đất này đã hai lần được các Chúa Nguyễn chọn làm Thủ phủ, đó là phủ Phước Yên (1626 - 1636) và phủ Bác Vọng (1712 - 1738).

Bình minh trên phá Tam Giang (Thừa Thiên Huế). Ảnh: Nguyễn Quang Ngọc
Bình minh trên phá Tam Giang (Thừa Thiên Huế). Ảnh: Nguyễn Quang Ngọc

Tự hào hơn khi Quảng Ðiền là quê hương của hai chiến sĩ cách mạng tiền bối: Ðại tướng Nguyễn Chí Thanh và đồng chí Tố Hữu, nhà lãnh đạo, nhà thơ cách mạng đầu đàn của văn học Việt Nam. Giá trị của vỉa tầng ký ức văn hóa lịch sử ấy đang được Quảng Ðiền gìn giữ và phát huy.

Xã Quảng Thọ, huyện Quảng Ðiền là vùng đất nằm ven con sông Bồ hiền hòa. Về Quảng Thọ đúng dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Tố Hữu, có thể cảm nhận rõ không khí người dân nơi đây tự hào về ông,  trân trọng và tri ân công lao đóng góp của ông cho sự nghiệp cách mạng. Và câu chuyện phát triển của Quảng Thọ đã cuốn hút chúng tôi. Vùng đất nằm bên dòng Bồ Giang đang tiếp tục có bước phát triển tích cực, ổn định, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Xã nông thôn mới Quảng Thọ giờ đây đã mang diện mạo mới. Những con đường làng nối liền các ngõ, xóm được bê-tông hóa khang trang,  nhiều ngôi nhà cao tầng như  tô thắm thêm cho “bức tranh làng quê” mang những cái tên Phước Yên, Niêm Phò, Tân Xuân Lai… Khúc sông Bồ chảy qua Quảng Thọ với chiều dài hơn 7 km thơ mộng giờ cũng là nơi phát triển nghề nuôi cá lồng, đem lại nguồn thu không nhỏ cho nhiều hộ gia đình ở Quảng Thọ.  Ðáng chú ý, những dấu tích một thời oanh liệt vẫn còn đó. Miếu thờ tướng quân Nguyễn Hữu Dật gắn với phủ Phước Yên. Cách đó không xa là Khu công viên văn hóa và Nhà lưu niệm đồng chí Tố Hữu vừa được hoàn thiện nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của nhà thơ (4-10-1920 - 4-10-2020) ở thôn Tân Xuân Lai. Ðây là công trình thể hiện tâm huyết, niềm mong mỏi của Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương muốn có một địa điểm văn hóa, nơi lưu giữ các tư liệu, hiện vật về quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí Tố Hữu trên mảnh đất quê hương nặng ân tình. Nhà lưu niệm sẽ giúp những người yêu thơ Tố Hữu, quý trọng nhân cách nhà cách mạng Nguyễn Kim Thành (tên thật của nhà thơ Tố Hữu), nếu ghé thăm sẽ hiểu hơn mảnh đất đã giúp nhà thơ có những tứ thơ sống mãi trong tâm hồn nhiều thế hệ. Chủ tịch UBND xã Quảng Thọ Hoàng Công Phong cho biết, địa phương tự hào là quê hương của hai nhà cách mạng tiền bối của Ðảng là Ðại tướng Nguyễn Chí Thanh và đồng chí Tố Hữu. Việc khánh thành Khu công viên văn hóa và Nhà lưu niệm đồng chí Tố Hữu tạo thêm một “địa chỉ đỏ” để giáo dục về truyền thống cách mạng của quê hương cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Ðịa phương cũng sẽ phát huy hiệu quả công trình văn hóa ý nghĩa này để phục vụ du khách gần xa có dịp về thăm quê hương của nhà lãnh đạo, nhà thơ cách mạng Tố Hữu.

Nằm ở vùng ven biển, đầm phá, trên địa bàn lại có nhiều cảnh quan, sinh thái đẹp và các di tích lịch sử văn hóa, cách mạng, các lễ hội và làng nghề truyền thống, Quảng Ðiền có nhiều tiềm năng phát triển dịch vụ, du lịch để trở thành ngành kinh tế quan trọng. Những giá trị văn hóa, lịch sử của các di tích cấp quốc gia Khu lưu niệm Ðại tướng Nguyễn Chí Thanh; đình làng Thủ Lễ; Khu lăng mộ và miếu thờ Nguyễn Hữu Dật, và nhiều di tích cấp tỉnh như đình làng Thủy Lập, các chùa Thành Trung, Thiện Khánh, Thủ Lễ… cùng nhiều di tích còn lưu giữ dấu tích của nền văn hóa Chăm-pa một thời... đã và đang được các thế hệ nơi đây giữ gìn và phát huy. Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Quảng Ðiền Trần Công Trực cho biết, Quảng Ðiền đang lưu giữ một kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể khá phong phú, đa dạng. Ngoài ba di tích cấp quốc gia, bảy di tích cấp tỉnh, còn có 17 công trình, địa điểm lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh tiêu biểu nằm trong danh mục bảo vệ của  tỉnh. Thời gian qua, từ nguồn ngân sách và các nguồn xã hội hóa,  huyện tiến hành chỉnh trang, trùng tu, tôn tạo, gìn giữ và phát huy các giá trị di sản văn hóa này. Vỉa tầng ký ức văn hóa lịch sử hàng trăm năm của vùng  đất địa linh với nắng gió sông nước từ sông Bồ, phá Tam Giang làm nên những đặc trưng riêng cho Quảng Ðiền. Có lẽ vì thế, Quảng Ðiền được tỉnh Thừa Thiên Huế chọn để xây dựng huyện điểm văn hóa. Trở thành một vùng quê với nhiều lễ hội đặc sắc như: Ðu tiên Phước Yên; Vật làng Thủ Lễ, bài chòi, bài ghế, cầu ngư, đua ghe… Trong định hướng phát triển của mình, Quảng Ðiền luôn khẳng định, phát triển gắn liền với bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa, bởi đây là thế mạnh riêng có của huyện. Chính vì vậy, trong đầu tư xây dựng nông thôn mới, địa phương hết sức chú trọng việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Tái hiện thành công lễ hội “Sóng nước Tam Giang” để giới thiệu, quảng bá hình ảnh về thiên nhiên, con người và những tiềm năng, thế mạnh của Quảng Ðiền là một minh chứng. Những năm gần đây, lễ hội “Sóng nước Tam Giang” đã gắn kết với các hoạt động văn hóa, thể thao và hình thành các tua du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái nơi vùng biển và đầm phá Tam Giang huyền thoại.

Theo Chủ tịch UBND huyện Trần Quốc Thắng, dù có nhiều tiềm năng và lợi thế, nhưng Quảng Ðiền vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong khai thác, phát triển du lịch. Nguyên nhân là hệ thống giao thông còn nhiều bất cập, ở hai xã vùng biển còn bị cách trở; các sản phẩm du lịch còn nghèo nàn,  chất lượng chưa cao; các loại hình dịch vụ nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí chưa phát triển; các điểm di tích lịch sử, văn hóa theo thời gian bị xuống cấp, chưa được trùng tu, tôn tạo kịp thời... Trong khi sự kết nối giữa các địa phương, đơn vị và doanh nghiệp trong hình thành tua, tuyến du lịch chưa được chú trọng; sự vào cuộc của các doanh nghiệp, nhà đầu tư  để khai thác tiềm năng vùng phá Tam Giang còn khiêm tốn...

Giai đoạn 2020 - 2025, Ðảng bộ, chính quyền huyện Quảng Ðiền đã xác định “Phát triển dịch vụ - du lịch” là một trong hai chương trình trọng điểm. Theo đó, huyện tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, có cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân từng bước chuyên nghiệp hóa du lịch; tăng cường xúc tiến, giới thiệu, quảng bá du lịch.  Trong chương trình phát triển du lịch, dịch vụ, Quảng Ðiền coi trọng việc liên kết với các tổ chức, doanh nghiệp trong việc khai thác tiềm năng, lợi thế vùng ven biển, đầm phá Tam Giang, các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng, các làng nghề truyền thống trên địa bàn. Chủ tịch UBND huyện Trần Quốc Thắng cho biết, để tạo sự đột phá về phát triển kinh tế trên địa bàn, Quảng Ðiền sẽ mở rộng và phát triển thị trường du lịch, đa dạng hóa các sản phẩm và dịch vụ để thu hút khách tham quan. Huyện tổ chức kêu gọi và tạo điều kiện cho các dự án, nhà đầu tư có quy mô, tầm chiến lược tham gia đầu tư tại các khu trọng điểm phát triển du lịch - dịch vụ Ðông Quảng Lợi, vùng biển Quảng Công, Quảng Ngạn... Hợp tác với các huyện trong tỉnh và các tỉnh lân cận, nhất là với các công ty lữ hành, doanh nghiệp du lịch  để hình thành được một số tua, tuyến du lịch thường xuyên trên địa bàn và khu ẩm thực đặc sản vùng biển, đầm phá Tam Giang; phấn đấu  mỗi xã phát triển ít nhất một sản phẩm du lịch… Huyện cũng có cơ chế chính sách ưu đãi đối với các dự án ưu tiên đầu tư; ưu đãi đặc biệt cho các tổ chức, cá nhân đầu tư, kinh doanh, xây dựng các khu du lịch - vui chơi giải trí nhằm tạo ra những sản phẩm đặc trưng. Quảng Ðiền cũng xác định, một trong những yếu tố quyết  định thành công trong phát triển du lịch, dịch vụ là phát huy truyền thống vùng đất văn hóa, tôn tạo và phục dựng các lễ hội dân gian truyền thống đặc trưng. Huyện sẽ chú trọng khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống như: đan lát Bao La, đan lát Thủy Lập, làng rau Thành Trung, nghề nón Vân Căn, bún Ô Sa, làng hoa cây cảnh La Vân Hạ... Phát huy nghề sản xuất các đặc sản như: tôm chấy, chả da, gạo đỏ, gạo thơm, bánh ướt thịt heo Phú Lễ..., nhằm góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch.