Ngày Gia đình Việt Nam 28-6

Văn hóa ứng xử tốt đẹp phải bắt đầu từ gia đình

NDO -

NDĐT- Trong nhiều năm qua, chủ đề của công tác gia đình là xây dựng nhân cách người Việt Nam từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình. Năm 2020, Ngày Gia đình Việt Nam 28-6 lấy việc giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp làm trọng tâm. Phóng viên Nhân Dân điện tử đã có cuộc trò chuyện với bà Trần Tuyết Ánh, Vụ trưởng Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về vấn đề này.

Bà Trần Tuyết Ánh, Vụ trưởng Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Bà Trần Tuyết Ánh, Vụ trưởng Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Phóng viên: Trước hết, bà có thể cho biết, những nội dung cụ thể trong chủ đề của Ngày Gia đình Việt Nam năm nay là gì?

Bà Trần Tuyết Ánh, Vụ trưởng Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Chủ đề Ngày Gia đình Việt Nam năm 2020 là “Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình”. Từ năm 2001 đến nay, Ngày Gia đình Việt Nam được coi là một trong những sự kiện văn hóa để tôn vinh những giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình - dân tộc.

Trong suốt chiều dài lịch sử, gia đình luôn là nơi nuôi dưỡng và trao truyền các giá trị văn hóa ứng xử tốt đẹp của con người Việt Nam như sự hòa thuận, thủy chung, tình yêu thương, bao dung, đức hy sinh, hiếu thuận, sự tôn trọng và niềm tự hào về cội nguồn, dân tộc. Cha ông ta từ ngàn đời nay luôn chú trọng dạy con cháu cách “đối nhân xử thế”, học trước hết phải học làm người, giáo dục đạo đức con người là gốc, và phải bắt đầu từ giáo dục gia đình.

Trong bối cảnh phát triển và hội nhập của Việt Nam hiện nay, gia đình không chỉ là nơi bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa ứng xử tốt đẹp của dân tộc, mà còn là nơi phát huy chúng. Gia đình làm tốt chức năng giáo dục sẽ cung cấp cho xã hội những nhân cách ứng xử văn minh, vừa thể hiện những giá trị truyền thống tốt đẹp vừa phù hợp với những giá trị phổ quát của nhân loại hiện nay. Từ đó, góp phần vào việc xây dựng xã hội văn minh và hạnh phúc.

Mặt khác, hiện nay, chúng ta phải đối mặt với nhiều vấn đề nhức nhối như suy thoái đạo đức, lối sống thực dụng, sự vô cảm, mâu thuẫn, xung đột từ trong gia đình đến ngoài xã hội… Tôi cho rằng, một trong những nguyên nhân chính là do gia đình chưa làm tốt chức năng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống cho các thành viên, mà ở đó uốn nắn, rèn rũa hành vi ứng xử vừa là mục tiêu vừa là phương thức cơ bản.

Văn hóa ứng xử tốt đẹp phải bắt đầu từ gia đình ảnh 1

Phóng viên: Vậy bà có thể nói rõ hơn vấn đề giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống trong gia đình?

Bà Trần Tuyết Ánh: Một trong những chức năng cơ bản của gia đình là giáo dục. Quá trình xã hội hóa của trẻ bắt đầu từ môi trường gia đình. Cha mẹ chủ động dạy dỗ con cái học hỏi các kỹ năng xã hội và trẻ em cũng quan sát, bắt chước các hành vi của cha mẹ và các thành viên khác trong gia đình. Ông, bà, cha mẹ, anh chị em trong gia đình là những “người thầy” đầu tiên và có ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển nhân cách của trẻ em.

Thực tế cho thấy, gia đình nào quan tâm, chú trọng đến giáo dục đạo đức, lối sống, nhân cách, thì trẻ em có xu hướng trở thành người có đạo đức, lối sống lành mạnh, đúng mực và ngược lại.

Nhận thức sâu sắc vấn đề này, ngày 9-6-2020, tại Kết luận của Bộ Chính trị về việc tiếp tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước cũng khẳng định: “Đề cao vai trò, trách nhiệm và các giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình trong việc nuôi dưỡng, giáo dục và bảo vệ thanh thiếu nhi, cùng với nhà trường giáo dục, hình thành nhân cách, đạo đức trong sáng và kỹ năng ứng xử xã hội văn minh”.

Phóng viên: Vậy yếu tố tiên quyết để thực hiện tốt chủ trương nêu trên là gì, thưa bà?

Bà Trần Tuyết Ánh: Trước hết, mỗi thành viên trong gia đình đặc biệt là ông, bà, cha, mẹ cần phải là tấm gương sáng về đạo đức, lối sống cho con cháu noi theo. Sẽ rất khó để giáo dục trẻ khi bản thân người lớn mắc những thói hư, tật xấu. Vì thế, bản thân người lớn cũng như trẻ em trong gia đình cần phải hiểu rõ và được giáo dục về các giá trị văn hóa truyền thống của gia đình, các giá trị đạo đức, lối sống nhân văn, tốt đẹp.

Bên cạnh đó, điều kiện không thể thiếu đó là ông, bà, cha, mẹ cần có sự quan tâm, dành thời gian cho con cháu để không chỉ khuyên răn, dạy bảo con cháu mà còn chia sẻ với con cháu những tâm tư, tình cảm, khó khăn của tuổi mới lớn, đưa ra những lời khuyên bổ ích. Cha mẹ cũng cần có sự trao đổi thường xuyên với thầy cô giáo của con ở trường về tình hình của con để kịp thời nắm bắt tình hình, giáo dục con. Một gia đình có sự yêu thương, chia sẻ sẽ là nền tảng vững chắc cho đời sống hạnh phúc của mỗi thành viên.

Tôi lấy thí dụ, đối với cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã và đang thành công trong việc ứng phó với đại dịch Covid-19. Một trong những yếu tố làm nên kỳ tích đó là các gia đình đã làm rất tốt vai trò giáo dục, bảo vệ các thành viên. Gia đình chính là nơi hiện thực hóa các chương trình, chiến dịch, thông điệp truyền thông phòng, chống dịch thông qua thực hành các hành vi cụ thể như rửa tay thường xuyên, sử dụng khẩu trang đúng quy định, thực hiện tốt giãn cách xã hội. Thậm chí, nhiều người cho tôi biết họ đã thực hiện tốt việc phòng, chống dịch nhờ sự “nhắc nhở, giám sát” của chính con mình.

Hay như vấn đề bảo vệ môi trường hiện nay. Chúng ta nói rất nhiều đến việc để bảo vệ môi trường thì hành động đầu tiên cần làm là phân loại rác tại gia đình. Vậy nếu chúng ta không làm tốt việc giáo dục nhận thức, uốn nắn hành vi phân loại rác, xả rác đúng nơi quy định cho trẻ em trong nhà thì làm sao chúng ta có thể tạo ra một “thế hệ xanh” để xây dựng mội “tương lai xanh” cho đất nước?

Phóng viên: Ngoài ra, sẽ còn cần điều kiện nào khác để gia đình làm tốt vai trò giáo dục đạo đức, lối sống không, thưa bà?

Bà Trần Tuyết Ánh: Bên cạnh đó, để gia đình có thể thực hiện tốt điều trên, rất cần có sự phối hợp của các cơ quan có liên quan, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức từ Trung ương đến địa phương, của gia đình, nhà trường và toàn xã hội đẩy mạnh tuyên truyền về những giá trị đạo đức, lối sống, giá trị văn hóa gia đình, những quy tắc ứng xử chuẩn mực giữa các thành viên gia đình…

Từ năm 2014 đến nay, chủ đề công tác gia đình là “Xây dựng nhân cách người Việt Nam từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình”. Chủ đề này được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai rộng khắp trong nhiều năm qua. Đây cũng là thông điệp nhấn mạnh vị trí, vai trò của gia đình trong việc xây dựng nhân cách, phát triển toàn diện con người.

Nói tóm lại, để xây dựng văn hóa ứng xử tốt đẹp của xã hội, của đất nước, trước hết phải bắt đầu từ giáo dục gia đình, đặc biệt là đối với trẻ em.

Phóng viên: Thưa bà, Vụ Gia đình đã tham mưu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai đề án tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình từ năm 2010 đến nay. Vậy quá trình triển khai đề án này trong 10 năm qua đã đạt được những kết quả gì?

Bà Trần Tuyết Ánh: Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xác định là một nhiệm vụ trọng tâm của công tác quản lý nhà nước về gia đình.

Trong giai đoạn 2010-2020, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phê duyệt Đề án Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam giai đoạn 2010-2020. Đề án đã được triển khai, thực hiện trên phạm vi toàn quốc với mục tiêu chung là tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các tầng lớp nhân dân đối với việc giữ gìn, phát huy các giá trị đạo đức, lối sống, cách ứng xử tốt đẹp trong gia đình, thông qua các hoạt động tuyên truyền, giáo dục thiết thực, phù hợp với điều kiện và đặc thù của từng địa phương.

Trong 10 năm qua, 100% các bộ, ngành, địa phương đã triển khai, phối hợp thực hiện Đề án, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị chung của ngành; đồng thời hướng tới giảm thiểu bạo lực gia đình, thực hiện bình đẳng trong gia đình, tạo mối quan hệ gia đình thêm bền chặt, gắn bó, hạn chế những tiêu cực xã hội ảnh hưởng tới gia đình, để xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc.

Đề án cũng xây dựng, duy trì và nhân rộng mô hình lồng ghép nội dung tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống gia đình trong các cuộc sinh hoạt cộng đồng, tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng và hệ thống truyền thanh cơ sở, xây dựng, biên tập và nhân bản các tài liệu tuyên truyền, xây dựng chuyên mục truyền thanh định kỳ về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình trên sóng kênh VOV2 - Đài Tiếng nói Việt Nam, các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam, các báo, tạp chí Trung ương... Các nội dung giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình luôn được lồng ghép hiệu quả trong các hoạt động truyền thông cao điểm nhân Ngày Quốc tế hạnh phúc 20-3, Ngày Gia đình Việt Nam 28-6, Chiến dịch truyền thông Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình, Tháng hành động quốc gia về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực với phụ nữ 25-11...

Năm 2020, Bộ sẽ tổng kết trên toàn quốc Đề án giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, đánh giá toàn diện, khách quan những kết quả đã đạt được, những khó khăn, vướng mắc. Từ đó đưa ra những kiến nghị, giải pháp để thực hiện công tác này hiệu quả hơn trong thời gian tới, góp phần thiết thực vào xây dựng gia đình hạnh phúc, văn minh và xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện.

Trân trọng cảm ơn bà!