Tranh giả và trách nhiệm người nghệ sĩ

Mới đây, trước sự lên tiếng mạnh mẽ của giới mỹ thuật Việt Nam, nhà đấu giá nghệ thuật tên tuổi Sotheby’s Hong Kong đã rút các tác phẩm được cho là của hai danh họa Việt Nam khỏi danh mục các phiên đấu giá sắp tới tại Hồng Công (Trung Quốc). Hai bức tranh này hiện đang được trưng bày, lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Bản gốc bức tranh Hai thiếu nữ trước bình phong của danh họa Trần Văn Cẩn đang được trưng bày và bị xuống cấp tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Bản gốc bức tranh Hai thiếu nữ trước bình phong của danh họa Trần Văn Cẩn đang được trưng bày và bị xuống cấp tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Tranh giả Việt Nam đắt giá ở nước ngoài

Tại các phiên đấu giá "Modern and comtemporary southeast Asian art" diễn ra vào ngày 5 và 6-10 tới tại Hồng Công, Sotheby’s sẽ đưa lên sàn bốn tác phẩm của bốn danh họa Việt Nam thời kỳ Mỹ thuật Ðông Dương, gồm: hai tranh lụa Hai thiếu nữ trước bình phong của Trần Văn Cẩn, Bức thư của Tô Ngọc Vân; hai tranh sơn mài Dân quê Việt của Nguyễn Sáng, Phong cảnh của Nguyễn Gia Trí. Tuy nhiên, ngay sau khi thông tin đấu giá công bố, giới họa sĩ và nghiên cứu mỹ thuật đều cho rằng cả bốn tác phẩm với những nét vẽ thiếu chuyên nghiệp này đều không phải là bản gốc. Ðáng chú ý, hai trong số đó là Bức thư của Tô Ngọc Vân và Hai thiếu nữ trước bình phong của Trần Văn Cẩn được khẳng định là hàng giả

khi chủ sở hữu bản gốc là Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã lên tiếng. Theo Giám đốc Nguyễn Anh Minh, Bảo tàng có đầy đủ bằng chứng, hồ sơ pháp lý để chứng minh nguồn gốc hai tác phẩm. Cụ thể, Bảo tàng đã được nhận tác phẩm Bức thư của Tô Ngọc Vân từ Hội Mỹ thuật Việt Nam tháng 8-1964, hiện đang lưu giữ trong kho bảo quản; tác phẩm Hai thiếu nữ trước bình phong được sưu tầm năm 1970, với giá 300 đồng… Ðược biết, trong phiên đấu giá tại Hồng Công sắp tới, Sotheby’s sẽ đấu giá bản phiên Hai thiếu nữ trước bình phong với giá ước đoán 60.000 đến 90.000 HKD (khoảng 1,75 đến 2,6 tỷ đồng) và bản phiên Bức thư của Tô Ngọc Vân với giá ước đoán 800.000 đến 1.500.000 HKD (khoảng 23 đến 43,5 tỷ đồng).

Nhiều năm qua, tranh Việt Nam, đặc biệt là của các danh họa thuộc thế hệ Trường cao đẳng Mỹ thuật Ðông Dương, luôn được thị trường mỹ thuật thế giới ưa chuộng, săn tìm. Lịch sử ghi nhận những phiên đấu giá "thắng lớn" cả số lượng và giá trị của tranh Việt Nam. Cụ thể, gần đây, trong phiên đấu giá "Nghệ thuật hiện đại và đương đại Ðông - Nam Á" tháng 4-2018 tại Sotheby’s Hong Kong, có tới 43 trong tổng số 45 tác phẩm nghệ thuật Việt Nam được đấu giá thành công. Tại phiên đấu "Thế kỷ 20 và nghệ thuật đương đại" diễn ra tại Nhà đấu giá nghệ thuật Christie’s Hong Kong vào tháng 5-2019, có 138 trong tổng số 232 lô hàng dành cho nghệ thuật và toàn bộ tranh Việt Nam được bán; trong đó, một bức tranh của danh họa Lê Phổ đạt mức 1,391 triệu USD (khoảng 32,5 tỷ đồng), tăng giá hơn 250% so với mức khởi điểm; lập kỷ lục tranh Việt Nam đắt giá nhất trên thị trường quốc tế.

Cũng bởi giá trị không nhỏ cho nên tác phẩm của các họa sĩ nổi tiếng Việt Nam lâu nay hay bị làm giả để kiếm lời cả ở thị trường trong nước và nước ngoài. Theo họa sĩ Uyên Huy, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh, sau thời kỳ đổi mới (đầu những năm 90 của thế kỷ 20), nhiều nhà sưu tập nước ngoài săn lùng tác phẩm của các danh họa miền bắc. Chỉ một thời gian sau, tranh giả xuất hiện, có người còn "chép" tranh của chính cha, ông mình. Nhà sưu tập chuyển sang tìm mua tác phẩm của họa sĩ trẻ nhưng cũng bị làm giả. Từ đó đến nay, tranh giả liên tục lũng đoạn thị trường và tuồn ra sàn đấu giá nước ngoài không ít. Nhiều ý kiến trong giới nhận định, có hẳn một đường dây chuyên sao chép tranh giả để cung cấp cho các đầu mối ở nước ngoài. Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi hiện đang sinh sống tại Pháp, phần lớn trường hợp tranh giả là do họa sĩ Việt Nam chép, giả tranh của danh họa thế hệ Mỹ thuật Ðông Dương rồi đưa vào các ga-lơ-ry bên Pháp. Nhiều nhà sưu tập trong nước lại tưởng rằng tranh ở Pháp đã được kiểm chứng bèn mua về. Trường hợp triển lãm Những bức tranh trở về từ châu Âu tại Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh năm 2016 là một minh chứng cho điều này, khi toàn bộ 17 tác phẩm trưng bày triển lãm của bảy danh họa Mỹ thuật Ðông Dương được ông Vũ Xuân Chung mua lại từ một nhà sưu tầm người Pháp, mang từ Pháp về bị phát hiện là tranh giả và mạo danh tác giả…

Không thể lặng im

Ðây không phải lần đầu tiên Nhà đấu giá nghệ thuật Sotheby’s Hong Kong đưa tranh giả của Việt Nam lên sàn đấu giá. Còn nhớ, cách đây nhiều năm, Sotheby’s Hong Kong thông tin trên trang web sẽ tổ chức bán năm bức tranh của họa sĩ Bùi Xuân Phái. Khi phát hiện ra trong số đó chỉ có bức Mèo đỏ là tranh thật, họa sĩ Bùi Thanh Phương, con trai Bùi Xuân Phái đã gửi thư cảnh báo tới nhà đấu giá. Trước phản ứng của gia đình, Sotheby’s đã gỡ thông tin nhưng phiên đấu giá vẫn diễn ra như dự định, ba trong số năm tác phẩm được bán, trong đó có bức tranh thật Mèo đỏ. Năm 2017, bức Ðời sống gia đình của họa sĩ Lê Phổ, dù bị nghi ngờ là tranh giả cũng được Sotheby’s Hong Kong đấu giá đạt hơn 1 triệu USD…

Trở lại sự việc phiên đấu giá "Modern and comtemporary southeast Asian art", vừa qua, trước sự lên tiếng mạnh mẽ của giới mỹ thuật trong nước Việt Nam, Sotheby’s Hong Kong đã rút hai bức tranh Bức thư và Hai thiếu nữ trước bình phong khỏi phiên đấu giá sắp tới. Có thể thấy, đây là lần đầu tiên Sotheby’s quan tâm lắng nghe ý kiến từ phía Việt Nam và có động thái tích cực; cũng là lần đầu tiên giới mỹ thuật nước nhà đạt được thành quả sau nhiều tiếng nói phản ứng trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội. Bởi nếu chúng ta im lặng và Sotheby’s Hong Kong hay các nhà đấu giá khác vẫn tiếp tục đưa ra những tác phẩm giả mạo, kém chất lượng sẽ không chỉ gây thiệt hại cho nhà sưu tập mà còn ảnh hưởng nặng nề đến danh tiếng của họa sĩ và thị trường nghệ thuật Việt Nam. Theo Cục trưởng Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm Vi Kiến Thành, về mặt quản lý nhà nước chúng ta không dễ dàng can thiệp, xử lý được những vụ việc này vì mỗi nước đều có quy định pháp lý riêng về vấn đề bản quyền và sở hữu trí tuệ. Do đó, phản ứng của giới nghệ sĩ và đặc biệt là những người chủ sở hữu tranh thật là rất cần thiết, góp phần làm rộng đường dư luận, có tác động tích cực với nạn mua bán tranh giả. Nhà nghiên cứu mỹ thuật Phạm Long cho rằng, các cơ quan, hội chuyên ngành cần lên tiếng về những hiện tượng này; Hội Mỹ thuật Việt Nam không chỉ cần bảo vệ uy tín, quyền lợi hội viên đang sống mà còn phải có trách nhiệm với những người đã khuất.

Cuộc chiến chống tranh giả vẫn còn là một hành trình đầy khó khăn, phức tạp, nhất là khi liên quan đến yếu tố nước ngoài. Vì vậy, bên cạnh sự cần thiết của tác giả trong hành động tự bảo vệ mình, các nhà quản lý và chuyên môn vẫn tiếp tục kêu gọi giới sưu tập và người mua tranh cần trở thành những "người tiêu dùng thông thái", chủ động trang bị kiến thức, đồng thời nhạy bén nắm bắt thông tin liên quan đến thị trường mỹ thuật để tránh những sai lầm, bị thiệt hại.