Tín hiệu vui từ các cây bút trẻ

Đã thành truyền thống, 5 năm một lần, Bộ Quốc phòng tiến hành xét, trao Giải thưởng văn học nghệ thuật, báo chí về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng. Trong số hàng trăm tác giả tham dự xét giải ở chuyên ngành văn học lần này (từ năm 2014 đến 2019), đáng chú ý là sự xuất hiện của các cây bút thuộc “thế hệ 7x, 8x” - những người được sinh ra và trưởng thành trong thời bình.

Nhóm tác giả trẻ trong lực lượng quân đội bên thềm lễ trao giải thưởng.
Nhóm tác giả trẻ trong lực lượng quân đội bên thềm lễ trao giải thưởng.

Thu hút được một đội ngũ các cây bút trẻ tham dự giải thưởng là một tín hiệu đáng mừng; đồng thời khẳng định, đây là giải thưởng có truyền thống, uy tín trong hệ thống giải thưởng văn học về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng. Bên cạnh đó, cũng chứng tỏ, tuy mảng đề tài khó, đầy thử thách, nhưng vẫn có sức hấp dẫn riêng đối với các cây bút trẻ với nhiều thể loại, đề tài văn học được khai thác.

Về trường ca, thể loại đòi hỏi người viết ngoài tài năng văn chương còn phải có vốn sống, kiến thức dày dặn, am hiểu đề tài mình theo đuổi, như: Sóng trầm biển dựng (Đoàn Văn Mật), Bình nguyên đỏ (Lý Hữu Lương), Sa mộc (Phạm Vân Anh)… Về thơ, có Cột mốc trong người của Nguyễn Quang Hưng… Bút ký, thể loại có số lượng tác giả tham dự nhiều hơn cả, cũng xuất hiện những tác phẩm nổi bật: Mùa tân binh (Uông Triều), Những giấc mơ biên thùy (Ngô Tiến Mạnh), Hành trình của dấu giày (Hoàng Thị Trúc Ly), Trường Sa nơi trái tim gửi lại (Trịnh Văn Dũng), Ngọn đèn trong bão lửa (Phạm Xuân Trường)... và cả những cuốn tản văn, ghi chép kết hợp ảnh như Nơi đầu sóng của Lữ Mai - Trần Thành. Lý luận phê bình, thể loại vốn yêu cầu người viết phải có nền tảng lý luận vững chắc và sự nhạy bén của ngòi bút cũng ghi nhận sự tham gia của nhiều cây bút phê bình trẻ sáng giá, gồm: Bên gốc đại nhà số 4 (Hoàng Đăng Khoa), Ngọn sáng (Nguyễn Thanh Tâm), Chạm (Xuân Hùng)… Sự đa dạng về thể loại, đề tài kể trên cũng là một tín hiệu cho thấy sự phong phú của các tác phẩm dự giải và nhịp chuyển động của đời sống văn học ở mảng đề tài luôn chứa đựng nhiều thách thức này.

Tác giả Lý Hữu Lương (sinh năm 1988) là một người lính dân tộc Dao đã sớm chững chạc với trường ca Bình nguyên đỏ tái hiện cuộc chiến đấu của những người lính tình nguyện Việt Nam đoàn kết cùng bộ đội Pa-thét Lào trong cuộc chiến chống quân xâm lược. Xuyên suốt tác phẩm là những câu thơ ca ngợi tình đồng chí hai nước Việt Nam - Lào, tình cảm của những người lính xa quê đã chiến đấu, hy sinh và phải nằm lại Cánh đồng Chum bên nước bạn, là những day dứt khôn nguôi giữa người ra đi và người ở lại. Bút ký Mùa tân binh của Uông Triều mang lại cho bạn đọc cái nhìn toàn cảnh về người chiến sĩ trong đời sống tình cảm cũng như trong rèn luyện, học tập, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời bình. Cùng thể loại, Ngọn đèn trong bão lửa của Phạm Xuân Trường tái hiện cuộc đời của “bà má Nam Bộ” Sáu Ngẫu - Huỳnh Thị Sáu trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ngọn sáng của Nguyễn Thanh Tâm, Bên gốc đại nhà số 4 của Hoàng Đăng Khoa, Chạm của Xuân Hùng… là những tập tiểu luận phê bình đóng góp nhiều chuyên luận công phu, phân tích kỹ lưỡng những đặc trưng nền văn học cách mạng và hình ảnh người lính Cụ Hồ qua từng giai đoạn, dựng nên những chân dung nhà văn quân đội tiêu biểu một cách sinh động.

Một điểm nhấn trong các tác phẩm của những cây bút trẻ tham gia dự, xét giải lần này là sự tập trung vào đề tài Trường Sa và người lính hải quân. Quần đảo Trường Sa, cột mốc tiền tiêu thiêng liêng của Tổ quốc và hình ảnh người lính ngày đêm canh giữ biển trời lâu nay là một đề tài lớn, gợi nguồn cảm hứng sáng tạo cho bao thế hệ văn nghệ sĩ. Việc các cây bút trẻ thử sức với đề tài mà thế hệ nhà văn đi trước đã ghi dấu ấn, đã thể hiện tinh thần dấn thân, tiếp nối “huyết mạch” của nền văn học nghệ thuật nước nhà, đồng thời cũng chính là tình yêu nước, lòng trắc ẩn dấy lên trong trái tim họ sau những chuyến thực tế tới vùng biển, đảo tiền tiêu. Trường Sa nơi trái tim gửi lại của Trịnh Văn Dũng là những ghi chép thú vị về đời sống, sinh hoạt của quân và dân tại quần đảo Trường Sa. Sự kết hợp khéo léo giữa những tản văn, ghi chép của Lữ Mai - Trần Thành trong Nơi đầu sóng đem đến cảm nhận vừa chân thực, tươi mới, vừa lãng mạn về Trường Sa. Trường ca Sóng trầm biển dựng của Đoàn Văn Mật lấy cảm hứng từ hành trình khai phá và sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng xuyên suốt trong lịch sử hàng nghìn năm cho đến thời đại Hồ Chí Minh của dân tộc ta. Với lối viết giàu cảm xúc, kỹ lưỡng, đậm chất suy tưởng và chiêm nghiệm, qua năm chương: Phía biển, Gạc Ma ngày sóng đỏ, Bão nhà giàn, Hoàng Sa ngày không xa lắm, Cửa sông, tác giả Đoàn Văn Mật đã dựng nên vẻ đẹp của quá trình khai phá, bám đảo, giữ đảo hào hùng với hình ảnh người lính hải quân muôn đời bất tử.

Niềm đam mê, nỗ lực với tinh thần dấn thân, không ngại thử thách của các tác giả trẻ với đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng đã đem lại cho họ những thành công bước đầu ở cuộc xét giải lần này. Những giải thưởng trao tặng cho các tác giả thể hiện sự ghi nhận của Bộ Quốc phòng đối với những đóng góp của thế hệ trẻ. Hy vọng, sau nguồn khích lệ này, họ càng có thêm động lực, cảm hứng để tiếp tục dấn thân, ấp ủ và cho ra đời những tác phẩm ngày càng công phu, chất lượng.