Thông thoáng nhưng cần cụ thể hơn

Ngày 25-3 vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị phổ biến Nghị định số 144/2020/NĐ-CP ngày 14-12-2020 của Chính phủ quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Nghị định chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1-2-2021, thay thế cho Nghị định số 79/2012/NĐ-CP ngày 5-10-2012 của Chính phủ quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu và Nghị định số 15/2016/NĐ-CP ngày 15-3-2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 79/2012/NĐ-CP. Với “sáu cắt, bốn thêm, tám điều chỉnh” so với các nghị định cũ, Nghị định số 144/2020/NĐ-CP gồm năm chương, 31 điều được đánh giá là hoàn thiện hơn, bám sát thực tiễn hơn; đủ sức tạo hành lang pháp lý để thúc đẩy sáng tạo nghệ thuật.

Theo đó, nhiều thủ tục hành chính được cắt giảm, đơn giản hóa gắn liền quy định bỏ cấp phép đối với một số hoạt động như: Tổ chức thi người đẹp, người mẫu; phổ biến tác phẩm âm nhạc, sân khấu; biểu diễn nghệ thuật tại Việt Nam của người nước ngoài hay người Việt Nam định cư ở nước ngoài… Những thay đổi theo hướng cởi mở này được xem là phù hợp và cần thiết, góp phần giải quyết nhiều khúc mắc tồn đọng trong đời sống nghệ thuật biểu diễn nước nhà thời gian qua, như thiếu thống nhất trong cấp phép ca khúc trước và sau năm 1975, hạn chế trong cấp phép biểu diễn cho nghệ sĩ hải ngoại hay tình trạng liên tục xuất hiện những cuộc thi nhan sắc “chui”, người đẹp thi “chui” tại các đấu trường quốc tế… Đi kèm sự thông thoáng này, để nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước, Nghị định cũng tăng cường thêm nhiều quy định mới giúp thắt chặt khâu hậu kiểm, cụ thể như quy định về các trường hợp dừng hoạt động biểu diễn nghệ thuật, thu hồi danh hiệu, giải thưởng, hủy kết quả, cuộc thi liên quan khi phát hiện sai phạm…
 
 Cùng với đó là những quy định mới về biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động nghệ thuật biểu diễn trên hệ thống phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, được kỳ vọng sẽ góp phần làm trong sạch hơn đời sống nghệ thuật nước nhà, nhất là trên môi trường mạng vốn tồn tại nhiều lộn xộn, thời gian qua. Bên cạnh đó, một trong những điểm mới đáng chú ý trong Nghị định số 144/2020/NĐ-CP là sự phân cấp quản lý cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở địa phương. Thay vì việc các đơn vị tổ chức tùy theo chương trình, đối tượng phải xin cấp phép ở Cục Nghệ thuật biểu diễn hay sở văn hóa, thể thao và du lịch (hoặc sở văn hóa và thể thao) các tỉnh, thành phố như trước thì từ nay, tổ chức biểu diễn ở đâu sẽ phải xin cấp phép ở đó. Việc phân cấp quản lý theo địa bàn giúp hoạt động biểu diễn nghệ thuật được theo dõi sát sao, công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm cũng sẽ kịp thời, thuận lợi hơn…
 
 Có thể thấy, Nghị định số 144/2020/NĐ-CP đã đưa ra nhiều thay đổi mạnh mẽ theo hướng linh hoạt hơn, góp phần “cởi trói” cho nhiều hoạt động biểu diễn nghệ thuật; vừa tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân sáng tạo và hưởng thụ giá trị văn hóa nghệ thuật, vừa bảo đảm công tác quản lý nhà nước phát huy hiệu lực, hiệu quả; đồng thời có tính thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, cũng vì chứa đựng nhiều điểm mới cho nên dù đã có hiệu lực thi hành gần hai tháng, nghị định này vẫn gây một số lúng túng trong việc thực hiện với các đối tượng liên quan, kể cả những đơn vị tổ chức biểu diễn và những người chịu trách nhiệm quản lý nghệ thuật địa phương. Tại hội nghị phổ biến nghị định vừa diễn ra, không ít đơn vị nghệ thuật có chung thắc mắc về quy trình xin được chấp thuận tổ chức khi muốn biểu diễn tại nhiều địa phương. Thí dụ, nếu là chương trình đã được Bộ cấp phép thì khi lưu diễn ở các địa phương có cần xin cấp phép lại hay không, hoặc cần những thủ tục gì để có thể tổ chức biểu diễn? Xin cấp phép hoặc thông báo tới đơn vị chuyên môn nào ở địa phương, có mất phí và mất thời gian thẩm định…? Đối với chương trình phục vụ chính trị hay chương trình kinh doanh bán vé thì việc cấp phép như thế nào và có gì khác nhau?... Nhiều địa phương cũng bày tỏ băn khoăn về trường hợp nào thì cần phân cấp chấp thuận tổ chức cấp tỉnh, trường hợp nào thì phân cấp chấp thuận tổ chức cấp huyện.
 
 Bên cạnh đó, một số thay đổi trong nghị định mới cũng khiến dư luận đặt ra những lo ngại. Chẳng hạn, việc không giới hạn số lượng các cuộc thi người đẹp sẽ khiến các cuộc thi này vốn đã như “nấm mọc sau mưa” nay sẽ càng được dịp bùng nổ, dẫn đến nhiều hệ lụy như tình trạng loạn danh hiệu, thậm chí mua bán danh hiệu, lợi dụng các cuộc thi “ao làng” để thu lợi, cổ xúy cho việc theo đuổi những giá trị, danh xưng ảo… Hoặc việc bỏ quy định cấm hát nhép cũng dễ vô tình tạo điều kiện cho việc hát nhép phổ biến hơn, làm giảm tính chuyên nghiệp trong hoạt động nghệ thuật… Thực tế này đòi hỏi cần có những hướng dẫn thật chi tiết, cụ thể khi thực hành nghị định, để nghị định mới thật sự đi vào cuộc sống, trở thành hành lang pháp lý vừa thông thoáng vừa chặt chẽ cho hoạt động nghệ thuật biểu diễn.