Diễn đàn chủ nhật

Thắp lửa nhân ái

Mới đây, Hoa hậu Việt Nam năm 2016 Ðỗ Mỹ Linh đã đăng ký hiến mô, tạng và bày tỏ mong muốn hành động của mình sẽ được lan tỏa trong cộng đồng qua những giá trị thiết thực, nhân văn.

Quyết định của Mỹ Linh xuất phát từ cảm xúc về bé Hải An bảy tuổi ở Hà Nội đã hiến giác mạc sau khi qua đời vì căn bệnh ung thư. Ðây là câu chuyện lay động hàng triệu trái tim bởi ngoài giá trị y học là mang lại ánh sáng cho hai người khác, đó còn là tấm lòng nhân ái, yêu thương, theo đúng tinh thần cao đẹp của nghĩa cử hiến mô, tạng: Cho đi là còn mãi. Nhắc về con gái mình, mẹ bé Hải An từng tự hào chia sẻ: “Hải An có đôi mắt rất sáng, nhưng tâm còn sáng hơn nhiều”. Trở về từ ca lấy giác mạc đặc biệt ấy, Giám đốc Ngân hàng Mắt, Bệnh viện Mắt Trung ương Nguyễn Hữu Hoàng nói đầy xúc động: “Cô bé nằm đó như một thiên thần. Chúng tôi bắt đầu công việc một cách nhẹ nhàng và cẩn thận nhất có thể, như sợ sẽ phá giấc ngủ ngon lành của bé”. Sau khi câu chuyện được lan tỏa, Trung tâm Ðiều phối ghép tạng quốc gia đã tiếp nhận hàng nghìn đơn đăng ký hiến mô, tạng, trong đó có mẹ bé Hải An.

Trước Hoa hậu Ðỗ Mỹ Linh, nhiều nghệ sĩ trong nước đã đăng ký hiến mô, tạng như: Quyền Linh, Việt Trinh, Minh Hương... và kêu gọi công chúng cùng tuyên truyền, hành động. Sau khi Ðỗ Mỹ Linh đăng ký hiến mô, tạng, nhiều người hâm mộ, thí sinh các cuộc thi sắc đẹp cũng tiếp nối hành động đẹp đẽ này. Nên nói thêm là kể từ khi đăng quang Hoa hậu Việt Nam năm 2016, Ðỗ Mỹ Linh thường xuyên tham gia các hoạt động nhân ái, thiện nguyện. Tại cuộc thi Hoa hậu thế giới 2017, dự án đưa điện sáng đến với vùng cao của cô lọt tốp năm dự án nhân ái xuất sắc nhất. Có thể nhận thấy, những hành động vì cái thiện, cái đẹp trong cuộc sống vốn được chắt chiu, vun đắp bằng những nỗ lực trong suốt cả quá trình với cái tâm trong sáng chứ không đơn giản chỉ là sự tùy hứng, cố tình đánh bóng tên tuổi như những hoài nghi thiếu tích cực vẫn được đặt ra, nhất là đối với người của công chúng.

Theo Trung tâm Ðiều phối ghép tạng quốc gia, thời gian mới đi vào hoạt động, số lượng người hiến mô, tạng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Sau một năm hoạt động, trung tâm chỉ vận động được vài trăm người đăng ký, chủ yếu là cán bộ của chính trung tâm và đội ngũ y sĩ, bác sĩ, nhà báo theo dõi mảng y tế. Ðến nay, đáng mừng là số lượng người đăng ký hiến mô, tạng sau khi chết hoặc chết não lên đến khoảng 20 nghìn người. Nhờ đó, liên tiếp các ca ghép tạng trên cả nước diễn ra thành công, mang lại sức khỏe, sự sống cho nhiều người bệnh.

Sở dĩ, câu chuyện hiến/ghép mô, tạng luôn mang những âm hưởng thiêng liêng, cao cả và đặc biệt là bởi cứ một người được tiếp nhận thường đồng nghĩa với một người sẽ ra đi. Ý nghĩa đọng lại chính là ánh sáng, sức khỏe, sự sống mà những người ra đi gửi lại cho cuộc đời. Có những ca hiến mô, tạng thật đặc biệt: Người phụ nữ nghèo quanh năm chân lấm tay bùn hiến một quả thận cứu người mình không hề quen biết; những nhà sư lâu năm mới rời cơ sở tu tập, thờ tự, khi đi điểm đến của họ là tới bệnh viện hiến mô, tạng; những trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo vẫn dũng cảm, vui tươi tặng tại một phần cơ thể của mình cho người khác. Ngược lại, có tình huống khó khăn, các y sĩ, bác sĩ không thể lấy được mô, tạng từ người có nguyện vọng hiến vì gia đình không đồng ý, hoặc vì nhiều lý do khác…

Theo thống kê, có một sự trùng hợp khá đặc biệt, tại những thời điểm xuất hiện các nhân vật cụ thể, truyền cảm hứng tới cộng đồng như bé Hải An, diễn viên Quyền Linh, Hoa hậu Ðỗ Mỹ Linh… thì số người đăng ký hiến mô, tạng tăng đột biến. Ðiều đó, chứng tỏ, việc truyền cảm hứng rất quan trọng và cần được quan tâm, nhân rộng hơn nữa trong cộng đồng. Mỗi hành động tốt đẹp, tử tế như một ngọn lửa cần được nhóm lên, làm “mồi” cho nhiều ngọn lửa âm ỉ khác bùng cháy.