Văn hóa và đạo đức

Tấm lòng người mẹ kế

Khi nghe người dẫn chương trình dõng dạc mời bố mẹ chú rể, bà Ngự, ông Khắc chậm rãi bước lên sân khấu hội trường. Đứng trước đông đảo khách khứa, vợ chồng bà không giấu nổi niềm xúc động dâng trào.

Từng ấy năm về nhà chồng, làm mẹ kế, giây phút này để lại nhiều nỗi nghẹn ngào khó tả. Thế là bà đã thực hiện được ước muốn của người vợ đã mất của ông Khắc nhắn gửi lại lúc lâm chung. Còn nhớ, hơn 20 năm trước, bà Xuân, vợ đầu của ông Khắc mắc bệnh hiểm nghèo qua đời, khi ấy, bà Ngự còn là người giúp việc của gia đình. Trước khi “nhắm mắt, xuôi tay”, bà Xuân trăng trối nhờ bà Ngự thay mình chăm sóc ông Khắc, nuôi dạy cậu Ninh, lúc đó mới bốn tuổi, khôn lớn, trưởng thành!

Bà Ngự nghe vậy mà nước mắt lưng tròng. Rời quê lên thành phố, bà may mắn được gia đình ông Khắc gửi gắm niềm tin. Vốn tính thật thà chịu khó, bà chẳng nề hà việc gì, cặm cụi chăm lo cho gia đình ông bà chủ. Thời gian bà Xuân ốm đau, bệnh tật, ông Khắc yên tâm công tác vì có bà Ngự ở bên chăm sóc vợ giúp ông. Sau khi bà Xuân qua đời, ông Khắc ở vậy không đi bước nữa, bà Ngự vẫn ở lại giúp việc cho gia đình ông. Cu Ninh, con trai duy nhất của ông Khắc với bà Xuân thường ngày quấn quýt với bà Ngự như hồi mẹ còn sống, nhưng khi biết ý định của bố muốn lấy bà Ngự làm vợ lẽ thì cu cậu thay đổi tính nết. Cậu ta bày ra hàng loạt rắc rối cho bà Ngự, từ hành vi dại dột trẻ con, như lén bôi bẩn vào quần áo bà vừa giặt, đổ xà-phòng vào nồi canh, nhét bọ xít vào giường ngủ… đến thái độ ngang bướng trốn học, bỏ nhà đi lang thang để phản đối. Ngay cả họ hàng cũng tìm cách cản trở, cho rằng bà Ngự không xứng đáng vì chỉ là người giúp việc quê mùa quá lứa, nhan sắc bình thường, trong khi ông Khắc ít nhiều cũng là người có địa vị xã hội. Phải mấy năm sau, bằng tình yêu thương vô hạn, sự quan tâm hết mực dành cho hai bố con ông Khắc, bà Ngự mới nhận được sự cảm thông, chia sẻ từ Ninh và họ hàng ông Khắc.

Trải qua nhiều biến cố, khó khăn, cuộc hôn nhân của ông Khắc, bà Ngự cập bến bờ hạnh phúc, may mắn, bà vẫn sinh nở được cậu con trai, đặt tên là Nhật. Có con, bà Ngự thêm phần khó khăn trong việc ứng xử với con riêng của chồng. Bà khéo léo, ý tứ san sẻ tình cảm, quan tâm đồng đều, thậm chí, đôi lúc còn tỏ ra khắt khe với con đẻ hơn cả con chồng để Ninh không cảm thấy tủi phận. Bà chăm lo các con từng bữa ăn, giấc ngủ, nhiều hôm nhà mất điện, bà miệt mài ngồi quạt cho chúng ngủ ngon giấc. Thời gian Ninh sống ở ký túc xá đại học xa nhà, thỉnh thoảng bà Ngự sắp xếp thời gian tay xách nách mang đến thăm, động viên con vượt qua khó khăn. Có dịp, Ninh bị sốt xuất huyết nằm viện dài ngày, ông Khắc lại bận công tác ở miền trung, bà Ngự một mình trông nom cậu ở bệnh viện, còn lo toan việc nhà chu tất.

Tình yêu thương, tinh thần trách nhiệm, đức hy sinh cao cả của bà Ngự khiến cậu Ninh dần bỏ qua mặc cảm, gắn bó và yêu thương người mẹ kế như mẹ ruột. Tốt nghiệp ra trường, Ninh đi làm được gần hai năm thì quyết định lấy vợ. Ngày tổ chức hôn lễ của cậu, họ hàng, bạn bè hồ hởi chung vui, song có lẽ người xúc động nhất là bà Ngự. Nhìn đôi trẻ run run tay rót rượu mừng hạnh phúc trăm năm, bà cảm nhận cố gắng của mình đã được đền đáp xứng đáng. Những giọt nước mắt hạnh phúc cứ thế chảy tràn trên gò má nhăn nheo của người mẹ kế...