Sân khấu nỗ lực đổi mới bằng những phép thử

Trong suốt mười ngày diễn ra sôi nổi (từ ngày 4 đến 13-10), Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần thứ tư với sự tham dự của bảy đơn vị nghệ thuật quốc tế và 14 đơn vị nghệ thuật trong nước đã “chiêu đãi” công chúng Thủ đô bữa đại tiệc sân khấu ấn tượng. Các vở diễn ghi nhận nhiều tìm tòi, khám phá, đổi mới trong cả sáng tác, dàn dựng và biểu diễn.

Cảnh trong vở Cậu Vanya (Nhà hát Tuổi trẻ) - Huy chương vàng Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần thứ tư, năm 2019. Ảnh: HIỀN LƯƠNG
Cảnh trong vở Cậu Vanya (Nhà hát Tuổi trẻ) - Huy chương vàng Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần thứ tư, năm 2019. Ảnh: HIỀN LƯƠNG

Đạo diễn người Pháp A-lanh Đê-tăng-đô (Alain Destandau), thành viên Hội đồng giám khảo, người đã tham dự cả bốn mùa Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm tại Việt Nam đánh giá: Ở liên hoan năm nay, chất lượng và tính thử nghiệm nổi trội hơn hẳn, đặc biệt ở các đơn vị nghệ thuật Việt Nam. Cách thức hợp tác dàn dựng với các đạo diễn nước ngoài uy tín đã mở ra hướng đi hứa hẹn mang lại hiệu quả cao đối với các tác phẩm sân khấu, điển hình ở liên hoan này là vở Cậu Vanya (Nhà hát Tuổi trẻ) và Sự sống (Nhà hát Kịch Việt Nam). Nếu Cậu Vanya là sự làm mới một kịch bản kinh điển của thế giới bằng tư duy dàn dựng sân khấu hiện đại thì Sự sống là thử nghiệm thành công về một “không gian rỗng” với những sáng tạo trong chuyển động hình thể và tiếu tấu, nhịp điệu. Theo dõi liên hoan, còn có nhiều vở diễn của các đơn vị sân khấu trong nước khiến ngay cả những đoàn nghệ thuật nước bạn cũng phải bất ngờ. Đó là Thân phận nàng Kiều (Nhà hát Múa rối Việt Nam) với những tìm tòi đầy thú vị trong cách tạo hình nhân vật, xử lý không gian khi đưa Truyện Kiều lên sân khấu rối. Đó là Ngàn năm mây trắng (Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam) với sự kết hợp lần đầu của nhiều loại hình nghệ thuật như cải lương, chèo, hát xẩm, hát văn Huế trong cùng một vở diễn sân khấu. Nữ ca sĩ hói đầu (Đoàn kịch Lucteam) gây bất ngờ khi dùng ngôn ngữ ước lệ biểu hiện của sân khấu phương Đông để thể hiện tác phẩm kịch nói phương Tây; Mơ rồng (Nhà hát Múa rối Thăng Long) tạo ấn tượng khi phá vỡ giới hạn của không gian sân khấu rối với sự kết hợp của cả rối nước, rối cạn…

Trong khi đó, một số vở diễn của các đơn vị quốc tế tham dự cũng mang đến những tìm tòi đáng ghi nhận. Tiêu biểu phải kể tới Bpolar (Đoàn Nghệ thuật Ayit, I-xra-en) với việc áp dụng công nghệ 4.0 trong dàn dựng. Nhờ đó, không cần dùng nhiều đến ngôn ngữ thoại, các tình tiết kịch vẫn được thể hiện đầy thuyết phục thông qua ngôn ngữ hành động và những xử lý tinh tế từ ánh sáng, âm nhạc. Cánh đồng đẫm máu (Nhà hát Thessaly, Hy Lạp) lại ghi dấu bằng nghệ thuật trình chiếu để diễn viên tương tác với màn hình nhằm thể hiện những giai đoạn lịch sử… Có thể thấy, liên hoan đã mang đến một sân chơi mà ở đó, không chỉ khán giả được tiếp cận những phương thức biểu đạt sân khấu mới, mà những nghệ sĩ trong nghề cũng có cơ hội quý giá được giao lưu, học hỏi với các bạn diễn trong nước, quốc tế để tìm kiếm, sáng tạo những cách kể mới làm giàu hơn cho nghệ thuật sân khấu nước nhà.

Từ góc nhìn thử nghiệm, NSND Trần Minh Ngọc, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo nhìn nhận: Qua liên hoan, dễ nhận ra hầu hết các đơn vị nghệ thuật tham gia đều cố gắng mang đến những cách tân sân khấu. Tín hiệu đáng mừng là sân khấu Việt đang sở hữu một đội ngũ diễn viên có tài và khát vọng diễn, đủ sức thực hiện những yêu cầu tìm tòi của đạo diễn và là nguồn lực để thực hiện những thử nghiệm. Tuy nhiên, liên hoan cũng bộc lộ sự thiếu hụt lực lượng đạo diễn sân khấu Việt Nam. Có những vở diễn mang đi dự thi nhưng chưa thể hiện được những tìm tòi mới, vẫn chỉ quen một cách kể về nội dung, sự kiện trong khi có rất nhiều cách thể hiện. Sân khấu Việt cần thoát ra khỏi lối mòn trong cách kể chuyện và thử nghiệm chính là phương thức để khắc phục.

Bên cạnh công tác đón tiếp, sắp xếp biểu diễn, nỗ lực đáng ghi nhận của Ban tổ chức liên hoan năm nay là thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo tương ứng từng chặng diễn của các đơn vị. Nhờ đó, hội đồng giám khảo, các nhà nghiên cứu, ê-kíp sáng tạo có cơ hội được chia sẻ ý kiến nhiều chiều về từng tác phẩm. Có những vở diễn được đồng thuận trong khen-chê, song cũng có những vở diễn nhận về những ý kiến trái chiều. Điển hình như trường hợp vở diễn Nhật thực (Nhà hát Thế giới trẻ - Sân khấu Sen Việt), khi một số nhà nghiên cứu sân khấu trong nước nhìn nhận chưa có nhiều điểm mới nhưng các đoàn nghệ thuật nước bạn lại đánh giá khá cao. Tuy nhiên, thế mới thể hiện đúng tính chất của những “phép thử”. Có những phép thử thành công và thất bại, có cả những phép thử mà muốn đánh giá cần có độ lùi thời gian. Nhưng điều quan trọng là người làm sân khấu đã dấn thân để đi tìm những thử nghiệm. Đây là nỗ lực đáng trân trọng bởi thử nghiệm mới là chìa khóa để thay đổi trạng thái vốn đang trầm lắng của sân khấu trên hành trình chinh phục khán giả hiện đại.