Diễn đàn chủ nhật

Quyết liệt hơn trong xử lý vi phạm bản quyền

Ngày 18-2 vừa qua, Tòa án nhân dân quận 1 (TP Hồ Chí Minh) ra phán quyết sau phiên sơ thẩm vụ kiện tác quyền của bộ tranh truyện Thần đồng đất Việt, giữa nguyên đơn là họa sĩ Lê Linh và bị đơn là Công ty Phan Thị và Giám đốc công ty này là bà Phan Thị Mỹ Hạnh. Phần thắng thuộc về họa sĩ Lê Linh, người đã 12 năm theo đuổi vụ kiện, cho thấy những bất cập trong việc thực thi pháp luật về bản quyền tác phẩm trong lĩnh vực văn học nghệ thuật lâu nay tại Việt Nam.

Năm 2001, họa sĩ Lê Linh hợp tác với Công ty Phan Thị thực hiện bộ tranh truyện Thần đồng đất Việt. Tới năm 2005, ông phát hiện các nhân vật ở bộ truyện được Phan Thị đưa cho một số họa sĩ vẽ lại trong những ấn phẩm khác. Khi xác nhận lại bản quyền, thấy trong hồ sơ đăng ký bản quyền, bà Phan Thị Mỹ Hạnh cũng là tác giả các nhân vật trong Thần đồng đất Việt; năm 2007, ông gửi đơn kiện yêu cầu Phan Thị công nhận mình là tác giả duy nhất của bốn hình tượng nhân vật trong bộ sách. Theo họa sĩ Lê Linh, trong quá trình kiện tụng, vụ việc đã đi qua hai tòa án, thay đổi ba thẩm phán, mỗi lần thay đổi phải làm lại từ đầu các thủ tục tố tụng. Mãi đến ngày 18-2-2019, vụ việc mới kết thúc giai đoạn sơ thẩm, công nhận Lê Linh là tác giả duy nhất, bà Hạnh không phải là đồng tác giả; buộc Phan Thị chấm dứt việc tạo ra và sử dụng bốn hình tượng nhân vật trong Thần đồng đất Việt trên các biến thể khác, xin lỗi và bồi thường cho Lê Linh.

Sự việc này không phải lần đầu, hay hy hữu trong giới văn học, nghệ thuật. Lâu nay, nạn vi phạm bản quyền vẫn ngang nhiên tồn tại, và điều đáng buồn là việc xử lý vi phạm còn nhiều bất cập, cho nên hầu như khi “có chuyện”, các “khổ chủ” đều “tặc lưỡi” cho qua, ngại ầm ĩ va chạm hoặc không đủ thời gian, tâm sức và tiền bạc theo đuổi, dẫn đến vụ việc dần “chìm xuồng”. Còn nhớ, tháng 6-2015, chương trình “Quà tặng cuộc sống” trên VTV phát sóng tác phẩm Ba tôi, nói về tình phụ tử đầy xúc động. Tuy nhiên, câu chuyện, tạo hình nhân vật, lời thoại trong chương trình nêu trên gần như giống hệt chuyện Ba tôi của họa sĩ Thăng Fly từng sáng tác từ năm 2012 để tham gia một cuộc thi vẽ truyện tranh, nhiều tờ báo đã đăng lại, Công ty sách Skybooks xuất bản trong cuốn sách Cả nhà thương nhau. Phát hiện tác phẩm của mình chuyển thể thành hoạt hình mà không đề tên tác giả, Thăng Fly khi đó sống ở Nghệ An đã ra Hà Nội, tìm tới Công ty cổ phần Truyền thông Sunrise, đơn vị sản xuất chương trình “Quà tặng cuộc sống”, mong được đối chất. Tuy nhiên, đơn vị này đã không gặp trực tiếp Thăng Fly, đồng thời thông tin rằng, họ làm chương trình dựa trên truyện ngắn của một tác giả khác… Giữa lúc tranh cãi không hồi kết, mệt mỏi vì sự rắc rối, mất thời gian, lại không sống ở Hà Nội, cho nên họa sĩ Thăng Fly đã về Nghệ An, không tiếp tục theo đuổi vụ việc.

Hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ ở Việt Nam đã tương đối đầy đủ từ luật đến nghị định, thông tư; trong đó, Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2018, đã bổ sung một số nội dung mới về quyền sở hữu trí tuệ. Thời gian qua, Việt Nam đã ký kết và tham gia nhiều công ước quốc tế đa phương và song phương về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, như: Công ước Béc-nơ về bảo hộ các tác phẩm văn học, nghệ thuật; Công ước Brúc-xen về phân phối tín hiệu mang chương trình truyền qua vệ tinh; Công ước Rôm về bảo hộ người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, tổ chức phát sóng… Tuy nhiên, việc thực thi pháp luật về bản quyền, sở hữu trí tuệ ở nước ta từ lâu đã trong tình trạng đáng báo động; vi phạm bản quyền tiếp tục diễn ra tràn lan, gây thiệt hại kinh tế cho cả chủ sở hữu lẫn nhà sản xuất, cung cấp dịch vụ; làm giảm nhiệt tình, khát vọng sáng tạo của người nghệ sĩ. Nguyên nhân, trước hết bởi hạn chế trong nhận thức của xã hội về vấn đề này khi nhiều người không nắm được quy định của luật pháp; hoặc biết nhưng vẫn cố tình vi phạm, quen thói “xài chùa”. Bên cạnh đó là những bất cập, chồng chéo, đùn đẩy trách nhiệm trong phối hợp giữa các cơ quan chức năng; hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm còn nhiều hạn chế, chưa nghiêm. Đặc biệt, khi xảy ra tranh chấp, hầu hết các vụ việc chỉ giải quyết bằng xử phạt hành chính chứ ít khi được đưa ra tòa; hoặc khi ra tòa lại gặp nhiều vướng mắc, phần lớn thiếu cơ sở pháp lý giữa các đối tác khi làm việc với nhau, dẫn đến kéo dài thời gian khiến người theo kiện không đủ sức theo đuổi đến cùng…

Có thể thấy, việc đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức người dân trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ là cần thiết. Bên cạnh đó, ngay sau khi phát hiện sai phạm, cần đưa các vụ việc ra pháp luật và xử lý nghiêm minh. Muốn vậy, các tác giả, chủ sở hữu tác phẩm, sản phẩm cần chủ động trang bị kiến thức pháp luật, có ý thức tự bảo vệ và quyết liệt trong đấu tranh đòi quyền lợi của bản thân.